“Người Hà Nội – Chuyện ăn, chuyện uống một thời”, “Về Huế ăn cơm” bổ sung vào dòng sách viết về văn hóa ẩm thực các vùng miền khá đa dạng lâu nay.
Người Hà Nội – Chuyện ăn, chuyện uống một thời là tập tản văn – khảo cứu mới nhất của tác giả Vũ Thế Long (Chibooks và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành). Cũng là những món ăn thức uống đã trở thành phong vị quen thuộc của thủ đô: phở, bún, chả, kem, nước vối, nước chè… nhưng những trang viết của Vũ Thế Long ngược về bối cảnh văn hóa của những năm đầu thế kỷ XX đến những năm 80 của thế kỷ trước.
Tác phẩm được viết kết hợp giữa nghiên cứu và tản văn nên vừa thể hiện được cảm xúc cá nhân của người viết vừa chứa đựng nhiều tư liệu thú vị về chuyện ăn, chuyện uống của người Hà Nội một thời.
Tác phẩm được in kèm bộ tranh về Hà Nội của họa sĩ Pháp Jean-marc Potlet
“Thời kỳ những năm 80, nửa đêm trong phố vắng Hàng Bạc cổ kính, tôi thường thấy liêu xiêu dưới ánh đèn vàng bóng hai vợ chồng mù đẩy xe rao bánh. Người vợ vừa đẩy xe vừa dìu chồng lò dò từng bước. Người chồng cầm chiếc loa, giọng rè rè khản đặc: ‘Bánh mì đũa cả đây! Bánh mì đũa cả đây! Bánh mì đũa cả mềm như 69, giòn như CD đây…'” – trích Bánh mì Hà Nội, Bánh mì Sài Gòn.
Trang viết gọi tên ký ức, gợi về hình ảnh Hà Nội của thời mà “đường kính quý như vàng, chỉ dành cho người ốm”. Vậy nên mới có sáng kiến ép mía tươi rồi cho vào máy quay thành kem mía, thức quà vặt khó quên của tuổi thơ xưa.
“Khoảng mấy chục năm trước, trên tàu điện Hà Nội, ngoài ga Hàng Cỏ hay trong chợ Đồng Xuân, thường có những đứa trẻ hay bà già một tay xách chiếc ấm lớn ngoài bọc mền bông hay bao tải để ủ cho nước luôn nóng, một tay cầm chồng bát sứ, luôn miệng rao: ‘Ai uống nước vối nóng đây! Ai uống nước vối nóng đây!'”… (trích bài Nước vối xưa).
Tác giả tiếp cận theo hướng cảm nhận trước nhất của bản thân về những món ăn mà thế hệ mình từng được nếm trải, rồi gia đình mình, thế hệ ông bà cha mẹ đã ăn uống ra sao. Sau đó là nghiên cứu những ảnh hưởng từ việc giao lưu, giao thoa văn hóa các vùng miền, trong và ngoài nước có ảnh hưởng như thế nào đến ẩm thực của người Hà Nội.
Gánh hàng rong – tranh minh họa của họa sĩ Jean-marc Potlet
Trong khi đó, tác giả – nhà báo Phi Tân chọn viết ẩm thực Huế từ chắt lọc ký ức trong tập tản văn Về Huế ăn cơm. Chè Huế, bún bò, bún cá ngừ, bún mắm nêm, bánh canh cá lóc… những món ăn ngon được kể bằng giọng văn mộc mạc mà thiết tha, da diết của một người con xứ Huế. Bánh bột lọc, dưa hường, con hến, con giông, mấy đọt rau khoai, bữa cơm giữa ruộng… man mác dáng hình của một thời quá vãng.
Về Huế ăn cơm gồm 70 bài viết – chừng ấy món ăn Huế được tập hợp trong một cuốn sách gợi ký ức đẹp cho người xứ Huế và cũng như là lời tự tình với bạn đọc muôn phương. Có những món ăn bình dị nhưng lại thấm đẫm chất Huế, chỉ của riêng Huế như: canh trìa khế chua, nấm mối kho tương măng, rạm bè nấu với chột môn, me đất nấu canh cá cơm, cá dét đồng quê…
“Món hến phay gồm hến, thêm ruốc, sả, ớt tươi, lá chanh, gừng, mấy hột ném nữa. Nồi canh hến sôi lên, mùi bay từ bếp tỏa ra tận ngoài ngõ, thơm nồng nàn đến độ lũ trẻ đang chơi hăng máu ngoài đường xóm phải dừng lại nghe mùi, hỏi nhau: ‘Túi ni nhà mi nấu canh hến à?’, ‘Nước hến cũng ngọt và thơm, màu xanh như nước phá Tam Giang, chan với cơm ăn không bao giờ chán…'” – trích Ngon như hến.
Trước “Về Huế ăn cơm”, tác giả Phi Tân đã in cuốn tản văn “Bên sông Ô Lâu” cũng viết về xứ Huế.
Sách viết về ẩm thực lâu nay xuất bản không ít, nhưng thể loại này lúc nào cũng có sức hấp dẫn với bạn đọc. Ẩm thực Huế – Sài Gòn – Hà Nội từng đi vào trang sách: bộ sách Thú ăn chơi người Hà Nội (Băng Sơn), A đây rồi – Hà Nội 7 món (Trần Chiến), Tùy bút ẩm thực – Sài Gòn, ồ bỗng ngon ghê và Sài Gòn chở cơm đi ăn phở (Ngữ Yên), Pà pá, mình kiếm món gì ngon ăn đi (Minh Cúc), Không gian gia vị Sài Gòn (Trần Tiến Dũng)…
Văn hóa ẩm thực gắn liền với văn hóa của một vùng đất. Những trang viết mang ký ức cá nhân nhưng cũng là đại diện cho ký ức một thế hệ. “Ăn và viết” có thể là một thử thách với người viết, nhưng tác phẩm lại là sự thú vị của người đọc.
Đọc để biết thêm những món ăn ngon, đọc để hiểu nét văn hóa bản sắc của từng vùng miền và cũng để được thương nhớ về những hương vị ngày xưa. “Mùi của ký ức” luôn mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Cũng chính vì vậy mà tùy bút ẩm thực luôn có vị trí rất riêng trên giá sách văn học.
Theo Lục Diệp/PNO