Ngành sách đối mặt với nguy cơ phá sản

480

Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa tổ chức cuộc họp trực tuyến, với sự tham gia của đại diện các đơn vị xuất bản và phát hành sách tại Hà Nội và TP.HCM, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành sách hiện nay. Mọi hy vọng đang trông chờ vào kết quả đối với kiến nghị của Cục Xuất bản, In và Phát hành về việc công nhận sách là hàng thiết yếu.

Có cầu nhưng không thể cung

Gần 500 đơn hàng của Nhà xuất bản (NXB) Trẻ trên các trang thương mại điện tử Lazada và Shopee đã bị hủy chỉ trong vòng một tuần vừa qua, vì các đơn vị phát hành không thể giao được sách cho khách. Nhiều bạn đọc đặt sách trên Tiki cũng chia sẻ gần cả tháng nay không nhận được hàng. Suốt thời gian giãn cách, nhiều đơn vị xuất bản/phát hành có chương trình khuyến mãi: NXB Kim Đồng giảm giá 30% tất cả các tựa sách mới, hỗ trợ vận chuyển sách miễn phí, Tiki, FAHASA cũng thường xuyên có ưu đãi cho bạn đọc; NXB Văn học giới thiệu combo các tác phẩm kinh điển với mức giảm giá sâu, Wave Books tổ chức Hội sách 9K…

Dù gặp rất nhiều khó khăn, các đơn vị làm sách vẫn nỗ lực tạo mọi điều kiện cho độc giả có cơ hội mua sách. Nhưng do đang lúc giãn cách xã hội để chống dịch, các đơn vị làm sách, phát hành sách không thể giao hàng. Bà Nguyễn Lệ Chi – Giám đốc Công ty sách Chibooks – cho biết, đơn vị gần như phải hủy hết các đơn đặt hàng từ khi thành phố thực hiện Chỉ thị 16. Một số đơn vị khác thời gian đầu có thể giao chậm, tùy khu vực nhưng đến thời điểm hiện tại, bưu điện cũng không còn nhận đơn hàng sách. Có cầu nhưng không thể cung, là vấn đề đau đầu đối với các nhà làm sách hiện nay.


Hàng ngàn cuốn sách đã được gửi tặng khu cách ly/phong tỏa nhưng trong tình hình hiện nay, rất khó có thể “xã hội hóa” để duy trì hoạt động ý nghĩa này – Ảnh: Thành đoàn TP.HCM

Số liệu được chia sẻ tại cuộc họp trực tuyến của Cục Xuất bản, In và Phát hành và các đơn vị xuất bản mới đây cho thấy thực trạng khó khăn và những thách thức lớn mà ngành sách phải đối mặt. 80/117 nhà sách của FAHASA đã đóng cửa, doanh thu của đơn vị chỉ đạt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó Alpha Books chỉ đạt 84%, Nhã Nam 76%… Trong sáu tháng đầu năm 2021, các sàn giao dịch thương mại điện tử trở thành kênh phát hành sách chính, ước tính chiếm đến 65% thị trường. “Việc bán sách trực tuyến không khắc phục được khó khăn do sức mua giảm sâu, các khâu sản xuất kinh doanh bị đứt gãy vì giãn cách ở hai thị trường quan trọng là TP.HCM và Hà Nội” – ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, nhận định.

“Lợi nhuận của sách cực kỳ thấp. Một tựa sách in ra phải bán được khoảng 2.000 – 3.000 bản mới hy vọng thu hồi vốn, mà thời gian có khi kéo dài đến một, hai năm. Nhưng suốt thời gian dịch bệnh, doanh thu sụt giảm, sách không tiêu thụ được. Cho phép sách được lưu thông là một hỗ trợ lớn cho ngành sách, việc này có thể giúp cho các đơn vị làm sách không bị phá sản, đặc biệt là đối với các đơn vị làm sách tư nhân” – bà Nguyễn Lệ Chi bày tỏ.

Cần xem sách là hàng thiết yếu

Việc sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, nhưng các đơn vị làm sách vẫn phải trả lương nhân viên, các loại thuế/phí, tiền thuê mặt bằng… trong suốt gần hai năm dịch bệnh vừa qua. Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và UBND TP.HCM đề nghị giảm/giãn thuế, tiền thuê nhà, thuê đất… cho các đơn vị xuất bản/phát hành sách, nhưng chưa được chấp thuận. Cuộc họp trực tuyến lần này cũng là một động thái cần thiết để Cục Xuất bản, In và Phát hành lắng nghe chia sẻ từ các nhà làm sách. Khó khăn đã được giãi bày, việc còn lại là kỳ vọng vào kết quả kiến nghị của cục về việc sách được công nhận là hàng thiết yếu.

Tại Pháp, sách được xem là hàng thiết yếu. Doanh số bán sách tại Thụy Điển cũng tăng trong suốt thời gian dịch bệnh. Những thông tin khả quan từ các quốc gia phương Tây trở thành điểm tựa kỳ vọng cho các nhà làm sách trong nước. Dù vậy, cũng khó có thể so sánh, khi nhu cầu đọc và nhận thức về tầm quan trọng của sách ở mỗi quốc gia khác nhau.

“Việc các nhà sách hay gian hàng sách được mở cửa hoạt động trở lại trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 là điều không thể. Trong tình hình hiện nay, ngành sách chỉ cần được Nhà nước công nhận sách là hàng thiết yếu. Có như vậy mới tổ chức được đội ngũ shipper giao sách đến tay bạn đọc” – ông Lê Hoàng – Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – chia sẻ. Phát hành trực tuyến là giải pháp duy nhất trong thời gian này, mọi việc chỉ có thể tạm thời tháo gỡ khi sách được phép lưu thông.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo cho biết trước đó đã có trao đổi với Bộ Công Thương về việc sách có phải là hàng hóa thiết yếu hay không. Theo ông, hiện sách không nằm trong danh mục hàng cấm vận chuyển trong thời gian giãn cách xã hội. Như vậy, có thể hiểu là sách vẫn được phép giao nhận trong thời gian này.

“Không có trong danh mục hàng cấm, nhưng sách cũng không được ghi rõ là được phép lưu thông. Vậy nên, vẫn cần có công văn rõ ràng thì các shipper mới thuận tiện qua được các chốt kiểm soát” – bà Nguyễn Lệ Chi băn khoăn. Thực tế bưu điện đã không nhận đơn sách, shipper trong thành phố càng khó giao nếu đơn hàng không được kèm theo cả thực phẩm/nhu yếu phẩm.

Trước mắt, để cung – cầu không bị đứt gãy, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên chính là phải kiến nghị sách là hàng thiết yếu. Ý kiến này nhận được đồng thuận và nhiều kỳ vọng từ phía các nhà làm sách.

Theo Lục Diệp/PNO