Hữu Thỉnh – Chiến sĩ xe tăng

1093

Ngũ Lang

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian nan khốc liệt của dân tộc Việt Nam trong gần một phần tư thế kỷ như một bản trường ca âm vang giai điệu trầm lắng bi hùng, đã phản ánh phẩm chất cao đẹp sáng ngời của mọi tầng lớp nhân dân ở cả ba miền. Những người tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, cầm súng trực diện đấu tranh với quân thù có những chiến sĩ làm văn nghệ thuộc đủ binh chủng như: Nguyễn Thi (1928-1968), Lê Anh Xuân (1940-1968), Lê Vĩnh Hoà (1933-1967)… và Hữu Thỉnh. Trong đó, xuất thân từ một chiến sĩ xe tăng, Hữu Thỉnh được coi là một gương mặt thơ xuất sắc nổi trội trong nền văn học có lửa của giai đoạn 1954-1975.   

                            Nhà thơ Hữu Thỉnh  

Nhà thơ Hữu Thỉnh (sinh năm 1942), bút danh Vũ Hữu, tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh thuộc gia đình nông dân có truyền thống Nho học và giàu tinh thần cách mạng ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Hữu Thỉnh đã trải qua tuổi thơ không bình lặng như bao nhiêu đứa trẻ khác: hơn năm năm sống nhờ vào người bác ruột, sau đó phải đi làm công việc nặng nhọc để kiếm sống. Mãi cho tới khi hòa bình lập lại (1954), anh mới được đến trường. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thấy rõ được hoàn cảnh đau thương của đất nước hai miền, Hữu Thỉnh xin nhập ngũ vào bộ đội tăng-thiết giáp, thuộc Trung đoàn 202. Anh vừa công tác trong quân đội, vừa dạy Bổ túc văn hóa, viết báo và làm cán bộ tuyên huấn. Hữu Thỉnh đã tham gia chiến đấu chống Mỹ trên nhiều chiến trường Bắc, Nam cả những mặt trận máu lửa như Đường 9 – Nam Lào và sau hết là chiến dịch Hồ Chí Minh dẫn đến Đại Thắng Lịch sử Mùa Xuân năm 1975.

Sau ngày thống nhất năm 1975,  Hữu Thỉnh đi học trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1. Từ năm 1982, anh bắt đầu làm cán bộ Biên tập, Trưởng ban Thơ rồi Phó Tổng Biên tập của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 1990 đến nay, Hữu Thỉnh chuyển sang công tác tại Hội Nhà văn Việt Nam, rồi làm Tổng Biên tập Tuần báo Văn nghệ, tham gia Ban Chấp hành Hội nhiều khóa liên tiếp, Ủy viên Ban Thư ký khóa 3, Tổng thư ký – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khóa 6-7-8 và Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh còn kiêm nhiệm thêm các chức vụ: Ủy viên Thường vụ Đảng ủy khối Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Đảng bộ cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, Bí thư Đảng đoàn Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và Đại biểu Quốc hội khóa 10.

Tác phẩm của nhà thơ Hữu Thỉnh đã xuất bản: – Âm vang chiến hào (in chung); – Đường tới thành phố (trường ca); – Từ chiến hào tới thành phố (trường ca, thơ ngắn); – Khi bé Hoa ra đời (thơ thiếu nhi, in chung); – Thư mùa đông (thơ); – Trương ca biển; – Thương lượng với thời gian (thơ).

Với những công lao đóng góp cụ thể cho sự nghiệp chiến đấu chống ngoại xâm và văn học, nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhận được các giải thưởng: + Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1980 (với trường ca Đường tới thành phố và năm 1995 với tập thơ Thư mùa đông; + Giải thưởng xuất sắc của Bộ Quốc phòng năm 1994 với Trường ca Biển; + Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật; + Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật; + Giải thưởng Văn học Asean. Ngoài ra còn có các giải thưởng Hữu Thỉnh nhận được từ các cuộc thi thơ: – Giải ba cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1973 với bài thơ Mùa xuân đi đón; – Giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1975-1976 với bài thơ Chuyến đò đêm giáp ranh và trường ca Sức bền của đất.

Sự nghiệp văn chương của nhà thơ Hữu Thỉnh là một cuộc hành trình thi ca của một anh bộ đội theo suốt từng chặng đường chiến đấu cam go gian khổ của tác giả trên chiến trường Nam Bắc trong giai đoạn này. Do vậy, thơ Hữu Thỉnh mang dấu ấn hoạt động của một chiến sĩ trực diện với kẻ thù nơi chiến trận và của một nhà thơ trên mặt trận văn hóa văn nghệ theo lý tưởng của Bác Hồ. Chịu khó đọc hết những thi phẩm chính làm nên sự nghiệp cầm bút gieo vần của anh, người yêu thơ không khó nhận ra tỏ rõ ở anh một hồn thơ đích thực với xúc cảm nhạy bén, phong phú, giàu chất sáng tạo hiếm tìm gặp nơi các nhà thơ cùng lứa tuổi trong thời kỳ này.

Như đa phần các thi sĩ xưa nay, tình yêu đất nước trước hết thể hiện qua lòng yêu thiên nhiên, cảnh vật gần gũi với mình như hoa lá, cây cỏ, núi sông (giang sơn) vốn là thực thể biểu tượng của tổ quốc quê hương. Môi trường chiến đấu của Hữu Thỉnh là dãy Trường Sơn rộng dài hiểm trở với cảnh núi cao, thác đổ gắn liền với cuộc đời chiến đấu gian nan, đã làm xúc động dạt dào hồn thơ anh: Núi cao cho thác đổ hồi/ Trường Sơn dài rộng cho tôi mặn mà/ Xe thồ vành hỏng tháo ra/ Còn lăn theo suốt đời ta đời mình (Đường tới thành phố). Từ gốc sim cằn, những chuyến đò đêm giáp ranh tới hình ảnh những bà mẹ, người vợ, người bộ đội lunh linh trong âm vang điệu lý điệu chèo, đều còn khắc đậm trong thơ anh. Nhà thơ cảm nhận những thứ ấy bằng tất cả giác quan bén nhạy cảm của mình: Gió thổi dài ẩm ướt về khuya/ Con sóng nói nhịp chèo cũng nói/… Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm/ Ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da (Chuyến đò đêm giáp ranh). Cả một mùi hương thoang thoảng, một làn gió thoáng nhẹ qua, một vầng mây lãng đãng trong không gian cũng đủ cho thi sĩ những vần thơ đẹp và gợi cảm: Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào ngọn gió se/ Gió chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/… Có đám mây mùa hạ/ vắt nửa mình sang thu (Sang thu). Lời thơ dung dị mà chọn lọc, ở việc mô tả cảnh thu, dường như Hữu Thỉnh đã thể hiện một bút pháp sáng tạo trong thi tứ, thi cảnh và thi nhạc không có chút tương quan nào với một không gian mùa thu quá ư nhàn nhã trong Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến (1835-1909), một thu ngơ ngác bàng quan trong Tiếng thu của Lưu Trọng Lư (1912-1991), hay những mùa thu buồn bã thê lương trong Cảm thu, tiễn thu của Tản Đà (1889-1939), và Đây mùa thu tới của Xuân Diệu (1916-1985).

Từ trong bối cảnh thiên nhiên trữ tình thân quen của quê hương, bằng tất cả tấm lòng yêu tổ quốc, nhà thơ đã bộc lộ phẩm cách trong sáng cao đẹp của người chiến sĩ cách mạng. Ở nhà thơ Hữu Thỉnh, cảm hứng lớn chủ đạo trong thơ anh bắt nguồn từ lòng yêu tổ quốc, nhân dân và thế hệ những người cầm súng thời chống Mỹ. Hữu Thỉnh trung thực trong những lời thơ giản dị mà chân thành như một tình tự với gia đình và quê hương – một tuyên ngôn cho chính mình: Còn ao ước nào hơn/ Tự do và đoàn tụ/ Vào rừng lấy mật và đẵn gỗ/ Thương mẹ và yêu em/ Còn hạnh phúc nào hơn/ Tổ quốc . Từ đó, Hữu Thỉnh tạc nên một hình tượng dân tộc Việt Nam bất tử: Nhân dân/ Vẫn nguyên vẹn nhân dân/ Rằng hạt lựu vẫn không cam đồng hóa (Đường tới thành phố)Đọc thơ Hữu Thỉnh, ta thấy anh không nói nhiều về Đảng và Bác Hồ vì hai hình tượng cao quý này đã thành một hiện thực lịch sử ngự sẵn từ lâu nơi tim óc của chiến sĩ và mọi người dân Việt Nam qua suốt quá trình đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Bài thơ “Trên một chiếc xe tăng” của thi sĩ Hữu Thỉnh với nội dung tiêu biểu cho một nét đẹp chân dung anh bộ đội xe tăng – thiết giáp nói riêng và người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Bài thơ nổi tiếng này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ thành ca khúc, lấy câu thơ đầu bài thơ làm tên bản nhạc: Năm anh em trên một chiếc xe tăng, được trình bày họp ca nhiều lần trên làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh Sài Gòn những năm sau ngày giải phóng). Với 20 câu thơ (verses) nằm trong 5 khổ thơ (strophes) mỗi khổ 4 câu, tổng cộng là 20 câu, bài thơ Trên một chiếc xe tăng là một sáng tạo bằng văn vần khá ấn tượng về tứ thơ và nghệ thuật. Bắt nguồn từ một cảm hứng đột xuất qua hiện thực cuộc sống chiến đấu, nhà thơ như chỉ muốn quay lại những xen (scene) sinh động mà vô cùng cảm động của năm anh chiến sĩ xe tăng trong thực tế giáp mặt đấu tranh sống chết với kẻ thù. Câu mở bài ở khổ đầu bài thơ dễ dàng và chớp nhoáng như một lời báo cáo chứ không có dụng ý làm thơ, nhưng nhà thơ đã tạo ngạc nhiên khá hứng thú cho người đọc ở các câu sau khi tác giả sử dụng liên tiếp hai lần tu từ: phép tỉ (so sánh) như…, như: Năm anh em trên một chiếc xe tăng/ Như năm bông hoa nở cùng một cội/ Như năm ngón tay trên một bàn tay. Hình tượng ví von thật khéo khi nhà thơ chọn hoa và những ngón tay cùng trên một bàn tay. Bởi vì hoa là biểu tượng cao nhất của vẻ đẹp nhiên nhiên và những ngón tay trên một bàn tay muốn ám chỉ tính cách quan trọng và mối liên hệ hữu cơ giữa từng bộ phận ngón tay trên cùng một bàn tay của con người, mất đi một thành phần ngón tay trong đó tức là giảm đi không ít hiệu xuất hoạt động. Đến câu thứ tư khổ một, ta đã thấy rõ được hành động cương quyết biểu lộ đức tính đồng lòng đoàn kết sát sao đáng ca ngợi giữa các chiến sĩ trên xe tăng: Đã xung trận cả năm người như một.

Đã là chiến sĩ cách mạng, dù tính nết có khác nhau, anh em vẫn coi nhau như huynh đệ ruột rà, khi buồn vui anh em biết thông cảm chia sớt, san sẻ cùng nhau: …Nết ăn ở người thì lạnh nóng/ Khi đã hát hòa cùng một giọng/ Một người đau tất cả quên ăn. Tác giả chỉ muốn trần thuật sự việc nên qua hai khổ thơ đầu, người đọc thấy rõ bài thơ có hình thái thơ mới (8 chữ) nhưng có những câu lại chỉ có 7 chữ: câu 6,7 và 8. Về vần thì duy nhất chỉ có một vần trắc: nóng/ giọng ở cuối câu 6 và 7 dù loại vần này ít khi gặp trong bài thơ. Phong cách thơ mang tính dân gian, tính cách, tình cảm anh em chiến sĩ thể hiện khiến ta nhớ đến các câu tục ngữ, thành ngữ: Một người vì mọi người/ Mọi người vì một người Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ. Không phải ruột thịt, cũng không đợi đến cùng một quê quán, tất cả năm anh em cùng chung một lý tưởng, một chí hướng, thì vì màu cờ, cả năm quả tim như một, nhất loạt xông lên diệt thù, với tinh thần quyết chiến quyết thắng đem độc lập, quang vinh về cho tổ quốc: Năm anh em mỗi đứa một quê/ Đã lên xe là cùng một hướng/ Trước quân thù nhất loạt xông lên// Năm anh em mang năm cái tên/ Đã lên xe không còn tên riêng nữa/ Trên tháp pháo một ngôi sao màu lửa/ Năm quả tim một nhịp dập dồn. Vẫn những câu thơ bảy chữ, tám chữ xen nhau và một vần trắc duy nhất : Nửa/ lửa có vẻ như tác giả dụng ý tạo cho hơi thơ được tư do, khoe khoắn để chỉ ý chí cương quyết, tinh thần chiến thắng của anh em chiến sĩ. Riêng cụm từ ngôi sao màu lửa là một hình tượng đẹp kỳ vĩ, mang tính trí tuệ của nhà thơ trong việc sử dụng  sáng tạo từ ngữ. Có sẵn lý tưởng chân chính cao đẹp và ý chí chiến đấu sắt thép, người chiến sĩ xe tăng tiêu biểu cho quân đội anh hùng của nhân dân Việt Nam đã có con đường thênh thang màu đỏ phía trước, đã có màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng, chiến thắng của dân tộc tin tưởng sẽ đến ở một ngày mai không xa: Một con đường đất đỏ như son / Một màu rừng xanh bạt ngàn hy vọng/ Một ý chí bay ra đầu ngọn sóng/ Một niền tin nghiến nát mọi quân thù. Con đường ‘đất đỏ như son’ là con đường chiến thắng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. ‘Màu rừng xanh bạt ngàn’ là màu hy vọng tổ quốc độc lập tự do được Hữu Thỉnh chọn dùng trong khổ cuối bài thơ đã làm tăng thêm ý nghĩa tích cực của chủ đề tư tưởng bài thơ Trên một chiếc xe tăng. Ở nhiều bài thơ khác, nhà thơ Hữu Tỉnh  biểu lộ độ lắng đọng của tư duy và nét mới mẻ cách tân trong phong cách diễn đạt bằng thể thơ mới 8 chữ phóng khoáng. Chẳng hạn: Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi (Trường ca biển); Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím (Thơ viết ở biển).

Tóm lại, trong đội ngũ những nhà thơ thời kỳ chống Mỹ, bên cạnh Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Song Hảo, Lâm Thị Mỹ Dạ… đa phần không có mặt nơi tiền tuyến, Hữu Thỉnh chính thức là một nhà thơ – chiến sĩ tài hoa xuất sắc, nổi trội từng đối diện với kẻ thù nơi trận mạc. Do vậy, thơ anh chứa đựng được cái nồng độ nghĩ suy cô đọng cùng chiều sâu cảm xúc của người chiến sĩ – nghệ sĩ thể hiện qua nhiều bài thơ, câu thơ hay giàu chất trí tuệ, có giá trị nghệ thuật, khả dĩ chinh phục được công chúng thích đọc thơ. Ngày nay, trong hoàn cảnh nhân dân ta thực sự được hưởng độc lập tự do của một đất nước hòa bình từ lâu đã lặng im tiếng súng, mỗi lần người yêu thơ có dịp nhắc đến Hữu Thỉnh, ai cũng thích thú có cảm giác như được thoảng nghe lại văng vẳng đâu đây âm vang giai điệu trầm hùng bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” được phổ từ bài thơ nổi tiếng “Trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ – chiến sĩ Hữu Thỉnh.

N.L