“Mắt biếc” (Nguyễn Nhật Ánh) – Bản tình ca buồn đong đầy xúc cảm

2750

TS. Đặng Thị Lan Anh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Sau bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh đạt được những thành công về doanh thu và chất lượng nghệ thuật, đạo diễn Victor Vũ tiếp tục khởi động dự án phim điện ảnh “Mắt biếc”. Đây là một dự án rất được chờ đợi. Bởi lẽ “Mắt biếc” là một tiểu thuyết nổi tiếng bậc nhất của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Truyện kể về một chàng trai tên Ngạn ngụp lặn trong mênh mang ký ức làng quê, ký ức thời thơ trẻ và hơn tất cả là chìm ngợp trong mối tình lãng mạn, đậm sâu. Độc giả của “Mắt biếc” dường như băn khoăn rất nhiều vì truyện thiên về diễn tả các cung bậc nội tâm của nhân vật, không biết dưới bàn tay xử lý điêu luyện của đạo diễn, câu chuyện có thể thăng hoa được đến tận độ của nó hay không.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cùng ảnh bìa tập tiểu thuyết “Mắt biếc”

“Mắt biếc” đã in hằn trong ký ức độc giả về một nỗi buồn trong vắt. “Mắt biếc” là bản tình ca đượm buồn. Đó là câu chuyện tình đơn phương của Ngạn với Hà Lan từ khi là cậu học trò trường làng đến mãi về sau. Chàng trai đã yêu cô gái có đôi mắt với hàng mi dài, trong suốt, lúc nào cũng mở to, hồn nhiên và ngơ ngác. Đôi mắt ấy thực sự như một thứ bùa mê làm cho Ngạn không sao thoát ra được. Ngạn ngợp trong đôi mắt biếc ấy cũng như ngợp trong những ngọt ngào của tháng ngày tuổi thơ êm đềm, thong thả, yên ả cùng Hà Lan đi lượm trứng chim, chơi ô ăn quan, cùng đi về rót nước cho cô giáo Thu, bắt nhái cho thầy Cải đi câu… Đó là miền ký ức trong veo như trong truyện cổ thần tiên mà cô công chúa trong giấc mơ tiên ấy là cô gái có đôi mắt biếc. Rồi thời gian nhẹ nhàng trôi, hết cấp một, lên cấp hai, Ngạn đã nhận ra một tình yêu thanh khiết mình dành cho Hà Lan ngày càng sâu đậm. Mối tình chất chứa, dâng ngập trong lòng chàng trai mới lớn. Gia tài trong tâm thức mà chàng trai ấy có là ngôi làng Đo Đo yêu dấu và Hà Lan dấu yêu. Nhưng mối tình câm ấy cứ câm nín vụt trôi theo ngày theo tháng. Hà Lan đã dần thuộc về một thế giới khác. Ngạn chỉ biết lặng lẽ đi bên cạnh người mình yêu, lặng lẽ chứng kiến những giây phút người ấy hạnh phúc, khổ đau. Ngạn mãi ôm một mối sầu tình cho tới suốt về sau, kể cả khi Hà Lan có con và bị Dũng ruồng bỏ. Con gái Hà Lan xuất hiện, mang đến một hương sắc mới cho câu chuyện. Trà Long thay mẹ mang tới một mùa hè tươi tắn, tinh khôi mà Hà Lan đã mang đi mất tự năm nào của Ngạn. Nhưng khoảng trống hoang hoải Hà Lan đã để lại mãi mãi là khoảng trống mà Trà Long không bao giờ khỏa lấp được trong trái tim Ngạn. Rồi một ngày, Ngạn lặng lẽ rời khỏi làng, để lại trong lòng Trà Long một khoảng lặng, để lại ngôi làng Đo Đo một khoảng buồn bất tận, và chút nắng mới vừa neo đậu đã vội vuột trôi. Như thế, vương đọng trong tâm khảm người đọc,

“Mắt biếc” thực sự là một bản tình ca buồn của những hạnh phúc không tròn, của những lỡ dở và những mảnh ghép bị vênh lệch dù cố ghép mà mãi mãi không ghép được với nhau. Tình yêu của Ngạn da diết và đau đáu dành cho Hà Lan phủ khắp không gian và thời gian, nhưng Hà Lan lại không thuộc về tình yêu ấy, cũng như Hà Lan không thuộc về làng Đo Đo với những ký ức ngọt như miền cổ tích. Hà Lan yêu Dũng, trao cho Dũng những gì đẹp đẽ nhất, bởi vì Hà Lan yêu thích nơi thị thành, yêu những ánh sáng phồn hoa và cuộc sống náo nhiệt, trong khi Dũng chỉ yêu chính bản thân anh và yêu những phiêu lưu trải nghiệm tình ái. Những nhân vật của “Mắt biếc” đối diện và va đập với những gì không tròn vẹn của hạnh phúc và tình yêu. Sau này, Trà Long (con gái của Hà Lan) xuất hiện, cô bé yêu làng Đo Đo, yêu những gì thuần khiết, mộc mạc và chân thành, cô gái dành tình cảm đặc biệt cho Ngạn, cô gái kéo những ngọt ngào, mơ mộng, kéo những êm ả trở về bên Ngạn, nhưng Ngạn lại không thể dành một tình yêu tròn trịa cho Trà Long, dù đôi mắt kia vẫn biêng biếc biết nhường nào. Các nhân vật cho đến cuối của cuộc hành trình đời, vẫn luôn mang trong mình những vết thương lòng không gì xoa dịu được, những khoảng trống không gì khỏa lấp được.
“Mắt biếc” đã bọc gói một nỗi niềm hoang hoải, rạn vỡ của những con người từng tắm trong hồn làng, tắm trong hương quê, rồi một ngày bước ra huyện thị, gặp cơn gió của thị thành. Với giọng văn thẳm sâu và giàu sức gợi, Nguyễn Nhật Ánh đã rủ ta về một miền ký ức dường như đã ngủ vùi trong ta, với những ngày tháng tuổi thơ hoa mộng, hồn nhiên. Nhân vật Ngạn suốt một đời ôm mang một mối tình thơ, ôm mang bóng hình người con gái mắt biếc, ôm mang tình yêu làng Đo Đo và tất cả những gì dính dáng mang hơi thở và hương vị của làng. Ngạn đánh thức, gọi dậy trong ta ý thức nguồn cội, như con chim mãi nhớ về tổ cũ, như con sông dù có chảy trôi mãi vẫn mang trong mình dòng chảy của mạch nguồn. Với mỗi người, ý thức nguồn cội, con người nhà quê, mảnh hồn làng có thể thấp thoáng, có thể nhạt đậm khác nhau, nhưng với Nhạn, tình yêu làng Đo Đo là trọn kiếp phù sinh, trở thành một phần máu thịt, trở thành một phần hơi thở, trở thành một phần trong ngăn mạch trái tim thao thiết. Khi ra thành phố, Ngạn luôn nhận ra sự đối nghịch rõ ràng của hai miền không gian, của hai miền thời gian: Một bên là không gian của ngôi làng Đo Đo yên ả, bình lặng, không gian của mỗi khi chiều xuống, không gian của những bóng trăng tuổi thơ treo lơ lửng trên đường làng và rơi từng giọt vàng xuống giàn hoa thiên lý, không gian bao chứa những buổi trưa nhặt thị trong vườn ông Cửu Hoành, những ký ức đẹp về phiên chợ làng, những buổi chiều len lỏi trong rừng tìm bông dủ dẻ, những buổi chiều hái sim, tìm trứng chim, đi bắt nhái; Còn một bên là không gian của thị thành nguy nga và lộng lẫy, với những đại lộ thênh thang, những tòa nhà cao vút, vẻ nhấp nháy muôn màu của các rạp chiếu bóng và các vũ trường, ồn ào, bụi bặm, không gian vắng bóng những cây xanh, bầu trời bị chia cắt thành từng mảng nhỏ và tầm mắt thì bị chặn lại bởi những dãy cột điện. Trong không gian phố thị, Ngạn không thể nhìn ngắm những đám mây bay, những đêm trăng sáng, không thể nào bắt gặp vẻ rầu rĩ huy hoàng của mặt trời lúc từ giã trời xanh. Ngạn mỗi ngày vẫn luôn đắm mình trong dòng chảy của không gian cũ và thời gian cũ đầy yên bình, đậm đặc chất thơ, ảo diệu như những thước phim màu cũ. Ngạn như kẻ lạc bước giữa hai miền không gian. Ngạn thấy xa xót buồn khi nhìn mắt biếc năm xưa nay đã đổi thay, đổi thay từ cái áo cái quần nàng mặc, từ mái tóc và dáng đi. Dự cảm về những giá trị xưa cũ, hương đồng gió nội gắn với làng Đo Đo yêu dấu của người con gái mắt biếc đang dần rời bỏ cứ xâm lấn dần trong ánh nhìn của Ngạn. Cô gái mắt biếc năm xưa đã bật gót khỏi đời sống quê kiểng, nhập thân và cuộn vào cơn gió bụi của thị thành. Kỷ niệm và ký ức tuổi thơ êm đềm không níu được trái tim người thiếu nữ ngây thơ trước những cám dỗ của chốn phồn hoa đô hội. Ngạn mỗi ngày nhìn những mất mát, rụng rơi ấy trong một nỗi thổn thức, nghẹn đau, tiếc xót, giằng xé mà không thể níu giữ, không thể kéo người con gái ấy về bên mình. Số phận đã đưa đẩy Hà Lan, cô gái mắt biếc năm xưa, tắm dưới bóng trăng đẫm nước nom huyền hoặc và vời vợi, dần dà vuột ra khỏi tầm tay của Ngạn. Nguyễn Nhật Ánh cứ miên man đưa chúng ta nhập thân vào những bi kịch lỡ làng của mối tình đơn phương, với muôn vàn những thổn thức nơi thăm thẳm con tim. Sau này khi đối diện với Trà Long, vẫn với đôi mắt biếc diệu vợi, nhưng Ngạn thảng thốt nhận ra rằng đó sẽ chỉ là tình vá víu, bởi Ngạn vẫn còn thao thiết với niềm xưa. Ngạn dứt áo ra đi, mang theo nỗi hoài niệm thời quá vãng, mang theo niềm đau của một thân phận người trong cuộc nhân gian này. Những ngày tháng trong cuộc sống của Ngạn là những tháng ngày chắt chiu tất thảy cho người mình yêu, nghèn nghẹn và bao dung. Ngạn chính là người luôn cố níu giữ những giá trị yên ả, thanh bình của ngôi làng nhỏ, giữ lại những gì trong trẻo, ngây thơ, đắm đuối của người con gái quê trong như bóng trăng.

Lời văn óng chuốt, ngân vào lòng độc giả những điệu hồn quê, mang dấu tay và hơi thở của Nguyễn Nhật Ánh. Cả thiên truyện lẩn khuất dòng nhạc buồn cứ trôi mãi, trôi mãi. Hồn quê mãi neo đậu trong tâm thức Ngạn và sau này neo đậu trong tâm thức Trà Long.

Đọc “Mắt biếc” của Nguyễn Nhật Ánh, cứ ngân lên trong ta bản nhạc “Mắt biếc” của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên “Mắt biếc năm xưa nay đâu… Nhớ dáng xưa yêu kiều trong chiều nhạt nắng, cung đàn gợi ý. Chờ nhau trong tê tái…”. Nhưng thiên truyện không chỉ là xúc cảm đong đầy, nghèn nghẹn của một tim yêu mãi mang theo một bóng hình, một “mắt biếc” đầy hoài niệm, mà ở đó chúng ta còn thấy một trái tim yêu đến bỏng rát hồn làng, mùi đất đai, mùi cây lá, bóng trăng, nẻo đường quê…, nơi bao chứa kỷ niệm tuổi thơ dịu ngọt. Vì tất cả những điều này, chúng ta cùng chờ đợi những thước phim tuyệt vời của đạo diễn Victor Vũ, chờ đợi ngôn ngữ điện ảnh thăng hoa để các nhận vật của “Mắt biếc” lại được hiện diện và chạm đến tận cùng trái tim khán giả.