Việt Nam là một đất nước từng chịu đựng chiến tranh triền miên. Những cuộc chiến tranh gần nhất không chỉ đeo đẳng kí ức những người tham chiến, những nhân chứng còn sống, mà còn lưu lại trong kí ức tập thể của cả cộng đồng. Văn chương góp phần không nhỏ trong việc bồi đắp kí ức cộng đồng đó. Cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì qua đi để lại một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ. Chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới Tây Nam tuy không kéo dài đằng đẵng nhưng cũng đầy ám ảnh như mọi cuộc chiến tranh, và người ta vẫn viết về chúng không ngừng. Từ những tác phẩm đầu tiên ra đời trong khói lửa chiến trường Campuchia, dòng văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam sau hơn bốn mươi năm vẫn góp nước để dòng chảy lớn của văn học chiến tranh nói chung chưa bao giờ thôi cuồn cuộn trên đất nước này.
Là thể loại của cảm xúc, thơ ca xuất hiện sớm hơn cả, nở hoa từ khói lửa chiến trường, làm bệ đỡ tinh thần cho người lính và xoa dịu đau thương còn nóng hổi. Tiêu biểu cho mảng này phải kể đến những bài thơ của Phạm Sỹ Sáu khi tác giả còn chiến đấu ở chiến trường K như Điểm danh đồng đội, Hành tráng sĩ mới, Ra đi từ thành phố, Gửi bạn bè làm xong nghĩa vụ, Với Poi Pét mùa mưa… Những vần thơ ấy mang đậm tráng khí, nét hào hoa của thơ ca ra trận bao đời trước và cái giản dị, đôi khi bỗ bã, hóm hỉnh của thơ ca từ chiến trường chống Pháp, chống Mĩ chưa xa.
Tráng sĩ không bơi qua sông
Tráng sĩ đi bằng đường không
Tráng sĩ đi bằng xe khách
Tráng sĩ lên đường lòng hề mênh mông, mênh mông
(Hành tráng sĩ mới)
Ngợi ca ý chí chiến đấu và lí tưởng anh hùng, khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh, mô tả sự khắc nghiệt của chiến tranh bằng bút pháp hiện thực, khắc họa người lính bằng nét bút lãng mạn, nhấn mạnh ý thức công dân và ý thức thế hệ, những vần thơ thời này không chệch khỏi quỹ đạo của thơ ca xung trận, có giá trị cổ vũ tinh thần rất lớn cho người lính ở chiến trường. Thế nhưng bên cạnh đó, thơ ca của những người lính trẻ từ chiến trường biên giới Tây Nam không giấu được một chút u hoài riêng – điều ít thấy trong thơ ca viết ở chiến trường chống Mĩ.
Trong thơ ca thời kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ, thường những người lính mạnh mẽ ra đi và chỉ hẹn trở về khi chiến thắng. Họ sẵn sàng hiến dâng đời mình cho lí tưởng vĩ đại, trải cả tuổi xuân ở núi rừng hay chiến trường ác liệt để hoàn thành mục tiêu trong tương lai. Họ cũng có chút nao nao buổi lên đường, có thương nhớ quê nhà, thao thức nhớ người yêu, có lo sợ cái chết và mất mát…, nhưng trước mắt họ chỉ có một lựa chọn, một con đường “Trở về trở về chiếm lại quê hương” (Chính Hữu) hay “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước” (Phạm Tiến Duật). Còn đến lượt người lính Tây Nam thì họ lại có thời hạn nghĩa vụ, có lựa chọn thứ hai trong hành trình của mình, vì vậy thơ viết về họ cũng phản ánh chút bâng khuâng giữa hai bức tranh đời trong lòng người lính. Hình ảnh anh lính Tây Nam trong thơ Phạm Sỹ Sáu không ít lần hiện lên với cảm giác bơ vơ. Khung cảnh chiến trường thường được khắc họa trong thế song song với bức tranh thành phố, yếu tố biên giới được nhấn mạnh, bên này vừa nguy hiểm vừa xa lạ, bên kia sôi động, ấm áp và thân quen. Điều này không làm giảm giá trị hình tượng người lính Tây Nam, mà phản ánh chân thực tâm trạng của một thế hệ chiến sĩ khác trong một hoàn cảnh khác, đồng thời cũng biểu hiện sự manh nha chuyển dịch cách viết về người lính trong văn học sau 1975, khi mà các nhà thơ, nhà văn dần rời bỏ tư duy sử thi, bắt đầu khắc họa người lính với nhiều chiều kích cá nhân hơn, do đó, cũng khiến người lính trở nên đời hơn.
Bên cạnh thế hệ nhà thơ trẻ của chiến trường K vừa cầm súng vừa làm thơ như Phạm Sỹ Sáu, Lê Minh Quốc, Cao Vũ Huy Miên… những năm tháng trong và ngay sau chiến tranh biên giới Tây Nam, còn có sự góp mặt của nhiều nhà thơ đã nổi danh từ trong chiến tranh chống Mĩ với những trường ca mang âm hưởng sử thi hùng tráng như Oran 76 ngọn và Campuchia hi vọng của Thu Bồn, Sông Mê Kông bốn mặt của Anh Ngọc… Đây cũng là thời kì nở rộ của trường ca trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại. Chứa đựng tầm nhìn của những người từng trải nghiệm hai cuộc chiến và thể hiện đặc điểm của thể loại trường ca, những tác phẩm này đa phần khắc họa chiến tranh biên giới Tây Nam ở tầm khái quát, giàu chất triết lí, có tính liên kết cao. Đó có thể là sự liên kết theo chiều dọc, nối những thế hệ người lính với nhau, từ người anh hùng làng Gióng, người chinh phu, đến thế hệ trường chinh chống Mĩ, và chốt lại ở thế hệ chiến trường K; hoặc liên kết theo chiều ngang, nối hai quốc gia dân tộc cùng chịu đau thương bởi quân Pol Pot tàn bạo. Vẻ đẹp của đất nước và con người Campuchia được khắc họa và ngợi ca trong những trường ca này, từ đó khái quát tình đoàn kết giữa hai dân tộc cùng trải chung một niềm đau sinh tử, đồng thời khẳng định tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh mà những người lính tình nguyện Việt Nam đang ngày đêm chiến đấu, vừa bảo vệ quê hương mình, vừa thực hiện nghĩa vụ quốc tế với đất nước láng giềng giàu vẻ đẹp tinh hoa nhưng đang oằn mình trong thảm họa: Anh vừa qua ba cuộc chiến tranh/ Máu cũng đủ chảy thêm dòng Mê Kông nữa/ Bây giờ cuộc chiến đã lùi/ Điệu Xarian bập bùng giấc mơ của đất/ Anh về để lại một cánh tay trong trận cuối cùng/ Máu chảy thẳng một đường dây rọi xuống/ Mảnh vườn em chỗ ấy có hồ sen (Oran 76 ngọn).
Nhìn chung, thơ ca ra đời sớm trong dòng văn học chiến tranh biên giới Tây Nam, làm tốt nhiệm vụ cổ vũ tinh thần người lính, phản ánh cuộc chiến ở tầm khái quát và triết lí với những hình tượng đẹp, một mặt nối dài bản trường ca chung về chiến tranh trong lịch sử thơ ca dân tộc, mặt khác để lại dấu ấn riêng về cuộc chiến tranh này. Nhiều cựu binh từ chiến trường Tây Nam suốt mấy mươi năm qua vẫn làm thơ về thời binh lửa của họ như Trần Trí Thông, Lương Hữu Quang, Ngân Vịnh, và có những tập thơ được ghi nhận bằng các giải thưởng như Những câu thơ ngoái lại của Lương Hữu Quang (giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2011), Sương đẫm lá khộp khô của Ngân Vịnh (giải thưởng văn học sông Mê Kông năm 2014)… Tuy vậy, khách quan công bằng mà nói, những tác phẩm này chủ yếu chia sẻ hồi ức đời lính, ngợi ca tình đoàn kết dân tộc, và thi pháp không có gì mới hơn những vần thơ đã ra đời cách đây hơn bốn mươi năm, do đó không gây chú ý nhiều bằng sự trở lại của văn xuôi trong cùng dòng đề tài.
Trong văn xuôi viết về chiến tranh, thể kí, mà cụ thể là thể loại phóng sự, kí sự vẫn thường xuất hiện sớm nhờ vào tính thời sự của nó. Ngay sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Phnôm Pênh năm 1979, Thiếu tướng Phó Tư lệnh Bùi Cát Vũ đã tranh thủ viết ngay thiên kí sự Đường vào Phnôm Pênh, gửi về đăng nhiều kì trên báo Sài Gòn Giải phóng, và được Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành trọn vẹn năm 1981. Sự xuất hiện của thiên kí sự này kịp thời mang đến cho độc giả những thông tin chiến sự sống động lồng trong cảm xúc mãnh liệt của người trong cuộc. Tác phẩm chứa đựng nhiều tư liệu quý, chẳng hạn như bản nghị quyết của chế độ Pol Pot coi Việt Nam là kẻ thù số một, được trao lại từ tay một sĩ quan hàng binh Khmer Đỏ. Vì vậy, nó không chỉ có giá trị thời sự mà còn có giá trị lịch sử.
Sau khi sức nóng của chiến trường lắng xuống, các nhà văn dần chuyển sang nghiền ngẫm về chiến tranh và thử thách kĩ thuật viết ở các thể loại văn xuôi hư cấu; thể kí tạm thời ít thấy hơn. Thế nhưng khoảng từ giữa thập niên thứ hai của thế kỉ XXI, hàng loạt tác phẩm kí về chiến tranh biên giới Tây Nam nở rộ. Phần lớn trong số đó là hồi kí của cựu chiến binh như Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp (2016, 2017, 2018) của Trần Ngọc Phú, Lính Hà (2017) của Nguyễn Ngọc Tiến, Mùa chinh chiến ấy (2017) của Đoàn Tuấn, Chuyện lính Tây Nam (2019) của Trung Sỹ, Rừng khộp mùa thay lá (2019) của Nguyễn Vũ Điền, Đất K (2020) của Bùi Quang Lâm… Ngoài ra còn có bút kí Mùa linh cảm (2019) của Đoàn Tuấn và kí sự Về từ hành tinh kí ức (2018) của Võ Diệu Thanh – một cây bút trưởng thành trong hòa bình. Người lính thời hậu chiến vẫn thường lựa chọn việc viết như một sự trả nợ quá khứ, chữa lành chấn thương, giữ bản thân cân bằng và hòa nhập với cuộc sống thời bình. Người lính Tây Nam cũng không ngoại lệ. Những tác phẩm rộ lên trong thị trường xuất bản những năm gần đây đều là sản phẩm nhiều năm viết của những cựu chiến binh. Có những tác phẩm cung cấp dồi dào tư liệu lịch sử như bộ hồi kí ba tập Từ biên giới Tây Nam đến đất chùa tháp. Cũng có những tác phẩm thiên về chia sẻ kí ức cá nhân như Lính Hà. Hay Chuyện lính Tây Nam kể chuyện những anh công tử Hà thành mang theo tâm hồn mơ mộng, si tình, phóng khoáng đến với cuộc chiến. Hay Mùa chinh chiến ấy là hồi ức về thời thanh niên sôi nổi lên đường…
Sự nở rộ của văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam mà đặc biệt là các tác phẩm thuộc thể kí thời gian gần đây không thể không kể đến nguyên do từ sự hưởng ứng của thị trường tiêu thụ. Những nhà văn cựu chiến binh có lẽ vẫn miệt mài viết suốt mấy chục năm qua, nhưng việc sách của họ đồng loạt lên kệ trong một khoảng thời gian ngắn thì có vẻ không hẳn chỉ là sự tình cờ. Văn học về chiến tranh biên giới nói chung và chiến tranh biên giới Tây Nam nói riêng ít ỏi hơn rất nhiều so với văn chương về chiến tranh chống Mĩ, đó cũng là điều hiển nhiên. Có lẽ người đọc Việt Nam có phần “bội thực” sau rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh và họ nhanh chóng tìm kiếm những niềm hứng thú mới khi thị trường xuất bản ngày càng trở nên đa dạng. Ngoài ra, nhiều hình thức văn hóa đại chúng trong khoảng thời gian này cũng góp phần làm sống lại hào khí và bi thương của những cuộc chiến tranh, chẳng hạn như chương trình biểu diễn nghệ thuật Giai điệu tự hào chiếu hằng tháng trên kênh truyền hình quốc gia VTV từ năm 2014 đã có tác động không nhỏ đến cảm xúc lịch sử của đông đảo công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ. Đối với một chủ đề có sẵn những chất liệu hiện thực gây ám ảnh và đau đớn như chủ đề chiến tranh, thì thể kí, với sức mạnh của những câu chuyện người thật việc thật, có khả năng gây chấn động, tạo ra sức hấp dẫn độc giả đại chúng hơn cả. Tập kí sự Về từ hành tinh kí ức thu thập những hồi ức của người dân miền Tây, đặc biệt là ở vùng Ba Chúc (An Giang), về cuộc thảm sát kinh hoàng của quân Khmer Đỏ vào tháng 4/1978, do vậy mà gây chú ý không ít.
Khác với kí hấp dẫn người đọc bằng thông tin xác thực, truyện ngắn và tiểu thuyết giúp nhà văn thể hiện được chiều sâu tư tưởng và những suy nghiệm của mình về cuộc chiến tranh, khám phá nó ở nhiều chiều kích khác nhau thông qua nghệ thuật hư cấu. Truyện ngắn và tiểu thuyết về chiến tranh biên giới Tây Nam đã xuất hiện từ năm 1980, với tập truyện Campuchia một câu hỏi lớn của Lê Lựu và tiểu thuyết Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân. (Thật ra truyện ngắn có thể còn được viết sớm hơn nữa, ngay từ trong chiến trường, và được in rải rác ở các báo trong thời điểm đó, nhưng chúng tôi chỉ thu thập được chúng ở dạng tuyển tập truyện ngắn được in rất nhiều năm sau này.) Tuyển tập truyện ngắn Biên giới Tây Nam được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2004 bao gồm các tác phẩm được viết từ rất sớm như Em bé câm trước đền Ăng-co (1979) của Lê Lựu, Biển Hồ yên tĩnh của Mai Ngữ (1980), Bài thơ của anh (1981) của Chu Lai, Bà mẹ U-đôn (1981) của Lê Quốc Phong, Em Hương (1981) của Hồ Phương, Sự sống còn lại (1981) của Trung Trung Đỉnh, Anh ấy không đơn độc (1982) của Văn Lê, Mùa khô này có một dòng suối trong (1984) của Nguyễn Chí Trung… Tiểu thuyết lấy chủ đề chính hoặc có nhắc đến chiến tranh biên giới Tây Nam vẫn rải rác ra mắt độc giả trong suốt hơn bốn mươi năm qua. Sau Dòng sông Xô Nét của Nguyễn Trí Huân có Biên giới (1982), Bên rừng thốt nốt (1986), Đất không đổi màu (2005) của Nguyễn Quốc Trung, Khoảng rừng có những ngôi sao (1987), Ngôi chùa ở Pratthana (1987) của Văn Lê, Dòng sông nước mắt (1989) của Thanh Giang, Không phải trò đùa (1999) của Khuất Quang Thụy, Bên dòng sông Mê (2012) của Bùi Thanh Minh, Hạt hòa bình (2013) của Minh Moon, Mùa xa nhà (2013) của Nguyễn Thành Nhân, Miền hoang (2014) của Sương Nguyệt Minh, Hoang tâm (2015) của Nguyễn Đình Tú…
Các tác phẩm thời kì đầu mang khuynh hướng sử thi đậm nét, chủ yếu khắc họa con người trong mối quan hệ với dân tộc và lịch sử. Những câu chuyện của một cá nhân cụ thể nào đó vẫn thường có tính biểu tượng, đại diện cho một lớp người, một đất nước, một lí tưởng, như những anh lính tình nguyện Dũng (Biển hồ yên tĩnh), Hoán (Anh ấy không đơn độc), Thiệt, Thà (Mùa khô này có một dòng suối trong)… can đảm, trượng nghĩa, giàu lòng nhân ái và kiên định với lí tưởng, như bà mẹ U-đôn vì nhớ con trai mà xem anh lính tình nguyện Việt Nam như con trai mình (Bà mẹ U-đôn), như ông nhà văn già sang chiến trường Campuchia tìm con, cũng là tìm hiểu về ý nghĩa của cuộc chiến tranh mà người con trai đang theo đuổi (Biển hồ yên tĩnh)…
Bước sang thời kì Đổi mới, hòa trong dòng chảy chung, truyện ngắn, tiểu thuyết về đề tài nói trên cũng có những chuyển mình trong lối viết. Miền hoang, Hoang tâm, Mùa xa nhà… đều khắc họa cuộc chiến này từ nhiều góc độ với cách viết mới, tư duy nghệ thuật mới. Đặc biệt là nội dung đi sâu vào số phận của con người thời hậu chiến mà tiêu biểu là những người lính trở về từ chiến tranh với những chấn thương tâm lí nặng nề. Miền hoang xây dựng một tình huống vô cùng éo le, đẩy nhân vật vào sự tuyệt vọng đến cùng cực, đối diện với lưỡi hái tử thần của kẻ thù và rừng sâu không biết bao nhiêu lần để rồi nhân vật tự chiến đấu, tự bộc lộ bản năng sinh tồn đến ngạc nhiên của mình và đi đến thoát khỏi cái đầm lầy khổng lồ miền nhiệt đới. Bản lĩnh của người lính được khắc họa mạnh mẽ khi anh không chùn bước, khuất phục trước nỗi sợ, trước cái chết đang rình rập mỗi ngày, mỗi giờ. Bên cạnh đó, tác phẩm còn xây dựng điểm nhìn trần thuật từ nhiều nhân vật khác nhau và luân chuyển một cách liên tục, đan xen những điểm nhìn ấy để gia tăng tính đa chiều, đa thanh. Hoang tâm lại là một sự hóa thân đầy bí ẩn, huyền ảo về số phận của người lính với những chấn thương tâm lí sau chiến tranh. Tác giả trẻ Minh Moon nỗ lực đưa cuộc chiến này đến gần hơn với độc giả trẻ đại chúng qua tác phẩm Hạt hòa bình mang nhiều yếu tố kì ảo, với câu chuyện về một sinh viên thế kỉ XXI xuyên không về quá khứ, nhập vào hình hài của một anh lính tình nguyện đang trên đường đến Campuchia, và từ đó cậu chiến đấu chống quân Pol Pot với nỗi nhớ gà rán KFC và giai điệu Somewhere over the Rainbow.
So với kí thì truyện ngắn, tiểu thuyết về chiến tranh biên giới Tây Nam xuất hiện đều đặn hơn trong suốt gần một nửa thế kỉ qua, và có những chuyển mình rõ rệt theo thời gian, hòa trong sự chuyển mình chung của văn xuôi Việt Nam viết về chiến tranh.
Những chuyển động của dòng chảy văn học về chiến tranh biên giới Tây Nam mà bài viết vừa điểm sơ qua đến từ sự nỗ lực của từng cá nhân nhà văn, nhưng cũng là biểu hiện cụ thể của những chuyển động trong nền văn học Việt Nam nói chung, phản ánh những đổi thay về văn hóa, xã hội, nhà văn và công chúng.
Theo Nguyễn Thị Phương Thúy – Châu Xuân Uyên/VNQĐ