Dòng sông cuộn chảy – Truyện ngắn Trần Thế Tuyển

560

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lớn lên, hiểu chuyện, anh thấy thương yêu tất cả mọi người. Mẹ Hằng, các em của anh. Và cả cô Hương với các em cùng cha khác mẹ nữa, không ai có lỗi. Tất cả do chiến tranh!

Nhà văn Trần Thế Tuyển 

Đức vừa về đến nhà thì vợ anh sụt sùi báo tin: “Bố đi rồi. Cô Ba vừa điện vào. Ông đi lúc 5 giờ sáng”. Đức sững sờ. Anh biết thế nào cũng có ngày này. Nhưng nghe tin “động trời“ ấy, anh hụt hẫng. Người Đức chung chiêng như đang cưỡi trên mây. Cách đây một tuần, mẹ anh gọi điện: “Bố yếu lắm rồi, con về ngay đi”. Công việc cơ quan bề bộn, lại chuẩn bị cho đại hội nhiệm kỳ chi bộ, Đức vẫn phải sắp xếp về ngay. Anh đưa cả vợ và hai đứa con gái đang học tiểu học về. Cả nhà phải về thôi. Bố anh, ông Kết trước khi về với tổ tiên có nguyện vọng phải gặp tất cả mọi người, nhất là vợ chồng con trai cả và những đứa cháu nội đang ở miền Nam.

Đức cố giấu sự xúc động. Giọng anh khô như bắp rang: “Tất cả chuẩn bị. Sớm mai bay”. Đã quen thế, lời của chồng là mệnh lệnh. Vợ Đức đáp: “Mọi thứ đồ đạc vẫn còn như cũ. Hôm qua về, em chưa rỡ ra”.

Nghe mẹ báo tin, tuần trước, Đức phải gửi hai con gái cho bác Bên, chị gái của vợ để về quê.

Sau hơn hai năm liệt giường do tai biến, ông Kết khẳng khiu như bộ xương người trong phòng thí nghiệm. Duy chỉ có đôi mắt thì vẫn thế. Mê man thì thôi, lúc tỉnh, ông Kết luôn nhìn ra cửa:

“Vợ chồng thằng Đức và mấy đứa nhỏ về chưa?”

Cả nhà, tập một, tập hai đã có mặt đông đủ.

Nhưng ông Kết vẫn đau đáu, chờ đứa con trai đầu lòng và cũng là con trai duy nhất trở về. Người xưa nói, đời con người ta có hai giai đoạn thiện và thật nhất. Đó là lúc vừa chào đời “nhân chi sơ bản thiện”. Và, lúc sắp từ bỏ dương gian về với tổ tiên. Hình như trước lúc đi xa, người ta mới có dịp nhìn lại mình. Cái gì đúng, cái gì sai. Đúng thì như bảo bối truyền lại cho con cháu. Sai thì sám hối và nếu có thể nói ra thành lời thì mới thành thản ra đi. Ông Kết cũng thế. Trước lúc đi xa, ông muốn có mặt đầy đủ cả nhà. Bà Hằng, người vợ thủy chung, cả cuộc đời gắn bó và khốn khổ vì ông, con cháu đôi ngả nữa; đặc biệt là thằng Đức để ông Kết nói lời xin lỗi.

 

Một

Cách đây gần 80 năm, gia đình ông và gia đình Nam, người bạn thân, nhà chỉ cách nhau bờ ao. Cùng tuổi, học chung lớp nên hai người coi nhau là bạn “nối khố”.

Họ thân nhau đến nỗi, mỗi ngày không gặp nhau là không thể chịu được. Có củ khoai nướng, thế nào hai người cũng rủ nhau, cùng ăn. Kết nhớ mãi, có lần Nam theo cha ăn giỗ ngoài tam tùng, lấy phần cho Kết. Bây giờ cái cảm giác giữa mùa đông giá buốt, ngồi trên lưng trâu, được ăn nắm xôi gấc, kèm miếng thịt lợn luộc (dẫu toàn mỡ) Kết thấy ngon đến lạ lùng.

Hồi hành quân vượt Trường Sơn vào Nam bộ, đêm đêm tòng teng trên cánh võng, Kết vẫn nhắc lại kỷ niệm ấy. Bạn “nối khố” từ ấu thơ sau thành đồng đội, hai người tưởng như không bao giờ có thể xa nhau. Vậy mà cũng đến lúc phải chia xa. Kết nhớ lại, đó là những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ 20, sau Mậu Thân, địch mở trận càn lấn sang Cam Pu Chia, chà xát biên giới hòng phá nát các căn cứ đóng quân của ta. Vào chiến trường, Nam được bổ sung xuống Trung đoàn 174 thuộc Công trường 5 đánh địch ở vùng Bà Rịa – Long Khánh. Còn Kết được giữ lại hậu cứ bổ sung vào bệnh xá quân y tiền phương. Chiến trường mỗi ngày một khốc liệt. Bệnh xá tiền phương không đủ sức điều trị thương binh nên chỉ sơ cứu rồi chuyển lên tuyến trên. Đêm nọ, Kết tiếp nhận một thương binh bị mảnh pháo găm vào phía sau ót đầu. Cô y tá trực bảo rằng, thương binh này rất tỉnh. Nhưng vết thương hiểm cần theo dõi sát. Kết đọc bệnh án, anh nhận ra người thương binh ấy là Nam. Kết vội vàng chạy xuống lán bệnh. Nằm trên cáng thương, nhận ra giọng Kết, Nam reo lên:

“Kết đấy à. Mày có khỏe không?” Kết cầm bàn tay của Nam, thất thần. Những thương binh bị thương như Nam rất tỉnh nhưng thật nguy hiểm. Đang nói chuyện như sáo ấy mà “đi” lúc nào không hay. Đang nói chuyện đầu Nam quẹo sang một bên. Kết pha cho Nam ly sữa và cố tình gợi chuyện như không có gì hệ trọng sắp xảy ra. Nhưng giác quan thứ 6 của người sắp đi xa đã mách bảo Nam. Giọng Nam thều thào như ngọn gió luồn qua cánh võng:

“Kết à, tao sắp đi rồi. Mày ở lại. Mai này, nếu trở về, mày giúp tao lo cho Hương nhé. Tao thương Hương lắm”

Kết cố giấu đi sự xúc động đang trào dâng. Giọng Kết đứt quãng:

“Mày chỉ nói gở. Tao với mày nhất định sẽ trở về gặp Hằng, vợ tao và gặp Hương, vợ mày chứ!” Kết vừa nói thì từ đâu có luồng gió lớn lướt qua. Rừng cây chao đảo, ngả nghiêng như có bàn tay người khổng lồ nhổ từng gốc cây, ngọn cỏ. Một cành khô rơi xuống ngay cửa lán. Như không có chuyện gì xảy ra. Gió vừa ngớt, Kết đến ôm Nam vào lòng. Nam vòng cánh tay như cành khô ôm ghì Kết. Giọng Nam rệu rão như băng cát sét yếu pin:

“Mày nhớ lời tao dặn. Hãy giúp tao…”

Kết chưa kịp nói lời nào thì nghe tiếng nấc như tiếng động cơ xe tụt dốc của Nam. Đầu Nam quẹo hẳn sang phải. Mắt trắng dã và bọt mép phun ra từng lớp. “Tao, tao đi nhé?”

Kết ôm ghì bạn:

“Nam ơi, Nam ơi, mày đừng bỏ tao…”

Vuốt mắt bạn xong, Kết như người mộng du, thủ thỉ với Nam mà như nói với chính mình:

“Mày yên tâm, tao mà còn sống trở về, tao sẽ làm theo lời mày dặn”

Tháng 4 năm 1975, năm cánh quân của ta như năm gọng kìm áp sát Sài Gòn. Sài Gòn được giải phóng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ít tháng sau, do sức khỏe yếu, Kết có quyết định xuất ngũ.

Về quê, đêm đầu tiên, tiếp bà con nội ngoại, xóm giềng xong, Kết sang thăm nhà Nam. Kết dừng nơi bờ ao mà tuổi thơ Nam và Kết hay câu cá, đắn đo. Không biết có nên kể cho Hương nghe phút lâm chung và ước nguyện cuối cùng của Nam? Hình như có ý đợi Kết, nhà Hương chưa đóng cửa. Ngọn đèn dầu “Hoa Kỳ” leo lét trên bàn gỗ cũ kỹ. Nơi bàn thờ khói nhang nghi ngút. Hương ra tận cửa đón Kết. Không giữ được xúc động, Hương cầm bàn tay Kết, vừa khóc vừa nói:

“Anh về rồi còn anh Nam của em đâu?”

Kết đứng lặng như trời trồng. Từ lúc đặt ba lô về nhà, khách xa gần đến thăm tấp nập, Kết chưa kịp nói chuyện riêng với Hằng, vợ anh. Hương là người đàn bà đầu tiên anh nắm tay, ghì vào lòng. Kết đến thắp nhang cho Nam. Trước di ảnh của Nam, giọng Kết trầm đục:

“Nam ơi, tao đã về rồi. Tao đến thắp nhang cho mày đây. Mày sống anh hùng, chết vẻ vang, linh thiêng phù hộ cho Hương và cả nhà.”

Dừng lại một lúc, Kết định khấn tiếp nhưng bỗng thấy nén nhang trên tay đỏ rực, nhảy múa, Kết vái mấy vái rồi đứng như pho tượng. “Trời khuya rồi, anh về nhé”. Hương tiễn Kết ra cổng. Nắm bàn tay Kết, cô thấy gần gũi thân thương quá. Như là nắm bàn tay nóng ấm của Nam.

Những tháng ngày sau đó có biết bao công việc đến với Kết. Nào, sửa lại ngôi nhà đã ủ dột cho Hằng. Nào, chạy hồ sơ xin việc…

Cưới nhau đã gần chục năm vợ chồng anh thực sự chỉ ở bên nhau được vài ngày. Chồng biền biệt ở chiến trường, Hằng đơn chiếc một mình vừa chăm sóc bố mẹ chồng đã già yếu, vừa tham gia công tác địa phương. Vốn tạng người gày gò, mảnh mai, xa chồng, Hằng càng héo hon như thân cau đầu ngõ. Cùng cảnh ngộ chồng đi chiến đấu xa, Hằng và Hương trở nên thân thiết. Những lúc nhận thư chồng từ miền Nam gửi về, hai người chuyền tay đọc, cứ như chính thư của chồng mình.

Kết về, chia sẻ với bạn, thỉnh thoảng Hằng rủ Hương sang nhà dùng cơm. Kết cũng vậy, cứ mỗi lần gặp Hương, anh thấy như có Nam bên cạnh. Kể chuyện về Nam nhiều, nhưng chưa bao giờ Kết kể về những lời dặn dò, trăng trối cuối cùng của Nam. Rồi một tối, Kết sang nhà Hương chơi. Câu chuyện chưa xong thì trời nổi cơn giông, mưa như trút nước. Không về được, Kết ngồi uống trà và tự nhiên anh thấy lòng rạo rực. Anh nghĩ, có lẽ hôm nay là khoảnh khắc thích hợp nhất để kể cho Hương nghe lời trăng trối cuối cùng của Nam. Như hiểu được suy nghĩ của Kết, Hương cất tiếng:

“Anh Kết. Lúc anh Nam em mất, có anh ở bên. Vậy anh Nam em có dặn gì em không?”

Như cởi lòng, Kết nói:

“Dặn em thì không, nhưng dặn anh thì có”

Giọng Hương:

“Anh ấy dặn anh những gì?” Kết chần chừ một lúc, nói:

“Nam bảo, tao đi rồi mày thay tao lo cho Hương.”

Căn phòng như đông cứng. Cả hai không nói gì. Ngoài kia gió mỗi lúc một to. Bụi chuối đầu nhà như có ai muốn nhổ bỗng lên.

“Nam mất đã hai năm rồi, Hương tính sao?”- Kết hỏi.

“Sao là sao hả anh?” Kết biết là Hương hiểu câu chuyện nhưng cố né.

“Em tính cứ ở vậy mãi sao?” Một lúc sau, giọng Hương nhẹ như tiếng lá rơi ngoài vườn:

“ Dạ. Em… em không quên được anh Nam. Em chỉ muốn ở một mình”

Kết nói:

“Nhưng mà Nam dặn anh phải thay Nam lo cho em. Em tính sao?”

Giọng Hương: “Sao là sao hả anh?”

Rồi Hương tự trả lời: “Anh có Hằng. Anh phải lo cho Hằng và các con chứ.” Chưa nói xong Hương đã khóc. Tiếng nấc của Hương làm Kết không cầm lòng được. Kết đến bên Hương, đặt tay lên bờ vai Hương. Hương như tàu lá đang chịu giông bão ngã vào lòng Kết. Kết ôm trọn Hương. Mùi bồ kết trộn lá bưởi, hương nhu từ mái tóc Hương làm anh ngây ngất.

Rồi chuyện gì đến đã đến. Kết đến bên bàn thờ thắp nhang cho Nam. Miệng anh lầm rầm những gì Hương không nghe rõ. Đêm ấy, Kết ở bên Hương quá nửa khuya. Hương như sa mạc khô cằn gặp mưa. Còn Kết, anh có cảm giác như mình đang tan biến vào Hương. Như chuyện ấy không thể khác, có bề trên sắp đặt.

 

Hai

Chuyện Hương bỗng dưng có bầu làm xôn xao ngôi làng nhỏ. Người ta đàm tiếu, đoán già, đoán non cha của cháu gái mới sinh là ai?

Ai nghi ngờ, ai đàm tiếu, mặc kệ. Sự nhạy cảm của người đàn bà mách bảo Hằng điều không lành đã xảy ra. Nhưng khác người ta, Hằng không ghen tuông, ruồng rã mà chôn kín nỗi buồn ấy trong lòng. Vài năm sau, Hương sinh thêm một bé gái nữa. Lần này thì mọi chuyện tỏ như ban ngày. Bé gái mới ra đời giống hệt Kết, nhất là đôi mắt. Đôi mắt sâu, có đuôi, y hệt đôi mắt của hai đứa con gái của Kết và Hằng. Dù vợ không tra hỏi, nhưng không thể giấu mãi nỗi day dứt như chiếc gông đeo đằng đẵng ngày đêm, Kết chủ động “báo cáo” vợ. Tối hôm ấy, sau bữa ăn, Kết ngồi uống rượu một mình. Khi thằng Đức và hai em gái của nó đi ngủ, Kết vào giường nằm bên vợ:

“Mình à, anh có chuyện muốn nói với mình”

Giọng Hằng như gió thoảng trong sương: “Mình có chuyện gì? Có phải chuyện tôi biết rồi không?”

Nghe Hằng xưng tôi, Kết bỗng tỉnh như anh chưa uống rượu. Giọng Kết như van xin:

“Mình biết cả rồi. Mình tha thứ cho tôi. Tôi cũng vì lời trăng trối của đồng đội. Tôi thương Hương thật rồi. Tôi đã trót có hai mặt con với Hương.”

Tiếng Hằng rít qua cửa sổ: “Ông làm gì thì làm. Ông cứ coi như tôi đã chết lâu rồi. Nhưng ông đừng làm lũ trẻ mất mặt với bạn bè. Ông muốn tha thứ thì hỏi thằng trai cả của ông với mấy đứa em của nó”.

Kết rụng rời chân tay. Thế là Hằng đã biết tất cả, biết từ lâu. Bấy nay người ta bảo Hằng hiền dịu, vị tha mà sao hôm nay Hằng dữ thế. Kết thực sự sợ Hằng. Sợ đến nỗi anh không dám nhìn thẳng vào mắt vợ.

 

Ba

Ông Kết ngã bệnh do tai biến mạch máu não. Thằng Đức con trai cả đi xa, bà Hằng một tay lo toan, chạy chữa, cơm bưng nước rót cho ông. Hai đứa con gái đã có chồng, bận bịu với con nhỏ và công việc làm ăn, lâu lâu mới đến thăm bố.

Ông Kết nằm bệnh viện được một ngày thì hai đứa con gái của Hương đến. Cả hai đều đã có chồng, có con. Hình như nét sắc sảo nào của bố Kết và mẹ Hương trời đều cho chúng hết. Đến thăm bố, gặp bà Hằng hai đứa sợ lắm. Chúng cúi đầu, khoanh tay chào bà. Không biết vì tế nhị hay dằn cơn giận, bà Hằng nói trống không rồi bỏ ra ngoài: “Ở đây với ông ấy. Tôi ra ngoài. Có việc”.

Hai đứa con gái riêng của ông Kết ôm lấy bố. Chúng không dám khóc to. Ông Kết nắm tay các con. Khóe mắt sâu như giếng cạn, bỗng những giọt lệ lăn trào….

 

Bốn

Đức và gia đình về đến quê thì mọi việc đã đâu vào đó. Ông Kết ốm nặng gần 3 năm nay, mấy lần tưởng đã theo ông bà, tổ tiên nên không quá đột ngột. Rạp đã giăng, ban thờ, bàn ghế, nhang lễ đã được sắp đặt đúng phong tục. Trên chiếc giường còn thơm mùi gỗ mà Đức mới mua, ông Kết nằm đó. Người ông phủ vải trắng. Bát cơm lồng, quả trứng luộc cắm trên đầu đũa; ngọn đèn dầu và nén nhang cháy đỏ cùng tiếng niệm kinh Phật được phát ra từ chiếc radio để đầu giường càng làm ngôi nhà thêm vẻ đau thương, tang tóc.

Bà Hằng cùng con cháu ngồi phủ phục bên cạnh. Thấy Đức về, bà Hằng chạy ra ôm lấy con. Tiếng bà khóc như xé vải khiến những ai có mặt đều không cầm lòng được. Chẳng hiểu sao, trên đường về quê cứ hình dung ra khuôn mặt gầy và đôi mắt trũng sâu của bố, Đức muốn trào nước mắt.

Thế mà bây giờ người anh đanh lại. Tỉnh táo hơn bao giờ hết. Đức liếc nhìn đám con cháu đang quây quần bên thi thể bố. Anh nhận ra, trong số đó có hai đứa em cùng cha khác mẹ. Đức quay mặt nhìn ra dòng sông. Bỗng dưng Đức thấy thương chúng quá. Hai đứa em gái của anh không có lỗi. Nếu có lỗi thì đó là việc của người lớn. Đức nghĩ vậy. Vì thương mẹ, trước đây nghe tin bố có con với người vợ đồng đội đã hy sinh, Đức giận bố lắm. Nhưng khi vào bộ đội, cơ may được công tác chính đơn vị của bố thời kháng chiến, Đức không còn giận bố nữa. Lớn lên, hiểu chuyện, anh thấy thương yêu tất cả mọi người. Mẹ Hằng, các em của anh. Và cả cô Hương với các em cùng cha khác mẹ nữa, không ai có lỗi. Tất cả do chiến tranh!

Đức đứng lặng bên thi hài ông Kết. Bây giờ thì anh không kìm được xúc động. Anh chạy lại ôm ghì hai đứa em gái đáng thương vào lòng. Ngoài kia, dòng người, dòng xe đang nối nhau đến viếng ông Kết. Đức thấy dòng sông trước nhà đỏ nặng phù sa, cuộn chảy. Như thể tất cả suối nguồn đang hối hả đổ về.

Nam Định – TP Hồ Chí Mình, tháng 4-2020

T.T.T