Mỹ thuật Tây Đô – thời hội nhập

1018

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đồng hành với văn học, mỹ thuật thuộc phạm trù thượng tầng kiến trúc – một chủng loại của nghệ thuật tạo hình, sáng tác trên tiêu chí thể hiện lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ với khát vọng phục vụ cho con người (L’art pour la vie). Do ảnh hưởng khách quan của hoàn cảnh chính trị xã hội, mỹ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng của Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển hạn chế trong điều kiện không mấy thuận lợi trong mấy thập niên từ những thập niên trước cho đến mấy năm đầu sau ngày thống nhất đất nước (1975).                                                                  

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, các hoạ sĩ vùng giải phóng gốc Cần Thơ đi tập kết ở miền Bắc từ năm 1954, sau khi vượt Trường Sơn về hoạt động trong Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam hoặc trong chiến khu như các hoạ sĩ Tô Dự, Thái Đắc Phong… điêu khắc gia Nguyễn Phước Sanh… Sau ngày 30/04/1975, hoạ sĩ vùng kháng chiến về thành, kết hợp cùng một số hoạ sĩ hoạt động tại thành phố trước đây như: Trần Đình Nghĩa, Nguyễn Văn Ẩn, Nguyễn Thanh, Hà Văn Phú, Lý Xinh… tạo thành một đội ngũ họa sĩ hùng hậu trong hội Văn nghệ Giải phóng, hội Văn nghệ Tỉnh, hội Văn học Nghệ thuật và nay là hội Mỹ thuật TP Cần Thơ, nay thuộc Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật Thành phố Cần Thơ.

Trong bối cảnh sôi nổi rộn ràng của những ngày đầu mới giải phóng, năm 1975, trước tiên, tất cả anh em văn nghệ sĩ thành phố trong đó có những người làm công tác mỹ thuật bắt đầu tập trung vào hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố Cần Thơ. Các hoạ sĩ Thành phố có mặt ngay từ buổi đầu tiên gồm có Hương Văn Hiền, Nguyễn Thanh, Hà Văn Phú (Năm Phú), Nguyễn Dư,… Sau hơn mười năm chuyển tiếp, Hội Văn nghệ Giải phóng Thành phố sáp nhập luôn vào hội Văn nghệ tỉnh Hậu Giang (tức TP. Cần Thơ lúc bấy giờ) vốn được thành lập một năm sau (1976), hợp thành một nhóm đông đảo các hoạ sĩ như: Trần Đình Nghĩa, Lý Xinh, Hà Văn Phú (Năm Phú), Hương Văn Hiền, Nguyễn Văn Ẩn, Dương Hà… lần lần được tăng cường thêm với các hoạ sĩ, điêu khắc gia từ trong chiến khu ra hay từ Hà Nội trở về như Tô Dự, Thái Đắc Phong, Nguyễn Phước Sanh…

Trong thời gian mới giải phóng, các hoạ sĩ chỉ công tác phục vụ cho chính quyền cách mạng trong bộ phận thông tin tuyên truyền gặp không ít khó khăn về kinh tế. Công lao các hoạ sĩ Trần Đình Nghĩa (đã mất) với những tác phẩm ấn tượng màu nước, Hà Văn Phú (đã mất) kỹ thuật ửng vàng về chân dung, Lý Xinh với nghệ thuật hòa sắc rực rỡ, nổi tiếng về chân dung, phong cảnh, đáng được nhắc tới để tôn vinh tinh thần phục vụ tích cực của các nghệ sĩ này. Tuy nhiên, trong giai đoạn bao cấp, hầu hết các hoạ sĩ quá bận bịu nhiều về cơm ăn áo mặc nên chưa có sáng tác chất lượng đáng kể ngoài tranh cổ động có mục đích phục vụ cho yêu cầu chính trị. Phải đợi đến thời kỳ đổi mới từ năm 1986, cùng với đa phần lĩnh vực nghệ thuật khác, hoạt động mỹ thuật tại Cần Thơ mới có điều kiện phát triển mạnh mẽ và khởi sắc hơn.

Một luồng gió mới thanh mát thực sự đã bắt đầu thổi mạnh vào không gian nghệ thuật lồng lộng của đất Tây Đô trong thời kỳ mở cửa (1986). Khoảng hơn mười năm đầu của giai đoạn chuyển mình của nước nhà, nhiều họa sĩ kháng chiến, đã từ Bắc vượt Trường Sơn về Nam, giữ cương vị cốt cán ở bộ phận thuật mỹ trong đó có mỹ thuật trong hội Văn học Nghệ thuật. Đa phần nghệ sĩ đã làm việc năng nổ, huy động thêm được nhiều nghệ sĩ có khả năng chuyên môn như các họa sĩ: Tô Dự, Trần Đình Thảo, Đỗ Năm, Lê Chuôn, Nguyễn Văn Ẩn… Phân hội Mỹ thuật đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tranh tại tỉnh nhà, đồng thời động viên các họa sĩ trong phân hội sáng tác và gởi tranh dự thi nơi các tỉnh khác vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đạt nhiều giải thưởng qua các cuộc thi Mỹ thuật, tạo dần thêm uy tín cho các nghệ sĩ trong phân hội.

Đến cuối thập niên đầu của thế kỷ 21, từ khi Hội Văn học Nghệ thuật Cần Thơ tiến đến thành lập Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật, cũng như các phân hội khác, phân hội Mỹ thuật được tách ra  thành Hội Mỹ thuật Cần Thơ…

Hội Mỹ thuật Thành phố Cần Thơ chính thức được hình thành với thành phần hội viên đủ lứa tuổi, hoạt động tích cực với tất cả tâm hồn say mê cái Đẹp lý tưởng của con người nghệ sĩ một đất nước thực sự độc lập và tự do trong cảnh thanh bình thịnh vượng. Lớp nghệ sĩ mới trong hội kế tục các bậc nghệ sĩ đàn anh đã về hưu giờ đây tràn đầy sức xuân mãnh liệt, nồng cháy tâm huyết, kết hợp với năng lực chuyên môn cơ bản, đã ngày càng tạo thêm lòng tin ở công chúng mộ điệu. Nhờ cách lãnh đạo khéo léo, mềm mỏng, chịu khó, chan hòa với anh em, từ những năm đầu của thập niên thứ hai thế kỷ hai mươi mốt, chủ tịch điêu khắc gia Trần Đình Thảo hầu như đã tăng cường thêm sinh khí ấm áp của hội Mỹ thuật sau một thời gian ngắn hoạt động hội chưa thật khởi sắc vì thời tiết khách quan và nhân sự tích cực. Ban Chấp hành mới từ thời điểm ấy gồm có bốn người: điêu khắc gia Trần Đình Thảo, các họa sĩ: Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Lê Hoàng Lâm, Cao Thị Ánh Xuân… là những nghệ sĩ có kiến thức kinh điển và kỹ thuật vững vàng, đang công tác tại cơ quan nhà nước, hoặc lao động nghệ thuật tự do có đời sống tương đối ổn định nên được yên tâm sáng tác. Những nghệ sĩ tài hoa giàu nhân cách trong hội đã trình làng những tác phẩm chất lượng, đã từng đạt giải hoặc là ứng viên các giải quan trọng trong những cuộc thi tại thành phố và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như các điêu khắc gia, họa sĩ: Trần Đình Thảo, Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Lê Hoàng Lâm, Cao Thị  Ánh Xuân, Lê Thị Kiều Nga, Nguyễn Đệ, Lê Thanh Nghĩa, Lê Nguyễn Thắng, Trần Quý Thuận, Trần Thiện Pháp…

Thượng tuần tháng chạp năm 2019 vừa qua, một cuộc triển lãm “Chào mừng Kỷ niệm 54 năm Ngày Truyền Mỹ thuật Việt Nam 12/12/1965 – 10/12/2019”, tổ chức bởi Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật và Hội Mỹ thuật Thành phố Cần Thơ, tại 170 Lý Tự Trọng, Thành phố Cần Thơ.

Có dịp tham quan, công chúng yêu Cái Đẹp nghệ thuật đất Tây Đô, trong khoảnh khắc, cảm thấy tâm trí sảng khoái thăng hoa như được hành hương vào thế giới sắc màu của thần Aphrodite, Muses *. Trong khoảng 30 họa phẩm đa số thực hiện theo kích thước trung bình trên dưới 1m, được trưng bày lần này của 22 họa sĩ, tiêu biểu cho các tác giả đã đạt giải là Lê Hoàng Lâm (tác phẩm Chợ nổi Cái Răng), Nguyễn Thị Ngọc Hiền (tác phẩm Biển), Võ Thị Xuân Ca (tác phẩm Nghỉ ngơi), Chu Đình Hải (tác phẩm Dưa tây), Lê Thanh Nghĩa (tác phẩm Đua bò), Hồ Nguyên Ngạn (Xóm trọ). Đan Thanh có hai họa phẩm sơn dầu kích cỡ 60 x 90 cm: Thanh bình (Peaceful) và Xóm chài (Fisher village) vừa sáng tác trong năm 2019 để góp mặt với anh em.

Cảm nhận qua không gian rừng tranh triển lãm kỳ này, khách thưởng ngoạn nghệ thuật bốn phương không khó nhận ra chủ đề thể hiện trong nội dung họa phẩm: phong cảnh quê hương (Chợ nổi Cái Răng, Biển …); Hoạt cảnh (Đua bò của Lê Thanh Nghĩa…); tĩnh vật (Dưa tây, Hướng dương của Nguyễn Phát Đạt…); cảnh sinh hoạt: kể chuyện (Hoài An… )… Hầu hết họa sĩ vẽ theo khuynh hướng cổ điển (classicism), hiện thực (realism) cách tân, ít mang dấu ấn của trường phái hiện đại (modernism), lập thể (cubism) hay siêu thực (surrealism)… nên nội dung đa phần tác phẩm của họa sĩ dễ thỏa mãn cảm quan của đại bộ phận quần chúng xem tranh. Tuy nhiên, thiết nghĩ phòng tranh như vậy không tránh khỏi vẻ yên bình, như tâm trạng một người đi dạo trong hoa viên ở thành phố chỉ ngắm được các loài hoa quen thuộc như lan, sen, hồng, cúc… Do vậy, họ hiếm có dịp cảm nhận được cái cảm xúc lâng lâng thích thú khi bất ngờ bắt gặp thoang thoảng chút hương xa của một loại hoa dại lan rừng, thạch thảo, trinh nữ,… ngan ngát hương rừng! Bù vào các yếu tố về sự vắng mặt tác phẩm mang hơi hướng hiện đại thời công nghệ robot, các họa sĩ đất Tây Đô rất đáng trân trọng ở ưu điểm đã thể hiện tất cả tài năng đậm đặc, sự đam mê rực lửa qua nét cọ chuyên nghiệp rất tinh tế sắc sảo cộng với phong cách hòa sắc nhuần nhị của những nghệ sĩ có chuyên môn.

Nội dung đa phần tác phẩm triển lãm lần này đáp ứng sát sao yêu cầu nội dung tư tưởng của hội Mỹ thuật là ca ngợi quê hương giàu đẹp, phát huy truyền thống  lao động cần cù và chiến đấu dũng cảm của dân tộc. Lắng đọng tâm hồn để thưởng thức rừng tranh rực rỡ của nghệ sĩ nơi đây, ta phát hiện được tất cả kiến thức hội họa kinh điển, sự trải nghiệm lao động nghệ thuật và tinh thần chịu khó học hỏi từ trường lớp và cả ở thực tế cuộc sống ngoài đời của nghệ sĩ. Có thể nói xem tranh của các nghệ sĩ kỳ này, ta nhận ra được sự cần mẫn công phu đáng quý của các họa sĩ yêu nghề, thể hiện trong từng nét cọ vững vàng, vệt màu hòa sắc thích hợp, tất cả yếu tố nghệ thuật đã cộng hưởng điều hòa trong một bố cục kinh điển (các bức Biển, Chợ nổi Cái Răng, Dưa tây…) chan hòa  ánh sáng chủ đạo chọn lọc đẫm chất trí tuệ. Song hành với kỹ thuật tinh tế trong sự thể hiện ở đường nét chi li và màu sắc sáng tạo ở tác phẩm tiêu biểu như: Dưa tây (Chu Đình Hải), Chợ nổi Cái Răng (Lê Hoàng Lâm), người xem còn chú ý đến họa phẩm Đua bò khá đặc biệt của Lê Thanh Nghĩa, bức tranh đã tạo cảm giác ấm áp, gần gũi với gam màu nóng và hình ảnh quen thuộc trong sinh hoạt lễ hội địa phương miền Bảy Núi. Tác phẩm Biển của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Ngọc Hiền, trông qua bút pháp dung dị nhưng là bức thông điệp bằng màu sắc, nói lên được sự giàu có, ấm no vĩnh hằng của một đất nước Việt Nam với “rừng vàng biển bạc” trong đó có vùng đất Tây Đô gạo trắng nước trong.

Rời phòng tranh, khách thưởng ngoạn nghệ thuật còn hơi tiếc một điều là trong đợt triển lãm này phải chi có thêm những tác phẩm điêu khắc, tranh lụa hoặc sơn mài thì khu vườn mỹ thuật Tây Đô sẽ càng thêm rực rỡ, ngào ngạt sắc hương. Bởi lẽ, thủ đô văn hóa miền Tây không thiếu những nghệ sĩ có khả năng như Trần Đình Thảo, Tô Dự, Xuân Hội, Thiện Pháp… có khả năng đảm nhận thực hiện tốt những công trình nghệ thuật. Nhưng nhìn tổng thể phòng tranh triển lãm đã phản ánh được không gian sinh hoạt nghệ thuật tạo hình của đất Cần Thơ trong thời hội nhập, ta thấy đa phần họa sĩ có tác phẩm triển lãm đã thể hiện phong cách quần chúng, đảm bảo tính nghệ thuật và ý nghĩa nhân văn trong tác phẩm, thể hiện tiêu chí nghệ thuật phục vụ xã hội và nhân sinh.

*Các vị thần Nghệ thuật và Văn chương  

Đan Thanh