Sau một năm bị trì hoãn do đại dịch covid 19, ngày 18 và 19 tháng 6 năm 2022, Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sẽ diễn ra tại Đà Nẵng. Có thể nói đây là cuộc hội ngộ rất được mong chờ của các cây bút viết văn trẻ trong cả nước, vì đó là dịp họ được gặp gỡ giao lưu, trao đổi học hỏi lẫn nhau về công việc viết lách. Đến giờ phút này mọi công tác chuẩn bị cho Hội nghị đã gần như hoàn tất. Phóng viên báo Văn nghệ có cuộc trao đổi với nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam, về một số thông tin liên quan, cũng như công tác chuẩn bị cho Hội nghị sắp tới.
Nhà thơ Hữu Việt.
* Thưa nhà thơ Hữu Việt, xin ông cho biết về kế hoạch tổ chức Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X đã chuẩn bị đến đâu rồi? sẽ có bao nhiêu đại biểu tham dự Hội nghị?
– Đến thời điểm này, công việc chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất. Hội nghị sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 18 và 19/6. Bên cạnh các nội dung chính thức, dự kiến sẽ có một đêm giao lưu thơ, nhạc vào đêm 18/6 và một chuyến đi thực tế ở tập đoàn THACO Trường Hải. Hội nghị sẽ có khoảng hơn 120 đại biểu là các cây bút trẻ đến từ mọi miền của đất nước và hơn 10 đại biểu đương nhiên, là các nhà văn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong độ tuổi 35 trở về trước, tính đến mốc năm 2021 là năm dự kiến tổ chức Hội nghị, nhưng đã phải hoãn lại do đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng trân trọng mời các nhà văn lão thành nổi tiếng, ủy viên các ban, hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn; các nhà văn, nhà thơ hội viên đang sống ở Quảng Nam và Đà Nẵng tham dự.
* Các đại biểu tham dự Hội nghĩ sẽ được lựa chọn như thế nào thưa ông?
– Ban Nhà văn trẻ được Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam giao làm Tiểu ban nhân sự. Căn cứ theo tiêu chuẩn đề ra, các Hội Văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố; các ban, hội đồng chuyên môn của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn một số thành phố có tổ chức hội; các Câu lạc bộ văn học và nhiều nhà văn, nhà thơ theo dõi phong trào văn học trẻ đã gửi danh sách giới thiệu đại biểu cho Tiểu ban nhân sự. Tiểu ban đã có nhiều buổi thảo luận trước khi tiến hành bỏ phiếu bình chọn theo hình thức trực tuyến. Những đề cử có số phiếu quá bán được trình lên Ban Chấp hành Hội Nhà văn xem xét và chốt lần cuối. Các đại biểu được lựa chọn là những cây bút tiêu biểu trong lực lượng viết trẻ, có thành tựu nhất định trong chặng đầu đến với văn học thể hiện ở số lượng và chất lượng tác phẩm cùng các giải thưởng văn học đã đạt được. Ngoài ra, chúng tôi có cân nhắc đến yếu tố gây dựng và phát triển phong trào sáng tác văn học khi dành sự “ưu tiên” nhất định đối với các địa phương ở xa, những “vùng trống” chưa có đại biểu trẻ tham gia Hội nghị lần này. Lẽ dĩ nhiên các đại biểu ấy cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Hội nghị.
* Lẽ ra Hội nghị này phải được tổ chức vào năm 2021, nhưng vì tình hình dịch bệnh nên bây giờ mới tổ chức được. Việc tổ chức lại sau một năm có gây khó khăn gì nhiều cho công tác tổ chức cũng như ảnh hưởng gì đến tiêu chí xét chọn đại biểu tham dự Hội nghị không, thưa ông?
– Việc Hội nghị hoãn lại do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào năm ngoái, nhìn ở khía cạnh tích cực, thì đã mang lại một số thuận lợi. Thứ nhất, việc chuẩn bị chương trình làm việc của Hội nghị sẽ kỹ lưỡng hơn. Thứ hai, Ban tổ chức có thêm thời gian tiếp tục rà soát, bổ sung các đại biểu trẻ xứng đáng. Thứ ba, có nhiều thời gian hơn để tập hợp, biên tập và xuất bản tác phẩm của các cây bút trẻ tham dự Hội nghị. Về tuổi, chúng tôi giữ nguyên như tiêu chuẩn ban đầu, đó là những tác giả sinh từ năm 1986 trở về trước.
* Trong Hội nghị lần thứ X này tác giả trẻ nhất là bao nhiểu tuổi và tác giả nhiều tuổi nhất là bao nhiêu tuổi, thưa ông?
– Đến thời điểm này thì tác giả trẻ nhất là Trần Phú Minh Anh, sinh năm 2007, hiện là học sinh một Trường quốc tế tại TP HCM. Đại biểu lớn tuổi nhất sinh năm 1985. Đây là một số trường hợp đặc cách, đã được Ban chấp hành Hội Nhà văn cân nhắc xem xét và đồng ý.
* Hội nghị lần này có gì đặc biệt so với những Hội nghị trước không?
– Rất đặc biệt. Vì chúng ta đang chờ đợi một thế hệ cầm bút trẻ xuất hiện để gánh vác sứ mệnh mới của văn học. Và dường như họ đang xuất hiện. Hội nghị lần này sẽ trả lời câu hỏi đó.
* Trong số các đại biểu tham dự Hội nghị, ông thấy có nhiều gương mặt triển vọng để có thể đi xa trên con đường sáng tác được không thưa ông?
– Đi xa được hay không là câu hỏi rất hay mà chúng tôi đã nghĩ rất nhiều và mong muốn cùng các đại biểu trẻ bàn bạc, thảo luận, và nếu được thì bước đầu làm sáng tỏ tại Hội nghị lần này. Bởi đó là một câu hỏi vô cùng quan trọng với người viết trẻ mà slogan của Hội nghị Viết văn trẻ lần thứ X đã đặt ra rất cô đọng: “Vì sao chúng ta viết?”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: “Những người viết trẻ cần thấu hiểu, một nhà văn chân chính phải viết vì những vẻ đẹp đời sống và văn hóa, phải viết vì lợi ích dân tộc, phải viết vì lương tâm của con người trước cái ác. Nếu không trả lời được câu hỏi đó thì nhà văn sẽ không mang lại điều gì cho con người và đất nước trong những trang viết của mình”. Đi xa được hay không ngoài tài năng tự thân thì người cầm bút cần có khát vọng, sự dấn thân và can đảm chối bỏ những cám dỗ vật chất hơn mức cần thiết, để gắn bó với một công việc tuyệt vời nhưng cũng chứa đầy rủi ro, đó là viết văn.
* Trên bình diện chung, ông thấy các tác giả trẻ lần này có điểm gì mạnh và điểm gì còn thiếu so với các tác giả trẻ từ các Hội nghị trước không?
– Các đại biểu được lựa chọn đều khá tiêu biểu, đến từ gần như đầy đủ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó đại biểu đông nhất là của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Họ làm những ngành nghề khác nhau: kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, giáo viên, doanh nhân, công an, bộ đội, công nhân, nông dân, viên chức, công chức… và cả những người hành nghề tự do. Trong số họ, khá nhiều người sở hữu một hoặc nhiều giải thưởng văn chương khác nhau. Tuy tuổi đời còn trẻ nhưng có người đã xuất bản bốn, năm tiểu thuyết, tập truyện ngắn hay vài tập thơ. Một số đại biểu đến từ những gia đình có truyền thống văn chương, có bố mẹ hoặc ông bà là nhà văn. Ưu điểm dễ thấy là đội ngũ viết trẻ đang có mặt ở mọi góc cạnh của đời sống, có vốn sống và hiểu biết phong phú – yêu cầu gần như bắt buộc với mọi nhà văn. Thế nhưng, điều này cũng thể hiện điểm yếu là lực lượng cầm bút khá tản mát và mang tính phong trào. Vì vậy, tôi muốn nhắc lại câu hỏi trước của anh, bên cạnh những câu chuyện văn chương thì đi tìm căn nguyên và trả lời câu hỏi vì sao một người quyết định cầm bút và gắn bó cuộc đời mình với công việc chữ nghĩa là hết sức quan trọng. Ðó có lẽ là khởi đầu để chúng ta xây dựng đội ngũ ổn định các nhà văn kế cận tâm huyết trong tương lai, khi những dự định mơ hồ về con đường văn chương trở nên tường minh.
Theo Trần Vũ An/Văn nghệ