Gởi nhớ Sài Gòn thương!

508

 Cao Thanh Mai

Có một Sài Gòn tôi thầm thương như thế.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi từng hứa cố gắng sắp xếp được chuyện nhà sẽ lên thăm em một chuyến. Dẫu gì cũng ân nặng, nghĩa sâu. Lần lữa mãi tới dịch Covid hoành hành, lây lan cả nước, rồi cách ly, giãn cách khắp mọi miền, tôi đành ngậm ngùi ngóng Sài Gòn qua tin tức để chia sẻ cùng em. Đây với đó mà cách xa dịu vợi.

Sài Gòn đang oằn mình vì những tổn thương, tổn thất quá nặng nề. Cả nước hướng về em chung chia những nỗi đau em đang gánh chịu. Giờ biết em đang sống chậm, thoáng chút trầm tư nhìn dòng sông đang cuộn chảy bỗng gặp đá ghềnh nên chững lại, biết làm sao! Con covy quá ngông cuồng, gieo rắc thương đau, lấy đi bao nước mắt của đồng bào cả nước. Nó muốn khuất phục chúng ta hay thử lòng người Sài Gòn quật cường như trước? Tôi tin không khó khăn nào làm chùn bước chân em. Một Sài Gòn tôi đã thầm thương, như duyên lành kết thành mênh mang nỗi nhớ. Một thành phố phía trời Nam nắng vàng rực rỡ, luôn sôi động, ồn ào, sức trẻ bừng lên, hiên ngang ngạo nghễ. Em là đầu tàu kinh tế, nay bỗng rùng mình nhức nhối bởi covy. Tôi dõi theo em qua sách, báo, tivi và khúc hát luôn thầm thì bên tai nho nhỏ: “Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”.

Có một Sài Gòn trong tâm thức.

Ai đó nói Sài Gòn thức suốt những trăm năm, đã từng ru mà em chưa chịu ngủ? Hãy ngược thời gian tìm về xưa cũ sẽ hiểu và thương Sài Gòn máu mủ thuở “di dân”. Ba trăm tuổi lẻ có là gì so với ngàn năm văn hiến Thăng Long? Nhưng Sài Gòn cũng có cái đáng tự hào lắm chứ. Ông cha ta khai phá đất hoang, mở mang bờ cõi, mở rộng giao thương, khách bốn phương tìm tới Sài Gòn vì thấy em đầy tiềm năng kinh tế. Em từng ngày phát triển vươn lên, nâng cao tầm vóc, rạng rỡ đến kiêu kỳ. Em không hề giấu mình ngay cả khi phố phường rực sáng vẫn bắt gặp đâu đó những mảnh đời lấm lem bùn đất, họ rời quê nghèo xin tá túc một góc nhỏ khiêm nhường, lấy Sài Gòn làm chốn nương thân. Em là một ân nhân, hễ thấy ai đói khổ đều dang tay ôm trọn vào lòng, vì người mưu sinh nhọc nhằn quá đỗi. Em luôn nói mình cứ sống bao dung, trọng tình người trước đã, rồi người thương sẽ hiểu tấm chân tình. Ẩn bên trong, tôi tin, nơi rộn ràng đập là trái tim em đầy nhân hậu. Bà con mình tìm gì nơi ánh đèn rực sáng đêm đêm? Mảnh đất nào lành chim chẳng tìm tới đậu phải không em? Người nghèo khó luôn đặt cược tương lai ở nơi họ thấy mỡ màu, nên gắn bó. Sài Gòn nơi chung sống của biết bao người, nhiều giọng nói. Em yêu tất cả như kẻ đa tình. Có mệt lắm không em?

Có một Sài Gòn đông nghịch người và luôn ồn ã.

Người Sài Gòn lấy đường phố làm nhà, lấy phố sá làm ăn. Dân Sài Gòn chen chúc sống quanh năm, dù lay lắt chẳng phiền lòng tới người bên cạnh. Em cởi mở bởi giàu nghèo chắc gì qua chiếc áo. Kệ hèn sang và phân biệt thấp cao. Mà ngộ lắm, trong bán buôn một đồng lời, tính đủ, khi hoạn nạn xảy ra có thể dốc hết “hầu bao”. Ừ thì, vì cái nghĩa đồng bào được gói ghém trong từng hộp cơm, chai nước. Tôi, kẻ chân quê nhìn Sài Gòn còn nhiều khiếm khuyết, nên thương Sài Gòn cũng chân thành, mộc mạc vậy thôi.

 Sài Gòn có cả một mùa đau!

Từ khi con virus corona nham hiểm, độc ác, vô hình, vô tướng, vô thanh kéo tới đã có lời cảnh báo cho Sài Gòn sẽ đối mặt trước những nguy cơ “vỡ trận”, ở một thành phố đông dân bậc nhất này. Nhiều khu công nghiệp, nhà máy công ty, xí nghiệp liền nhau, công nhân đông, người lao động tự do nhiều vô kể, những cảnh đời và phận người hiện lên đủ khắp các miền quê. Họ sống trong những khu nhà trọ ẩm thấp, chật hẹp, điều kiện sinh hoạt kém, mất việc làm, không còn thu nhập, mệt lả bên đường khi buộc lòng đi bộ về quê. Họ là những người bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi nhất khi covid-19 “ghé thăm” thành phố.

Nhìn từng dòng người lần lượt rời khỏi Sài Gòn trên những con “ngựa sắt”với lỉnh kỉnh đồ dùng và người niêm chặt, bất an. Những ánh mắt hoang mang, mệt mỏi trên suốt chặng đường dài. Khi các phương tiện giao thông ngừng hoạt động, nhiều người mắc kẹt ở lại Sài Gòn có những ngày vật vã, rất thương. Nhìn cảnh ấy, tôi bỗng nhớ ngày xưa tản cư chạy giặc, cũng đùm túm nhau trên những chiếc xuồng ghe đi tìm sự sống, yên bình. Họ dắt díu nhau ra đi vội vã, thấy tội lắm và thương em à! Biết đâu đó là cách sẻ chia gánh nặng với Sài Gòn (!?). Nhưng con đường họ đi có quá gập ghềnh, may rủi. Có bé thơ mới mươi ngày tuổi, mẹ xanh xao vẫn chấp nhận ngồi xe vượt hàng trăm cây số đường trường. Còn thương nào hơn thế nữa hở em?

Còn đâu những ánh đèn đêm rực sáng, nơi đô hội bao người hằng mơ ước sống? Giờ lặng lẽ buồn, vắng vẻ làm sao, chỉ thưa thớt những chuyến xe qua chẳng kịp hú còi. Cái “nhiệm vụ” nặng nề không ai muốn nhận. Đón một lần rồi vĩnh viễn chia ly. Những chiếc xe cấp cứu chở người đi, những em bé ngác ngơ vô tư mặc đồ bảo hộ, tay cầm theo bình sữa không phải tới trường mà đi học chữ “cách ly”. Bé cùng gia đình bị nhiễm covy!

Những tấm lòng thơm thảo.

Tôi mơ ước có một phép màu quét tan con virus corona độc ác. Và nếu chỉ một lần được khóc, chắc dân mình sẽ dành cho ngày dập tắt dịch covid hở em? Tôi thấm thía lời chia sẻ thật ấm lòng “thà chịu thiệt về kinh tế miễn dân mình được sống”. Hàng triệu liều vaccine Chính phủ mua về, bà con mình được tiêm miễn phí, cùng những gói hỗ trợ dân nghèo tiền nhà trọ, cơm ăn. Nước ta chưa giàu nhưng ơn Đảng nặng sâu. Đáp ân tình ấy ta cùng nhau vượt qua thử thách này em nhé!

Khi vận nước gặp cơn khốn khó, dân cất tiếng kêu đều có các mạnh thường quân, sẵn lòng giúp đỡ. Họ là những người có chút tiền dư để dành làm của, nhưng tâm niệm một điều: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, rồi “lá lành đùm lá rách”. “Bầu ơi thương lấy… Cô bác ơi! Ai có thiếu thì lấy đủ dùng, nhớ dành phần cho người sau nữa ạ!”. Những xuất cơm gởi đến bà con khi đói lả, những cân gạo, ký đường, hộp sữa đưa tới người già yếu và trẻ sơ sinh. Những bàn tay run trao nhận chút ân tình, thương quý lắm! Dân mình là vậy đó, dù chưa ai kêu gọi, hô hào, cứ truyền thống mà san sẻ nhau thắm tình đồng bào ruột thịt.

Lời tri ân sâu sắc.

Nghe tin Sài Gòn bắt đầu thực hiện giãn cách thêm lần nữa, nghĩa là con covy vẫn còn làm mưa làm gió. Ở phương này tôi gởi lời thương về nơi đó nhắn bà con mình thực hiện đúng, đủ 5k, vaccine chưa tiêm xin hãy ở trong nhà, bởi xót lắm những người nơi tuyến đầu chống dịch. Ơi! những chàng trai, cô gái nhỏ kiên cường xung kích, em xứng đáng được nhận lời tôn vinh đẹp nhất của nhân dân. Quên sao được những “lương y như từ mẫu” ngày đêm chăm sóc bệnh nhân ốm nặng, quanh mình. Xin tri ân bàn tay vọp nước, xỉn màu sẽ đi vào lịch sử ngành y. Và thương lắm bàn tay rưng rưng khóc, đỡ những hủ sành đựng chút tàn tro của người thân vừa khuất gởi lại trần gian cho con cháu bớt nhớ thương. Xin được cúi đầu đưa tiễn những nạn nhân trong đại dịch covid này, em ạ! Tôi tin chắc ai từng xem sẽ còn ám ảnh, nhất là trong tâm trí người Sài Gòn đến mãi về sau.

Tôi chỉ có chút tình thương tha thiết ấy, sẻ chia cùng Sài Gòn khi chưa kịp tới thăm. Cố lên em! Nghĩ cũng lạ! Em Sài Gòn là ai trong trái tim lỡ một lần tôi tương tư phố? Rồi nhận ra, dẫu kiêu sa em vẫn có nét dịu dàng trong khoảnh khắc rất riêng. Trời thu phương Nam có còn làm em xao xuyến, tôi xin một lần gởi nhớ đến Sài Gòn thương!

C.T.M