Nghe thấy tiếng người trong văn

479

Tháng 10 năm 2021, kỉ niệm 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, Nhà xuất bản Phụ nữ đã ấn hành hai cuốn sách đặc biệt: Tiếng người trong văn  Nguyễn Xuân Khánh một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi.

1. Tiếng người trong văn là tiếng của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về cuộc đời văn chương của mình từ đọc văn, học văn, dạy văn, viết văn cho đến đàm luận về văn chương. Trong 18 mảnh hồi ức, Nguyễn Xuân Khánh không cốt ôn nghèo kể khổ, chỉ đơn giản là nhắc lại niềm đam mê như một cái nghiệp mà ông theo đuổi từ khi còn là cậu bé ngây thơ cho đến khi trở thành một nhà văn dạn dày mưa chan nắng cháy của cuộc đời.

Mê đọc sách từ năm lớp ba, Nguyễn Xuân Khánh ngốn ngấu tất cả các thể loại truyện từ ta đến Tây, Tàu. Lớn lên, Nguyễn Xuân Khánh đọc sách tiếng Pháp của Daudet, G.Sand, Dostoevsky, C.Dickens… Ông gọi họ là những nhà văn nghiêm túc của thế giới. Nhờ họ, ông “vỡ ra thế nào là văn học Tây phương và thế nào là thứ văn học nghiêm túc nhân đạo chủ nghĩa”. 16 tuổi, Nguyễn Xuân Khánh đã chui vào chăn khóc rưng rức khi đọc đoạn văn Raskolnikov quỳ dưới chân Sonya và nói: “Không phải anh quỳ dưới chân em, mà là anh quỳ trước nỗi đau của nhân loại.” Từ bữa ấy, Nguyễn Xuân Khánh tự nhủ: “Mình sẽ là nhà văn và là nhà tiểu thuyết.”

Quan niệm về văn chương của nhà tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh cũng không có gì cao siêu, đại ngôn hay cao đàm khoát luận. Đó là những suy ngẫm từ trải nghiệm bút mực của chính ông. Rồi từ đó, chậm rãi và điềm đạm như vốn thế, ông tâm sự với người đọc về bản chất của sáng tạo.

Đọc Lá thư rơi của Tô Hoài, Nguyễn Xuân Khánh tìm thấy bài học vỡ lòng về văn học: “Văn học muốn thành công thì phải động chạm được vào tình cảm con người.” Đến khi viết được cuốn tiểu thuyết đầu tay vừa “ngô nghê” vừa đáng yêu có tên Rạng đông, ông hiểu rằng “viết tiểu thuyết khó nhất là tạo ra được không khí”. Xem trích đoạn vở tuồng Nguyệt Cô hoá cáo có sức lay động đến tận đáy thẳm tâm hồn con người, ông nhận ra “người nghệ sĩ, người sáng tạo chính là con người đam mê”, “đam mê là suối nguồn của sáng tạo”. Chiêm nghiệm về hành trình cầm bút của mình, Nguyễn Xuân Khánh bộc bạch, hiện thực “đi ngàn dặm” là “hiện thực bên ngoài”, hiện thực đi thực tế vào bên trong bản thân mình là “hiện thực bên trong”, “sự nội quan ấy rất quan trọng” vì nó là khát khao ẩn ngầm bên trong bản thân ta và ngoài xã hội. “Người nghệ sĩ, nếu đúng là một nghệ sĩ, phải nói lên được những điều ẩn ngầm ấy mà vô thức xã hội đã mách bảo cho ta”; “Chỉ những kí ức vô thức mới là điều mà người nghệ sĩ phải cần dùng làm nguyên liệu cho tác phẩm của mình.”

Vượt qua những trắc trở trong sáng tác, Nguyễn Xuân Khánh nghiệm ra rằng: “Nhà văn phải tự tạo ra mình, tự sinh nở ra mình… Nhà văn phải độc hành đi theo hướng mình đã chọn lựa. Nếu gặp duyên, hắn sẽ đến được đích, nếu không hội đủ được nhân duyên, thể tất hắn phải hi sinh. Nhà văn như kẻ đi săn, cuốn tiểu thuyết hắn cố gắng đạt tới, nó như một con thú dữ vừa nhanh nhẹn, vừa xảo quyệt. Có thể hắn sẽ chết trước khi đến được con thú nhưng cũng có thể hắn thuần phục được con thú dữ.” Với ông, nghề văn chẳng qua là cuộc hành trình đi tìm “khuôn mặt thực”, “khuôn mặt tã lót” của mình, của cộng đồng mình. “Cuộc đi tìm cái chân – ngã ấy chẳng ai có thể làm hộ ta, nó chẳng hề dễ dàng. Phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt…”

Trải qua mọi cay đắng lẫn vinh quang của cuộc đời cầm bút, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chân thành và thẳng thắn tâm sự như kí thác về nghề văn nghiệp chữ đối với bạn đọc và đồng nghiệp. Giản dị mà minh triết, cá biệt mà phổ quát, Tiếng người trong văn còn giúp người đọc nhìn nhận “khuôn mặt thực” của cộng đồng, của dân tộc mình trong một giai đoạn lịch sử tưởng chừng như bình lặng nhưng lại có nhiều cơn sóng ngầm cuộn xoáy…

Trong văn Nguyễn Xuân Khánh, ta còn nghe thấy tiếng của các nhà văn “cùng một lứa bên trời lận đận” như Trần Dần, Phạm Toàn, Vũ Bằng, Hoàng Cầm, Phù Thăng, Dương Tường… Tiếng của những người đi qua trường văn trận bút vẫn ngang tàng, hồn nhiên, sâu sắc, thiết tha và luôn khao khát được gửi trao với nhân thế chữ nghĩa của mình. Những nhận định của Nguyễn Xuân Khánh về các nhà văn ấy rất tinh tường; ông khắc hoạ được cái thần thái, tài hoa và khí phách văn chương cũng như nỗi niềm riêng của họ. Nguyễn Xuân Khánh “thích Tô Hoài viết về nông thôn”. Ông đọc thấy trong Thương nhớ mười hai, “Vũ Bằng có cái duy lí logic của kí Tây phương, có cả cái bay bướm thâm trầm của kí Đông phương”. Ông xác quyết “Trần Dần là một thi sĩ khổng lồ”, không “ngã lòng”. Ông tán thành quan điểm của nhà thơ – dịch giả Dương Tường: “Khi chất dân tộc đã ở trong máu anh thì anh làm cái gì cũng ra chất dân tộc.”

Trong miêu tả của Nguyễn Xuân Khánh, có một Phạm Toàn (Châu Diên) – người bạn chí cốt và là tri âm của ông – “lăn xả vào đời sống thực…, kiếm ăn bằng ngòi bút và mồ hôi của mình”, luôn giữ căn cốt của một tính cách bộc trực, nhanh nhạy, hết mình cả trong văn chương và đời thực. Rồi Phù Thăng, Nguyễn Dậu, Lê Bầu, Bùi Ngọc Tấn, Nguyên Bình, Đoàn Lê… Tất cả họ đã góp phần làm nên chân diện văn chương của dân tộc một thời.

Bằng ngòi bút có sở trường văn xuôi đầy tinh tế và điêu luyện, Nguyễn Xuân Khánh cuốn hút người đọc vào từng câu chuyện mà mình kể lại. Khi viết nên hồi ức về bạn bè, ông cũng “tạo ra được không khí” của truyện kể, khiến cho cả tập sách luôn có sự đan xen giữa chuyện đời và chuyện nghề, chuyện mình và chuyện người, giữa văn chương và thế cuộc, hành động và suy ngẫm, cơ duyên và nghiệp dĩ… từ những người nghệ sĩ chửa có khi nào/ quên táo bạo/ chửa có khi nào/ quên hát/ quên đau (thơ Trần Dần).

2. Nếu như ở Tiếng người trong văn, người đọc được nghe tiếng của Nguyễn Xuân Khánh nói về các nhà văn khác, thì với Nguyễn Xuân Khánh một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi, chúng ta lại được nghe tiếng của người khác nói về Nguyễn Xuân Khánh. Cả hai cuốn sách bổ sung cho nhau như một cuộc hỗ kiến, bội kiến cùng làm nên chân dung đầy đặn của nhà văn “đội gạo lên chùa”. Ở Nguyễn Xuân Khánh một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi, chân dung Nguyễn Xuân Khánh và những đặc sắc văn chương của ông đã được khắc hoạ bởi các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình có uy tín qua 41 tiểu luận tinh tuyển.

Một đời Nguyễn Xuân Khánh miệt mài cày chữ. Ông hồn nhiên viết, ưu tư viết, thong thả viết, thanh thản viết dẫu cho giông bão của cuộc đời không ngừng vần vũ trong bầu trời văn học và bầu trời cơm áo của ông. “Nguyễn Xuân Khánh vừa làm thợ may, vừa nuôi lợn, vừa viết văn. Ông viết không lúc nào ngừng nghỉ. Trong căn nhà lụp xụp lợp lốp cao su lẫn lá gồi lẫn giấy dầu, ông ngồi viết. Trong căn nhà ẩm thấp bên hồ nước trong làng Thanh Nhàn phía chợ Mơ, ông ngồi viết. Trong ngôi nhà nghèo rỗng, tháng tháng phải cùng Dương Tường, Mạc Lân… đi bán máu kiếm tiền, ông ngồi viết.” Với Miền hoang tưởng, Trư cuồng và bộ ba tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh đã “tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc cũ kĩ” để “nói lên được cái hồn vía của mảnh đất sinh ra…, bú mớm nuôi nấng” mình.

Theo nhà văn Phạm Toàn (Châu Diên), Miền hoang tưởng “hình như là tác phẩm đầu tiên ra đời trước khi nghệ thuật được cởi trói”, bởi vì “đã là kẻ sáng tạo thì chẳng chờ ai ra lệnh – cứ lặng lẽ vần từng viên đá lát từng khúc đường, sớm muộn gì thì cũng sẽ có một con đường”; Hồ Quý Ly là tiếng khởi đầu kêu gọi đi tìm bản sắc Việt; Mẫu Thượng ngàn là đề nghị rụt rè về một cơ sở văn hoá nền tảng cho người Việt; và Đội gạo lên chùa “là lời đề nghị của người kiến trúc sư tâm lí dân tộc đã bớt rụt rè để tập trung xây dựng hẳn một Ngôi Chùa Việt Nam viết hoa – một ngôi chùa được chứng thực suốt dọc lịch sử đương đại gần một thế kỉ” của người Việt.

Từ nhiều góc nhìn và lí thuyết văn học, phần lớn các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình đã ghi nhận thành tựu tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh một cách sâu rộng “từ trung tâm chuyển ra ngoại biên, rồi lại từ ngoại biên chuyển vào trung tâm”; từ “cấu trúc nghệ thuật đến cấu trúc tư tưởng”; từ “tư duy tiểu thuyết”, “quan niệm về lịch sử”, “sức ám ảnh của tín ngưỡng dân gian”, “hệ thống biểu tượng đạo Mẫu”, “tính đối thoại”… cho đến “diễn ngôn về lịch sử và văn hoá” và rất nhiều yếu tố tự sự khác. Những tiểu luận, tranh luận đầy công tâm và giàu tri thức của họ là tư liệu nghiên cứu rất đáng tin cậy cho việc tìm hiểu văn nghiệp Nguyễn Xuân Khánh. Đồng thời, những khoảng trống còn lại cũng mở ra nhiều gợi dẫn cho người đi sau tiếp tục khám phá.

Nguyễn Xuân Khánh một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi là cuốn sách mà nhóm chủ biên và Nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện để tri ân những đóng góp của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cho văn học, cho đời sống tinh thần và văn hoá Việt Nam. Cuốn sách đầy sức nặng của tình cảm và sự tôn nghiêm của hồi ức, của khoa học và nghệ thuật này đã bước đầu khắc tạc nên chân dung văn chương Nguyễn Xuân Khánh.

3. Nhà văn Nguyễn Bình Phương từng nói: “Khi nhà văn nằm xuống, đồi núi của anh ta mới trồi lên.” Quả đúng như vậy! Nhưng thực ra, lúc còn tại thế, dẫu trải qua bao dâu bể, đồi núi của Nguyễn Xuân Khánh cũng đã trồi lên. Với sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả, sự ghi nhận của Nhà nước, ông đã được nhận một cái kết có hậu cho sự nghiệp văn chương. Tuy vậy, việc ấn hành hai tác phẩm Tiếng người trong văn – cuốn sách cuối cùng và Nguyễn Xuân Khánh một nụ cười mỉm một nghiệp văn xuôi – cuốn sách tri ân khi nhà văn vừa nằm xuống là một khẳng định và ghi tạc sự vững chãi của đồi núi Nguyễn Xuân Khánh trong nền văn chương Việt. Có cả một bảo-tàng-văn-học Nguyễn Xuân Khánh trong hai tác phẩm này với đầy đủ “đường đời và đường văn”, “tác phẩm và dư luận”, “tư tưởng và phong cách”, vinh quang lẫn cay đắng, tôn vinh lẫn phủ nhận.

Từ hai cuốn sách, bạn đọc có thể nghe thấy Tiếng người trong văn, nhìn thấy một nụ cười mỉm an nhiên và độ lượng, chiêm ngưỡng một nghiệp văn xuôi đồ sộ của cây bút luôn “muốn thấm đẫm mình trong nền văn hoá dân tộc”.

“Một đời người nhẫn nại, một đời văn kiên cường”, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Nguyễn Xuân Khánh vẫn thể hiện “bản lĩnh và tầm vóc của một nhà văn lớn”. Bây giờ, cõi trần thân đã rời mặt đất/ hồn ở văn chương vẫn đậm tình (Phạm Xuân Nguyên), Tiếng người trong văn vẫn còn ấm áp đâu đây trong câu chữ, trong nỗi nhớ niềm thương, sự kính trọng và ngưỡng mộ của mọi người.

Theo Tịnh Thy/VNQĐ