Hai khúc hát mùa Vu Lan nhớ mẹ: “Người mà tôi yêu suốt đời”

855

Châu La Việt

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ngày ấy, làm gì ra có khăn để mẹ choàng cho con, mà phải mãi đến năm tôi 19 tuổi, mẹ mới có thể choàng cho tôi, không phải một chiếc khăn màu thắm đỏ, mà cả một chiếc áo len ấm áp…

Mẹ của tác giả bài viết – NSND Tân Nhân  

…Cho đến giờ đây, khi đã xế chiều, nghe những khúc hát về người mẹ, tôi vẫn cứ rưng rưng nước mắt:

Lòng ta sao quên bóng người

Mẹ thân yêu tình thương sáng ngời

Từ bao năm mẹ thao thức, những mong con chóng nên người

Mẹ hay dắt con đi qua làng

Và âu yếm choàng cho chiếc khăn màu nắng vàng

Màu khăn ấy làm con nhớ những năm xưa còn niên thiếu.

Tuổi ấu thơ của tôi cũng từa tựa như thế, khi mới chập chững biết đi, ở một làng quê Hà Tĩnh. Mỗi buổi sớm mai, mẹ tôi lại dắt tôi từ mái lều của hai mẹ con ra tới đầu làng, để gửi tôi cho một bà cụ thân quen, rồi tất tả đi làm thuê như gánh hàng, chạy chợ, dệt vải lấy gạo nuôi con… Một quãng đường làng ngắn ngủi, mà thú thật, tôi cứ mong nó dài mãi để mẹ cứ dắt tay tôi đi và tôi không phải xa mẹ mãi đến tận chiều hôm…

Mẹ hay dắt con đi qua làng

Và âu yếm choàng cho chiếc khăn màu nắng hồng…

Thật ra ngày ấy, làm gì ra có khăn để mẹ choàng cho con, mà phải mãi đến năm tôi 19 tuổi, mẹ mới có thể choàng cho tôi, không phải một chiếc khăn màu thắm đỏ, mà cả một chiếc áo len ấm áp…

Năm ấy tôi đã đi bộ đội và chiến đấu ở mặt trận Lào. Có một lần về Hà Nội công tác, lại đúng dịp mẹ tôi mới đi học ở Bungari về. Mẹ ôm choàng lấy tôi, khóc ướt đẫm vai áo tôi, và rồi lấy quà  mang về từ Bungari cho con: Một chiếc đồng hồ đeo tay và một chiếc áo len ấm (số quà ấy là nhiều nhất so với quà của mẹ cho bố tôi và các em tôi…)

Trên đường trở lại mặt trận, khi đi qua cầu Giát (Nghệ An), máy bay địch đánh phá tàn bạo, đường tắc nhiều ngày đêm, phà qua sông không thể hoạt động, chúng tôi phải vào trú nhờ trong làng. Vì mấy ngày liền lương thực mang theo đã cạn hết, tôi phải lặng lẽ mang chiếc đồng hồ mẹ tặng đi bán để mua gạo và thức ăn cho anh em cùng đơn vị  ăn chờ ngày lên đường… Mà lại phải giấu anh em, không dám nói đấy là chiếc đồng hồ mẹ tôi mới tặng. Tôi cầm chắc rằng nếu anh em mà biết, chắc chắn thà nhịn đói còn hơn để tôi mất đi vật kỷ niệm của mẹ!

Còn chiếc áo len mẹ cho, tôi mang theo sang tận chiến trường Lào. Thật ra lúc ấy, những người lính chúng tôi ở chiến trường Lào trang phục không đến nỗi thiếu, nhưng tôi vẫn thường hay mặc chiếc áo len mẹ cho trong những đêm dài hành quân hay những lúc gió lạnh ào ạt thổi về (cánh đồng Chum là cao nguyên, khí hậu như miền Tây Bắc nước ta). Chiếc áo len ấy có một hơi ấm với tôi rất đặc biệt, nhất là lúc ấy tôi mới vừa chia tay mối tình đầu, trái tim còn nhói đau, mà chỉ có thể có ngọn lửa trái tim của người mẹ mới làm mình ấm áp và bớt đau khổ…

Và bởi thế hôm nay, dù đã xế chiều rồi, nhưng mỗi khi nghe bài hát về mẹ tự tuổi ấu thơ, tôi vẫn thấy cay xè trên khóe mắt:

“Người mà tôi yêu suốt đời

Mẹ của tôi giờ mãi xa rồi

Từ bao đêm tôi mong nhớ

Nhớ thương hình bóng của người

Mẹ đứng khuất xa sau chân đồi

Và đôi mắt nhìn theo bóng con tận cuối trời

Đôi mắt ấy là khúc hát ru tôi qua ngày bão tố…

Mẹ hay dắt con đi qua làng

Và âu yếm choàng cho chiếc khăn màu nắng hồng

Màu khăn ấy làm con nhớ những năm xưa còn niên thiếu.

Mẹ đứng khuất xa sau chân đồi

Và đôi mắt nhìn theo bóng con tận cuối trời…

2.

Mẹ đã đi suốt một dải Trường Sơn

Tuổi 15 mái tóc xanh con gái

Dép cao su và nắng mưa dầu dãi

Chim bắt cô ơi sao níu áo mẹ ta?

Ấy là lúc mẹ đi trong rừng già

Ấy là lúc mẹ băng qua đỉnh núi

Ừ thì “bắt cô” ơi chim cứ gọi

Hỡi con chim rừng làm bạn đường xa…

Cô nữ sinh Đồng Khánh cùng bạn bè tuổi hoa

Ngày có giặc rủ nhau đi đánh giặc

Người tiếp đạn tải lương, người cáng thương liên lạc

Người lên đường với khúc hát trên môi.

Những đêm tối trời

Tiếng hát mẹ là ngôi sao dẫn đường cho chiến sỹ

Đánh trận rồi cùng thắp lên ngọn lửa

Mẹ hát trong tiếng tay vỗ anh em…

Hát rằng “Bình trị thiên khói lửa đứng lên”

Hát rằng “Đêm trăng thanh có một cô sơn nữ”

Hát rằng ”Kháng chiến còn trường kỳ còn rất nhiều gian khổ

Bao ghềnh thác chớ sờn lòng ai ơi“

Mẹ đã leo bao vực thẳm non cao

Hơi thở ra đằng tai, chân không sao nhấc được

Những chiều mưa vượt đường số một

Nằm ép mình chờ một tín hiệu qua

Những ngày mưa triền miên thối đất rừng xa

Sốt rét run người, thèm miếng đường, khúc sắn

Những chiều trống trải chiến khu tuổi đôi mươi, mười tám

Bà nơi xa không một chút tin nhà…

Ba Lòng ơi năm lũ lụt phong ba

Pháo giặc bắn, và máy bay quần thảo

Cái chết vây quanh mình, người rách tươm quần áo

Riêng tiếng hát vẫn nguyên lành trong tim

Tiếng hát giục những đoàn quân xông lên

Tiếng hát giục hiến dâng vì đất nước

“Tổ quốc ơi! vì Người Tôi ca hát“

Trong gian lao, trong đau khổ cất lên

Tiếng hát ngày ấy mãi sau này con theo

Những đêm con vượt đèo qua tầm pháo giặc

Những hiểm nguy chực chờ, những cung đường rách nát

Những lửa cháy bom rơi, những sương gió đường dài

Bữa cơm ăn với đôi ngọn tàu bay

Tay con ấm trong bàn tay đồng chí…

Vì bên con là Mẹ

Mẹ nghệ sỹ – mẹ đất nước của con”

C.L.V