Người phụ nữ trong văn học Việt Nam trung đại

4147

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Văn học Việt Nam trung đại (thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX) phát triển trên hai nguồn cảm hứng chính, đó là chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, dân tộc ta luôn phải đương đầu với nạn ngoại xâm, tiếng nói khẳng định chủ quyền: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”; “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/ Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên làm đế một phương” và ca ngợi truyền thống chống giặc ngoại xâm trở thành dòng chủ lưu trong văn học. Từ thế kỷ XVI, khi xã hội phong kiến Việt Nam bắt đầu suy yếu, tan rã dần, tiếng nói đòi quyền bình đẳng, quyền hạnh phúc của con người, nhất là của người phụ nữ bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh mẽ trong văn học. Nhân vật nữ bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong những tác phẩm văn học lớn như Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhân vật trữ tình trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương…

Thông qua hình tượng nhân vật nữ, các tác giả đã gửi gắm ước vọng về quyền bình đẳng, tình yêu tự do, hạnh phúc gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn.

1. Nhân vật nữ là những người tài hoa, luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc

Nhân vật nữ trong văn học Việt Nam trung đại xuất hiện từ Thánh Tông di thảo tương truyền của vua Lê Thánh Tông, cuối thế kỷ XV (Truyện yêu nữ Châu Mai, Truyện hai gái thần, Ngọc nữ về với chân chúa, Truyện chồng dê, Gặp tiên ở Hồ Tây hồ Lãng Bạc, Một dòng chữ lấy được gái thần, Tinh con chuột), nhưng thực sự trở thành nhân vật để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả phải đến Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ. Tập “Thiên cổ kỳ bút” gồm 20 truyện thì có đến 11 truyện viết về người phụ nữ, trong đó 8 truyện phụ nữ là nhân vật chính. Truyền kỳ mạn lục “là tác phẩm đầu tiên các nhân vật nữ được bộc bạch những suy nghĩ, những cung bậc tình cảm của mình trong tình yêu. Dù là người hay tiên giáng trần hoặc yêu tinh, ma quái; dù là nhân vật chính diện hay nhân vật phản diện nhưng ở họ có một điểm chung là luôn khát khao yêu đương và sẵn sàng hy sinh vì tình yêu. Chính họ đã tạo nên những mối tình trong sáng, đẹp đẽ, thủy chung đầy mơ mộng” [7, tr. 27].

Mối tình trong sáng, chung thủy của Túy Tiêu dành cho Dư Nhuận Chi (Truyện nàng Túy Tiêu) đã giúp họ vượt thoát lên tất cả, xóa nhòa mọi ranh giới, đạp bằng mọi khó khăn, trở ngại, nhấn chìm mọi toan tính nhỏ nhen, triệt tiêu mọi xấu xa, đê hèn để sống cao thượng, nhân văn. Mối tình lãng mạn, mộng mơ giữa Từ Thức và tiên nữ Giáng Hương (Truyện Từ Thức lấy vợ tiên) là một mối tình đẹp đẽ đầy thi vị, thể hiện khát vọng tình yêu trong sáng, mãnh liệt của con người.

Bên cạnh những cuộc “tình duyên không mối lái, nghĩa kết keo sơn’’, phá vỡ những nguyên tắc “tam tòng, tứ đức” của lễ giáo phong kiến, Nguyễn Dữ còn xây dựng mẫu phụ nữ chính chuyên, đề cao đạo lý, coi trọng hạnh phúc gia đình. Họ là những người phụ nữ được cưới hỏi theo phong tục truyền thống của dân tộc, có cha mẹ họ hàng hai bên chứng giám như Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương), Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu).

Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương) là mẫu người phụ nữ chính chuyên, trung liệt, luôn chu đáo, cẩn thận trong thiên chức của một người vợ. Lúc tiễn chồng ra trận, nàng chỉ khát khao hai chữ bình yên: “Lang quân đi chuyến này, thiếp chẳng dám mong được đeo ấn hầu, mặc áo gấm trở về quê cũ, chỉ xin ngày về mang theo được hai chữ bình yên”. Nhưng khi bị chồng nghi ngờ, mắng nhiếc và đánh đuổi, nàng nói rõ ý nguyện của mình: “Thiếp sở dĩ nương tựa vào chàng, vì có cái thú vui nghi gia nghi thất, có sự yên ổn được tựa bóng cây cao”, rồi gieo mình xuống nước để khẳng định tấm lòng trong trắng. Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu) cũng là tấm gương về lòng chung thủy. Nàng không màng giàu sang, phú quý, một lòng thủ tiết chờ chồng, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác”. Nhưng khi chồng ham mê cờ bạc, mắc mưu gian, kế hiểm của Đỗ Tam đến nỗi phải gán cả vợ thì nàng đã thắt cổ tự tử chứ quyết không trao tấm thân thanh bạch của mình cho kẻ khác.

Từ thế kỷ XVIII – khi chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng, bế tắc, tan rã – trong văn học đã xuất hiện trào lưu nhân đạo chủ nghĩa, quan tâm đến số phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Cùng một lúc, nhiều nhân vật nữ được đề cập đến trong tác phẩm của nhiều tác giả như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhân vật trữ tình trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương… Nhân vật nữ trong giai đoạn này là những thiếu nữ, thiếu phụ tài sắc vẹn toàn, luôn khao khát tình yêu, hạnh phúc. Thông qua hình tượng nhân vật nữ, các tác giả đã gửi gắm ước vọng về quyền bình đẳng, tình yêu tự do, hạnh phúc gia đình của người phụ nữ trong xã hội phong kiến suy tàn.

Người thiếu phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn (Đoàn Thị Điểm diễn Nôm) thuộc tầng lớp quyền quý. Chồng nàng là “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt”, sẵn sàng “Xếp bút nghiên theo việc đao cung” khi đất nước có chiến tranh:

 Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

Thành liền mong tiến bệ rồng,

Giáo gươm đã quyết chẳng dung giặc trời.

Chí làm trai dặm nghìn da ngựa,

Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.

Giã nhà đeo bức chiến bào,

Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.

Lúc đầu nàng đồng tình với hành động đặt “phép công” lên trên nỗi niềm riêng tư: “Phép công là trọng niềm tây sá nào”, chấp nhận ở nhà “dạy con đèn sách”, “làm thơ giải sầu” nhưng trong lòng luôn trống trải, cô đơn và dâng trào nỗi nhớ nhung. Đây là chuỗi ngày chồng chất những sầu muộn, chán nản. Chinh phụ đã tìm nhiều cách giải sầu như xem gương, giăng đàn, xem hoa, uống rượu nhưng tất cả đều vô hiệu. Lòng nàng mang nặng khối sầu lớn:

 Sầu ôm nặng hãy chồng làm gối,

 Muộn chứa đầy hãy thổi làm cơm.

 Mượn hoa mượn rượu giãi buồn,

 Sầu làm rượu nhạt muộn làm hoa ôi.

Nàng không còn hứng thú với công việc, sao nhãng trang điểm, để mặc cho nhan sắc phôi pha:

Đâu xiết kể muôn sầu nghìn não,

Từ nữ công phụ xảo đều nguôi.

Biếng cầm kim biếng đưa thoi,

Oanh đôi thẹn dệt bướm đôi ngại thùa.

Mặt biếng tô miệng càng biếng nói,

Sớm lại chiều dòi dõi nương song.

Nương song luống ngẩn ngơ lòng,

Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai.

Đặc biệt, nỗi lo sợ về thời gian trôi nhanh, tuổi xuân một đi không trở lại luôn ám ảnh người chinh phụ:

Nghĩ nhan sắc đương chừng hoa nở,

Tiếc quang âm lần lữa gieo qua,

Nghĩ mệnh bạc tiếc niên hoa,

Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng.

Còn trong Cung oán ngâm khúc, Nguyễn Gia Thiều đã giúp độc giả hiểu rõ hơn cuộc sống của ngươi thiếu nữ xinh đẹp, tài hoa được “tựa mạn thuyền rồng”. Bằng lối đặc tả và phương pháp so sánh khuếch đại, nhà thơ đã vẽ nên một tuyệt thế giai nhân tài sắc “mười phân vẹn mười”:

 Chìm đáy nước cá lờ đờ lặn,

Lửng lưng trời nhạn ngẩn ngơ sa,

Hương trời đắm nguyệt say hoa,

Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình.

Câu cẩm tú đàn anh họ Lý,

Nét đan thanh bậc chị chàng Vương,

Cờ tiên rượu thánh ai đang,

Lưu linh, Đế Thích là làng tri âm.

Nàng đã ngộ nhận tình yêu của vua đối với cung tần mỹ nữ là tình yêu đích thực. Nàng đặt hết niềm tin ngây thơ, chân thành vào đó. Nàng vui mừng, thỏa nguyện trong những ngày “đầu ấp, tay gối” với quân vương. Nàng hạnh phúc trong tình yêu:

Mày ngài với mặt rồng lồ lộ,

Sắp song song đôi lứa nhân duyên.

Thậm chí khi bị thất sủng, nàng vẫn luôn hoài niệm về quá khứ vàng son:

Tay nguyệt lão khờ sao có một,

Bỗng tơ tình vướng gót cung phi.

Cái đêm hôm ấy đêm gì,

Bóng dương lồng bóng đồ my trập trùng.

Khát vọng ái ân, hạnh phúc gia đình là ước mơ của mọi người phụ nữ, kể cả những người trọng bệnh, đang cận kề cái chết. Người con gái họ Nguyễn trong truyện Tháp báo ân (Lan trì kiến văn lục của Vũ Trinh) là người như vậy. Cô mắc phải căn bệnh nan y, người đời xa lánh, “cha mẹ, anh em không dám tới gần”, phải sống cách li, đơn độc trong một túp lều nhỏ ngoài thôn, chờ ngày từ giã cõi đời. Thế nhưng khi gặp ông cử “tuổi trẻ, đẹp trai”, cô đã quên đi tất cả, cháy hết mình cho khoái lạc bản năng: “Đêm ấy, chàng cử nhân và cô gái giao hoan với nhau, ái tình rất đằm thắm”.

Đặc biệt, Vương Thúy Kiều (Truyện Kiều của Nguyễn Du) được trời phú cho nhan sắc và trí thông minh tuyệt trần, lại được cha mẹ chăm chút, nuôi dưỡng chu đáo nên nàng không những rất đẹp mà còn rất tài hoa:

Làn thu thủy, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.

Một hai nghiêng nước nghiêng thành,

Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.

Thông minh vốn sẵn tính trời,

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.

Cung thương lầu bậc ngũ âm,

Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Khúc nhà tay lựa nên xoang,

Một thiên “Bạc mệnh” lại càng não nhân.

Qua ngòi bút thiên tài của Đại Thi hào Nguyễn Du, nàng Kiều hiện lên như một tuyệt thế giai nhân, sắc nước hương trời khiến hoa phải “ghen”, liễu phải “hờn”. Hơn thế, nàng lại rất giỏi cầm, kỳ, thi, họa mà nổi trội nhất là tài làm thơ và đánh đàn. Thơ nàng được Đạm Tiên “nức nở” khen hay:

Xem thơ nức nở khen thầm:

Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường!

Ví đem vào tập đoạn trường,

Thì treo giải nhất chi nhường cho ai!

Kim Trọng trầm trồ thốt lên:

Khen tài nhả ngọc phun châu,

Nàng Ban, ả Tạ cũng đâu thế này.

Còn tiếng đàn tuyệt diệu của nàng làm cho ai nghe cũng phải cảm động, thán phục. Tiếng đàn “Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như nước suối mới sa nửa vời/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài/ Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” của Thúy Kiều đã tạo nên sự đồng cảm sâu sắc trong lòng Kim Trọng:

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ,

Khiến người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu.

Khi tựa gối, khi cúi đâu,

Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày.

Ngay cả quan Tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến đầy mưu mô, quỷ kế, khi nghe “Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay” của Kiều cũng “nhăn mày rơi châu”.

Không những xinh đẹp, tài hoa, Thúy Kiều còn là người con gái có quan niệm rất mới, rất tiến bộ về tình yêu. Ngay lần đầu gặp gỡ Kim Trọng trong “hội Đạp thanh” đã tạo nên “tiếng sét ái tình”:

Trộm nghe thơm nức hương lân,

Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều.

Nước non cách mấy buồng thêu;

Những là trộm nhớ thầm yêu chốc mồng.

Tối hôm đó, ngồi dưới ánh trăng, nàng băn khoăn tự hỏi như họ đã rất thân thiết, gần gũi với nhau:

Người đâu gặp gỡ làm chi?

Trăm năm biết có duyên gì hay không?

Đến khi gặp lại Kim Trọng, nàng đã nhận lời và cùng chàng thề nguyền chung thủy “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” dưới vầng trăng vằng vặc khi chưa được sự đồng ý của cha mẹ:

Tiên thề cùng thảo một chương,

Tóc mây một món, dao vàng chia hai.

Vầng trăng vằng vặc giữa trời,

Đinh ninh hai mặt một lời song song.

Tóc tơ căn vặn tấc lòng,

Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.

Đây là mối tình đắm say, mãnh liệt, bùng nổ, vượt thoát khỏi lễ giáo phong kiến nhưng vô cùng trong trắng, đẹp đẽ. Bởi thế, khi chàng Kim quá đà, không làm chủ được bản thân “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, Kiều đã tỉnh táo ngăn lại:

Thưa rằng đừng lấy làm chơi,

Dẽ cho thưa hết một lời đã nao.

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Đã cho vào bậc bố kinh,

Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

Kiều khước từ tình cảm dâng trào của Kim Trọng vì nàng coi đây là “vàng đá”, gắn bó trăm năm chứ không phải cuộc vui trong phút chốc theo kiểu “ăn xổi ở thì” sẽ dẫn đến hậu họa “Trong khi chấp cánh liền cành/ Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên”.

2. Nhân vật nữ là những người bạc mệnh, khổ đau

Đại Thi hào Nguyễn Du đã nhiều lần đau đớn thốt lên trong tác phẩm của mình:

Đau đớn thay phận đàn bà!

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.

Dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ luôn chịu đau khổ, thiệt thòi. Tiếng nói của họ dường như không có giá trị. Hơn thế, họ không có quyền được giãi bày, không có quyền quyết định số phận của mình. Chính tư tưởng trọng nam khinh nữ là nguyên nhân dẫn đến những bi kịch cho số phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mỗi người, mỗi gia đình có một hoàn cảnh riêng nhưng đều có điểm chung là nỗi đau bất hạnh trong đời sống tình duyên.

Công – dung – ngôn – hạnh là bốn chuẩn mực xã hội phong kiến đặt ra cho người phụ nữ nhưng không phải người phụ nữ nào đạt được những chuẩn mực ấy cũng được hưởng cuộc sống hạnh phúc. Vũ Nương và Nhị Khanh là hai thiếu phụ nhan sắc, tài năng, nhân phẩm trở thành khuôn mẫu của người phụ nữ phong kiến. Thế nhưng số phận của họ cũng phải hứng chịu bi kịch bị chà đạp nhân phẩm. Sống tủi nhục, đắng cay, khổ đau, chết oan uổng, tức tưởi.

Vũ Thị Thiết (Truyện người con gái Nam Xương) là một mẫu hình phụ nữ lý tưởng (xinh đẹp, đảm đang, chu đáo, thủy chung, yêu chồng, thương con) nhưng vẫn rơi vào bi kịch, phải tìm đến cái chết tức tưởi, oan khuất. Nàng chết mà không biết ai đã đặt điều, vu khống. Chết mà không được cất lên tiếng nói bảo vệ phẩm giá của mình! Con người nàng luôn toát lên vẻ đẹp tuyệt vời về phẩm giá, nhân cách của người vợ, người mẹ. Nàng ý thức một cách rõ ràng, đời người phụ nữ chỉ mong được sống yên ấm cùng người mình yêu thương. Nhưng tất cả những việc làm và phẩm chất tốt đẹp của nàng không cảm hóa được người chồng hay ghen. Chỉ một lời nói dối vô tình của mình với con trẻ, khiến nàng phải ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Duyên phận hẩm hiu, chồng con ruồng bỏ, tiếng chịu nhuốc nhơ” rồi lao xuống sông tự kết liễu cuộc đời.

Nhị Khanh (Truyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), trong thời gian ở nhà nuôi con để chồng theo cha vào biên ải phải luôn chống chọi với âm mưu của bà cô muốn gả cháu mình cho người giàu sang. Nàng không màng giàu sang phú quý, “quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” và nhờ người giúp đưa chồng về đoàn tụ nhưng không ngờ lại bị chồng đem ra làm vật thế chấp cá cược trên chiếu bạc, phải đánh đổi bằng cái chết thương tâm. Trọng Quỳ đã đánh cược vợ mình – một người vợ đảm đang, chung thủy – mà không đắn đo, thương tiếc, xót xa. Anh ta coi vợ chỉ là một món hàng trao đổi, phục vụ cho sự đam mê cờ bạc đỏ đen của mình!

Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, vị trí của người phụ nữ bị hạ thấp. Họ bị ràng buộc bởi lễ giáo “tam tòng, tứ đức” hà khắc, không có quyền tự quyết định cuộc đời mình. Vị thế của người đàn ông quá lớn. Xã hội ban cho họ những quyền lực tối thượng trong gia đình. Họ gây ra tội lỗi, gây ra cái chết cho người khác nhưng không bị xã hội lên án. Ngay cả những người bị đẩy vào đường chết cũng không một lời oán thán, trách móc với những kẻ gây ra thảm họa đó. Vì thế, bi kịch của những người phụ nữ trong Truyền kỳ mạn lục không chỉ là bi kịch gia đình mà rộng hơn là bi kịch của cả xã hội phong kiến.

Khác với Vũ Nương, Nhị Khanh, sau khi chết còn được “sống” ở thế giới khác; Đào Thị trong Truyện nghiệp oan của Đào thị, Thị Nghi trong Truyện yêu quái ở Xương Giang, Nhị Khanh trong Truyện cây gạo số phận thảm thương hơn nhiều. Khi sống họ là cung nhân bị “thải ra ở ngoài phố”, bị “đánh đập tàn nhẫn” hoặc là con nuôi bị bố nuôi cưỡng dâm, mẹ nuôi ghen tuông đánh chết. Đến khi chết đi, làm yêu ma lại bị cao tăng dăng đàn phù yểm. Nắm xương tàn cũng bị “ném nát ra tro”, bị “đào mả tán xương vứt xuống sông”, còn linh hồn bị Diêm vương “tống giam vào ngục”.

Những người tài sắc “nghiêng nước nghiêng thành” như Thúy Kiều rơi vào bi kịch. Đó là bi kịch tình yêu tan vỡ và bi kịch bị chà đạp nhân phẩm. Nàng và chàng Kim đang dệt bản tình ca bay bổng, đắm say, mộng mơ thì bị “đứt gánh tương tư”, vùi dập xuống dưới đáy bùn nhơ nhuốc. Là người có ý thức sâu sắc về nhân phẩm nhưng nàng lại bị chà đạp về nhân phẩm. Có nỗi đau nào lớn hơn khi người trọng nhân phẩm mà cuối cùng lại phải tuyên bố từ bỏ nhân phẩm:

Thân lươn bao quản lấm đâu,

Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.

Từ đó, nàng trở thành một món hàng kinh doanh béo bở của các chủ chứa, trở thành một thứ đồ chơi cho giới thượng lưu lắm tiền nhiều của trong xã hội:

Biết bao bướm lả ong lơi,

Cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm.

Dập dìu lá gió cành chim,

Sớm đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh.

Từ một thiếu nữ xuất thân trong gia đình nề nếp gia phong, “êm đềm trướng rủ màn che”, có ý thức sâu sắc về nhân phẩm, nàng trở thành kẻ “mặt dạn mày dày”, đầy xót xa đau đớn, tủi nhục:

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,

Giật mình, mình lại thương mình xót xa:

Khi sao phong gấm rủ là?

Giờ sao tan tác như hoa giữa đương?

Mặt sao dày gió dạn sương?

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Mặc người mưa Sở mây Tần,

Những mình nào biết có xuân là gì!

Nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh kí phải làm kiếp lẽ mọn cho người đàn ông họ Phùng. Bi kịch của nàng là bi kịch của chế độ đa thê, khi đàn ông được quyền “năm thê bảy thiếp”. Nàng phải sống trong cay đắng tủi hờn, bị chết yểu năm mười tám tuổi bởi sự ghen tuông của người vợ cả. Càng phũ phàng, xót xa hơn khi nỗi niềm tâm sự của nàng gửi gắm trong những vần thơ đầy máu và nước mắt cũng bị  thiêu hủy.

Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc cũng có chung số phận với nàng Tiểu Thanh. Thật thương tâm và đau đớn khi chứng kiến cảnh mỏi mòn chờ đợi được “ban ân” trong vô vọng. Một tâm hồn, một trái tim, một thể xác bị chôn vùi trong lãnh cung. Chính nỗi đau vô hạn ấy đã bật lên tiếng nói căm hờn, oán hận:

Đêm năm canh lần nương vách quế,

Cái buồn này ai để giết nhau.

Giết nhau chẳng cái lưu cầu,

Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa!

Trong xã hội phong kiến suy tàn, người phụ nữ quyền quý nơi cung điện nguy nga, một thời được đấng quân vương ân sủng cũng không có quyền được hưởng hạnh phúc. Chốn thâm cung chính là nấm mồ chôn sống bao người con gái tài sắc, là địa ngục giam hãm họ cả thể xác lẫn tinh thần!

Một số nhân vật nữ trước đây bị xếp vào nhóm “nhân vật phản diện” đáng ghét, nay chúng ta cảm thông với họ, coi họ là nhân vật bi kịch như Hoạn Thư trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. “Hoạn thư của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là nhân vật có những mặt cần phê phán, có những mặt cần được thông cảm. Chị là người chịu nhiều đau khổ về mặt tinh thần. Ba bi kịch đau đớn, tủi nhục, xót xa trong cuộc đời chị là: bi kịch về hôn nhân không môn đăng hộ đối, bi kịch về hạnh phúc gia đình khi bị chồng phản bội và bi kịch về sự sỉ nhục phải “cúi đầu dưới trướng” xin kẻ từng bị mình coi là nô tì tha mạng. Mặc dù, trong hoàn cảnh nào chị cũng chiến thắng (dành lại được chồng trong tay Kiều, chối tội thành công để được tha bổng) nhưng Hoạn thư luôn bị tổn thất về tinh thần” [8, tr. 138].

Từ một con người đạo lí, một nhân vật hành động trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, Nguyễn Du đã lột xác Hoạn thư thành một nhân vật tâm trạng với đời sống nội tâm phong phú, đa dạng, luôn dằn vặt, ám ảnh với nỗi đau tinh thần.

3. Xuất hiện mầm mống nhân vật nữ “nổi loạn”

Thực chất các nhân vật nữ thể hiện quan niệm tự do về tình yêu, dám nhận lời cầu hôn, chủ động đến nhà người yêu: “Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mé tường”, “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” khi chưa được sự cho phép của cha mẹ, chưa cưới hỏi hoặc bộc lộ thái độ chán ghét chiến tranh, lên án đấng quân vương: “Xanh kia thăm thẳm từng trên/ Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?” đã là nhân vật nổi loạn. Tuy nhiên, tiếng nói phản chiến của họ còn yếu ớt và cuối cùng vẫn đặt “bên hiếu” nặng hơn “bên tình”. Vì vậy, nhân vật “nổi loạn” rõ nhất trong văn học Việt Nam trung đại là nhân vật trữ tình trong thơ Nôm truyền tụng Hồ Xuân Hương. Bà chúa thơ Nôm đã công khai đề cao nữ giới; khẳng định vẻ đẹp trọn vẹn về hình thức và tâm hồn của người phụ nữ. Trong Bánh trôi nước, nữ sĩ đã ca ngợi phẩm chất trong trắng, thuỷ chung, son sắt của nữ giới:

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi ba chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu ta kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tầm lòng son.

Thơ bà còn là tiếng nói tự ý thức đầy bản lĩnh về cá nhân, về giới nữ. Trong Mời trầu, Hồ Xuân Hương thể hiện sự chủ động tỏ tình, giãi bày tình cảm (điều xã hội phong kiến không cho phép phụ nữ):

Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi,

Này của Xuân Hương mới quệt rồi.

Có phải duyên nhau thì thắm lại,

Đừng xanh như lá, bạc như vôi!

Sự ý thức về bản thân: “Này của Xuân Hương mới quyệt rồi”. Miếng trầu này là của Xuân Hương, tự tay quệt và trao. Chỉ là “miếng trầu hôi” nhưng trong đó chất chứa bao nỗi lòng, cảm xúc nồng nàn, tha thiết của Xuân Hương.

Ngược lại, trong Đề đền Sầm Nghi Đống, bằng cái nhìn nửa con mắt “nghé mắt trông ngang” khi qua đền thờ tướng giặc bại trận, Xuân Hương đã phê phán quan niệm “trọng nam khinh nữ”, ý thức về tài năng bản thân, và bộc lộ khát vọng làm nên sự nghiệp lớn: “Ví đây đổi phận làm trai được/ Thì sự anh hùng há bấy nhiêu”.

Trong xã hội phong kiến, chuyện gái không chồng mà chửa là điều khủng khiếp. Biết bao cô gái nhẹ dạ, thật thà tin vào lời đường mật của đàn ông, khi “lỡ làng” đã bị cha mẹ ruồng bỏ, thậm chí “gọt tóc bôi vôi” diễu khắp làng trên xóm dưới hoặc thả bè trôi sông. Hồ Xuân Hương coi đó là sự cả nể: “Cả nể cho nên hóa dở dang” và lên tiếng thách thức xã hội, cổ xúy cho hành động “Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc/ Phận liễu sao đà nẩy nét ngang”:

Quản bao miệng thế lời chênh lệch,

Không có, nhưng mà có, mới ngoan.

                 (Không chồng mà chửa)

Mặt khác, nữ sĩ đã lột bộ mặt đạo đức giả của những kẻ đạo mạo. Trong Thiếu nữ ngủ ngày, Hồ Xuân Hương đã diễn tả rất tài tình sự băn khoăn, dùng dằng của chàng quân tử trước cảnh khoả thân của thiếu nữ: “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt/ Đi thì cũng dở, ở không xong”. Còn trong bài Vịnh quạt II, nhà thơ cùng một lúc dùng hai phương pháp khi xây dựng hình tượng nghệ thuật là phương pháp tả trực tiếp và phương pháp ẩn dụ trong miêu tả để khái quát đấng vua chúa cũng bị “một cái này” mê hoặc: “Chúa dấu vua yêu một cái này”.

4. Nhân vật nữ trong văn học Việt Nam trung đại không chỉ được các văn nhân, thi nhân tôn vinh, ca ngợi vẻ đẹp tuyệt trần mà còn đi sâu khám phá những nỗi niềm riêng tư, những khát vọng tình yêu, những ước mơ hạnh phúc gia đình cũng như cảm thông sâu sắc với những bi kịch về tình yêu, về hạnh phúc của họ. Các nhà văn, nhà thơ luôn đứng về phía người phụ nữ để lên án chế độ phong kiến suy tàn bất công, tàn nhẫn, vô nhân đạo và thương cảm, xót xa cho số kiếp hẩm hiu của người phụ nữ. Dù rằng các nhân vật nữ trong văn học Việt Nam trung đại luôn chịu nhiều thiệt thòi, bất hạnh, khổ đau nhưng niềm cảm thông sâu sắc, tình nhân ái chan chứa của các văn nhân, thi nhân là làn gió mát làm dịu bớt cái nắng mùa hè; là tia nắng ấm xua bớt lạnh giá đêm đông.

N.C.T

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Du, Truyện Kiều (Đào Duy Anh chú giải), Nxb Văn học, Hà Nội-1978.

[2] Nguyễn Dữ, Truyền kỳ mạn lục, Nxb Trẻ- Nxb Hồng Bàng, TP. Hồ Chí Minh-2016.

[3] Hồ Xuân Hương, Thơ Hồ Xuân Hương (Nguyễn Lộc Tuyển chọn và giới thiệu), Nxb Văn học, Hà Nội-1982.

[4] Đinh Gia Khánh (Chủ biên)-Bùi Duy Tân-Mai Cao Chương, Văn học Việt Nam (Thế kỷ X-nửa đầu thế kỷ XVIII), Nxb Giáo dục, Hà Nội-2001.

[5] Nguyễn Đăng Na (Chủ biên)-Lã Nhâm Thìn-Đinh Thị Khang, Văn học trung đại Việt Nam, Tập 1, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội-2005.

[6] Nguyễn Đăng Na (Chủ biên)- Đinh Thị Khang-Trần Quang Minh-Nguyễn Phong Nam-Lã Nhâm Thìn-Văn học trung đại Việt Nam, Tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội-2007.

[7] Nguyễn Công Thanh, Nguyễn Thị Cúc, “Nhân vật nữ trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ”, Khoa học & Giáo dục, số 01, tr. 27-35, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội-2016.

[8] Nguyễn Công Thanh, Nguyễn Thị Huyền Linh “Bi kịch của nhân vật Hoạn Thư trong Truyện Kiều”, Khoa học & Giáo dục, số 02, tr. 131-139, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội-2017.