Danh họa Picasso: Thời kỳ lam – Thời kỳ hồng

1142

Đan Thanh

Tặng TD

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong thế giới mỹ thuật, hẳn không còn một ai xa lạ với Picasso (1881-1973). Nhà danh họa tài năng hiếm có này trước hết là một họa sĩ nổi tiếng ở lĩnh vực lập thể (cubism) đồng thời cũng là thợ chạm, điêu khắc gia người Tây Ban Nha. Đến hoạt động mỹ thuật tại Paris vào năm 1904, họa sĩ đã làm đảo lộn nền nghệ thuật hiện đại và gây ấn tượng về sự phong phú tác phẩm qua nhiều giai đoạn: Thời kỳ lam – thời kỳ hồng (1901-1905), lập thể (Quí bà ở Avignon, 1906-1907); tân ấn tượng (neo-impressionism), 1920, và họa sĩ cũng đã thử nghiệm khuynh hướng siêu thực (surrealism) 1925-1936), biểu hiện (expressionism). Số lương phong phú họa phẩm của Picasso còn lưu nhiều tại Paris (Hotel Sale), Barcelona, New York, London…

Picasso và tác phẩm của ông

Vào một chiều tiết trời se lạnh của tháng 10 năm 1900, một chàng trai với khuôn mặt trễ dài khắt khổ, nước da ngâm ngâm, thân hình khá vạm vỡ và hơi thấp nhưng sắc bén ở đôi mắt, lần đầu tiên đến Paris với chiếc áo khoác dày che gần hết cổ và chiếc áo mưa vắt trên khuỷu tay. Chàng thanh niên ấy tên là Pablo Ruiz -Picasso, họa sĩ người Tây Ban Nha.

Picasso (1881-1973) sinh tại Málaga quê hương của chàng. Ngay từ lúc còn thơ ấu, cậu bé Picasso đã sớm được coi là thần đồng mỹ thuật, nổi tiếng ngay từ lúc tuổi mới lên tám qua các bài tập về hội họa tại trường mỹ thuật Málaga. Lần đầu tiên từ Barcelone đến thủ đô nước Pháp và lưu lại nơi đó hai tháng, khi đó Picasso mới 19 tuổi. Sau bốn lần đi lại, chẳng mấy chốc, Picasso ngộ ra được nhiều về con người và nhiều điều nữa từ đất Pháp. Từ đó, Picasso bắt đầu hòa nhập vào không khí hội họa mang tính cách khai phá ở Paris.

Tại xưởng vẽ của một bạn nghệ sĩ đồng hương nơi phố Montmartre, Picasso cũng vẽ nhiều trên bố, đáng chú ý là họa phẩm L’Arlequin et sa compagne (Anh hề và người bạn gái) tự trong đó đã thể hiện được chủ đề và cách thực hiện sê-ri tác phẩm mà về sau người ta xác định được tính cách của hai từ ngữ Thời kỳ lam (Époque bleue: 1901-1904). Chủ đề họa phẩm Picasso sáng tác trong giai đoạn này tập trung vào lớp người cùng khổ trong xã hội như kẻ hành khất, những em bé lang thang ngoài đường phố và những người đàn bà bất hạnh trong tầng lớp tận cùng xã hội.

Mới qua một kỳ nghỉ đầu tiên tại Paris từ tháng 5/1901 đến tháng 1/1902, Picasso cũng đã gây bao sững sờ cho bạn đồng nghiệp và các nhà phê bình Pháp qua sự phong phú tác phẩm và sớm thể hiện là một bậc kỳ tài cùng với cường độ lao động nghệ thuật ít có ở bất cứ một nghệ sĩ nào khác. Ta hãy tưởng tượng ra một họa sĩ chưa đầy hai mươi tuổi, theo như một nhà báo viết thời luận thời ấy, chàng đã hoàn tất mỗi ngày ba tấm tranh vẽ trên bố. Chính Ambroise Vollard đã trưng bày 75 bức tranh của nhà họa sĩ tài danh trẻ tuổi này vào thời ấy (24/06/1901). Cùng trong năm, Picasso thực hiện tiếp các họa phẩm chân dung theo phong cách lam. Rồi đến vài tác phẩm khác như Maternités (Tình mẹ con – 1905), L’Enfant au pigeon (Em bé với chú bồ câu – 1901), Toilette (Tắm rửa cho em bé – 1905) từ đó người ta nhận ra được nét vẻ mỏng manh mô tả người đàn bà trong bồn tắm nơi phòng vẽ nghèo nàn lúc bấy giờ của nghệ sĩ nơi đại lộ Clichy. Một Arlequin (Chú hề) với nhân vật trong tranh đói khát, chống khuỷu tay trên bàn cà phê và trong một tư thế gần như đồng nhất, những Buveuses (Những người đàn bà nghiện rượu) ù lỳ rời rã bởi rượu ap-xanh và cảnh túng cùng bế tắt.

Vào năm 1902, Picasso sáng tác hai tác phẩm: Femmes au bar (Những người đàn bà nơi quán rượu) với hình ảnh những người phụ nữ nghiện ngập, chán đời, chếnh choáng với ly rượu giúp họ quên đi khoảnh khắc phù du. Tác phẩm Femme assise (Người phụ nữ ngồi) với hình ảnh người đàn bà xếp đôi cánh tay gầy guộc lên chiếc bụng trống không. Hay tác phẩm Repasseuse (Chị ủi đồ), Nu vu de dos (Khỏa thân lưng) và rất nhiều hình ảnh khác trong tranh của họa sĩ thể hiện những cảnh đói nghèo, đau khổ đa phần được thực hiện tại Barcelone, nơi mà họa sĩ đã trụ lại 10 tháng. Tháng 10/1902, người ta lại thấy Picasso xuất hiện tại Paris, với dáng vẻ tiều tụy khổ ải với cái lạnh cắt da và nỗi cô đơn cùng cực. Trốn chạy cái giá rét của mùa đông khắc nghiệt ở Paris, Picasso đáo về Barcelone. Nơi đây, chàng lại miệt mài lao động để mong lãng quên nỗi buồn tê tái. Chính giai đoạn này đã khắc đậm dấu ấn nghệ thuật của chàng với những tác phẩm: Célestine, Vieux Juif (Lão già Do Thái), Pauvres au bord de la mer (Những người cùng khổ nơi bờ biển), Étreinte (Siết chặt) và bức họa phúng dụ về cuộc đời: Vie (Cuộc đời).

Tháng 4/1904, Picasso quay lại Paris và lần này chàng cương quyết định vị luôn cuộc sống mình tại đất Pháp. Chàng sống tại Ravignan, trong căn nhà tồi tàn mà nhà thơ Max Jacob từng đến đây rửa tội. Tại nơi đây, Picasso vẽ tác phẩm Femme à la corneille (Người đàn bà với con quạ), Deux soeurs (Hai chị em), những tác phẩm nổi tiếng hôm nay. Bởi đó là những tác phẩm kinh điển sau cùng theo phong cách lam. Thế thì tại sao gọi là lam? Vì lẽ hiển nhiên là màu này chiếm ưu thế trong tất cả bức tranh nói trên. Trong vài tác phẩm như: Deux soeurs, không tìm thấy trong đó những gì khác màu lam. Chỉ thuần với một màu lam. Nhưng bởi lý do nào Picasso đã sử dụng nó một cách hệ thống như vậy. Không có một câu trả lời thỏa đáng nào được đưa ra từ đó. Tuy nhiên chúng ta hãy quan sát rằng, trong suốt một đời theo nghiệp vẽ của nghệ sĩ, khi chàng đi kiếm tìm cho được cường độ biểu hiện, khi chàng nâng lên cao điểm cái sắc màu thảm thiết, Picasso chỉ còn trông nhờ vào một gam màu thật cô đặc: (L’Atelier de la modiste: Xưởng làm của người bán mũ phụ nữ – 1926, Guernica: Nội chiến – 1937). Rồi thì cũng rất cần phải chấp nhận là không có màu nào hơn màu xanh, và cũng cần nói thêm, cái màu lam tái như ánh trăng này rất thân thiện với Picasso.

Tuy nhiên, màu lam không phải là đặc tính chung duy nhất cho các họa sĩ thời đại này. Một đường vạch cứng cáp, góc cạnh, co giãn, những hình dạng bị kéo dài thái quá và bị làm mỏng đi (Những bàn tay với ngón dài trong tác phẩm: Portrait de Jaime Sabartes, Chân dung của Sabartes, và trong Femme à la Corneille, chân tay quá mỏng manh trong Deux soeurs và những khuôn mặt hốc hác, những thân hình mãnh dẻ và nhợt nhạt, tứ chi vặn vẹo, còm cỏi, những tư thế ảo não gầy ốm phô ra giữa ánh sáng nhợt nhạt, là cũng chừng ấy hình ảnh sầu muôn của cuộc đời. Đó là một thế giới của người khuyết tật, của kẻ hành khất, của những người mất thừa kế đáng thương hại vì phải cam chịu, của những con người phải hứng lấy muôn vàn nỗi khắt khe, bởi sự trung gian từ đó nghệ sĩ nói lên kinh hoàng, nỗi chán chường cảnh khoái lạc cùng với tấm lòng đau đáu lo lắng cho con người, ưu tư về điều mà nghệ sĩ đã từ bỏ sáng tác theo đối tượng ngoài con người như phong cảnh, hoa trái… Chủ đề ưa thích của Picasso vốn là những con người bị hất hủi, ruồng bỏ, phản ánh của sự khô cạn, nơi mà chàng đã múc hết nếu không ở trong truyền thống của quê hương chàng, trong căn phòng đợi cái chết nơi đó bao nhiêu họa sĩ Tây Ban Nha đã mang đến cho họ những món quà tang tóc trước chàng.

Nếu cảm hứng của Picasso dễ dàng phân biệt được, thì khó mà nhận rõ ảnh hưởng nghệ thuật mà chàng đã chịu. Và nó đã hình thành phong cách của chàng: gần gũi với Greco, trào phúng kiểu Montmartre, Lautrec, Steilen, Bottini; từ tính cách tượng trưng theo Gauguin và Sérusier, và bao nhiêu nữa… Nhưng nếu những ảnh hưởng ấy có tính quyết định thì khó mà bóp chết cá tính  của chàng, nó chỉ kích thích mạnh mẽ ý chí thống trị ngay từ tuổi hai mươi cho đến hôm nay vốn được coi là đam mê bất biến của chàng: tính không kiên nhẫn, hay thay đổi, phức tạp và dễ mâu thuẫn.

Sau muôn vàn cay đắng, oán hận, căng thẳng ở nghệ sĩ, ta hiểu được rằng Picasso đã thử thách qua nhu cầu xã hội, làm dịu đi tính quá nhạy cảm của chàng.

Với sự thỏa mãn bi thảm cho nỗi buồn, cảnh đói nghèo, sự bất công về số phận con người, từ đó Picasso quay sang, vào cuối năm 1904, đường lối nghệ thuật kiểu cách rất ê-lê-găng: đó là thời kỳ hồng (Époque rose) không phải vì nhà họa sĩ của bức tranh Vieux guitariste (Lão già đánh đàn gui-ta) được báo trước ngay khi vừa được nhìn đến, như người ta từng nói, cuộc sống đầy hoa hồng, mặc dù Picasso bắt đầu phát hiện ở nó có cái gì quyến rũ, dịu dàng nhưng tất cả đều đơn giản. Bởi vì đó là màu hồng, chủng loại sắc màu ngự trị trong tranh của chàng bây giờ. Nếu mắt chỉ thoáng nhìn sắc hồng trong vài tác phẩm, sẽ thấy màu đó phối ngẫu với màu lam để làm giảm nhẹ bớt tính cách nghiêm khắc khô khan trong các tác phẩm: Garcon à la collerette (Cậu trai mang áo cổ xếp) hay trong Chevaux au bain (Ngựa tắm)…

Những cảnh cùng khốn bi thương, người ăn xin mù lòa, những đứa trẻ ốm tong teo, kẻ lang bạt đói khát trong tác phẩm của Thời kỳ lam được xóa sạch trước những chú hề, những diễn viên xiếc, các nghệ sĩ biểu diễn ngoài đường phố… trong đó thể hiện ít đi nỗi đau và thảm kịch hơn… Sự chọn lựa chủ đề làm nổi bật đôi khi sự phát triển tính cách đạo đức và điều quan tâm, lo lắng cụ thể của nghệ sĩ. Sắc hồng mà thi sĩ Goethe đã thêm vào trong bảy màu căn bản của quang phổ, người ngộ đạo coi như tượng trưng cho sự hồi sinh, đã cho vào nghệ thuật phối hợp màu sắc của Picasso một sự hài hòa có hương vị bất ngờ. Bức tranh, có nét mềm mại, ít vẻ biếm họa mà mang nhiều nét cổ điển.

Một đề tài vừa thai nghén trong óc, một bố cục chặt chẽ và đầy đủ, một cách nhìn khách quan, lạc quan hơn. Ta hãy xem lại các tác phẩm: Mère et son enfant (Mẹ và con), biết bao là dịu dàng thể hiện trong cử chỉ âu yếm của người mẹ khi nghiêng nhìn xuống đứa con mới sinh đang nằm trong lòng mình! Và biết bao nét duyên dáng của tuổi thanh xuân thể hiện trong Jeune fille à la corneille (Em gái với con quạ) và Garcon à la collerette (Cậu bé mang cổ áo xếp) được sáng tác cách quãng trong nhiều tuần mà vẫn tập trung hòa hợp, không phân hóa về giới tính cùng vẻ thanh lịch hào hoa của phong cách nghệ thuật, với cùng một thứ ánh sáng nhẹ nhàng, mượt như nhung.

Mùa hè 1906 đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp không còn nghi ngờ gì nữa, có thể giải thích bằng tính bồn chồn, bấp bênh của tuổi thơ (lúc này Picasso vẫn chưa được 25 tuổi), cái tuổi chưa xác định được gì về một sự dừng bước. Đây là nỗi lo sợ canh cánh cùng sự tuyệt vọng của con người cô đơn. Đó là khát vọng yêu thương từ một cử chỉ dịu dàng cần thiết hay tính thanh liêm để thành niềm vui thế kỷ. Nhưng ngay khi mà những đam mê được giải thích cho một đối tượng nào hay trong tâm thức sâu kín đầy tham vọng được xuất phát từ thoáng nhìn qua bài học Cézanne con đường mà chàng thầm lặng kiếm tìm và sẽ đưa chàng đến khuynh hướng Lập thể (Cubism), Picasso sẽ từ bỏ hình thức xưa cũ với những hư cấu tự nhiên giả tạo trong nghề nghiệp.

Thời kỳ lam – thời kỳ hồng, tất cả nhược điểm rõ ràng về một xã hội bất ngờ mà nghệ sĩ là một kẻ xa lạ trước nó. Tác phẩm của hai thời kỳ ấy đã cho thấy sự sốt ruột sắp sửa nhân lên để thỏa mãn thời đại chúng ta, làm chưng hửng và mê hồn nó. Năm năm trong sự nghiệp nghệ thuật lâu dài và phì nhiêu sẽ không phải là những gì gặt hái được nhiều trong vinh quang của Picasso mà chúng ta nhìn được hôm nay bằng một sự ngưỡng mộ kín đáo thân tình. Bởi vì đó là tài hoa và uy tín của những anh hùng trẻ tuổi trong nghệ thuật và tư tưởng. Còn thanh xuân và cũng chưa có gì nhiều ở họ, trừ phi là sức mạnh làm nảy mầm lên từ hạt giống tốt và lời hứa hẹn sắt son đảm bảo tương lai rực rỡ như một chân trời bình minh phía trước.

Đ.T

  * Tác giả vẫn sử dụng cơ bản tiếng Pháp cho tên tác phẩm, vì họa sĩ Picasso thời ấy hoạt động mỹ thuật trên đất Pháp.

– Bài viết được tổng hợp từ các tài liệu mỹ thuật:

  • Tự điển mỹ thuật – Hà Nội.
  • Tìm hiểu hội họa – Đoàn Thêm (NXB Nam Chi tùng thư – Sài Gòn 1962).
  • Tạp chí mỹ thuật – Hà Nội (từ 1975).
  • Tạp chí mỹ thuật – Thành phố Hồ Chí Minh (từ 1975).
  • Tạp chí Phổ Thông (trước 1975, Nguyễn Vỹ chủ biên).
  • Những khuynh hướng chủ yếu của hội họa tư sản hiện đại – NXB Văn hóa Hà Nội, 1978.
  • Các tài kiệu tiếng Anh, Pháp, Đức, Việt… viết về Van Gogh, Picasso, Cézanne, Kandinsky, Modigliani… của NXB Fernand Hazan-Paris VI, 1963.
  • L’art moderne (Nghệ thuật hiện đại) – Joseph Émile Muller, 1963.
  • Nghệ thuật Mô-đec và Hậu Mo-đec – Lê Thanh Đức – NXB Mỹ thuật, 2003.
  • Kiến thức ngày nay – số 907 ngày 20 tháng 10 năm 2015