(Tặng bạn hiền Lưu Ly, chủ tịch CLB “Những cái sừng của đàn bà”)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Cô đã co lại như một con sâu trong nếp lá úa vàng để mặc mọi thứ như nó vốn đã vậy, để yên cho chú công thành danh toại, lãng tử hào hoa với bao hương phấn đàn bà.
Ảnh minh họa
Vừa chạm ngưỡng “ngũ thập tri thiên mệnh” cô Dung đồng thời cũng chạm đỉnh đau thương cuối đời. Một đoạn video clip cho thấy người đàn ông ba mươi năm của cô uống cà phê sáng với một phụ nữ trên cùng chiếc ghế rộng trong sân vườn của một nhà nào đó. Họ hôn nhau còn nhiều hơn những ngụm cà phê, chung quanh trồng rất nhiều hoa nhưng dường như không có bông hoa nào xinh tươi rạng rỡ hơn người đàn bà đó. Đó là Nga, em gái út của cô. Trái tim cô như tan vỡ, mắt nhìn sững vào màn hình và không có giọt nước mắt nào rơi, cũng giống như khi cô cầm trên tay kết quả chẩn đoán về khối u ác tính trong cơ thể mình trước đó.
Tình yêu, nếu vẫn còn lắng đọng đâu đó một chút như cặn rượu thì giờ đây cũng đã bốc hơi không còn vết tích.
Cô quyết định cho qua như những lần trước, coi như mình trót xem một cuốn phim rẻ tiền, ăn một miếng ăn tanh tưởi, vậy thôi!
Quỹ thời gian còn lại của cô không nhiều, sau những ngày suy sụp với nỗi tuyệt vọng âm thầm, cô đã gượng dậy, tự nhủ đây có thể là lần gắng gượng cuối cùng nên hãy thật kiên cường mạnh mẽ như đã từng như thế suốt cả cuộc đời.
Cô lẳng lặng cho đi nhiều thứ đồ đạc cá nhân, trong đó có những món còn mới tinh thậm chí chưa dùng lần nào. Những váy áo đã từng yêu thích, những túi xách và giày cao gót, rất nhiều những phụ kiện thời trang… những thứ đã từng làm cô xinh đẹp lung linh, kể cả nguyên một hộp nữ trang gần trăm món chắt chiu từ thời son trẻ do chính cô tự mua sắm cho mình, bây giờ cũng trao lại cho đứa con gái như một món đồ chơi đắt tiền mà cô đã mua cho nó hồi nhỏ nhân dịp sinh nhật đầu tiên. Đáng kể nhất và làm cô phân vân lưu luyến nhất là khi cho đi gần hết kệ sách gồm những quyển sách quý giá mà cô vẫn nâng niu gìn giữ suốt mấy chục năm trời.
Cô vui vui một chút khi nhớ lại câu nói của một nhân vật trong tiểu thuyết của nhà văn NTH: “Cho không bao giờ phí, chỉ có nhận mà không biết dùng mới phí mà thôi” (lâu quá rồi, không biết nguyên văn có phải vậy không).
Cô đem cho mọi thứ như đã từng cho cả cuộc đời mình, cả tuổi thanh xuân và ngày già héo. Hồn nhiên, tận tụy là thế nhưng vì cuộc đời đôi lúc quá vô tâm (nếu không nói là nhẫn tâm) nên cũng có khi trở nên hoài phí. Nhưng cũng chẳng hề chi, khi tất cả những điều đó đã từng làm cô cảm thấy toại lòng vì đã sống trọn vẹn cho những “mối tình” (tình vợ chồng, tình mẹ con, tình bà cháu…).
Chồng cô, chú Mãnh hiện vẫn là lãnh đạo cấp cao trong một cơ quan nhà nước, thường xuyên đi về giữa những thành phố lớn. Do tính chất công việc chú rất ít khi về nhà, nơi “thường trú” của chú là nhà công vụ hoặc những khách sạn sang trọng (nhưng có lẽ nơi chú yêu thích nhất là khu resort 5 sao có dì Nga làm quản lý!). Chú quả là may mắn khi vẫn ung dung thao túng trong tình trường mà không hề biết rằng vợ mình đang mắc bệnh nan y, đau khổ, uất hận vì bị lừa dối và phụ bạc đến nỗi không hé răng lấy nửa lời. Cô đã co lại như một con sâu trong nếp lá úa vàng để mặc mọi thứ như nó vốn đã vậy, để yên cho chú công thành danh toại, lãng tử hào hoa với bao hương phấn đàn bà.
Con trai cô hiện là chuyên viên của một công ty nước ngoài, tính tình cũng lạnh lùng giống bố, xuân thu nhị kỳ đưa vợ con về nhà thăm mẹ như thăm bẫy, bước vào bước ra vài bận là đi.
Còn cô con gái là giảng viên một trường đại học nằm trong top ba trường đại học tốt nhất châu Á, anh con rể giống hệt hai người đàn ông trong nhà vợ, cũng lạnh lùng, xa cách, một “shark” trẻ trong lĩnh vực bất động sản.
Những lần sum họp hiếm hoi, khi cô một mình túi bụi trong bếp thì thường là ba người đàn ông “họp giới” sôi nổi bên ấm trà ô-long hay một chai Chivas nào đó với mấy miếng phô-mai. Mấy đứa cháu và cô con gái thì cắm cúi với màn hình điện thoại hoặc iPad. Chỉ có chị con dâu có lẽ cũng thấy ngài ngại nên đến bên cạnh cô hỏi han lấy lệ, nhặt vài cọng rau rồi ra ngoài nghe điện thoại hàng giờ. Thôi kệ, chắc cũng do cô cả thôi, cô chỉ muốn mọi người vui vẻ thoải mái, không ai thích làm, không tự nguyện làm thì cô làm hết, không sao cả! Các con cô bây giờ đã trưởng thành, cô nhìn những cái chúng làm được cho bản thân, cho xã hội mà vui mừng, sá kể chi những điều vặt vãnh! Cô tự hào vì mình đã sinh ra, nuôi dạy được những đứa con ưu tú nhường ấy (ít ra là trong con mắt của cô), còn tình cảm và trách nhiệm được thể hiện như thế nào là do tính cách mỗi người, do điều kiện khách quan này nọ, quyền tự do cá nhân làm sao mà ép uổng!
Ngôi nhà bốn tầng khá bề thế của cô chú nằm trên một trong những con đường thanh lịch nhất thành phố. Từ lúc hai đứa con có gia đình riêng, ngôi nhà hầu như chỉ có cô đi về một mình một bóng. Sự hiện diện của mọi người trong gia đình thường là trên màn hình điện tử, với cô cũng đã là một hạnh phúc, thứ hạnh phúc thoáng hiện thoáng mất như ảo ảnh, có khi méo mó đến dị dạng nhưng dù sao cũng gọi là hạnh phúc bởi đó là tất cả những gì cô có thể có, nó mang đến cho cô một niềm vui ấm áp vì quanh đời mình cũng còn một vài ai đó… Vả lại như thế cũng rất phù hợp với tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh như hiện nay.
Với sự đồng ý của chú, cô giữ lại tầng trệt cho cả nhà phòng khi họp mặt lễ tết và tiến hành thủ tục cho thuê tất cả các tầng còn lại, tiền cho thuê sẽ chuyển đều đặn vào tài khoản đồng sở hữu của hai người. Cô đem lên căn phòng nhỏ trên tầng áp mái một ít đồ đạc đủ cho sinh hoạt cá nhân. Thấp thoáng ở đó hình ảnh của cô một thời “độc lập tự do”, trẻ trung sáng chói, rất trong sáng và giản đơn mọi thứ, vô tư cống hiến và tin yêu… Hình ảnh đó đã thường xuyên cứu vớt cô trong suốt quãng đời đã qua và ngay cả bây giờ, khi cô đang trong tình trạng của một kẻ yếu thế, đang tự mình vực dậy, khẩn thiết và quyết liệt. Cô cố gắng sắp xếp một cách khoa học nhất để có được sự hỗ trợ, tương tác lẫn nhau giữa rèn luyện thân thể, vật lý trị liệu, kết hợp đông tây y trong điều trị. Cô đăng ký học yoga và thiền định, nghe kinh, làm thơ, viết kịch bản cho phim ngắn, rồi những chuyến thiện nguyện vùng sâu vùng xa với vài người bạn, gần đây nữa là rất nhiều chuyến tiếp tế cho tuyến đầu chống dịch Covid-19. Cô xông pha với tinh thần của một tình nguyện viên không tuổi, những khó khăn vất vả, những phận đời nhàu nhĩ héo hon, sự mong manh của mệnh người trong đại dịch… đã làm cô biết yêu thương nhiều hơn, tha thứ nhiều hơn, suy nghĩ tích cực hơn, không còn thời gian cho sầu não tuyệt vọng. Cô gần như quên hẳn trong máu huyết thịt xương mình còn có những tế bào khiếm khuyết, mất kiểm soát vẫn đang cựa quậy.
Nhưng số phận lại một lần nữa trêu ngươi, khi thấy khô gắt và hơi đau nơi cổ họng cô đã tự test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2!
Được phép tự cách ly, với sự trợ giúp của đội tình nguyện viên cô nhờ mua đầy đủ các thứ dụng cụ thuốc men cần thiết, nhu yếu phẩm dùng trong nửa tháng và không quên mình là đối tượng có bệnh nền nên càng thận trọng theo dõi bản thân và liên lạc thường xuyên với bác sĩ tư vấn trong khu vực. Rất may là bệnh không có dấu hiệu trở nặng, cô chăm chỉ kiên trì với thuốc men, ăn uống và luyện tập, chỉ 11 ngày sau cô đã trở lại bình thường. Đó là những ngày một mình đối đầu với nguy nan (nội công ngoại kích) nhưng lại vô cùng thanh thản, thời gian như dừng lại, tất cả vẫn yên bình trong gian phòng tĩnh lặng. Cô lại âm thầm tiếp tục công việc của mình với những khúc nhạc đồng quê bay lượn giữa không gian thoảng mùi gỗ cũ, mùi hoa khô và mùi chăn gối không có đàn ông, một thế giới lắng trong tuyệt diệu! Tất cả vẫn còn quá tươi đẹp bên cạnh cô, ngay cả những tế bào xấu xí cực kỳ hiểm ác dưới kính hiển vi cũng được nhuộm màu và trở nên đẹp lộng lẫy thì cớ gì phải chối từ, rũ bỏ những khoảnh khắc hiện tại còn lại của đời người. Có vẻ như cô vẫn còn đủ thời gian để thu xếp lại đời mình và chuẩn bị mọi thứ cho chuyến đi cuối cùng không biết sẽ khởi hành vào lúc nào (có lẽ nên gọi là giấc ngủ sau cùng, nghe cho đỡ mệt hơn, êm đềm lãng mạn hơn chút!).
Gần hết thời gian tự cách ly, số điện thoại mà cô đã xóa khỏi danh bạ, đã chặn nhưng vẫn nhớ rành rọt, chợt gọi tới. Hai lần từ chối, đến lần thứ ba, cô chầm chậm đẩy màn hình sang trái.
– Em đây.
– …
– Chị vẫn khỏe chứ?
– Đồ phản phúc, dối trá. Cút đi!
– Khoan đã chị ơi, chị ơi! Nghe em nói…
– Còn dám gọi cho tôi! Cô muốn gì?
– Em gọi để nói với chị em và anh ấy đã chia tay. Bây giờ em…
– Tôi không quan tâm. Vì các người chỉ như những con thú trần truồng hoang dã không ở trong thế giới loài người.
– Em ngàn lần xin lỗi chị. Em rất biết ơn vì chị đã không để cho các cháu biết chuyện. Em đã rời khỏi Sài Gòn và đã ra đến đảo Thổ Chu. Cho dù thế nào thì em vẫn là em của chị, xin chị đừng ghét bỏ em…
Cô ném điện thoại xuống giường, một lần nữa cố nuốt trôi cơn giận đang âm ỉ cháy trong lòng. Lửa hãy tắt, tro than hãy lụi tàn, quên đi, buông đi, cho ta được an tịnh, cho ta yên phận vỗ về cơn bệnh trầm kha đang từng ngày cùng ta đi về phía bên kia cuộc đời!
Thổ Chu.Tại sao lại là Thổ Chu?! Để tìm quên? Trốn lánh? Tự trừng phạt? Hay lại sắp xây resort để giăng tơ nhện?! Đừng nói với tôi là cô đi tìm nơi sơn cùng thủy tận để sinh con, để chết. Tôi vô cảm với các người rồi, tôi sẽ không đi tìm cô đâu! Nếu thật sự muốn chết, quyết tâm chết thì cô đã không nói đến Thổ Chu với tôi. Cái gia đình này còn nguyên, gã đàn ông trăng hoa kia vẫn còn nguyên, danh dự của cô vẫn còn nguyên là do tôi đã bao bọc, che chắn bằng chính cuộc đời tôi, căn bệnh của tôi, từng cơn đau chết lịm của tôi… Cứ quên tôi, cứ lờ tôi đi như đã từng, lấy đi hết lòng tự tin và niềm kiêu hãnh của tôi, sự bao dung độ lượng của tôi, ngày tháng bình yên của tôi… đó mới chính thật là cô!
Cô Dung ngồi xuôi tay, thẫn thờ lắng nghe từ sâu thẳm nhất của lòng mình. Ở đó chập chờn hình ảnh một cô bé tết đuôi sam bên hàng rào hoa tím biếc, mắt đỏ hoe, miệng mếu máo, nhón chân nhìn theo đám rước dâu ngày cô đi lấy chồng. Cũng chính cô bé đó bước thấp bước cao chạy theo cô đang ngồi trong xe hoa, lùi xa dần cho tới khi cô không còn trông thấy em ấy nữa. Cảm giác đau thắt gan ruột như vẫn còn nguyên vẹn trong cô cho đến bây giờ mỗi lần nhớ lại.
Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng làm sao cô có thể tha thứ và quên đi hết mọi chuyện khi không phải ai khác mà chính là nó, đứa em ruột thịt của cô. Cô đã phó mặc mọi chuyện cho tự nhiên, cho duyên phận và rồi số mệnh đã giáng cho cô một đòn chí tử. Đó là lần duy nhất cô sụp đổ hoàn toàn trong các cuộc phong tình của người chồng trót mang trong mình “căn bệnh đế vương”! Cô đã bị hủy hoại thảm thương bởi niềm tin yêu và lòng nhân hậu bị chà đạp dưới chân những kẻ yêu đương đồi bại kia.
Một ly vang đỏ Đà Lạt đã làm cô dịu lại, vị xí muội dầm trong ly rượu theo cách của một tay pha chế amateur nơi điền dã vẫn dâng lên hương vị cổ xưa làm nguôi ngoai mọi thứ phiền muộn. Cô mở máy tính và ngồi nhìn những hình ảnh hoang sơ của quần đảo Thổ Chu, nơi cô chưa từng đặt chân tới bao giờ.
Đó là một cõi địa đầu xa tít, thăm thẳm về phía Tây Nam chơi vơi giữa bạt ngàn sóng gió. Một vùng đất đã từng chịu đau thương chết chóc và cách xa diệu vợi, cư dân còn thưa thớt, không khách sạn, không nhà nghỉ, chỉ có thể ngủ nhờ nhà dân hoặc đồn biên phòng hay phải ở ngoài trời, còn cô ta thì chắc chắn không hề có ai quen ở đó (lạ thật, nhiều tỉnh thành đang phong tỏa làm sao có thể đến được tận đó, hay là đã đến đó trước từ lâu? Hay chỉ đơn giản là đi trốn dịch Covid-19?!).
Sục sạo trong những cuốn sổ tay cũ mèm, chọn lọc những số điện thoại có khả năng cung cấp thông tin nhất để gọi, cuối cùng cô cũng tìm ra số liên lạc của Đăng, người bạn từ thời học cấp ba nghe đâu đang là một bậc “phụ mẫu chi dân” ở đảo Phú Quốc.
Anh ta đúng là một người bạn “cũ và tốt”, khi nghe tin “bé Nga” ngày xưa đang ở một mình trên đảo, anh ta hứa sẽ “tình cờ” gặp trong thời gian ngắn nhất vì chỉ cách đó có 55 hải lý (!) và hỗ trợ mọi thứ cho dù có xẻ nát quần đảo Thổ Chu với 8 hòn đảo lớn nhỏ nơi đó!
Sau cuộc gọi với Đăng cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn, cứ cho là làm việc đó vì mình đi, để sau này không có gì phải hối tiếc.
Cuộc họp online kết thúc khá muộn, chú Mãnh uống một hơi gần hết lon bia còn sót lại trong tủ lạnh và sau đó kiểm tra chiếc Vertu Aster P sang trọng của mình. Có nhiều cuộc gọi nhỡ, trong đó một số lạ gọi đến nhiều lần và cuối cùng đã gửi một tin nhắn:
“Chú ơi, gần nửa tháng nay không thấy cô, gọi điện cũng không được, cửa ngăn tầng bị khóa nên bọn cháu không lên được nơi cô ở. Chú về xem sao ạ.”
Chú giật thót người, cô chưa bao giờ đi đâu nhiều ngày mà không nhắn tin cho chú biết dù cho chú không có nhà. Hay cô bị ốm hoặc đang tụ tập văn chương tao đàn gì đó với những người trên cung trăng rớt xuống mà quên mất chỉ thị số 16 rồi!
Gọi mấy lần cô vẫn không nghe máy, chú vừa bực mình vừa thấy lo lo nên lên xe về nhà. Đường xá vắng tênh như đang đi giữa hoang mạc, một nỗi buồn bã trống vắng bỗng dâng tràn trong chú (khác hẳn những buổi chiều trước đây luôn với tâm trạng lâng lâng khấp khởi cho những hẹn hò với giai nhân và tri kỷ!). Một chiếc xe cứu thương vượt qua chú với tốc độ tối đa, tiếng còi hú từng hồi không biết đã làm dấy lên bao nhiêu nỗi sợ hãi, bất an của người dân thành phố. Tiếng còi khẩn cấp rít lên rát buốt như những lằn đạn sát thương bất kể hay như đường bay tuyệt cùng của những ánh sao băng. Giữa cơn thảm họa đang làm điêu tàn cả thế giới, biết bao người đã một mình ra đi trong cô độc như đã từng một mình đến với thế gian này. Sự sống và cái chết đối diện nhau, gần kề trong gang tấc, chưa bao giờ sinh mệnh con người trở nên mong manh, vô thường đến thế…
Những bậc cầu thang và tay vịn ram ráp bụi, chú Mãnh có cảm giác buồn bã lạ thường khi nghe tiếng bước chân của mình vang lên trong ngôi nhà vắng lặng của chính mình trong buổi chiều hôm. Tiếng chìa khóa khua loảng xoảng một hồi lâu nghe thật khó chịu vì chú không nhớ nổi là cái nào để mở cánh cửa xương ngăn dưới nhà với tầng cuối. Đây là một trong vài lần hiếm hoi chú đặt chân lên tầng áp mái, nơi mà chú vẫn hay gọi là gác xép chỉ để chứa những thứ không dùng đến, những thứ đáng lẽ đã bỏ đi nhưng vẫn còn tiếc. Mà cũng chỉ có cô mới chọn cho mình một nơi như thế để thức dậy mỗi ngày, một nơi đã bị lãng quên như không hề tồn tại, bềnh bồng trên cao, không gốc, không tựa, chông chênh chao đảo, có thể rơi vỡ, sụp đổ hay chìm đắm bất cứ lúc nào!
– Dung ơi!
…
– Mẹ thằng Khôi ơi!
Vẫn không có tiếng trả lời, chờ một lát, chú nhẹ xoay quả đấm cửa. Căn phòng nhỏ hẹp mờ tối, ánh sáng cô quạnh của ngọn đèn bão sắp hết pin đặt trên chiếc bàn nhỏ chỉ đủ sức chiếu sáng chung quanh nó bằng những tia sáng yếu ớt vàng vọt. Trong ánh đèn mù mờ, tất cả mọi thứ trong phòng đều gọn gàng ngăn nắp, chú không một chút nghi ngờ về sự sạch sẽ bóng loáng của tất cả các đồ vật nơi đây hay bất kỳ nơi nào mà cô trú ngụ.
(Lắm khi cô lau rửa kỳ cọ chà xát xoong nồi hoặc nhiều thứ khác… giống như vô thức cho đến khi chúng sáng bóng lên và soi được mình trong đó! Nó như một trò chơi của cô, như sự thách đố với chính mình trong cô đơn và kiệt quệ. Cô lặng thinh an trú ở nơi tận cùng sâu thẳm nhất của lòng mình, không tủi hờn oán trách, chấp nhận nó như một phần cơ thể mình, định mệnh của mình. Một tất yếu của thói quen và tính cách, và chính nó đã tạo ra số phận, có phải vậy không?!)
Phải mất một lúc sau chú mới nhìn rõ chiếc giường đơn kê sát tường. Tấm chăn in hoa quỳnh anh quen thuộc gấp ngay ngắn ở cuối giường, màu vàng lộng lẫy của những bông hoa trở nên nhòa nhạt dưới ánh đèn. Lâu lắm rồi, dễ đã hàng chục năm qua chú chưa nhìn thấy tấm chăn đó, ngay lúc này đây nó bỗng gợi lại trong chú hình ảnh của những ngày xưa cũ, khi hai vợ chồng còn trẻ và sống trong khu tập thể của cơ quan. Chiếc gối thấp và lớp drap giường hầu như không có nếp nhăn, cô không nằm ở đó hay vừa mới dọn giường, hay đã đi đâu mất tự bao giờ?! Khoảng trống vừa đủ cho một khuất vắng quan trọng, vừa đủ cho một hốt hoảng hoang mang, nó thấp thoáng mùi của dở dang, gãy đổ và ly biệt…
Chú đứng lặng giữa không gian trầm mặc của căn phòng, trong khoảnh khắc chợt nhận ra dù cô đang sống khỏe mạnh ở đâu đó, đang đau ốm nơi này hay thậm chí… đã chết lâm sàng (như cô thường nói) thì vẫn luôn là một người vô cùng xa cách với những bí ẩn riêng tư mà chú không thể nào chạm tới (cho dù với một cách nào đó cô đã ở bên chú gần trót một đời người và, đau lòng thay, rất khó để có thể thay thế hay lấp đầy). Thật ra không phải đến bây giờ chú mới thấy sự cần thiết của người vợ tào khang trong cuộc đời một người đàn ông, chỉ là chú luôn bị cuốn trôi vào công việc, các mối quan hệ và cả những người đàn bà có thực đến từng chân tóc còn cô thì cứ mãi xa xôi mờ ảo! Giá như chú từng có thời gian và tâm hồn rỗi rảnh, không quá bận công việc và cuồng quay bên những bóng hồng phất phơ chớp nhoáng để suy nghĩ xem nguyên nhân vì đâu, điều quan trọng nhất là cái gì, để đến với cô và yêu cô bằng tình yêu của muối mặn gừng cay… thì có lẽ cuộc vợ chồng của hai người đã không đến nỗi phải lâm nguy và luôn nằm trong nguy cơ phải kết thúc một cách đáng tiếc. Chú luôn hoàn thành trọng trách của một người công bộc, đối xử đúng mực với người trên kẻ dưới nhưng không biết rằng đối với gia đình lại quá nhiều thiếu sót. Chú mải miết rong chơi, vong thân trong xa hoa phù phiếm với những mối tình bay lên trời, đinh ninh rằng bất kể là bao lâu và khi nào, hễ chú trở về là sẽ có cô, còn cô y nguyên ở đó (như ngôi nhà, như căn bếp và pho tượng một nữ bồ tát!).
Còn chuyện dì Nga, thật sự chú đã rất ân hận. Chú yêu cô ấy như đứa em gái trong nhà khi cô ấy là một cô em gái, nhưng khi cô ấy là một người đàn bà thì… chú biết làm sao hơn! Cũng may là vợ chú không hay biết (!) chứ nếu không thì chú phải hỏi trời mới biết nên ứng phó thế nào vì đó là em gái cô chứ không phải người ngoài như những lần khác!
Chú Mãnh nhẹ nhàng bước đến bên khung cửa sổ, đưa tay kéo tấm rèm đang lặng lờ buông rũ và bất ngờ khi nhìn thấy những chậu xương rồng xếp thành hàng với khoảng cách đều đặn trên bệ cửa sổ. Những chậu xương rồng nhỏ xinh đủ loại đang vươn cao, từ chúng toát lên một sự mạnh mẽ lạ thường. Một, hai đóa hoa mới nở với hình dạng và sắc màu rất lạ, ngay cả những gai nhọn kia cũng tiềm ẩn sức mạnh của những mũi kim cương. Chú thầm nghĩ sao mãi đến bây giờ mình mới nhận ra từng có những thứ như thế trên đời, những thứ rất đỗi bình thường nhưng chưa bao giờ sinh ra cho mình, thuộc về mình (hay vì mình đã quá vô tình đi qua tất cả những điều đó như một đứa trẻ chưa bao giờ lớn?!).
Chú nhìn qua song cửa, ngoài trời hoàng hôn đã chín. Những ánh đèn màu vẫn lấp lánh trên các cao ốc như những vì sao đến từ xa thẳm, kiên nhẫn thắp sáng và chờ đợi khi thành phố bỗng có những đêm dài hoang vắng…
Cánh cửa phòng tắm nhẹ mở, cô Dung bước ra trong ánh sáng trắng bất ngờ làm chú giật mình và hơi chói mắt. Cô gầy guộc hơn trước nhưng dáng vẻ an nhiên và đôi mắt vẫn đầy nghị lực, môt làn gió từ cửa sổ xương rồng phả vào không gian giữa hai người làm tóc cô lay động. Nụ cười vừa kịp nở trên môi chú Mãnh, một nỗi mừng vô hạn tràn ngập lòng chú cùng lúc với mong muốn được ôm lấy cô trong phút chốc, quên hết thế giới ngoài kia đầy hiểm nguy vô hình đang vây bủa.
Có thể lòng vị tha và niềm hy vọng vẫn chưa tắt trong tim người phụ nữ, nhưng cuối cùng, tất cả những điều đó còn có thể làm được gì?! Một câu hỏi đớn đau, trễ muộn không cần thiết phải trả lời.
K.N