Lê Huy Quang thi sĩ được người đời yêu

608

26.11.2017-10:00

 

>> Thư viện Lê Huy Quang

 

Một thi sĩ được người đời yêu

 

ANH CHI

 

NVTPHCM- Nhiều người trong giới văn hóa – văn nghệ biết đến Lê Huy Quang, họa sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân trong bộ môn thiết kế mỹ thuật sân khấu. Điều đó là đương nhiên, bởi anh thành danh trong bộ môn nghệ thuật ấy. Chỉ những tác gia văn chương quan tâm nhiều đến sự đổi mới ngôn ngữ thi ca Việt Nam nửa cuối thế kỷ XX mới thật hiểu, thơ là một phẩm chất quan trọng, góp phần tạo nên phẩm giá của nghệ sĩ Lê Huy Quang.

 

Xin nêu một ví dụ, năm 1969, họa sĩ trẻ Lê Huy Quang của Sở Thông tin Hà Nội được nhiều người biết đến qua những tranh cổ động về cuộc sống lao động và chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ. Vậy mà, khi muốn bày tỏ cái tôi của mình trước cuộc đời này, anh đã cậy nhờ đến thơ:

 

                                Mẹ sinh tôi

                                năm đói Ất Dậu

                nghìn chín trăm bốn nhăm (1945)

                                giữa hai triệu nắm xương người

                       …Việt Nam quặn đau ở ngực…

                                Tôi vào đời

                                                Tay nôi mẹ

                                                                Buồn đau.

 

                                                                 (Trường ca Hồ Chí Minh)

               

Tập Thơ (NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 1- 2017) của Lê Huy Quang gồm hầu hết các tác phẩm anh viết trong hơn năm mươi năm qua: Trường ca Hồ Chí Minh, trường ca Hồi ức tuổi hai mươi, tập thơ Phải khác (phần I và phần II), ba trường ca Tuổi học trò, Tóc quê, Mắt quê. Khi còn đang học trong trường Mỹ thuật, Lê Huy Quang đã có khát vọng thổ lộ cái tôi trữ tình của mình bằng thơ; và, ngay buổi ban đầu làm thơ ấy, anh đã sớm có ý thức tạo cho mình một tiếng nói riêng trong đời sống thi ca. Lê Huy Quang thực khác những nhà thơ đương thời ở chỗ rất quan tâm đến đời sống cá nhân con người, viết về nó bằng ngôn ngữ thơ không giống ai. Phần I tập thơ Phải khác đã cho thấy cá tính đó của Lê Huy Quang, và càng thấy rõ hơn qua cái đề từ ở trang đầu tác phẩm này: “Cuộc đời. Ai nhớ. Ai quên?/ Nhưng mà PHẢI KHÁC. Mới nên CHỮ NGƯỜI”. Là bạn của nhau nhiều năm, nay đọc một cách hệ thống thơ Lê Huy Quang, chúng tôi nhận thấy, anh là một thi sĩ luôn khát khao vươn tới cái “khác lạ” qua cả nội dung, cách cấu tứ và ngôn ngữ thơ. Chẳng hạn bài Xóm ca: Hễ trở trời/ muỗi bay vào từ bùn ao cỏ dại…/ xóm ngủ rồi/ xóm trắng sương đông/ em ngủ rồi/ em thay lần lót trắng; hoặc bài Đầu ô chuyển gió: Đông cứ gió. Cho mắt quầng thức sáng/ Cho em về ngơ ngác hôm mai/ Màn khuya buông trắng giọt thơ dài/ Bơ vơ phố một nét mày xa lạ/ Đầu ô gió, sao đầu ô run rẩy quá. Và Nhớ, một bài tứ tuyệt: Nửa đêm gió lạnh chuyển về/ Đã trở giấc rồi khó nằm lại ngủ/ Bão. Cơn bão xa từ tay em dấu ủ/ Bốn đỉnh màn tôi bão nhớ đầy. Những bài thơ trên, Lê Huy Quang viết hơn nửa thế kỷ trước. Còn Trường ca Hồi ức tuổi hai mươi anh khởi viết từ năm 1965, có những câu:

 

                                Tiếng nói bắt đầu

                                Từ tục ngữ, ca dao, hương sen thơm ngát

                                Thương cánh cò bay trắng chân quê…

                                Con nghĩ đến mùa cau, lá trầu xanh của mẹ

                                Và trắng đá vôi nồng, môi thắm

                                                                             suốt nghìn năm…            

 

Tiến trình thơ Việt Nam hiện đại có một quãng khá mờ nhạt, đó là những năm từ 1955 đến 1964. Do theo định hướng “chân chân chân, thật thật thật” cho hợp với đề tài công-nông-binh, thơ đã thiếu vắng những xúc cảm nồng nàn, say đắm, và thiếu vắng những đề tài riêng tư, nhân bản, nên trở nên nôm na, khiến độc giả không mặn mà với thơ như thời kỳ trước đó. Thật may, thế hệ thơ Chống Mỹ cứu nước xuất hiện khá đông đảo, trong số đó có không ít người được chuẩn bị khá đầy đủ về mặt tri thức, hiểu biết thơ Việt trong truyền thống và phần nào đã biết tới những tiến triển của thơ ca thế giới. Những lợi rhế đó khiến họ đem đến cho ngôn ngữ thơ Việt nhiều vẻ đẹp mới, khắc phục được những khiếm khuyết về văn hóa cho thi ca Việt. Lê Huy Quang bắt đầu sáng tác thơ đúng vào thời điểm này. Những năm tháng đó, ngoài công việc vẽ tranh cổ động ở Sở Thông tin , Lê Huy Quang hay tới quán trà Phúc Châu, quán bà Thu- chỗ phố Tạ Hiện gặp phố Lương Ngọc Quyến- nơi các nhà thơ, nghệ sĩ của Hà Nội như Hoàng Cầm, Phùng Quán, Hoài Anh, Nguyễn Mỹ, Lương Vĩnh, Tạ Vũ, Trúc Cương, Ngọc Thụ, Chu Hoạch… thường tụ bạ. Họ chuyện trò với nhau những điều mới nhất trong đời sống văn nghệ, về xu hướng mới nghệ thuật nói chung và nhất là những cái đẹp mới trong ngôn ngữ thơ ca nói riêng. Có thể nói, những tiến triển mới mẻ của thi ca ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung tác động mạnh vào Lê Huy Quang, khiến trong anh nảy sinh khát vọng làm mới những bài thơ của mình. Có điều, khác một chút với phần đông các nhà thơ kháng Mỹ, họ thường viết về những đề tài to tát bừng bừng khí thế, Lê Huy Quang thì hay viết về những vui buồn bất chợt, về những cảnh huống đời sống khá riêng tư. Như bài Xóm ca, viết về một xóm ngoại ô Hà Nội, nơi muỗi bay vào từ bùn ao cỏ dại; hoặc viết về Gió đầu ô sao run rẩy quá… Và đáng kể là bài Chân dung, nhà thơ viết về bản thân mình trong mối tình với một người con gái, Em là phin cà phê pha đêm/ Em nhỏ giọt vào mắt anh nóng bỏng/ Em nhỏ giọt vào tay anh sóng sánh/ Ta nhỏ giọt/ giọt giọt vào nhau… Viết về cuộc yêu này, ngôn ngữ thơ Lê Huy Quang thực sự mạnh bạo bày tỏ tới cái tôi cá nhân và chiều sâu suy cảm, rất bản thể:     

 

                                Em ơi đêm nay hãy tẩm quất cho anh

                                mỗi đốt xương anh

                                                           em rút lên trần nhà

                                                                                       cao vót

                                Em ngồi ngang lưng anh em ve vuốt

                                cho vơi nỗi nhọc nhằn

                                rồi cuối cùng một phút thảnh thơi hơn

                                em yêu anh gánh thêm đòn tội nợ

                                Anh làm con nợ của thời gian

 

Chúng tôi hiểu, thơ Lê Huy Quang viết trong những năm kháng Mỹ, và cả nhiều bài thơ viết sau năm 1975, hầu như chưa được đăng trên sách báo, mà sang thập niên cuối thế kỷ XX anh mới đem in thành sách. Bởi những năm đó, giấy in vô cùng hiếm, chỉ để in ấn những gì cần thiết lắm, phục vụ cho cuộc kháng Mỹ cũng như công cuộc xây dựng đời sống xã hội sau chiến tranh. Chúng tôi cũng hiểu, cuộc chiến tranh vệ quốc là một sự nghiệp rất to lớn, nhưng không phải là tất cả đời sống xã hội. Đời sống vô cùng nhiều bề, nhiều nẻo; nó rộng lớn thì bao la, xô bồ; nó nhỏ hẹp thì rất nhiều những ngóc ngách tâm tư tình cảm của vô vàn con người. Tất nhiên, các nhà thơ có khát vọng nhân văn không thể không viết về muôn mối sự đời nơi những bề, những nẻo, những ngóc ngách của đời sống. Thực tế cho thấy, bên cạnh trào lưu Thơ chống Mỹ rộng lớn, tươi mới và nhiệt huyết, còn có một số nhà thơ lặng lẽ nhưng tâm huyết đã tiến hành việc làm mới ngôn ngữ thơ Việt ta. Và thực tế cho thấy, không ít người đã đạt tới những thành công đáng trân trọng, như Văn Cao với tập thơ Lá (xuất bản năm 1988), Lê Đạt với Bóng chữ (xuất bản năm 1994), Hoàng Cầm với Về Kinh Bắc (xuất bản năm 1994), Phùng Cung với Xem đêm (xuất bản năm 1995), và nhiều bài thơ của Lưu Quang Vũ sáng tác sau năm 1970 đến 1989 mới xuất bản… Muốn hay không muốn cũng phải thừa nhận, thành công của các nhà thơ đó đã góp phần làm đầy đặn thêm thành tựu thơ Việt Nam hiện đại nửa cuối thế kỷ XX.

 

Những năm cuộc chiến tranh phá hoại của không lực Mỹ lan ra Hà Nội và các tỉnh miền Bắc, Lê Huy Quang rất hay đi thực tế (để vẽ theo nhiệm vụ cơ quan giao cho), vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, ra các tỉnh Hà Bắc, Quảng Ninh, Hải Phòng… Là người quảng giao, đến nơi nào anh cũng có thêm nhiều bạn là họa sĩ và thi sĩ ở địa phương đó. Đặc biệt nhất, anh hay về Hải Phòng, nơi có những bạn tâm giao như Tường Vân, Thọ Vân (họa sĩ nhưng rất yêu chuộng thơ), và các thi sĩ có tiếng trong việc làm mới thơ khi ấy, như Hoàng Hưng, Đào Nguyễn (Nghệ sĩ Nhân dân Đào Trọng Khánh hiện nay), Thanh Tùng, Thi Hoàng, Nguyễn Tùng Linh… Cách đi như thế, không chỉ hội họa, mà cà thi ca, đã cuốn hút tâm trí Lê Huy Quang. Và anh dốc lòng viết những bài thơ của mình với giọng thơ mang cá tính riêng, đơn cử bài Hải Phòng:

 

                Đêm đêm tôi thức Hải Phòng

                gió ghé biển cửa em về muối mặn

                Tam Bạc bốn mùa trầm mặc nghĩ suy

                hai bờ tìm nhau hong gió

                mái ngói nhấp nhô nghiêng mình di chuyển

                mỗi ánh đèn soi mặt tôi tìm nhà quen đến

                em

                    lau mình

                                 góc tắm

                                             trắng

                                                    lưng ong.

 

Đang là hình ảnh thường tình (Tam bạc bốn mùa trầm mặc nghĩ suy), thoắt cái chuyển sang sự khác thường (hai bờ tìm nhau hong gió/ lau mình/ trắng/ lưng ong). Không hiểu bạn đọc rộng rãi tiếp nhận những câu thơ trên với xúc cảm đến độ nào. Nhưng, với kinh nghiệm văn học của mình, chúng tôi thấy, những câu thơ trên chứa đựng cái đẹp của sự sống nhân sinh mà không nhiều nhà thơ nắm bắt được. Đọc Thơ, chúng tôi hay nghĩ tới một nhận định sâu sắc của tài năng lớn Văn Cao: “Người ta yêu những con người cố mở đường mà thất bại, yêu những con người thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã dám nghĩ đến sự tiến bộ của nghệ thuật!”. Lê Huy Quang là một trong những người như vậy.

 

Khi viết những bài thơ đầu tay, Lê Huy Quang đã ý thức được rằng, phải làm sao để ngôn ngữ thơ phải có sự mới lạ, tạo cho mình một giọng điệu riêng, một diện mạo riêng trong đời sống thơ ca. Để thực hiện được tâm niệm đó, anh đã mạnh bạo dấn thân trên độc đạo thơ của mình! – như cách gọi của anh. Bẩm sinh đã có một tâm tính hay suy cảm, khi dấn thân trên độc đạo thơ của mình, trong Lê Huy Quang đã phát lộ một cách tư duy thơ không giống các nhà thơ khác, đó là nghĩ bằng cảm. Nó khiến ngôn ngữ thơ tự nhiên như không trau chuốt gì mà tạo được xúc cảm sẻ chia, thấm lòng. Chẳng hạn, những câu viết về người gái anh yêu đến mức muốn độc chiếm, anh xin em làm một khung tranh/ đóng mặt em lên tường anh khóa cửa/ mình em ngồi đó/ riêng em anh nhìn… (bài Những khúc hát em). Và nữa, qua bài Mưa, có một nỗi buồn nhân thế dâng lên trong lòng nhà thơ, khiến xuất hiện những câu thơ mông lung, lạ thường:

 

Mưa dài hai vòng tay

Mưa dài hai vòng quay

Mưa dài đi vô lối

Mưa dài mua mùa bay.

 

Mưa dài mua mùa say

Mưa dài loa qua ngày

Mưa dài em không nói

Ta dài mùa khóc mướn thương vay…

 

Lê Huy Quang là thi sĩ có cảm thức rất khác lạ về mưa, nên thật nhiều mưa trong thơ anh: Trời trắng mưa nguồn chớp bể (bài Hải phòng); mưa mưa về/ con chép con rô đẻ trứng/ con ếch khòm lưng cõng bạn mải quên… (bài Quê mưa); cảm thức này trỗi dậy cả khi anh đi thăm mộ nhà văn Nam Cao, Nam Cao ơi/ chạng vạng chiều mưa một nẻo đường Mai Dịch/ 9 cây số gió đồng/ riêng góc quán/ khóc thương anh (bài Nam Cao); và nữa, tôi lọc sạch mùa mưa đông qua đế giày cao cổ/ đế giày cao cổ lọc sạch tôi/ những tự khúc rông dài (bài Tự khúc đông)… Tiêu biểu hơn, bài Mưa Vinh, cảm thức về mưa của Lê Huy Quang đã khiến hình tượng thơ có sức biểu đạt thật sâu về một nỗi đời cay đắng: Tôi đã qua nhiều mầu mưa gió/ Mưa Sài Gòn chợt đến chợt tan/ Mưa Hà Nội rì rầm em thở/ Và mưa Vinh một nét trắng bàng hoàng. Mưa mà như một nét trắng bàng hoàng, bởi Vinh là quê hương bản quán nhà thơ, và bởi ở đây có một người gái mà sau bao nếm trải trường đời anh mới gặp lại; Mưa vỗ về trên tóc ướt em/ Mái nhà tan sau bão/ Nhìn xuyên trời đêm mong manh vạt áo/ Em náu mặt mình đau kẽ tay. Quả thực là ở miền Trung, tới những năm cuối thế kỷ XX vẫn có những người gái rơi vào cảnh huống đau đớn như vậy. Đối với thi nhân, biết làm sao cho đặng, chỉ thả xuống cuộc đời này những câu thơ như những tiếng thở dài không sao nén nổi:

 

Tôi vẫn đi hoài mặc gió lắt lay

Nhớ mưa Vinh buồn lên từng giọt trắng

Mưa Vinh sao nhiều vị đắng

Thương quê mưa nghèo đong đầy mắt cay

               

Thơ như Mưa Vinh và nhiều bài thơ chúng tôi trích dẫn trong tiểu luận này, có thể nói, thực sự là do xúc cảm đưa lối cho nhà thơ sáng tạo nên. Cụ thể hơn, thơ ấy là do lối tư duy thơ nghĩ bằng cảm khá độc đáo của Lê Huy Quang sáng tạo nên trên con đường dài năm mươi năm trời. Sự thành công thi ca của Lê Huy Quang dù còn khiêm tốn, chúng tôi mạnh dạn nhận xét rằng, anh là một thi sĩ được người đời yêu – theo nhận định sâu sắc của Văn Cao; và tôi nghĩ, Lê Huy Quang còn được hơn thế – bạn bè văn chương và không ít người đọc yêu chuộng anh. Bởi vì, từ nội dung, cấu tứ đến hình ảnh và ngôn ngữ thơ anh thật khác lạ mà vẫn chất chứa những cảm xúc nhân bản của một tâm hồn Việt Nam!

 

VĂN NGHỆ, 45/2017

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…