Lê Vĩnh Hòa – nhà văn kháng chiến

3399

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hồ Chủ tịch muôn vàn kính yêu, danh nhân văn hóa thế giới từng dạy chúng ta: “Văn hóa văn nghệ là một mặt trận”. Điều này rất dễ chứng minh trên thực tế, khi có giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh, huống chi là văn nghệ sĩ. Trong thời chống Mỹ cứu nước, vào năm 1965, khi đế quốc Mỹ rầm rộ đổ quân vào miền Nam, nhân dân Việt Nam cả ba miền muôn người nhất tâm thể hiện tinh thần quyết tử đánh giặc giữ nước.

Các nhà văn cách mạng cũng đã dũng cảm dùng ngòi bút thép của mình thể hiện lòng  yêu nước trong những trang văn sáng ngời khí tiết kẻ sĩ cầm súng. Bên cạnh Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Anh Đức, Viễn Phương… ở chiến khu, nhóm nhà văn tiến bộ hoạt động hợp pháp của tạp chí Nhân loại – phát hành tại Sài Gòn từ 1956 – tỏa sáng tài năng với Sơn Nam, Trang Thế Hy, Thẩm Thệ Hà, Lê Vĩnh Hòa.

Riêng vùng Tây Nam bộ, khu tam giác đồng bằng giữa các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng và Kiên Giang, nhà văn Lê Vĩnh Hòa được coi là ngòi bút xuất sắc, phong cách rất đặc trưng trong giai đoạn 1958-1967, giữa thời kỳ đấu tranh chống Mỹ vô cùng quyết liệt của nhân dân miền Nam.

Nhà văn Lê Vĩnh Hòa.

Nhà văn Lê Vĩnh Hòa (1932-1967) tên thật là Đoàn Thế Hối, bào đệ của nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn), một nhà văn được nhiều người biết trong chế độ cộng hòa, nguyên quán tỉnh Bình Định, Trung bộ. Anh xuất thân trong một gia đình nhà Nho có truyền thống yêu nước, cha mẹ của Lê Vĩnh Hòa là Đoàn Thế Cẩn và Ngô Thị Cương. Tham gia phong trào chống Pháp bị truy lùng, thân sinh Lê Vĩnh Hòa phải mang vợ con vào sống tại xã Vĩnh Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang lúc Lê Vĩnh Hòa mới được 6 tuổi. Tình đất tình người nẩy nở sâu đậm tại quê hương thứ hai này đã khiến chàng trai yêu tổ quốc và văn chương chọn bút danh là Lê Vĩnh Hòa khi bắt đầu viết văn, làm thơ. Mới 15 tuổi (1947), tham gia cách mạng, Lê Vĩnh Hòa làm công tác thiếu nhi tại tỉnh Rạch Giá. Năm 17 tuổi, Lê Vĩnh Hòa vào bộ đội, rồi được cho đi học trường Nguyễn Văn Tố ở Nam bộ (thầy dạy là ông Hà Mậu Nhai và bạn bè là các anh Bùi Đức Ái, Nguyễn Quang Sáng.

Năm 1950, sau khi ra trường, Lê Vĩnh Hòa về công tác tại văn phòng Bộ Tư lệnh Phân Liên khu Miền Tây, Rạch Giá. Một năm sau, anh được điều về làm việc tại Mặt trận Liên Việt tỉnh Sóc Trăng. Từ thời điểm này ở địa bàn thị trấn chùa Dơi, Lê Vĩnh Hòa bắt đầu cầm bút tập trung vào sáng tác, viết văn, làm thơ ca ngợi sản xuất nuôi quân, ca ngợi bộ đội, du kích…

Sau hiệp định Genève (1954), trong lúc một số nhà văn cùng thời tập kết ra Bắc, Lê Vĩnh Hòa ở lại miền Nam, vừa hoạt động bí mật vừa sáng tác văn chương phục vụ cho sự nghiệp đấu tranh. Làm công tác Thanh vận tại Thị xã Sóc Trăng, Lê Vĩnh Hòa đã chịu khó đi sâu từng ngõ ngách vận động học sinh, công nhân nghèo. Năm 1956, Mỹ Diệm phản bội hiệp định Genève, không thi hành tổng tuyển cử để thống nhất hai miền đất nước, lại bắt bớ, tàn sát những cựu kháng chiến, Lê Vĩnh Hòa vừa làm công tác vừa tranh thủ viết bài, luôn coi ngòi bút là vũ khí chiến đấu. Sau đó, được sự giới thiệu của tổ chức, Lê Vĩnh Hòa lập gia đình với chị Lê Thị Hạnh, một cô gái duyên dáng, hiền lành và chung thủy ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng.

Có được người vợ hiểu rõ lý thưởng cao đẹp của chồng, nhà văn Lê Vĩnh Hòa bắt đầu sáng tác mạnh thêm. Truyện ngắn đầu tiên của ông có tựa là “Vỏ cà – rem” đăng trên tạp chí Nhân loại số 1, rất được người đọc hoan nghênh. Sau đó, ông viết nhiều bài theo đủ thể loại, lần lượt đăng trên báo công khai tại Sài Gòn như Tiến Thủ, Công nhân, Phụ nữ diễn đàn, Nhân loại,… Ngày 3/2/1957, ông được kết nạp Đảng. Trong hai năm 1957-1958, nhà văn Lê Vĩnh Hòa nổi tiếng với những tác phẩm như Nước cạn, Áo vải tim vàng, Trăng lu, Dằn vặt… đăng trên báo Quyền sống và một số tờ báo khác.

Trong thời điểm này, theo chị Hạnh, Lê Vĩnh Hoà có bài viết: Sóc Trăng – quê hương tôi, ký tên Nhị Anh, đăng trên tạp chí Nhân loại ở Sài Gòn. Nội dung bài viết đã khiến cho Trưởng ty Cảnh sát Sóc Trăng tên Nguyễn Văn Hồng đặc biệt chiếu cố, tìm bắt Nhị Anh.  Ông ta đến nhà sách Thanh Quang dò hỏi để biết ai là tác giả bài báo và cho tịch thu hết những số báo còn lại. Chị Hạnh, vợ nhà văn được mời ra đồn cảnh sát vì hắn nghi chị làm công tác học sinh, có quen biết tác giả Nhị Anh… Từ đó, nhà văn mới lấy luôn bút danh là Lê Vĩnh Hòa.

Tháng 10/1858, ông bị giặc bắt và kết tội xúi giục chống chế độ phải chịu án tù 5 năm. Nhà văn Lê Vĩnh Hòa bị giam ở các  nhà ngục Sóc Trăng, Chí Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi rồi trở lại Chí Hòa. Trong lao tù tăm tối, nhà văn cảm thấy ấm áp vững lòng khi gặp lại những người vốn là thầy, bạn cùng lý tưởng cùng sẻ chia gian khổ, âm thầm an ủi trước những đòn tra tấn tàn nhẫn của chúa ngục cả những thủ đoạn khai thác tâm lý bằng cách mua chuộc thâm độc của kẻ thù.

Ra tù một năm, Lê Vĩnh Hòa vào khu giải phóng và bắt đầu sáng tác hăng say hơn khi cuộc kháng chiến khốc liệt của quân dân miền Nam bước vào giai đoạn cực kỳ gian khổ đau thương. Tình hình đất nước khiến nhà văn chiến sĩ càng tập trung, dùng ngòi bút sáng tác không mệt mỏi để phản ánh hiện thực cuộc đấu tranh ở địa phương, nơi tác giả đang hoạt động. Sự có mặt của ông trong chiến khu như  một chiến sĩ cầm bút. Sau khi nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã chiến đấu quyết liệt trước kẻ thù và anh dũng hy sinh trong một trận chống càn tại Xẻo Giá, xã Vĩnh Viễn, quận Long Mỹ – nơi người viết bài này dạy học- thuộc Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), chị Lê Thị Hạnh vẫn ở góa thờ chồng cho đến hôm nay.

Về sự nghiệp văn chương, nhà văn Lê Vĩnh Hòa viết theo nhiều thể loại cùng một chủ đề đấu tranh cách mạng như truyện ngắn, ký, tùy bút, tiểu luận, thơ. Tác phẩm lưu  lại gồm có Người tỵ nạn (văn và thơ), Tuyển tập Lê Vĩnh Hòa (538 trang gồm 30 truyện ngắn và 8 bài thơ viết trong vùng tạm chiếm (1956-1958) và  33 truyện ngắn và 15 bài thơ viết trên báo yêu nước ở Sài Gòn và trong vùng giải phóng (1964-1966). Sau ngày thống nhất đất nước, nhà văn Lê Vĩnh Hòa được nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2001). Tên của nhà văn liệt sĩ được đặt cho một trường Trung học Cơ sở Lê Vĩnh Hòa và một con đường tại tỉnh Sóc Trăng. Công trình và tác phẩm thể hiện lòng tiếc thương và ngưỡng mộ Lê Vĩnh Hòa gồm có: Cảm nhận Lê Vĩnh Hòa của Võ Thành Hùng (Nxb.Thanh niên, 2002; Phim tư liệu về Lê Vĩnh Hòa của Nguyễn Trung Hiếu (Đài Phát Thanh Truyền Hình Cần Thơ).

Chủ đề tư tưởng trong tác phẩm Lê Vĩnh Hòa là sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân Tây Nam bộ. Truyện ngắn đặc sắc của ông là Người tỵ nạn, đăng trên báo Giải phóng Tây Nam bộ số Xuân Bính Ngọ 1966. Bằng ngôn ngữ Nam bộ chơn chất có phong cách châm biếm, tác giả giới thiệu với người đọc một bức tranh khôi hài khá lý thú. Trưởng chi thông tin quận Mỹ Xuyên của chế độ đương thời “có bộ mặt tai tái như đàn bà đau máu” được cấp cao của ngành tâm lý chiến đề cao là người giàu khả năng, nhiều sáng kiến về tuyên truyền vượt trội hơn tất cả đồng nghiệp. Hắn ta không ngờ “cái nghề hát Sơn Đông mãi võ, chuyên nói phét để bán cao đơn hườn tán trước kia” lại giúp được nhiều cho nghiệp vụ của mình đến như vậy. Hắn không thích cái kiểu loan truyền tin tức “hằng ngày chiếc xe thông tin đi rao tháng này có 2.000 Việt cộng về với quốc gia rồi tháng khác có 1.000 dân trốn khỏi vùng cộng sản. Ai mà tin, nếu chẳng thấy mặt mũi cụ thể ra sao”. Thế là trưởng chi thông tin nghĩ ra sáng kiến kỳ diệu, và cho thực hiện. Hắn tổ chức cụ thể một lễ báo cáo đàng hoàng về những người hắn chiêu hồi được và những người dân đã bỏ trốn khỏi vùng cộng sản về với quốc gia cho quan khách vốn là cố vấn Mỹ và bà con vốn là thường dân lao động bị lính lùa đến dự để xem mặt.

Những tên chiêu hồi, những người dân bỏ trốn khỏi vùng cộng sản chẳng ai khác hơn là bọn lính tráng giả danh. Đang lúc hắn đang hào hứng tâng bốc với quan thầy Mỹ, thì một người trong nhóm chiêu hồi đó, bị một bà bán bún phát hiện. Đó chính là ông đội Rổ đã thiếu bà tiền bún. Hắn “hứa đầu tháng lãnh lương trả, rồi không chịu trả”. Kết thúc câu chuyện là cảnh hỗn loạn, tiếng quát tháo của cảnh sát, tiếng cải vả của bà bán bún cùng tiếng la ó, chửi rủa tục tằn… Trưởng chi thông tin Mỹ Xuyên và các quan thầy sượng sùng không bút nào tả xiết. Bằng bút pháp châm biếm khôi hài của Nam bộ, nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã ký họa trung thực chân tướng đám tay chân, cả tên Mỹ cố vấn chương trình bình định. Mỗi nhân vật chỉ với vài nét chấm phá, nhà văn Lê Vĩnh Hòa đã hiện thực hóa trước mắt người đọc một chính quyền mất gốc, ăn theo ngoại bang đã đến hồi rệu rã. Bọn chúng đã bị nhân dân vạch mạch tên tỵ nạn chính trị không ai xa lạ, mà đó chính là thằng đội mặt rỗ, còn thiếu nợ một người đàn bà tiền mua bún.

Truyện ngắn của Lê Vĩnh Hòa hầu hết nói lên cảnh sống cơ cực của người dân lao động nghèo trong vùng tạm chiếm, còn chìm ngập trong nghèo nàn, hệ lụy của chiến tranh tang tóc. Nội dung truyện ngắn của nhà văn xoay quanh những hình ảnh thiểu não của người phu khuân vác đang đau ốm, phải bò dậy ra bến tàu kiếm vài chục đồng trong những ngày giáp Tết để rồi phải gục xuống vì ho ra máu (truyện Lúc chiều xuống); Tình cảnh các em bé mồi côi yếu gầy đói rách, lang thang trên đường phố (truyện Đôi bạn); Cuộc chiến tranh phi nghĩa gieo rắc đau thương, chết chóc cho biết bao người dân lành vô tội, thậm chí đến cả ước mơ trong sáng hồn nhiên của một em bé gái đang tuổi thanh xuân cũng không có được (truyện Chiếc áo thiên thanh); Hạnh phúc gia đình bị vỡ vụn trong biển máu (truyện Tiếng hú giữa rừng khuya); Cả âm mưu đồi trụy lớp trẻ tuổi, giết chết nghề thủ công truyền thống tốt đẹp của thế lực vô lương cũng được nhà văn Lê Vĩnh Hòa tế nhị, sâu sắc nhắc đến (truyện Trăng lu, Vắng bóng); Khơi dậy lòng yêu quê hương tổ quốc ở nhân dân (Màu áo quê hương, Đẹp Hậu Giang); Lòng căm thù đế quốc xâm lược (Xuân nhân loại, Tiếng hú rừng khuya). Truyện ngắn “Nước cạn” của Lê Vĩnh Hòa được nhà giáo chủ biên Nguyễn Thanh ca ngợi nội dung tiến bộ xây dựng trong Giai phẩm Xuân 1973 của trường Trung học Cái Răng, Cần Thơ do nhà giáo yêu nước Phan Tấn Muôn làm hiệu trưởng .

Nhìn chung, ta  nhận thấy nhà văn Lê Vĩnh Hòa có lối viết ngắn gọn, phong cách trữ tình, ánh lên từ tính hài hước, mang tính đả kích chua cay. Bản chất Lê Vĩnh Hòa thuộc loại người hướng nội, ngoài đời thường tỏ ra rất điềm đạm, kiệm lời. Nhưng tất cả nội lực tình cảm tâm tư của nhà văn được thể hiện qua tác phẩm. Thơ Lê Vĩnh Hòa (khoảng 10 bài) đa phần phản ánh tâm tình của ông. Những vần thơ của tác giả Người tỵ nạn thường đưa người đọc trở lại với những hoài niệm về bạn cũ ân tình, trường xưa yêu dấu của một thời tuổi ngọc vương lắm bụi đời, dãi dầu mưa gió…

Một bước ra đi khỏi cổng trường/ Là đời hiểu nghĩa gió, mưa, sương/ Vở đời mở rộng muôn trang mới/ Gai  góc phủ lên vạn dặm đường” (Ngày xanh); Mùa xuân là biểu tượng của tuổi trẻ và hy vọng, nhưng Lê Vĩnh Hòa là người hiện diện trong một cuộc đời đau khổ vì chiến tranh, nên tác giả luôn đứng về phía những con người bất hạnh khi nhìn về mùa xuân “Xuân có đẹp gì trong máu lệ/ Khi đời chưa dứt chuyện đao binh/ Đêm tàn chưa biến ngày chưa dậy/ Nhân loại chưa ca khúc thái bình/ Thì xuân đã đến, xuân chưa đến/ Mai chẳng vàng tươi, cúc chẳng xanh” (Xuân nhân loại).

Tóm lại nhà giáo – nhà văn – chiến sĩ Lê Vĩnh Hòa có một vị trí đặc biệt trong dòng văn học học yêu nước giai đoạn 1945-1975. GS.Trần Hữu Tá cũng có nhận định xác đáng về sự nghiệp văn chương cùng sự cống hiến và hy sinh cao cả của nhà văn Lê Vĩnh Hòa cho đất nước: “Đó là cơ sở quan trọng để góp phần bồi đắp cho người đọc tinh thần hăng hái đấu tranh cho một Tổ quốc Việt Nam độc lập, thống nhất, hòa bình”.

N.T

Tài liệu tham khảo của:

+ Nhà văn Nguyễn Quốc Trung, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Huỳnh Như Phương, Huỳnh Anh Kiệt, Cẩm Anh…

+ Tạp chí Văn nghệ Miền Tây số 3 – Xuân Mậu Thân 1968; Giai phẩm Xuân  1973 của Trung học Cái Răng

+ Từ điển văn học – Bộ mới (NXB Thế Giới, 2004)