Khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X

489

Sáng 18/6/2022, tại Đà Nẵng diễn ra Lễ khai mạc Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X năm 2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Đến dự hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại diện lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng. Về phía Hội Nhà văn Việt Nam có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam; cùng đông đảo các cây bút trẻ là đại biểu và thế hệ các văn nghệ sĩ lão thành đã có nhiều cống hiến cho nền văn học nước nhà.


Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X thu hút sự quan tâm, tham dự của các tác giả trẻ trên mọi miền đất nước.

Đáng chú ý, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư động viên và quà tặng tới hai đại biểu đặc biệt: tác giả Vũ Nguyên sinh ra đã thiệt thòi, khiếm khuyết về cơ thể nhưng tràn đầy khát vọng cao đẹp với văn chương và tác giả Trần Phú Minh Anh là đại biểu trẻ tuổi nhất tại hội nghị. Trong thư, Chủ tịch nước bày tỏ niềm vui, xúc động và hi vọng các tác giả tiếp tục giữ ngọn lửa đam mê và khát vọng trong cuộc sống. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng dành sự quan tâm đến hội nghị và gửi quà tặng cho các đại biểu tham dự hội nghị.

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X có  sự tham dự 138 đại biểu được lựa chọn từ hàng trăm đề cử. Đây hội nghị có số lượng đại biểu nhiều nhất so với hai hội nghị liền kề trong 10 năm gần đây. Các đại biểu thuộc các chuyên ngành: thơ, văn xuôi, lí luận phê bình, dịch thuật… đến từ nhiều địa phương, ngành nghề, công việc khác nhau, cho thấy sự đa dạng trong đội ngũ những người viết trẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, chủ đề của hội nghị là một câu hỏi vừa dễ, lại vừa khó mà các nhà văn trẻ khi cầm bút cần phải trả lời. Hội Nhà văn Việt Nam đã rất nỗ lực để tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, hiệu quả cho các nhà văn, đặc biệt là thế hệ nhà văn trẻ. Xưa nay, những nhà văn có tác phẩm để đời không chỉ tài năng mà còn có tâm hồn đẹp, đó là sự cống hiến ý nghĩa cho đời sống văn hóa, lịch sử của đất nước và nhân dân. Hội nghị cũng nhắc nhở chúng ta tự đặt ra câu hỏi cho chính mình: Vì sao chúng ta viết?, để chúng ta ý thức rõ ràng hơn về việc cầm bút của mình.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Tôi ở đây để thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến văn học nghệ thuật, để lắng nghe các nhà văn trẻ cất tiếng, để được gặp gỡ với đội ngũ tinh hoa…”

Chúng ta đang sống trong thời đại tiến bộ, rộng mở, nhưng phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có con đường làm người và bảo vệ những giá trị mang tên người để làm nên giá trị vĩnh hằng. Chủ đề của hội nghị “Vì sao chúng ta viết?” đồng thời là câu hỏi phải luôn được vang lên ở bất cứ điều kiện nào khi nhà văn cầm bút. Họ cần viết bằng sự rung động, sáng tạo để vẻ đẹp ấy dù bất cứ thăng trầm nào vẫn ngập tràn giá trị trong đời sống. Mỗi trang viết phải là những nhịp cầu lớn lao, mạnh mẽ và bền chắc để mang yêu thương đến đời sống con người.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh trong diễn văn khai mạc, những nhà văn trẻ Việt Nam đang có nhiều cơ hội, điều kiện để sáng tạo, công bố và quảng bá tác phẩm. Con đường sáng tạo nằm ngay dưới chân họ, tương lai của nền văn học phụ thuộc vào sự dấn thân của họ. Dân tộc ta đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử để dựng nên những trang sử vẻ vang, đáng tự hào, bao thế hệ đã làm nên sự kì vĩ của văn hóa Việt Nam từ khi còn rất trẻ. Điều lớn lao nhất chúng ta nhận ra ở họ đó là sự ngập tràn khát vọng, ý chí sống mãnh liệt, tinh thần hiến dâng cho Tổ quốc, cho nhân dân, không gì có thể khuất phục.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao quà của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới hai đại biểu đặc biệt.

Trong báo cáo tại hội nghị mang tên “Những người mở cánh cửa của cái đẹp”, nhà thơ Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam đưa ra các đề xuất nhằm khuyến khích người viết trẻ: Để có một thế hệ nhà văn tương lai tài năng như chúng ta mong muốn, quả thật rất cần “trồng” ngay từ bây giờ. Ngoài nỗ lực tự đào tạo, vốn được coi là công việc bắt buộc của người cầm bút, thì chỉ có sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn lực Nhà nước, Hội Nhà văn Việt Nam mới có thể đưa những cây bút trẻ tiềm năng đến những trường Đại học tốt nhất, những trung tâm văn học thế giới, hoặc ở mức thấp hơn, tới những cộng đồng văn chương ở đẳng cấp cao để những cây bút đó thu lượm, tích lũy, học hỏi, làm giàu tri thức, hiểu biết và nâng tầm hướng tới những cuộc chinh phục đỉnh cao văn chương trong tương lai.

Hoặc theo cách ít tốn kém hơn mà vẫn hiệu quả, đó là hằng năm chúng ta có nguồn kinh phí để mời những tên tuổi lớn của văn học thế giới sang Việt Nam thỉnh giảng, giao lưu, trao đổi với các nhà văn Việt Nam, đặc biệt là các nhà văn trẻ về văn học thế giới. Việc tiếp theo là mong Nhà nước có chính sách khuyến khích mạnh mẽ người viết trẻ thông qua các cuộc thi, bằng các giải thưởng văn học mang giá trị cao, để người viết trẻ nào còn phân vân ở lằn ranh giữa viết và không viết, giữa “ở lại với văn chương” hay “rời đi làm công việc khác” có lựa chọn cho mình. Cổ vũ, động viên những người viết trẻ, chính là cổ vũ cho tương lai của văn học.

Một số tham luận của các đại biểu trẻ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã được trình bày tại Lễ khai mạc, tập trung bày tỏ ước mơ, trăn trở, đề xuất của bản thân và thế hệ mình xung quanh câu hỏi là chủ đề của hội nghị: “Vì sao chúng ta viết?”.

Theo Anh Thơ/VNQĐ