Ngọc Lan – “nhành hoa” bạc mệnh

655

20 năm Ngọc Lan qua đời, fan luôn nhắc nhớ danh ca khả ái – người được ví như “thiên thần”, khép cuộc đời ở tuổi 45 vì bệnh tật.


Ca sĩ Ngọc Lan sinh năm 1956 tại Khánh Hòa, cùng gia đình sang định cư ở Mỹ từ năm 1980.

Anh Nguyễn Nhật – một thành viên trong FC của ca sĩ ở Việt Nam – cho biết hàng năm họ vẫn duy trì buổi gặp mặt, cùng nghe nhạc, kể nhau nghe thêm một câu chuyện mới về Ngọc Lan. Anh ấn tượng nhất lần được nghe kỷ niệm với cố ca sĩ của MC Trần Quốc Bảo và nhạc sĩ Trường Kỳ. Khi Ngọc Lan biểu diễn ở Quebec, Canada, một người đàn ông đưa con gái khoảng ba, bốn tuổi đến và nói: “Đây là mẹ con đó”. Ông bố vốn là “gà trống nuôi con”, muốn bé có ấn tượng đẹp về người mẹ đã qua đời. Từ đó, mỗi khi gặp Ngọc Lan, cô bé mừng rỡ, sà vào lòng cô. Mỗi lần nhắc đến đứa trẻ, Ngọc Lan lại rưng rưng.

Anh Nguyễn Nhật nói: “Tại đêm nhạc tưởng niệm đó, ban tổ chức gọi Ngọc Lan là thiên thần ở trần gian. Cách gọi này đúng với những gì người hâm mộ chúng tôi hình dung về cô từ những ngày đầu”.

Ngọc Lan là một trong những giọng ca thành công nhất thập niên 1980 dù không được đào tạo thanh nhạc bài bản. Theo trang Nhacxua, lần đầu tiên nghe ca sĩ hát ở Portland (Oregon, Mỹ), nhạc sĩ Từ Công Phụng khẳng định với bạn: “Tiếng hát này 5 năm sau sẽ nổi tiếng”. Đúng như thế, năm 1985, dưới sự dìu dắt của nhạc sĩ Thanh Lâm, Ngọc Lan được yêu mến qua các bản thu Lại gần hôn em (Viens M’embrasser, lời việt: Phạm Duy), Dòng sông tuổi nhỏ (La Maritza, lời Việt: Vũ Xuân Hùng), album nhạc Pháp – Tình ta (Ngọc Lan 2), các CD Tình khúc bất tử, Liên khúc tình yêu… Từng ngôi nhà, góc phố, quán cà phê của người Việt ở Mỹ khi ấy bật nhạc Ngọc Lan.

Cô được đánh giá cao vì là nữ ca sĩ hiếm hoi có thể hát “ăn khách” tất cả thể loại thịnh hành lúc đó: nhạc Pháp – Hoa – Nhật, các bài nhạc nước ngoài lời Việt, nhạc quê hương, trữ tình. 800 bản thu cô để lại cho người hâm mộ thuộc nhiều thể loại khác nhau, với các ca khúc quen thuộc như Hạnh phúc nơi nào (Nhật Ngân), Chiều một mình qua phố (Trịnh Công Sơn), Tình khúc buồn (Ngô Thụy Miên), Mùa hoa anh đào (Thanh Sơn), Khóc một dòng sông (Đức Huy). Cô còn có khả năng tự viết lời Việt các ca khúc nhạc ngoại như: Gọi nhớ (nhạc phim Thần điêu đại hiệp, album Liên khúc tình yêu cuối cùng), Ngày vui năm ấy (Magic Boulevard), Hỡi người tình (nhạc Hoa), Mãi còn yêu (Encore), Tình như giấc mơ (nhạc Nhật)…

Nhiều ca khúc nhạc ngoại lời Việt do các nhạc sĩ khác viết lời cũng được “đo ni đóng giày” cho Ngọc Lan như Mưa trên biển vắng (nhạc Pháp lời Việt của Nhật Ngân), Nhớ anh mà thôi (nhạc Pháp của Phạm Duy), Anh thì không (nhạc Pháp lời Việt của Vũ Xuân Hùng), Người yêu dấu (nhạc Hoa lời Việt của Chí Tài)…

Trong bài viết trên trang cá nhân năm 2020, khán giả Nguyễn Thanh Lộc ví chất giọng trong, lối nhả chữ nhẹ nhàng của Ngọc Lan như “tiếng gió lướt trên mặt nước, tiếng hạc cầm quyện vào trái tim nhân tình”. Danh ca Lệ Thu từng khen đàn em có “giọng hát sao vô cùng nhẹ nhàng, khó người thứ hai có được”. Nhiều ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại coi việc được đứng chung với Ngọc Lan trên sân khấu là niềm hãnh diện. Cô đắt show đến nỗi nghệ sĩ Chí Tài từng nói: “10 show thì tám show rưỡi có Ngọc Lan”. Còn nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nói cô đã tạo ra “trường phái Ngọc Lan” trong âm nhạc.

Không chỉ có giọng hát trời phú, Ngọc Lan được hâm mộ bởi nhan sắc, phong cách trình diễn lôi cuốn. Thập niên 1980, khán giả hay khiêu vũ khi ca sĩ hát. Thế nhưng mỗi lần Ngọc Lan biểu diễn, họ nín lặng theo dõi từng cử chỉ của cô. Với mái tóc dài gợn sóng, gương mặt khả ái ẩn chứa vẻ đẹp u sầu, Ngọc Lan có nhiều fan cả nam và nữ giới. MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên nói: “Nét buồn man mác đó khiến khán giả khắp nơi, đàn ông hay đàn bà, không những yêu thương mà còn cảm thấy cần phải bao bọc chị. Vì ở Ngọc Lan có nét gì rất mong manh, dễ tan biến”.

Cuộc đời của Ngọc Lan trải qua nhiều nỗi buồn, tình duyên không trọn vẹn. Đến năm 1994, khi đã ở tuổi 38, cô mới lập gia đình với nhạc sĩ Mai Đăng Khoa – người kiên trì theo đuổi cô nhiều năm. Đó cũng là thời gian Ngọc Lan phải từ bỏ sự nghiệp vì bệnh tật. Cô mắc bệnh đa xơ liên quan hệ thần kinh, ăn rất ít rồi “một sáng thức dậy không còn nhìn thấy gì nữa”. Xuất hiện trên sân khấu năm 1996 và 1998, cô mệt mỏi, đượm buồn, chỉ đứng một chỗ hát và có người dìu.

Khi Ngọc Lan qua đời ngày 6/3/2001, nhạc sĩ Anh Bằng viết trong ca khúc Vĩnh biệt một loài hoa: “Người con gái ấy mang tên loài hoa. Mắt biếc suối trong, mi cong ngọc ngà. Loài hoa yêu ấy, bây giờ đã xa, bây giờ đã xa…”.

Theo Songs Nguyễn/VNE