Cuốn sách của nhà kinh tế học đoạt Nobel

251

Tác phẩm của Milton Friedman xuất bản lần đầu vào năm 1962 và bị công chúng ghẻ lạnh. Gần 20 năm sau, ấn phẩm mới được tái bản và đón nhận rộng rãi.

Milton Friedman là nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Hoover, Đại học Stanford, giáo sư Kinh tế học danh dự đặc biệt Paul Snowden Russel tại Đại học Chicago. Ông nhận giải Nobel Kinh tế năm 1976 vì những đóng góp cho kinh tế học.


Nhà nghiên cứu Milton Friedman. 

Sách Chủ nghĩa tư bản và tự do của Milton Friedman được xuất bản lần đầu vào năm 1962 và bị công chúng ghẻ lạnh. Những quan điểm trong cuốn sách được cho là quá khác biệt, thậm chí đi ngược lại với quan điểm của công chúng. Sau 20 năm, nền kinh tế thế giới đã có những chuyển mình mạnh mẽ. Lúc này, cuốn sách được tái bản và được đón nhận rộng rãi.

Chia sẻ trong lời nói đầu cho ấn bản năm 1982, Friedman kể rằng lần xuất bản đầu tiên, nhóm người có tư tưởng như ông chỉ là thiểu số, bị đa số bạn bè học thuật coi là những kẻ lập dị, thậm chí 7 năm sau lần xuất bản đầu tiên, những quan điểm trong cuốn sách vẫn cách xa xu hướng chủ đạo tới mức nó không hề được bình luận trên bất kỳ tờ báo hay tạp chí lớn nào.

Ông viết: “Sự thay đổi lớn lao của bầu không khí học thuật trong một phần tư thế kỷ qua đã được chứng thực bởi sự đón nhận khác hẳn dành cho cuốn sách của hai vợ chồng tôi, Free to Choose (Tự do lựa chọn), sự kế thừa trực tiếp từ cuốn Capitalism and Freedom (Chủ nghĩa tư bản và tự do) này, khi trình bày triết lý cơ bản tương tự và xuất bản vào năm 1980”.

Theo ông, sự khác biệt trong thái độ đón nhận hai cuốn sách không nằm ở yếu tố chất lượng mà ở sự thay đổi trong quan điểm phổ biến của công chúng.

Friedman nhận định: “Những ý tưởng trong hai cuốn sách của chúng tôi còn lâu mới là tri thức chủ đạo, nhưng ít ra hiện giờ chúng được tôn trọng hơn trong cộng đồng học thuật và nhiều khả năng gần như đã được coi là lẽ thường với công chúng rộng lớn hơn”.


Sách Chủ nghĩa tư bản và tự do của Milton Friedman.

Trong cái nhìn của Friedman, sự thay đổi này là do trải nghiệm chứ không do lý thuyết hay triết lý nào. Theo đó, những cuốn sách như Chủ nghĩa tư bản và tự do đóng vai trò gợi lên các cuộc tranh luận, giữ những lựa chọn mở cho tới khi tình hình khiến thay đổi là cần thiết. Khi khủng hoảng xảy ra, những biện pháp đối phó sẽ dựa trên những ý tưởng đã trình bày trong sách.

Hai chương đầu của cuốn sách đặt vấn đề và giới thiệu ở mức độ trừu tượng, nặng về lý thuyết. Ở các chương sau đấy, Friedman mới áp dụng những nguyên lý đã trình bày vào những vấn đề cụ thể của nền kinh tế như: kiểm soát tiền tệ, tổ chức tài chính, thương mại quốc tế, chính sách tài khóa, giáo dục, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Các vấn đề Milton Friedman đặt ra trong sách không dễ để công chúng thời đó tiếp nhận. Để hiểu chủ nghĩa tự do trong sách của Friedman, độc giả cần hiểu theo đúng nguyên nghĩa của nó, tức là một học thuyết gắn liền với con người tự do.

Theo Lê Lam/Zing