Đôi dòng về Mặc nhiên của Dung Thị Vân

865

16.12.2017-22:00

Tập thơ Mặc nhiên của Dung Thị Vân

 

Đôi dòng về “Mặc nhiên”…

 

BÙI NGUYỄN TRƯỜNG KIÊN

 

NVTPHCM- Đọc bằng hết cả một tập thơ với cả năm bảy chục bài (kể cả thơ của mình) trong một lần là một điều “phi thường”. Tất nhiên, tôi cũng chẳng hề làm được cái điều phi thường ấy, khi mà cần phải đọc để có đôi dòng về tập thơ có tên Mặc nhiên của nhà thơ Dung Thị Vân. Phải nhiều lần, trong suốt gần một tuần lễ tôi mới đọc hết 81 bài trong tập thơ ấy.

 

Đã từ lâu ai cũng biết, thơ lục bát tưởng là dễ nhất, nhưng nếu bút lực non, sẽ hóa thành bài-vè-sáu-tám mà người đọc sẽ vừa thấy “tội” cho mình, vừa “tội” cho người viết và “tội” cho một thể thơ. Đọc những bài lục bát của Dung Thị Vân trong Mặc nhiên, tôi có cảm giác ngược lại – sự vững tay của chị đối với một thể thơ khó mà chị thể hiện trong một số bài.

 

“Nếu đem lục bát ra phơi

Mặt trời sẽ đọc những lời điêu ngoa

Ngẫm ra – đâu cõi ta bà

Chỉ là quán trọ – người ta tựa đầu”

Mặc nhiên áo gấm khuy cài

Mặc nhiên nhung lụa trang đài khóa then

Này em nâng cánh hồng sen…

 

                  (Mặc nhiên)

 

Hoặc:

 

Nhớ em khuyết ngọc môi mềm
Ngàn niên nguyệt nở bên thềm tâm trinh

 

               (Khuyết ngọc môi mềm)

 

Cũng là thể thơ ấy, song nhà thơ đã “biến tấu” lục bát thành những nhịp điệu khoan nhặt không như kết cấu sáu – tám cứ bình bình như xưa nữa:

 

“Em về. Đường cũ. Kênh kiêu

Tôi đi.

Tím tái những điều thế nhân

Vo câu hẹn ước

Khoanh lần

Vắng em

Lời cũ rũ tàn cõi hoang”

 

       (Một giấc nhàu mi)

 

Thơ chị cũng khá phong phú về âm điệu:

 

“Buổi sáng

– thinh câm

Buổi sáng

– sâm cầm

Cắn từng

– giọt mực

Gọi tình

– trăm năm”

 

    (Sáng)

 

Bài Em sẽ là (trang 10-11-12-13) tôi đọc và thấy nét mới – thật ít chữ, không cần vần điệu, và với những khoảng-trắng-còn-lại thật nhiều trên trang giấy đã làm cho bài thơ của chị trở nên mới và lạ hơn. Từng con số hiện lên với nội dung được liên tục chuyển mạch như thế, cảm xúc cứ thế dâng tràn…

 

Từ những “Em sẽ là” bé nhất như “những tế bào”, “những sợi tóc”…

 

1.
“Em sẽ là 
những tế bào
– phủ kín trái tim anh”

2.
“Em sẽ là 
những sợi tóc 
– để được cùng anh nắng mưa sương gió”

3.
“Em sẽ là 
hơi ấm
– để được nồng nàn trong giấc mơ anh”

 

Cứ thế lớn dần lên đến…

 

7.

“Em sẽ là

tình yêu

– để suốt đời không bao giờ anh đánh mất”

 

Mãi cho đến 10. Mới kết thúc.

 

Có lẽ nhiều độc giả đã từ lâu đọc thơ của Dung Thị Vân đều biết rằng, từ lạ trong thơ chị xuất hiện khá nhiều.

 

Trong tập Mặc nhiên – bốn câu kết trong bài Phúc nguyên chị đã dùng từ “bạc” rất lạ, rất khéo khi gắn với lá. Bởi xưa nay người ta thường chỉ nói đến lá xanh, lá vàng, lá đỏ… chứ màu bạc dường như chưa ai gắn với màu của lá.

 

“Mới hay xanh đỏ bao xuân
Mới hay lá bạc mấy lần đổi thay”

 

Song ở đây, chúng ta có thể hiểu, tác giả không chỉ nói đến sắc màu, mà còn gắn từ “bạc” ấy với một tầng nghĩa khác – bạc lòng! Để rồi, sau cái nỗi đau về sự đổi thay của nhân tình thế thái ấy, nhà thơ đã liền ngẫm đến cái nghiệp mà mình đã và đang vận vào mình – nghiệp thơ, mãi khóc cười, say tỉnh với đường đời hun hút…

“Câu thơ tròn méo trả vay
Ngược xuôi vạn dặm – tỉnh say – khóc cười?”

 

Trong Bài thơ dâng Bố thật đắt với từ “rét mun lòng” – cái lạnh giá từ trong tim lạnh ra đã làm cho nỗi nhớ thương (của con đối với người cha đã khuất núi) ấy trở nên kinh khủng: rét đen (mun) cả lòng! Và như Vân đã tâm sự, cái lạnh giá ấy càng buốt đau hơn, khi chị đang ở thật xa nơi chôn nhau cắt rốn của mình – trời tây:

 

“Hôm nay 
gió chuyển mùa xao xác
Cái lạnh trời tây 
rét mun lòng”
 

Tuy nhiên, có những từ mà chúng ta chưa nghe hay đọc thấy ở đâu, như “trường thinh”, “nâu bờ”, “thơ kinh đoài”, “giọt tà”, hay “vốc hạt ậm ừ” dưới đây:

 

“Ta luận chữ tình

– trong càn khôn vũ trụ

Luận chữ bạn hiền

– trong vay trả trường thinh”

               (Cỏ quế)

 

“Em xa
giờ đã nâu bờ
Ngồi đây
ta nghẹn lời thơ kinh đoài
Đường về
khâu sợi chỉ mai
Gót chân
kiêu bạc hai vai 
phủ điều”

 

   (Nâu bờ)

 

Hoặc:

 

“Này em môi mắt thiêu người

Tỉnh mê gượng gạo nụ cười chênh chao
Giọt tà phủ ngọn nam cao
Tình như ngàn lá đi vào đông phong”


“Sớm mai choàng giấc mơ nồng
Mới hay hoa cỏ ai trồng tương tư
Tay em vốc hạt ậm ừ

Cõi sương hai nắng hình như anh là”

                       (Vốc hạt ậm ừ)

 

Ngôn ngữ theo thời gian luôn tự làm mới mình, bằng những từ (ngữ) mới lạ thông qua cách nói, cách viết được bật ra và lưu chuyển trong dòng chảy của đời sống. Có thể nói, hàng ngày, hàng giờ những từ (ngữ) mới xuất hiện ở khắp mọi quốc gia, lãnh thổ, dân tộc trên thế giới; song những từ ngữ ấy có “đứng” được trong cộng đồng hay không lại là một chuyện khác.

 

Những từ lạ trong thơ Dung Thị Vân khiến người đọc phải… dừng lại, rồi… đọc lại, rồi… tự hiểu và cảm – dựa vào các từ ở phía trước hoặc sau những từ lạ ấy. Nếu những từ lạ làm cho cảm xúc của người đọc được dâng trào, thì nhà thơ đã thành công.

 

Tương tự, từ “hạc huyễn”, “sương ráng”, “chiều miên hậu” trong đoạn thơ dưới đây làm cho người đọc mỉm cười thích thú khi những từ mới, lạ ấy xuất hiện làm cho ta có cảm giác mình hiểu (mà không hiểu) hoặc ngược lại, mình không hiểu (mà hình như là hiểu). Bởi dẫu sao thì cả đoạn, hay bài thơ ấy người đọc hiểu tác giả muốn gửi gắm điều gì.

 

“Anh quay đi
Giấu nỗi buồn hạc huyễn
Nơi ghềnh non 
Sương ráng mộng trăm điều

Em trói chân anh một chiều miên hậu
Nương men đồi con dốc hóa phong ba”

 

                          (Hạc huyễn)

 

Sau này có dịp chắc chắn tôi sẽ hỏi tác giả về từ “xanh ước miên” có nghĩa là gì. Bởi ba câu trên thì hiểu rõ mồn một, mà câu thứ tư lại làm cho tôi… bí rị!

 

“Em hứa với lòng thôi sẽ quên
Bởi vì gặp gỡ đã không duyên
Nhớ chi ánh mắt anh đau khổ
Mà trói tim mình xanh ước miên”

 

                 (Kết tuổi học trò)

 

Song, thú vị ở thơ của nhà thơ Dung Thị Vân chính là những từ, những ngữ ấy. Thơ mà cứ quen quen, cứ trôi đi dễ dàng, cứ trơn tuột như gió thổi qua hè… thì còn gì là thơ. Tôi nghĩ vậy.

 

Dường như đã làm thơ thì không nhà thơ nào có thể bắt trái-tim-thơ của mình băng giá được. Thơ tình luôn có chỗ đứng trong các tác phẩm của mọi nhà thơ. Và với Dung Thị Vân cũng thế.

 

“Nuối tiếc” luôn là đề tài giành được quyền ưu tiên trong các thi phẩm. Phải chăng đó cũng là quy luật tất yếu của cuộc đời – cái mình mất đi rồi mới thấy có giá trị, hoặc “vết thương tình” thì chẳng bao giờ được chữa lành (!?).

 

“Bốn nẻo âm u mường sương giá
Em tưởng đông về – ơ chưa thu
Sao tim em buốt khi đương hạ
Sao bóng người yêu đã mịt mù”

 

            (Anh trong suối mê)

 

Đau xót đến nát tan. Và cũng từ đó… thơ bay lên:

 

“Đêm nay em nói lời tha thiết
Tim ứa giọt bầm lòng nghẹn uất trào dâng
Anh đã bóp tim em nát ngàn trăm mảnh
Xin lỗi điều gì trời đất cũng hoang mang”

 

                (Giọt chảy chẳng kịp chờ)

 

Dẫu tác giả đặt cho cái tên là Vĩnh biệt tình anh nhưng nội dung bài thơ đã “tố cáo” rằng, làm sao mà vĩnh biệt cho được cuộc tình ấy… Thơ cũng là chỗ ấy, cách đặt tựa.

 

“Ta muốn khóa tên anh
Thì bóng anh càng rộng
Ta muốn quên anh
Nỗi nhớ lại dày thêm”

 

     (Vĩnh biệt tình anh)

 

Xuyên suốt cả tập thơ, tác giả dường như dành nỗi lòng của người con mất mẹ trong khá nhiều tác phẩm. Những bài thơ ấy hoặc được chọn lọc xuất hiện, hoặc tình cờ ngẫu nhiên theo thời gian sáng tác, cứ thỉnh thoảng lại như tiếng nấc khẽ mà âm vang đến xót xa.

 

Một tình yêu đau đáu mà chị dành cho mẹ…

 

“Con thấy mẹ trong mơ áo dài xanh lấp lánh
Một mùa qua mẹ bỏ thế gian đầy

Rét tha phương 
vỡ mùa xuân đương thắm
Con cúng bài thơ 
khóc mẹ những lặng thầm

Chiều nay 
con khấn ngày giỗ mẹ…
Là những bài thơ 
dạ xót bạc chiều”

 

      (Sa dòng)

 

Hết khóc rồi lại hờn – hờn vì quá yêu mẹ:

 

“Bây giờ trả hết miền thiên mệnh
Con dõi một bờ đội cả nắng mưa
Bến ấy hội hoa mẹ áo the quay mặt
Con dại bến bờ tát nắng cả mùa xuân”

 

           (Tưởng mẹ thấy mùa xuân)

 

Và rồi lại khóc:

 

“Đêm bủa vây 
Mặc đèn soi
Vàng thao thức
Mẹ mất rồi – mà nước mắt mãi rưng rưng”

 

                        (Bóng đêm)

 

Ngày xưa còn mẹ chưa chắc gì đã mỗi thứ mỗi kể cho mẹ nghe (nhất là những khi nhà thơ buồn), nhưng nay mẹ không còn thì lại muốn kể cho mẹ nghe mọi thứ…

 

“Mẹ ơi nào những vàng son
Đường xuân gẫy khúc héo hon lạ gì”

 

“Cuối trời nhìn lại nẻo đi
Mẹ ơi chiều nhuộm vai ghì con đau”

 

             (Chải những âm u)

 

Nỗi đau mất mẹ luôn là nỗi đau lớn nhất:

 

“Dưới mộ nông sâu
Mẹ ơi có biết
Giọt bầm đau
Con đã nhuộm kín tinh cầu”

 

           (Giọt lệ bầm)

 

Và chị cũng không quên người cha đã từ lâu đã đi về miền đất lạnh:

 

“Giang hà sâu thẳm lòng con mãi
Vọng ngày giỗ bố

lệ tràn mi”

 

   (Bài thơ dâng Bố)

 

Tập thơ Mặc nhiên mà tác giả đã dày công với biết bao tình yêu mà chị đã dành cho những vần điệu mới kết thành, thì với đôi dòng tôi chẳng thể nói hết những điều muốn nói.

 

Chúc cho nhà thơ Dung Thị Vân luôn vui, khỏe để có thêm những tác phẩm mới gửi đến những người yêu thơ.

 

Sài Gòn, 17g47 – Chủ nhật, 26.11.2017

 

 

>> Thèm hương chẳng phải từ hoa

>> Ca dao và mẹ và con

>> Yên định cánh chim bằng

>> Viết phóng sự điều tra

 

 

>> XEM TIẾP THẾ GIỚI SÁCH…