Hà Nội mùa yêu thương – Tản văn của Cao Thanh Mai

956

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi yêu khúc hát thanh bình như dải lụa dài trải rộng khắp nước Nam ta! 

Ảnh minh họa – Nguồn internet

Có một Hà Nội dịu dàng, thân thiết quá phải không em?

Không một tiếng ầm ào qua phố nhỏ. Không còi hú nhường đường, không chuông chùa, nhạc điệu du dương thánh thót. Tất cả đang trầm lắng khi covid tung hoành. Người thanh lịch có bâng khuâng tự hỏi: Hà Nội của ta sao yên tĩnh đến lạ kỳ? Em có còn khoác lên mình chiếc khăn choàng còn vương ký ức màu ghi và nhớ sương giăng trong cái lạnh rụt rè, tê tái? Tất cả đằm sâu trong tiếng lòng ta, những tháng ngày nắng hạ!

Em nghĩ gì những ngày qua?

Phố vắng, nhà im ỉm đóng, hàng cây chừng như xanh hơn khẽ rung lên từng nhịp thở, nhẹ tênh. Bớt khói bụi, không người ồn ã. Không còn cảnh phóng xe ào qua phố, sợ lúc tắc đường. Người dân mình đôn hậu dễ thương, nép góc phố ngắm nhìn mà choáng ngợp. Ai cũng ẩn mình như cái thuở không quên, chẳng pháo đạn mà cam go không kém.

Em đâu rồi?

Tôi bối rối bắt gặp một nụ cười, em vẫn tinh nghịch giấu sau chiếc khẩu trang xinh cùng đôi mắt biếc long lanh, gợi chút tình thân thiết. Bình minh nhón chân qua phố khẽ khàng, buông từng chùm sáng giăng sợi tơ vàng cho hàng cây xanh trở nên lung linh, ảo diệu. Phố từng đẹp như người con gái kiêu sa, lộng lẫy nay bỗng hiền ngoan tựa một bức tranh tĩnh vật không cần pha thêm gam trầm tạo sự sâu lắng bên trong.

Thời gian chậm lại đúng không em?

Không gian tĩnh cho ta đầy suy tưởng. Một thời khắc tuyệt vời nhất sao ta không tận hưởng, chạy tìm chi ở rừng núi xa xôi? Buông bỏ là lúc này chứ tìm đâu nữa. Mọi thứ ồn ào tấp nập, xa hoa ngày nào đã cuốn ta vào vòng xoáy mưu sinh, giờ bao người bừng tỉnh, chợt nhận ra cái khắc nghiệt ở đời trong mùa dịch bệnh, lây lan. Nhân cơ hội này ta tập làm người sống chậm, em nghe. Cứ thong thả nghĩ, ung dung tĩnh tại, bình tâm suy xét bao điều ta chưa kịp sẻ chia nhau của ngày tháng trước.

Ai cũng nói thời gian sẽ trôi nhanh không chờ người chậm bước. Vậy từng ấy con người tự dưng “biến khỏi” đất Hà thành một cách ngoạn mục thế kia ai tin được, hả em? Người dân thể hiện tấm lòng yêu nước đấy chứ đâu. Họ tìm về một thế giới riêng nương náu, gửi trọn niềm tin vào lời “hiệu triệu đồng bào”: “Ai ở đâu hãy ngồi yên đấy”. Lời kêu gọi “chống giặc” Cô Vi nghe mà thương người xông pha nơi chiến tuyến đến vô cùng. Đơn giản thế thôi, dân ta đã chung sức đồng lòng, khó khăn mấy Cô Vi cũng tan tác. Em nói nghe hai từ “cách ly” bùi ngùi lắm chứ, cứ ngỡ xa nghìn trùng như Chức Nữ biệt Ngưu Lang. Nhìn Hà Nội thênh thang ngày thường quen nhộn nhịp, rộn ràng nay trả lại cái bàng bạc, bình an của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Một Hà Nội trầm tư trước bao vạn biến thế thời.

Những người thích xê dịch đâu rồi?

Những người “buôn dưa lê hóng chuyện” làm nên một Hà Nội sinh động thường ngày đã trở về bên góc bếp nhà mình thắp lên ngọn lửa lung linh, thân thuộc. Con thơ có thời gian bầu bạn, mẹ ấp yêu chan chứa biết bao tình. Sự vắng lặng bên ngoài lại nồng ấm bên trong, ai cũng thích. Rồi lúi húi dọn mâm cơm sum họp, chung tay lau nhà, dọn bàn học cho con. Hình ảnh ấy bị lãng quên vì áo cơm, sự nghiệp. Ý nghĩa nào thiết thực hơn đôi khi ta chưa kịp nghĩ ra. Những thì thầm bên tai nghe tan chảy bỗng trở về. Chẳng phải khi tấp nập, bộn bề ai cũng mơ được phút giây thư giãn? Bắt tay vào quán xuyến những việc không tên, quên cả giọt mồ hôi lăn lóc dọc bụi đường cho Hà Nội tràn thêm sức sống.

Lúc này càng thương người lính thức canh Hà Nội bình yên, say giấc ngủ.

Thương người lính nơi biên cương căng mắt canh chừng, ăn vội bữa cơm đạm bạc, đơn sơ.

Tôi yêu Hà Nội của em cùng những tháng ngày cũ, càng muốn nghe một khúc ru êm diệu, à ơi! Vẫn còn đây, một Hà Nội hiền hòa như dòng sông chảy lại ngời lên đầy chất thép thắp sáng niềm tin. Tôi yêu Hà Nội của chúng mình, sang sảng khúc ngâm “Sông núi nước Nam” còn lưu giữ hồn dân tộc. Đã có người từng khóc khi chạm vào lịch sử khắc nét rêu phong. Chúng mình con cháu Lạc Hồng, máu bất khuất chảy tràn trong huyết quản. Cái thuở: Nam quốc sơn hà hào sảng, đến cách mạng Tháng Tám mùa thu dõng dạc giữa Ba Đình. Em còn nhớ dân tộc mình phải chiến đấu với mọi kẻ thù xâm lược, nhờ đoàn kết đã làm nên mùa xuân đại thắng lừng danh.

Vậy với Cô Vi này chẳng lẽ mình lại chùn chân?

Lúc này đây ai cũng ngắm nhìn Hà Nội dấn thân, làm hết sức mình giữa biết bao khốn khó. Càng suy ngẫm càng hiểu thêm nghĩa “đồng bào”, trọn vẹn. Thấy không em? Giữa sống còn, lòng nhân hậu Việt Nam mình là vậy đó. Lấy sinh mạng con người làm trọng để đối xử với nhau. Bài học tình người về sự bao dung, rộng lượng càng thấm thía, khắc sâu. Ta có thể hiện gì đâu? Tự ta đã có sẵn tấm lòng cao thượng ấy. Ta cứu người vì hai chữ lương tâm.

Không thương sao được mấy tháng qua bao chiến sĩ sương dầm, người chợp mắt bên hành lang, góc bàn ngủ tạm. Những thiên thần áo trắng thương quá đi thôi. Họ cũng có gia đình, con thơ mong đợi, cũng mong bữa cơm đầy đủ cả nhà. Họ đã gác tình riêng nhận trách nhiệm xông pha nơi tuyến đầu chống “giặc”. Họ cũng bị “cách ly” theo người bệnh kia mà, chẳng có ai lên tiếng phàn nàn “sao tôi cực quá”. Vậy hãy xem mình vô tình đi “cách ly” như một kỳ nghỉ dưỡng, đừng chút tư riêng hẹp hòi ích kỷ đòi hỏi người khác “phục vụ” mình. Cả nước đang gồng mình chống chọi, vì sinh mệnh cộng đồng bao vạn người tình nguyện xung phong ra trận, quyết chống đến tận cùng con Covid đáng ghét kia.

Tôi yêu Hà Nội, yêu người dân tôi qua hai tiếng “đồng bào”. Chúng ta chung dòng máu. Máu Lạc Hồng vẫn chảy suốt bốn ngàn năm. Việc nhân nghĩa tựa trăng rằm. Tỏa ra rộng khắp sáng tâm hồn mình. Tôi xin cảm ơn những người ngày đêm thầm lặng, cống hiến hết mình vì sự an nguy trong mùa dịch bệnh khó khăn. Họ là những người truyền cảm hứng, lan tỏa tình yêu thương trách nhiệm tuyệt vời. Chưa lúc nào tôi thấy hai tiếng “đồng bào” lại thắm tình ruột thịt, máu đào thiết tha như lúc này!

Tôi yêu khúc hát thanh bình như dải lụa dài trải rộng khắp nước Nam ta!

C.T.M