Hà Linh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyệt Vũ có cách nói riêng mình, hễ đã nói về yêu thì cứ phải chân tình nhất, dịu dàng nhất, quyến rũ nhất và mãnh liệt nhất có thể. Đấy! Sau “Vũ điệu của Trăng” là “Dấu yêu ơi”, rồi “Người tình trong mơ”, dường như Nguyệt Vũ chẳng bao giờ (muốn) ra lệnh cho mình phải đổi giọng thơ, phải đổi tông yêu. Không cuồng lên thành sex, không quý phái, điệu đà thành giả tạo cũng chẳng thánh thiện hóa để hóa già. Cứ là Trăng, hết tròn lại khuyết, rồi tròn, như cuộc yêu khi đầy khi vơi, lúc nào cũng không viên mãn, không thể cạn lời. Điều này các bạn tự đếm số bài yêu trong cả 3 tập sẽ thấy.
Nhà thơ vũ nguyệt
Yêu vốn không có tuổi, không bị giới hạn về không gian và thời gian. Nhưng nói về yêu thì lại có tuổi. Trẻ già nói, nghĩ khác nhau về dung lượng, độ nồng nàn, nhiệt thành, tần số, ngôn ngữ và cách tiếp cận với yêu…
Nguyệt Vũ có cách nói riêng mình, hễ đã nói về yêu thì cứ phải chân tình nhất, dịu dàng nhất, quyến rũ nhất và mãnh liệt nhất có thể. Đấy. Sau “Vũ điệu của Trăng” là “Dấu yêu ơi”, rồi “Người tình trong mơ”, dường như Nguyệt Vũ chẳng bao giờ (muốn) ra lệnh cho mình phải đổi giọng thơ, phải đổi tông yêu. Không cuồng lên thành sex, không quý phái, điệu đà thành giả tạo cũng chẳng thánh thiện hóa để hóa già. Cứ là Trăng, hết tròn lại khuyết, rồi tròn, như cuộc yêu khi đầy khi vơi, lúc nào cũng không viên mãn, không thể cạn lời. Điều này các bạn tự đếm số bài yêu trong cả 3 tập sẽ thấy.
Nguyệt Vũ nhìn đâu cũng thấy người ta yêu nhau, cũng tìm ra duyên nợ với yêu, cũng chạm tới nỗi buồn, niềm vui, hạnh phúc và bất hạnh – những cung bậc khác nhau chìm trong bể ái. Chỉ có điều Nguyệt Vũ không thể lúc nào cũng chỉ có một hình hài của yêu. Biết bao người đã là đệ tử của thơ yêu, nói về yêu ngập cả hành tinh, hơn cả mực nước biển dâng vào cuối thế kỷ 21. Nói sao cho không lặp cũ, sáo mòn! Điều lý thú của “Người tình trong mơ” là yêu có nhiều hình hài. Nhưng hình hài nào cũng đều mong manh, nhạy cảm và run rẩy. Dường như cái hình hài ấy luôn luân chuyển, ẩn náu, tránh mặt, nên khi nhìn thấy nó thì chỉ là những thời khắc đặc biệt, tượng trưng và vô cùng tinh tế. Chẳng hạn một mặt nước hồ rất mong manh. Một sợi gió nào đó đi qua cũng làm gợn sóng méo hình. Một hòn sỏi vu vơ cũng làm xôn xao và tan vỡ bình yên. Chẳng hạn một hoàng hôn mờ nhạt, hiếm hoi. Chỉ một đám mây có thể phủ bóng, một đám khói bếp vô tình cũng có thể quay hướng hoàng hôn. Mà hệ lụy sự phá vỡ yên bình của mặt hồ, hoàng hôn là gì thì Nguyệt Vũ nói hộ rồi:
Đừng
ném sỏi
xuống mặt hồ tĩnh lặng
Trái tim tôi chưa yên ổn bao giờ
…
Đừng xáo trộn
hoàng hôn bằng bếp lửa
cuối ngày day dứt cháy khôn nguôi
(Đừng)
Hình hài của nỗi lòng kinh điển cũng được Nguyệt Vũ khai thác nhẹ nhàng theo cách của mình, như đôi môi, chén rượu, vòng tay, giông bão, chiều đông:
Môi anh như chén rượu
Em uống …
Say
đứ đừ
(Yêu)
Thực ra, hình hài chỉ là cái vỏ để vin vào đó mà thổn thức. Cái duyên cơ vì nó mà nói đến tình yêu mới quan trọng. Với Nguyệt Vũ, hình như cái gì xung quanh đều tác động đến nỗi lòng yêu: Chiều đông lạnh ư. Mùa thu ư? Mưa ư? Nắng nóng ư? Lá cây ư? Chim muông ư? Tất nhiên rồi, mọi thứ đều có hồn của nó chỉ vì ta vịn vào nó để chia sẻ nỗi lòng. Chiều đông lạnh/chơi vơi/run lên vì hạnh phúc (Yêu). Ừ thôi tan tác heo may/xin thu đừng ưu phiền nữa (Cây bàng thay áo mùa đông). Rồi sẽ có một mùa thu khác/lá vàng rơi không khô khốc buồn tênh…Những mắt lá/tiễn người ngơ ngác (Giã bạn). ..mùa đông rồi sẽ lạnh/lá bàng rơi úa đỏ đốt lòng nhau… Xa để biết/chiều nay lá đổ/ và nỗi buồn như gió đi hoang (Xa để biết). Mưa lau nước mắt òa rơi/gọi tên ai đó/môi trời/rưng rưng (Mưa hè).
Có thể gặp nhiều thi ảnh đẹp trong thơ Nguyệt Vũ:
Ta gom hết nắng vàng
Để cháy lên mùa hạ
(Cơn mưa chiều)
Em đóng băng
trong miền ký ức
tự phủ lên mình lá nhạt
thời gian
…
(Giã bạn)
Nắng nóng thế
trái tim anh
có chỗ nào dịu mát?
(Nắng)
Tình yêu không bao giờ tự nó đủ đầy. Người yêu nhau lại càng không muốn nó thừa thãi. Điều ấy có nghĩa yêu là khát, khát không thể dịu đi bởi nước đơn thuần, mà phải là nước ngọt. Tình yêu là nước ngọt trong lành như hạt sương, ánh trăng. Nguyệt Vũ nhẹ nhàng về tâm trạng không nhẹ nhàng (khát), vì thế mà nỗi khát khao tự nó khẳng định thật dữ dội. Và khi đã được khẳng định rồi thì chỉ còn cách lao hết mình đến sự giải tỏa. Và sự giải tỏa đó của Nguyệt Vũ tuy cách điệu, ẩn dụ, nhưng rất rạch ròi:
Tỉnh giấc giữa đêm thu man mác
Khát cháy trời, một giọt sương đêm
Khát yêu thương, khát ngọn gió mềm
…
Khát
khát
khát
hình như ai đang hát
…
Khát…
đàn bà khát đàn ông –
đêm vắng…
Tung cửa số cho rằm òa trăng nắng
Ngửa cổ tu ừng ực
ánh đêm ngời
(Khát)
Đó cũng là một cung bậc đam mê, yêu đương, mà trong thơ Nguyện Vũ nó khá đa dạng. Điều đáng nói là nó luôn không dừng lại ở mức trung bình, yêu nhàn nhạt, yêu bình lặng, yêu chung chung… Tình yêu, đam mê thường được Nguyệt Vũ đẩy lên thật cao, thật mạnh. Ngửa cổ tu ừng ực/ánh đêm ngời (Khát) dẫn ở trên là một minh họa.
Thôi thì trên cõi đời này
Cứ yêu cho thỏa cứ say cho mềm
(Cứ yêu)
người đi bước chân buồn kiêu hãnh
nỗi đau thét gào
lặng chín tầng không
(Giã bạn)
Đôi khi không cần chú ý lắm đến cung bậc diễn tả, thì thơ lại đạt đến sự sâu thẳm. Như khi thiền, tưởng chừng là bất động và rỗng lặng, thì lại hấp thu được và chuyển phát ra thật nhiều. “Con chim nhỏ không nhà” là một bài như vậy. Tôi đọc lướt qua, rồi dừng lại, như có một khoảng không gian thật loãng tựa chân không ở sau lưng, khiến người bị hút lại:
Ngày
không anh
hiu quạnh khẽ lùa qua ô cửa
tim không đau
chẳng còn nhớ
Nốt nhạc vô hồn
Cây lặng
Gió liêu xiêu
…
Ngôi nhà như một giấc mơ
lòng hoang như gió
trong mưa con chim bé nhỏ
chấp chới bay qua
lối cũ
lá vương hoài
(Con chim nhỏ không nhà)
Khi thơ đạt đến thơ thì không vì câu chữ, ngôn từ giới hạn, tứ thơ hồn thơ tự nó thoát bay lên và chạm vào tâm trạng cảm xúc của người đọc.
Trong thơ tình của Nguyệt Vũ, tiếng kêu, lời thú nhận của người đàn bà luôn trung thành với nỗi lòng, không bị khúc xạ, biến hình và biến tần. Có lẽ bởi Nguyệt Vũ là một trong những “Người đàn bà yêu” tiêu biểu chăng. Ta có thể gặp tự sự ấy trong “Sợi nhớ”:
Sợi nhớ được làm bằng anh
vồng ngực đàn ông căng tràn sức trẻ.
…
Sợi nhớ được làm bằng đêm
man dại…
Trong “Hồi xuân”:
Cúc ngực phập phồng bung
Mắt môi hơi thở nhẹ …
Tim run run nhịp lạ …
Ôi … đàn bà hồi xuân
Những vần thơ hay thường gắn với thời gian, mượn thời gian để nói, mượn tư duy thời gian để diễn tả cái đau lỗi muộn, chậm chễ, lệch mùa, vô duyên. Nguyệt Vũ có những nhịp thơ rất tuyệt:
Em một mình đơn côi
Ngơ ngác giẫm vào chiều đã muộn
…
Lơ đãng đếm bước chân mình trên phố
Chẳng nhớ nổi bao nhiều bước nữa
Anh bồng bềnh trong em
(Chiều muộn)
Câu hỏi mỗi ban mai
Ta còn sống sao cỏ cây chợt khóc
Kim đồng hồ tích tắc
Đời lặng câm nghe lá nghiêng xoay
(Đời không hò hẹn)
Dường như
người đã xa rồi
xế chiều tắt lịm vương rơi ánh vàng
(Ánh chiều vàng)
Xa để biết
mỗi chiều qua phố vắng
tìm đâu đây hơn ấm lưng người
(Xa để biết)
Sau những cồn cào nhớ thương. Sau tất cả đớn đau xa xót. Hoài vọng cũng đã thành thất vọng… Thì người còn sống sót được dường như bình thản hơn với những nỗi đau. Tình yêu vĩ đại bởi tạo nên sức mạnh vĩ đại cho con người. Nó cũng vĩ đại bởi tạo nên bản lĩnh và nghị lực cho những ai trụ lại được sau đổ vỡ của nó. Sự chua chát, đắng cay đã từng giết chết họ, nhưng rồi họ trở về với sự bình thản hơn, đón nhận các cung bậc tâm trạng bình tĩnh hơn. Và nếu ai đó vẫn còn yêu đời, yêu người, thì đó mới là điều đáng nói nhất.
Chia tay với “Người tình trong mơ”, tôi lặng lẽ với cảm xúc thanh thản đầy bản lĩnh ấy cùng với “Ngày mưa đi qua”:
Áo tình ngày gột rửa
bằng lặng phơi hiên nhà
Có lẽ câu chuyện tình của Nguyệt Vũ sẽ còn tiếp tục được khám phá bởi mỗi người đọc. Với tôi, sự nhẹ nhàng của dòng thơ tình ấy như ngọn gió mát lành thổi qua ngày nắng nóng. Có sợi gió dài, vuốt ve nhờ những dòng thơ dịu dàng mượt mà. Có cơn gió ngắn, ào qua nhờ những khổ thơ ngắn 3 câu cô đọng. Không có cơn bão cuốn đi, cũng chẳng có sấm chợp gào thét. Thơ Nguyệt Vũ là thế, giản dị, gần gũi, như thủ thỉ, kích hoạt âm thầm nỗi niềm tâm tưởng của người đọc. Dòng thơ ấy trẻ mãi. Hồn thơ ấy thật vị tha ấm áp.
Với cá tính mạnh mẽ của mình, tôi có chút ao ước, lúc nào đó được thử sức chịu đựng vài cơn bão lốc của dòng thơ tình Nguyệt Vũ, thưởng thức nhiều tầng nấc hơn nữa của cảm xúc yêu.
H.L