Hớt tóc ở Saigon – Tạp bút của Võ Anh Cương

931

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồi nhỏ mỗi lần tóc rậm phủ gáy má tôi thường nhìn tôi với một cặp mắt khó chịu và bà tắc lưỡi nói một mình “Không biết chừng nào ông Điều mới đi ngang qua nhà mình!” Ông Điều là một người hớt tóc dạo, ông thường đi khắp nơi với cái thùng gỗ đeo trên vai, vừa đi vừa rao “Hớt tóc đây”.

Tác giả Võ Anh Cương 

Có khách, ông hớt tóc dạo bỏ ngay thùng đồ nghề xuống rồi lấy ra cái “tông đơ”, cái khăn choàng và liền hành nghề. Bàn tay ông bóp đều cái tông đơ, ủi một hơi từ dưới lên tóc rơi lả tả lòi ngay cái cần cổ trắng hếu và đầy ghét của thằng cu, thằng cu ấy là tôi. Chừng dăm phút sau ông làm xong việc, chỉ hớt tóc thôi mà có chi mô nờ?

Hồi nhỏ, lần đầu tiên tôi thấy tiệm hớt tóc là ở Saigon. Trước đó tôi cứ đinh ninh rằng phàm hớt tóc là phải ngồi trên cái ghế gỗ ngoài đầu hè để ông thợ cạo làm việc. Tóc hớt xong cứ để gió đem đi bốn phương trời bởi tôi ở vùng nông thôn cỏ cây hoa lá quanh nhà có điểm thêm mớ tóc thì cũng không là gì cả. Nay thấy tiệm hớt tóc với mấy ông thợ mặc áo choàng trắng, tóc chải “bờ ri ăng tin” bóng loáng không ngạc nhiên sao được?

Nhưng tôi không có “diễm phúc” ngồi trên chiếc ghế nệm da để ông thợ hớt tóc cho mà bà chị tôi lại dẫn ra một vỉa hè cách nhà chừng vài trăm mét để một ông thợ khác “làm việc”.

Hóa ra ở đất Saigon cũng có chuyện hớt tóc ngoài trời y như ở vùng ven Dalat vậy nhưng có chỗ khác là ông thợ ngồi một chỗ chứ không đi rong, ông ta lại có cả tấm kính gắn lên bờ tường, chiếc ghế xoay, bộ dao cạo sắc lẻm và cả một chai dầu thơm xịt xịt vài phát mới thật là cừ!

Hớt tóc cho tôi ông thợ ráy tai đàng hoàng và khi tôi trả tiền xong ông cầm ngay cây chổi gom chỗ tóc vừa hớt thành một đống nhỏ có lẽ để hết buổi làm việc hốt mang bỏ thùng rác.

Chuyện tóc chuyện tai đã là đàn ông con trai ai mà không cần chớ? Nhiều khi thoạt nhìn thì thấy như vậy nhưng đôi khi chuyện hớt tóc bỗng trở thành chuyện không cần nữa! Sao lại có chuyện ngược đời như vậy cà?

Không có gì là ngược đời cả, thập niên 70 thế kỷ 20 mà đích xác là trước 1975 phong trào Hippy xâm nhập vào những người trai trẻ mà đa số là học sinh và sinh viên. Bỗng nhiên không ai bảo ai tóc cứ để dài một cách… vô tư, quần ống pat áo rách là hình tượng đi ngay vào ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy “…Gặp anh hippy trẻ mặc áo rách đứng bên nhà thờ, trông đẹp tựa hình Chúa hiền mơ”.

Lúc ấy người ta chán chiến tranh ấy mà, ăn mặc lập dị để tóc dài như một thông điệp nói lên điều ấy.

Chỉ có lính là phải hớt tóc ngắn, kể cả mấy anh du kích thỉnh thoảng ra vùng ven để tuyên truyền, như thế mới “sắt máu”. Hình như hành vi con người luôn tuân thủ những quy luật mặc định của môi trường sống, không biết có đúng như vậy không nhưng hồi ấy tôi cũng là một “gã Hippy trẻ”, chuyện hớt tóc không nằm trong nhịp sinh hoạt của tôi. Tôi cứ để tóc dài một cách tự nhiên, bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu của nhiều người.

Rất may tôi “tỉnh” lại và thoát ra cái bóng ma Hippy trước khi ngày 30-4 ập đến khoảng một năm, tôi không ghi lại nơi đây bởi đó là chuyện khác.

Nhiều người thuộc thế hệ tôi không như thế, họ vẫn u mê trong dáng vẻ một anh chàng Hippy tóc dài, áo rách… cho đến khi “bừng tỉnh” vì bị “sởn” tóc giữa ban ngày ở Saigon thời điểm không còn “hoa lệ” nữa.

Chúng ta đã có một thời như thế, cắt tóc, rọc quần… những ai được/bị cho là có lối sống… đồi truỵ không phù hợp với con người mới, xã hội mới! Nhưng thôi chuyện ấy chỉ là một nét nhỏ của một thời rồi cũng sẽ phôi pha!

Trở lại với chuyện hớt tóc, tôi có thói quen là hớt tóc chỉ hớt một thợ mình ưa thích nhất. Dường như nhiều người cũng vậy, hớt tóc như một thói quen của nhịp sinh hoạt thường ngày.

Tôi đã trải qua mấy “đời” thợ, nhiều người đến nay không còn trên cõi đời này nữa nhưng họ vẫn “sống” trong trí nhớ của tôi (và chắc của nhiều người khác nữa).

Đó là một ông già có tiệm hớt tóc lưng chừng con dốc Duy Tân Dalat (sau đó phòng Văn hóa Thông tin Dalat lấy làm trụ sở), ông là một đời hớt tóc, chuyên làm “đồ nghề” ráy tai cho mình và cung cấp cho đồng nghiệp khi họ nhờ. Tay nghề ông già thuộc loại siêu…

Đó là ông già tiệm Hoàng Yến ở đường Hàm Nghi, ông này chỉ chiếm một góc khiêm tốn trong tiệm làm tóc của con gái…

Và gần đây nhất là tiệm Anh Đức của một anh chàng từ Ninh Hòa xứ biển lên Dalat lập nghiệp, tay nghề rất khá và có nhiều khách quen…

Hàng tháng ở Saigon nhưng tôi vẫn về Dalat để giải quyết nhiều việc, trong đó không quên ghé qua tiệm Anh Đức để hớt tóc tuy rằng tóc mới nhú tới mép tai.

Năm năm như thế…

Bây giờ “nằm khểnh” ở Saigon, cả tháng trời không ra ngoài một bước, để chấp hành lệnh giãn cách của chính quyền theo Chỉ thị 16 (Chính phủ) và 12 (Thành phố HCM), tóc gần 3 tháng không hớt tất nhiên… hơi dài. Dài thì dài vậy nhưng không thể ra tiệm hớt, bởi tiệm cũng đóng cửa mất rồi!

Thôi thì “ngộ biến phải tùng quyền”, tôi… tự cắt tóc cho mình vậy. Không thể nói hớt tóc được bởi tôi chỉ dùng cái dao cạo râu cạo mỏng tóc ở hai bên mai và mái tóc, đằng sau thì… mặc kệ cứ để tóc dài chừng nào… chán thì thôi!

Vậy mà tôi cảm thấy thoải mái vì không bị tóc lòa xòa trước trán đến khó chịu còn việc xấu đẹp thì có hề gì?

Rồi ra Saigon sẽ hết dịch, tôi tin như thế cũng như niềm tin rằng Dalat của tôi với mật độ dân thấp con virut Covid 19 sẽ không ghé thăm.

Tôi sẽ được về Dalat để ghé tiệm Anh Đức làm một “quả” đầu cao cao… hay là thử ra Tóc Việt ở đường Nguyễn Thị Thập (quận 7) thử hớt tóc một lần?

Quyết định vậy đi!

V.A.C

27/7/2021