Khuynh hướng khoa trương | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

594

13.12.2017-19:30 

Học thuyết kinh tế của John M. Keynes diễn tả trong tác phẩm nổi tiếng của ông (Lý thuyết tổng quát về nhân dụng, lợi tức và tiền tệ) đã nhấn mạnh đến các hiện tượng tiêu cực mang tính phổ biến ở các nước kinh tế chậm phát triển, làm cho các nước đó càng luẩn quẩn trong vòng chậm tiến.

 

Đó là khuynh hướng nhập khẩu tăng, nhất là nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng; khuynh hướng sinh sản thiếu kiềm chế làm tăng nhanh dân số…

 

Ngày còn đi học, tôi rất thú vị khi đọc đến các phân tích của Keynes, đặc biệt trong những chỗ ông nói về khuynh hướng nhập khẩu. Ở đó, người dân các nước chậm tiến (bây giờ được gọi là các nước đang phát triển) do thu nhập của đa số thấp nên nguồn tiết kiệm để đầu tư cho phát triển thường rất khó khăn. Trong khi đó, vốn liếng tích tụ vào một thiểu số giàu có nhưng bị vô hiệu hóa dưới hình thức tích trữ vàng, ngoại tệ mạnh hoặc tiêu dùng xa hoa, dẫn đến cái mà tác giả này gọi là “tư bản bị vô hiệu hóa” vì không được sử dụng để làm tăng khối lượng của cải của một đất nước.

 

Một trong những thể hiện của sự “vô hiệu hóa tư bản” đó là khuynh hướng khoa trương của tầng lớp mới giàu lên, đã tạo ra làn sóng chuộng hàng hóa ngoại quốc và làm tăng nhu cầu nhập khẩu; hậu quả sau cùng là cán cân thương mại quốc gia bị thâm thủng: nhập siêu, lạm phát, vật giá gia tăng làm cho giá trị tăng trưởng ít ỏi không còn tác dụng…

 

Nhìn vào đời sống các đô thị Việt Nam hôm nay, hiện tượng đó vẫn mang tính thời sự và tình hình nhập siêu đến hàng chục tỉ USD mỗi năm đã tạo nên áp lực làm chậm đà tăng trưởng kinh tế – xã hội mà chúng ta kỳ vọng để đưa đất nước cất cánh. Tất cả cho thấy rằng những phân tích mang tính lý thuyết cách đây hơn 70 năm của Keynes vẫn chưa được học tập thấu đáo. Những chiếc xe hiệu Rolls Royce đời mới nhất giá trị đến hàng trăm ngàn USD vừa ra đời ở Anh vài tháng đã có mặt hàng tá chiếc ngay tại Việt Nam bằng đường hàng không; hàng chục tỉ USD nhập khẩu những loại điện thoại di động xịn nhất thế giới mà giá cả lên tới hàng chục ngàn USD mỗi chiếc; một vài thương nhân Việt giờ đây cũng bắt đầu mua những chiếc máy bay riêng giá hàng chục triệu USD. Nhan nhản trên phố, những hiệu xe BMW, Lexus, Mercedes chạy như bươm bướm… Trong lúc đó, ông chủ hãng Samsung đón khách Việt đến Seoul vẫn sử dụng những chiếc xe bình thường giá chưa đầy 10.000 USD do nước ông sản xuất; những thương nhân Đức vẫn sử dụng những chiếc điện thoại Siemens S6, S10 mà chúng ta đã ném vào sọt rác cách đây cả chục năm; hay một ông chủ tập đoàn Genting nổi tiếng của Malaysia vẫn tự hào “được làm giàu cho đất nước là một bổn phận công dân”…

 

Khuynh hướng khoa trương đó làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ mà xuất khẩu (phần lớn là nguyên liệu thô và hàng gia công giá trị thấp) đã mang về, trong lúc lại phải đi vay (và phải trả trong tương lai) các nguồn tín dụng khác ở nước ngoài để đầu tư phát triển vì nguồn tiết kiệm nội địa bé nhỏ hoặc nguồn “tư bản đã bị vô hiệu” theo nhiều cách khác nhau. Khuynh hướng đó đang có chiều hướng phát triển từ nhỏ đến lớn và lây lan đến nỗi vô tình làm xói mòn tình cảm ái quốc một cách âm thầm và nguy hiểm. Khuynh hướng đó đi ngược với những khẩu hiệu dưới dạng “Tiết kiệm là yêu nước” hay ” Người Việt Nam hãy dùng hàng Việt Nam”… đã được nghe đến “điếc cả con ráy” bao lâu nay.

 

Nhưng muốn thay đổi thì sao, nếu không phải bắt nguồn từ những quan chức và những người lãnh đạo, vốn là những người từng được trang bị ô tô ngoại và đi công tác bằng chuyên cơ của chúng ta!

 

Một lần nữa xin cảm ơn những nghiên cứu bậc thầy của Keynes.

 

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG/NLĐ

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…