Một nét đẹp khác của nền thơ kháng chiến

618

1. Trong văn học giai đoạn kháng chiến chống Pháp, Quang Dũng là một hiện tượng: thứ nhất, đó là nhà thơ mà tên tuổi của ông gắn với bài thơ ra đời rất sớm trong nền thơ kháng chiến, cũng là rất sớm trong đời thơ của ông.

Trước và sau Tây Tiến Quang Dũng cũng có một số bài thể hiện được cái điệu tâm hồn của mình nhưng lưu dấu lâu dài và gắn với tên tuổi ông thì số một phải là Tây Tiến; thứ hai, Quang Dũng là nhà thơ miền Bắc có thơ được in ở miền Nam thời đất nước còn chia cắt; một số bài thơ của ông còn được các nhạc sỹ miến Nam phổ nhạc và vì thế được lưu truyền rộng rãi hơn. Cũng cần phải nói thêm là Tây Tiến theo chân những trí thức Hà thành từng đi kháng chiến di cư vào Nam và nhiều độc giả phía nam thuộc bài thơ theo nguồn ấy. Trong hành trang của nhiều người Việt xa xứ có Tây Tiến cũng như trong tâm tưởng của người Bắc di cư, ngoài Tây Tiến còn có thêm Mắt người Sơn Tây, Đôi bờ. Tất nhiên, thời ấy cũng có những nhà thơ như Hoàng Cầm với bài thơ đỉnh là Bên kia sông Đuống dù sau này ông còn viết nhiều bài khác, cũng hay, cũng rất Hoàng Cầm, có Chính Hữu với Ngày về, Nguyễn Đình Thi với Đêm mít tinh (sau này ông sửa lại và đổi thành Đất nước), Hữu Loan với Đèo Cả

Quang Dũng là nhà thơ viết không nhiều nhưng chọn trong số không nhiều những bài thơ tiêu biểu thời kỳ đầu của nền thơ kháng chiến chống Pháp, không thể không có Tây Tiến.

2. Có lẽ phải đặt Quang Dũng vào thế hệ các nhà thơ kháng chiến mới thấy hết sự độc đáo của Quang Dũng cũng như bài Tây Tiến của ông.

Như chúng ta đã biết, cách mạng có một lực hút không nhỏ đối với những văn nghệ sỹ tiền chiến yêu nước cho nên nhiều nhà văn đã tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc ngay từ khi mới thành lập, hoạt động bí mật và họ trở thành lực lượng nòng cốt trong nền văn nghệ cách mạng sau này. Tuy nhiên, ngay sau khi cách mạng thành công một thời gian, phần lớn những nhà thơ văn tiền chiến không viết được hoặc không viết được gì đáng giá. Để có một cách đánh giá khách quan tránh tình trạng rơi từ thái cực này sang thái cực kia, gần đây, khi đọc lại Ngô Thảo và những tài liệu anh ghi chép được thời còn làm việc ở tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi thấy có một số ý kiến của nhà thơ Vũ Cao – một văn nghệ binh từ thời kháng chiến chống Pháp, từng phụ trách tờ tạp chí này, có thể tham khảo để giải mã hiện tượng đó chăng? Ấy là việc ông cho rằng lúc bấy giờ chúng ta hô hào về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và phương pháp sáng tác của nó nhưng thật chưa ai hiểu một cách đến đầu đến đũa. Vì thế mà có hiện tượng một số nhà thơ tiền chiến không “bắt nhịp” được lối thơ đại chúng mà lúc bấy giờ cách mạng lại rất cần văn nghệ vào trận để tuyên truyền cho kháng chiến, nghĩa là cần một lối thơ dễ hiểu hướng đến những người lao động. Vũ Cao có nói đến trường hợp nhà thơ Hồng Nguyên. Sau khi đọc bài khen của một nhà phê bình có uy tín, ông nói, ông không thích bài Nhớ, dù đó là một bài thơ được nhiều người cho là một trong số những bài thơ tiêu biểu của một văn nghệ binh thời kháng chiến chống Pháp. “Nó không phải là Hồng Nguyên. Nếu không biết Hồng Nguyên, hẳn tôi quý bài thơ. Nhưng vì biết Hồng Nguyên mà tôi thấy bài thơ không phải là hay. Trong ký ức của tôi Hồng Nguyên là một con người khác hẳn”“Đọc Nhớ lần đầu, tôi sửng sốt. Lạ quá. Một người như thế mà viết như thế này thì lạ thật”. Tất nhiên Vũ Cao vẫn cho rằng “Bài Nhớ cũng có cái tài hoa, thông minh của nó”, nhưng theo ông, đó “là cái tài hoa của một người ít học” mà theo ông biết, Hồng Nguyên vừa có học, vừa tài hoa và nhiệt huyết. Cái tạng Hồng Nguyên mà ông biết, rất khác với những gì trong Nhớ. Vũ Cao cho rằng “do tâm trạng của một lớp người thời bấy giờ, những anh trí thức, muốn hòa mình với quần chúng, phải tự nguyện xóa bỏ mình đi, họ tìm mọi cách nghĩ, cách nói mới giản dị bình dân mà nhận thức ấu trĩ cho là gần quần chúng hơn” (Dĩ vãng phía trước. tr.116). Đấy là một cách nhìn của riêng Vũ Cao, có thể hơi “quá” một chút về một trường hợp cụ thể nhưng vào thời điểm ấy, nó là một thực tế. Những suy nghĩ này soi sang trường hợp Xuân Diệu, có lẽ không sai nếu ta so sánh những bài thơ của ông viết chào mừng cách mạng thành công và những bài thơ từng làm nên một Xuân Diệu mà Hoài Thanh gọi là “mới nhất trong các nhà thơ mới”.

Một lớp nhà thơ mới gồm những thanh niên yêu nước sinh ra và lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống học hành đi theo cách mạng, góp phần hình thành văn nghệ kháng chiến và thế hệ các nhà thơ kháng chiến. Ở miền Bắc bấy giờ vùng khu Tư được coi là vùng tự do, có Trường Văn nghệ Liên khu 4, nơi mà Hoàng Trung Thông, Minh Huệ, Hoàng Minh Châu và nhiều nhà văn nhà thơ khác theo học. Một khu vực khác là chiến khu Việt Bắc, nơi tập trung những cán bộ ưu tú nhất của cách mạng cũng như của Hội Văn nghệ Việt Nam trong đó có các văn nghệ binh như Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Vũ Cao, Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Hữu Loan,… Ở bắc miền Trung thơ không có những biến động khác thường nhưng ở khu vực chiến khu Việt Bắc, nơi hội tụ nhiều trí thức trẻ Thủ đô và các nhà thơ tiền chiến thì có khác hơn. Sau một số sự kiện xảy ra như Hội Văn hóa Cứu quốc giải tán và Hội Văn nghệ Việt Nam thành lập, cuộc tranh luận về thơ không vần của Nguyễn Đình Thi… đường văn của giới văn nghệ có những ngã rẽ khác nhau. Tôi nghĩ có thể Quang Dũng không bị ảnh hưởng của những sự kiện đó vì sau khi tham gia cách mạng đúng vào ngày khởi nghĩa, ông vào quân ngũ và bấy giờ đang ở binh đoàn Tây Tiến. Ông làm thơ theo cách cảm cách nghĩ của mình. Thời gian trôi qua, một nền thơ kháng chiến ra đời và có những giá trị nhất định như chúng ta đã biết. Tuy nhiên những bài thơ còn lưu lại với thời gian không hẳn chỉ là những bài thơ kéo thơ về với quần chúng dù tinh thần đó đã được đặt ra trong Hội nghị rồi còn nối dài đến sau hòa bình cả mấy năm…

3. Quang Dũng viết thơ không nhiều: có 42 bài đã in và 23 bài chưa in. Sau này, tinh hoa thơ Quang Dũng tập hợp trong Mây đầu ô. Ông cũng có viết truyện ngắn, bút ký nhưng không thật nổi bật, Ông có vẽ tranh, sáng tác nhạc và chơi nhạc cụ nhưng không đầu tư. Quang Dũng tham gia cách mạng, vào bộ đội rồi xuất ngũ năm 1951. Sau hòa bình, ông về làm việc ở báo Văn nghệ và Nhà xuất bản Văn học cho đến lúc nghỉ hưu.

Quang Dũng tuy sinh ra và lớn lên ở Hà Đông, bấy giờ còn là một vùng nông thôn, nhưng lớn lên ra Hà nội học Sư phạm; là người quảng giao, ông cũng là người thích xê dịch. (Và chuyến xê dịch sang Vân Nam -Trung Quốc- khoảng đầu những năm bốn mươi của ông bị coi là ông có quan hệ thân cận với nhóm Nguyễn Hải Thần, đã thành một nghi án sau này khi ông liên quan ít nhiều đến vụ Nhân Văn – Giai phẩm) Tham gia Cách mạng ngày 19 tháng 8 năm 1945 đến đầu năm 1947 sau khi học xong Trường Bổ túc quân sự ở Sơn Tây, ông đầu quân về binh đoàn Tây Tiến gồm các chiến sỹ tình nguyện của khu III, khu IV và tự vệ thành Hà Nội (binh đoàn này sau đổi tên là Trung đoàn 52, có thời kỳ ông giữ chức đại đội trưởng và Phó đoàn võ trang tuyên truyền Lào Việt). Cuối năm 1948, ông chuyển sang đơn vị khác và Tây Tiến ra đời khi ông đã rời Trung đoàn, về dự Đại hội toàn quân Liên khu III ở Phù Lưu Chanh, thuộc tỉnh Hà Nam.

Trước khi có Tây Tiến, Quang Dũng cũng đã có thơ. Những làng đi qua (1947) có cốt cách hiện thực, đặc tả sắc sảo và gợi cảm tinh tế, kết hợp được chất hiện thực của thủ đô kháng chiến mùa xuân năm 1947 với chất trữ tình vang vọng trong tâm hồn con người. Bài Đôi bờ (1948), thơ 7 chữ, phong vị cổ điển Đường thi lại đắm đuối trong cảm xúc lãng mạn thời Thơ mới, hiện thực của vùng tự do xen kẽ vùng tề mang một khí vị giang hồ cổ xưa rất gợi cảm” (Vũ Quần Phương. Bóng mát đường xa. Tr.123). Nhiệm vụ của binh đoàn Tây Tiến là mở đường thông sang Lào để đánh lại quân Pháp đóng ở vùng Hòa Bình – Thanh Hóa của Việt Nam và vùng Sầm Nưa của Lào. Để thực hiện nhiệm vụ này, các chiến sỹ Tây Tiến đã chịu đựng bao hy sinh gian khổ. Quang Dũng đã thể hiện tất cả những điều đó trong thi phẩm của mình mà các chuyên gia bình thơ lâu nay đã có những thẩm binh tinh tế và sâu sắc.

Bẩm sinh Quang Dũng là người có vẻ ngoài phong độ. Thời đi học, ông yêu thơ Đường qua những bản dịch của Tản Đà. Lớn lên, ông yêu Thơ mới như bất cứ một học sinh nào thời bấy giờ mà mê nhất là Thế Lữ trong Nhớ rừng “bởi chất tâm trạng sơn dã của nó”. Ông cũng là người mê Thạch Lam không chỉ sự tinh tế trong truyện ký của nhà văn này mà còn ở những bản dịch văn chương từ tiếng Pháp, đặc biệt là Tarax Bunba của Gogol mà ông mang theo trong ba lô của mình khi tham gia binh đoàn Tây Tiến. “Tôi yêu những con người Codak dũng cảm, yêu tự do, sống phóng khoáng, gắn bó với thanh gươm yên ngựa và những chiến công trên những thảo nguyên mênh mông như những chiến khu di động chống lại bọn phong kiến xâm lược bảo vệ nền độc lập của dân tộc.” (Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học. tập 3. NXB Văn học 1993. Tr.97). Đồng cảm và yêu thích, từ thơ Đường đến Thơ mới, từ chất thơ trong văn Thạch Lam đến chất lãng mạn, phóng túng trong Gôgol, tất cả những điều đó đã ảnh hưởng đến cốt cách, văn chương của ông mà Tây Tiến là một hội tụ điển hình.

Theo như ông cho biết: để thực thi nhiệm vụ, binh đoàn phải mở mới một con đường xuyên rừng núi bấy giờ rất hoang vu trong điều kiện không chỉ thiếu ăn mà còn thiếu phương tiện làm việc, thiếu thuốc chữa bệnh; hàng ngày chạm mặt với những con “Dốc lên thăm thẳm, dốc khúc khuỷu”, “Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống” những “Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”. Trong điều kiện sống và làm việc giữa rừng xanh núi đỏ như vậy các chiến sỹ Tây Tiến bị nhiễm sốt rét, rụng hết cả tóc, chết rất nhiều và chết không có có đồ liệm. Quang Dũng đã viết về những khó khăn gian khổ đó bằng bút pháp lãng mạn, tạo nên vẻ đẹp có một không hai của những chiến binh đi vào kháng chiến với khí chất và tâm hồn Việt Nam của Tarax Bunba – của những chàng trai yêu nước vì độc lập của Tổ quốc mà bất chấp khó khăn, gian khổ hy sinh, trong những hình ảnh đặc sắc. Bút pháp lãng mạn ở đây không nhằm thi vị hóa những khó khăn hy sinh của bộ đội Tây Tiến mà ngược lại nó làm nổi bật hơn lên nét phóng túng, xả thân của những người vì nghĩa lớn. Khi ông viết “Anh bạn dãi dầu không bước nữa/ Gục lên súng mũ bỏ quên đời” thì người đọc hình dung ra một cuộc ra đi thanh thản, nhẹ nhàng dường như đã được báo trước của người vệ binh – kiểu như là đi vào giấc ngủ – khi mà sức cùng lực kiệt. Cũng như khi viết về những người lính Tây Tiến gầy yếu xanh xao, đầu rụng hết tóc vì sốt rét “quân xanh màu lá” đó vẫn mang được khí chất dũng mãnh “oai hùng”, vẫn không hết mộng mơ “mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Có lẽ giấc mơ của các chàng trai này không là mơ về một thủ đô và những cô gái cụ thể. Đây là giấc mơ về một cuộc sống an bình ở phía trước, trong tương lai, về cuộc trùng phùng của các trai tài gái sắc tương phản với những gì đang diễn ra trong thực tại. Quang Dũng không trực tả. Ông để cho người đọc cảm và thường bên những gian khổ, ông lại phối vào một hình ảnh đẹp; cái khổ bị lấn át, bị nhòe mờ trong một cái cảm cụ thể đẹp hơn mà vẫn không phi hiện thực: cồn mây của “nghìn thước lên cao” đã cho khẩu “súng ngửi trời” cũng có nghĩa là khẩu súng vươn về chốn cao xanh, nơi đó nó không phải làm cái chức phận thường ngày của nó. Hình ảnh này gợi nhớ “đầu súng trăng treo” trong thơ Chính Hữu sau này.

Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng còn được thể hiện khi ông viết về cái chết. Trong một hồi ức của ông, ông kể nhiều chiến sỹ đã nằm xuống cả đến manh chiếu để liệm cũng không có. Vì đóng quân ở xa nhau nên mỗi lần có người chết, đơn vị lại dùng cồng để báo hiệu. Tiếng cồng, vì thế, với ông như một ám ảnh. Mà số người chết vì sốt rét còn nhiều hơn cả số người chết ốm, nghĩa là có thể chết dọc đường hành quân. Hình ảnh “Rải rác biên cương mồ viễn xứ” gợi cho người đọc lòng xót xa về những nấm mộ – phận người “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” nằm lại nơi miền rừng heo hút. Vậy mà viết về những người lính ra đi trong cảnh đó, ông đưa vào thơ mình hình ảnh “áo bào thay chiếu anh về đất” và để cho nỗi đau đớn xót thương đó thể hiện qua tâm trạng được nhân hóa của dòng sông bản địa “Sông Mã gầm lên khúc độc hành” như một lời tiễn biệt. Những ngôn từ Hán Việt vốn được dùng trong những hoàn cảnh đặc biệt, được Quang Dũng đưa vào  bối cảnh này khiến cho hình ảnh thoát ra khỏi sự thật trần trụi, trở nên trang trọng thiêng liêng hơn, đúng với tinh thần của những cái chết vì Tổ quốc.

Bút pháp lãng mạn đó còn được ông sử dụng khi viết về con người và thiên nhiên miến đất Tây Tiến với những kỷ niệm đẹp, từ mùi hương “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”, đến âm thanh “Khèn lên man điệu nàng e ấp”, từ không khí lửa trại “hội đuốc hoa”, đến những cô gái Thái “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” trong ký ức về một mùa xuân bảng lảng khói sương ở “Sài Khao sương lấp”, ở “Mường Lát hoa về trong đêm hơi” của “người đi Châu Mộc chiều sương ấy”. Ông đã khoác lên cho miến đất hoang sơ, heo hút ấy tấm áo lộng lẫy từ tình yêu và nỗi nhớ của mình làm nên cái điệu tâm hồn của riêng ông và đặc săc nhất trong nghiệp thơ của ông. Đó là tình cảm của chàng học sinh lãng tử hồn nhiên mang vào cuộc kháng chiến những gì đã thành máu thịt của mình từ sách vở mà không hề hay những hệ lụy có thể đến khi mà kháng chiến đang chưa cần đến cái lãng mạn đó cũng như kháng chiến cho rằng biểu hiện đó của tư tưởng tiều tư sản là không có lợi cho cách mạng và kháng chiến lúc bấy giờ. Tất cả những điều đó sau hòa bình mới được cụ thể hóa, nhất là khi Quang Dũng dính chút ít vào Nhân văn – Giai phẩm…

Bút pháp lãng mạn của Quang Dũng đã tạo sự độc đáo cho Tây Tiến khi đặt bài thơ này trong sự nghiệp thơ của ông cũng như trong nền thơ kháng chiến cuối những năm bốn mươi. Khi mà ngòi bút ông chưa bị ảnh hưởng bởi những áp lực xung quanh, đang viết theo những gì có trong mình và mình đã cảm, đã yêu và tạo nên cái tạng của mình thì cùng với những “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm / Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa” (Ngày về. Chính Hữu), “Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em” (Đêm mít tinh. Nguyễn Đình Thi)… Tây Tiến góp phần tạo nên một nét đẹp khác trong giai đoạn đầu của nền thơ kháng chiến.

Đã có nhiều bài viết hay phân tích Quang Dũng, phân tích nghiệp thơ và Tây Tiến của ông. Bài viết này thêm một nén tâm nhang tưởng nhớ ông nhân 100 năm sinh, cũng đã hơn bảy mươi năm Tây Tiến ra đời và hơn ba mươi năm ông về miền mây trắng.

Theo Tôn Phương Lan/Báo Văn Nghệ