Nguyễn Quang Thân – Gió heo may

621

19.12.2017-21:10

Nhà văn Nguyễn Quang Thân

 

Gió heo may

 

TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN QUANG THÂN

 

NVTPHCM- Xơ Gian đang tưới rau thì ông bõ già ra vườn bảo lên gặp cha xứ. Hai hôm nay xơ thấy cha để đèn rất khuya, cửa sổ phòng cha hướng Tây Bắc và đương nhiên gió heo may thổi đến từ phía ấy.

 

Ít nhất thì mỗi năm một lần, những người vợ góa, dù đã được bà con họ hàng nhà chồng tặng bằng khen “tiết hạnh khả phong” cũng phải bồi hồi trong giây lát. Đó là một ngày tháng Mười, trời đang mát mẻ bỗng se lạnh vào sáng sớm. Nhưng rồi nắng hừng lên. Bắt đầu là một giải vàng hoe trên ngọn cau và trong phút chốc tràn ngập đồng lúa sắp gặt, cây cỏ trong khu vườn. Sau đó một mùi thơm ngai ngái, lạ mà quen, không thể nói đó là mùi gì, nhưng rõ ràng nó hiện hữu trong mũi ta, trong hồn ta. Một chút gió đi qua khu vườn, lúc đầu len lén như hơi thở. Nhưng rồi mạnh dần lên và những cây chuối, cây na thức dậy.

 

Đúng lúc đó, người vợ góa lấy chiếc chăn bông vẫn cất trong gác xép từ đầu hè ra phơi. Vì chăn nặng nên chị phải khó khăn lắm mới vắt được qua dây thép, trong khi đó bụi bay mù lên, thứ bụi lẫn mùi cứt gián và lá hương nhu, hoa kim ngân cắt phơi từ ngày Tết Đoan Ngọ. Và chị đã làm rơi chăn xuống đất.

 

Tôi cam đoan với quý độc giả là, trong ngày hôm đó người vợ góa nào cũng làm rơi cái gì đó xuống đất, đúng lúc ngọn gió đầu mùa thổi qua vườn. Chỉ riêng làng Kẻ Đồng, một làng hẻo lánh dưới chân núi Thiên Nhẫn có mười ba người vợ góa trẻ có chồng chết vì bệnh xơ gan thì năm người làm rơi chăn bông khi đưa ra phơi, ba người đánh vỡ chiếc ấm pha trà duy nhất trong nhà, vốn dĩ những cái ấm này chẳng mấy khi được sờ đến từ ngày chồng họ chết, lúc vỡ ra thì ba cái ấm còn nguyên một nắm bã chè mốc két lại như cứt chim ở trong, cái thứ tư có một chiếc răng sứt, gãy chân, mặt răng lỗ chỗ vết sâu đen đúa, người vợ góa nhớ lần anh chồng nát rượu súc miệng làm văng chiếc răng sâu ra, anh ấy nhổ cái răng vào ấm pha trà, bốn người còn lại thì làm rơi cả bốn ổ gà ấp xuống đất khi họ tìm cách đảo những quả trứng sắp nở. Mùi trứng ung thối thoạt tiên gây chút hoảng loạn trong bốn ngôi nhà tranh trống vắng. Nhưng rồi gió heo may mỗi lúc một thổi mạnh đã kịp xua cái mùi ghê tởm ấy đi.

 

Trong nhà thờ xứ đạo xôi đỗ này có bà xơ Jean Ái, ta hãy gọi như dân làng là xơ Gian, nghe nói quê tận xứ Huế, xứ sở mà bà đã hai chục năm nay không về từ ngày theo mẹ bề trên đi tu. Bà xơ Gian Ái tuy không thể gọi là góa phụ cũng đánh vỡ một cái gì đó khi đi qua khu vườn mênh mông của nhà thờ đúng lúc ngọn gió tai quái thổi qua. Đồ vật bà làm vỡ là cái hộp sơn mài cha xứ giao cho để dùng khi có kẻ liệt hay đám cưới. May sao, cái hộp bằng gỗ nên không vỡ đôi mà chỉ sứt một miếng nắp, bà làm cách nào cũng không đính nó lại được. Một tuần sau ngày câu chuyện này xảy ra, bà đứng trong bục xưng tội với Cha. Cha chỉ nói: “Con có nhớ là khi bước vào vườn Ghết-sê-ma-ni, gặp một ngọn gió thổi đến từ đồi Sọ, Người cũng làm vỡ một cái hộp gỗ. Người sẽ tha tội cho con”. Xơ Gian hiểu và im lặng.

 

Trong số bốn bà góa làm vỡ ấm pha trà có chị Chắt Sang. Bà xơ Gian bảo chị Sang là một bà góa may mắn bởi vì từ ngày anh chồng chị biết uống rượu thì làng Kẻ Đồng nổi tiếng nghèo và ngoan đạo có thêm bốn lò nấu rượu lậu bằng sắn thái khô, bắp hạt và dây khoai lang băm nhỏ, khi đưa bán có pha thêm vài giọt thuốc trừ sâu Vôphatốc cho rượu tăng độ, thì mỗi năm nhà thờ chỉ còn được cúng một trăm mười ba bắp ngô so với năm trăm bắp trước đó, vì ngô và sắn đã đổ hết vào chai, nhiều người bỏ lễ trọng bởi không thể nào đứng dậy mà đi được. Còn tình cảnh chị Sang thì khỏi nói. Người ta thường gặp chị đi trên đường, tay bao giờ cũng cầm một cái chai. Và hình ảnh đặc trưng ấy biến mất sau ngày anh chồng chết. Bà Gian tuy đã hơn hai mươi năm hầu hạ Chúa và tâm hồn bà thấm đẫm tiếng chuông nhân ái của nhà thờ cũng nói với chị Sang rằng, tuy anh chồng chị không làm lễ rửa tội nhưng anh ấy vẫn được về hầu bên mình Chúa. Đáng lẽ chị phải là một người đàn bà hạnh phúc, chị có quyền được hưởng hạnh phúc ấy khi ra đường với những đứa con kháu khỉnh, thông minh, tay dắt trẻ chứ không phải cầm một cái chai. Gọi anh ấy về với mình là Chúa đã lấy đi cái chai trong tay chị và đó là lòng lành vô biên vì chính Người, trước khi lên đồi Sọ để chịu cực hình đã từng cầu xin Đức Chúa cất hộ mình cái chén đắng mà không được. Người đã phải uống trọn cái chén đắng ấy cho xơ, cho chị và cho mọi người anh em nên hiểu thế nào là rượu đắng và Người đã cất hộ chị không phải chỉ một cái chén mà là cả một cái chai. Và, xơ Gian nói thêm, nếu anh ấy được hầu hạ bên mình Chúa thì khi anh ấy yêu cầu, chính Người sẽ ra đường, tay cầm một cái chai. Người cứu rỗi chị bằng mồ hôi của Người, đi mua rượu cho người nghiện rượu như đã từng chìa má trái cho người đã đánh mình bên má phải, như từng chữa bệnh cho kẻ liệt nghèo hèn, hôi hám.

 

Đương nhiên chị Sang không hiểu Người là ai, chị cũng không phải dân đi đạo nên chẳng bao giờ được cha xứ dạy dỗ để hiểu những tích đạo mà xơ nói. Từ nhỏ chị chỉ tin có tích truyện Tấm Cám, chị tin cảnh cái võng bị chặt đứt, có người này xui người khác tắm bằng nước sôi và hũ mắm muối bằng thịt người. Bởi vì mẹ chị đã kể cho chị nghe đến hàng trăm lần chuyện đó hồi nhỏ, lớn lên, chị cũng được nếm qua cuộc đời khổ nạn của cô Tấm. Một hôm trong cơn say anh chồng đã chặt đứt đôi cái võng chị đang nằm, lần khác, khi nghe vợ nói nhà chỉ còn nồi cháo hoa ăn tối thì anh vừa chửi vừa chặt phăng ngón tay út của mình quẳng vào nồi, sau đó bắt chị ăn bằng hết hai bát cháo và miếng thịt.

 

Lớn lên, chị theo mẹ đi chùa và chị tin có Phật Quan Âm, chị khóc khi nghe mẹ kể nỗi oan của bà Thị Kính, trong một đêm rằm khi trong gian hậu nhà chùa chật chội, anh cu Sang cấu vào mông chị, chị suýt ngất xỉu vì sợ Phật trừng phạt đưa chị xuống địa ngục cho quỷ xa tăng giày vò, tra tấn, thả vào vạc dầu, chị mặc cảm tội lỗi như cái mông của chị là thủ phạm chứ không phải bàn tay của cu Sang.

 

Rồi lần đi họp đầu tiên để bàn chuyện đào mương làm thủy lợi, chị nghe một người đàn ông còm nhom nhưng tiếng lại rất to, nói là chúng ta sẽ thay Trời làm ra mưa, sẽ vắt đất làm ra nước, Chúa hay Phật hay bất kỳ ai nói cứu khổ cứu nạn mà không vào hợp tác, không động viên dân quân canh phòng kẻ gian và gián điệp, không hô hào thanh niên đi làm thủy lợi thì cũng chỉ là những anh nói phét một tấc lên giời (ông ta nói đớt, không nói trời mà là giời, không nói trăng mà là giăng). Chị thấy ông ta nói đúng quá, chị vào hợp tác, đi tuần đêm với dân quân, không bắt được tên trộm nào nhưng lại bị cấu vào mông nhiều lần, chị đào mương làm thủy lợi và còn tập hát nữa. Rồi chị lấy chồng, lấy người đã cấu vào mông chị lần đầu tiên đó là anh cu Sang. Mẹ chị bảo như vậy là vì chị đã thất tiết với người ta rồi, dù đó là người không ra gì cũng phải lấy. Từ đó chị gắn đời mình với những cái chai và những cuốn sổ nợ.

 

Tuy vậy, theo đầu óc một người đàn bà nông dân sống suốt đời trong làng quê hẻo lánh, nếu quả thực Chúa gọi chồng chị về hầu hạ mình như bà xơ nói thì Chúa cũng không được công bằng cho lắm. Bởi vì sống ở quê mà có một thằng chồng nhổ cả răng mình vào ấm pha nước hay bắt vợ ăn cả ngón tay út của mình thì cũng còn hơn không có thằng chồng nào, nếu không có anh ta chị sẽ phải sống trong cảnh góa bụa. Chị chưa từng ở góa nhưng chẳng lạ cảnh bà góa trong làng đã phải còng lưng đi kiếm củi một mình, không ai đón hộ gánh củi trên vai. Vậy mà cũng đã nhiều lần anh ta đi đến tận dốc Nai Bò đón củi cho chị. Anh ấy cũng biết sửa lại cái chân phản ngựa bị gẫy sau một trận quần đảo chị như người ta vật nhau ở đình làng ngày mồng một Tết.

 

Nếu những ngày sống ấy được gọi là hạnh phúc thì chị cũng từng có hạnh phúc. Chị không dám oán Chúa. Tuy chị không biết Chúa là ai, mặt mũi như thế nào vì chị chưa bao giờ vào nhà thờ, nhưng chị nghĩ người được xơ Gian phụng thờ thì chắc là người tốt. Vì xơ Gian là một người tốt bụng. Bà ấy nhân từ, chịu thương chịu khó, làm được nhiều việc cho dân làng này như đi đỡ đẻ, cho thuốc thang, bất kể người ta là lương hay giáo. Và chị nhớ anh cu Sang, nhớ thực sự như khi người ta nhớ. Dù sao anh đã sống với chị mười hai năm, không con cái, không làm cho chị tự hào, kiêu hãnh và thường biến chị thành một người lẩn thẩn, mù mờ, thất tha thất thểu trên đường làng, túi không tiền, tay cầm một cái chai. Chị đi đến nhà này, nhà khác, nhà nào họ cũng chìa sổ nợ ra, sổ nợ của họ là những tờ giấy có dấu điểm chỉ của anh. Mỗi ngón tay được bôi nhọ nồi ấn vào là một xị rượu phần tư lít. Anh ngại gì mà không thoa cả năm ngón tay vào dưới đít nồi để đổi rượu, với thành quả lao động của năm ngón tay và đĩa ổi xanh, anh đã có thể uống suốt đêm và nhiều khi suốt ngày.

 

Cuối cùng thì chị cũng tìm ra một nhà chịu bán rượu cho, đó là người đàn ông độc thân tên Cu Ca. Anh ta ở mép làng, một ngôi nhà riêng rẽ trước đây là lò rèn của một ông phó khoác lác. Ông này rèn những cái dao chém bùn không có vết thường khoác lác là cháu đích tôn của ông thợ rèn nổi tiếng nhất đất Kẻ Muỗng và đương nhiên nhất lịch sử nghề rèn. Sự khoác lác thường không phải trả tiền, nhưng dao, kéo, liềm hái thì vẫn phải bán thóc để trả nên cuối cùng dân làng xót của đến xô đổ nhà ông thợ rèn. Người ta bảo nhau: “Giá dao thằng này mà sắc được như mồm của nó. Bọn nói khoác sống sót là nhờ dân chúng độ lượng mà thôi!”.

 

Anh Cu Ca vốn là người khiêm nhường vì cái tước cu của anh không là gì để anh kiêu ngạo hay khuếch khoác, nó chỉ vừa đủ chứng minh cơ thể anh cũng có bộ phận quan trọng nhất của người đàn ông mà thôi. Nhưng khi anh góa vợ vào tuổi ba mươi mà lại chưa con cái gì thì anh là người được đám vợ góa làng Kẻ Đồng để mắt. Nửa đêm về sáng ít nhất có bảy người trong số họ nằm mơ thấy mình ngủ với anh ta. Họ đỏ mặt một chút, tự trách mình, lo lắng một chút về danh tiếng tiết hạnh khả phong, nhưng sau đó lại cười tủm tỉm, tự tha thứ cho những cử chỉ quá đáng đến mức họ chưa hề làm, chưa hề nghĩ tới như họ đã làm trong giấc mơ ấy.

 

Trong số bảy người nằm mơ một cách tội lỗi ấy có chị Chắt Sang. Điều này có thể hiểu được nếu ta nhớ lại ngày anh Sang nát rượu còn sống, những ngày đó, khi Chúa cha chưa rủ lòng thương cất giùm cái gánh nặng trên vai người đàn bà khốn khổ thì chị Sang thường phải thất thểu với cái chai trên đường làng tối tăm đầy cứt chó mà không có ai bán rượu cho chị. Người duy nhất cứu được chị trong cơn bí quấn ấy là anh Cu Ca. Hơn nữa, có một đêm mưa gió nổi lên bất ngờ ngay khi chị Sang cầm chai rượu đầy ra về. Anh Ca nói là chẳng thà anh chạy ào vào làng đưa rượu cho “thằng khốn nạn” ấy nốc còn hơn là để chị xông pha giữa mưa gió. Chị mềm lòng ngồi lại chờ mưa. Và tối đó, chị đã cho anh Cu, khi anh kéo chị vào lòng mà nói: “Thèm quá, cho xin một cái!”. Chị biết đó là việc hệ trọng khi người đàn bà đã có chồng. Nhưng chị không hề nghĩ là mình đã phản bội chồng như sau này đọc thấy cánh nhà văn nhà báo nói điêu đã viết trong sách. Người tử tế như thế, người đã tin mà bán chịu cho chị trong khi cả làng đều quay mặt đi mà đã xin thì chị cho, đơn giản thế thôi. Nhưng đó là lần đầu tiên mà cũng là lần cuối cùng. Sau đó ít lâu thì chồng chết, số quán rượu trong làng phải dẹp hơn một nửa vì những người nghiện rượu đều chết vì bệnh xơ gan bởi thứ rượu pha thuốc trừ sâu và nghe nói chính Cu Ca là người đã cho vào mỗi nồi rượu một hạt phân chó bằng hạt ngô cho ngậy lên cái mùi dân nghiện rất thích, người này đi cách người kia hai, hoặc ba ngày và chị không đến nhà Cu Ca lần nào nữa.

 

 

Nhưng chúng ta thật bất công nếu nói trong buổi sáng có ngọn gió heo may quỷ quái đó thổi về chỉ có những người đàn bà góa mới đánh rơi đồ vật trong tay họ. Có một người không phải đàn bà, càng không phải đàn bà góa, cũng làm đổ một chén trà đang uống dở, đó là cha xứ. Cũng như xơ Gian, theo một góc độ nào đó, nhất là góc độ sinh vật học, cha xứ cũng có thể gọi là góa nên cha có làm đổ một chén nước trong giây phút mà mọi người đàn bà góa đều làm đổ một cái gì thì cũng chẳng phải là tội trọng. Vốn là người hiền từ và đa cảm, cha cũng cảm thấy mùi vị khác thường của ngọn gió. Cha cũng nhớ và bồi hồi. Cha nhớ có một ngày giông bão cả làng không ai đi chợ được, một người đàn bà đã đập cổng nhà thờ đòi mua rau cải. Chị bảo mua rau về làm giỗ đầu cho chồng nên cha biết là chị góa. Cha nhân từ bảo ông bõ nhà thờ nhổ cho chị ít hành hoa trong vườn, chị lễ phép lạy cha rồi nhỏ nhẹ hai tiếng cám ơn. Đúng lúc đó cha quay mặt đi vì không thể nào chịu nổi dáng người đẹp thon thả của người góa phụ lộ rõ ra khi nước mưa làm quần áo chị dính vào da thịt. Đã lâu lắm rồi ở đất Kẻ Đồng hoang vắng này cha mới thấy một sự cám dỗ đẹp như thế ẩn hình trong bộ quần áo ướt.

 

Tháng cấm phòng sau đó mấy hôm, các cha xứ bạn hữu thấy cha Kẻ Đồng vật vã như người ốm. Ông cố xua đuổi hình ảnh người đàn bà ướt mưa hôm đó mà không được. Cuối cùng chính Đức Mẹ Rất Thánh đã giải thoát cho ông, khi ông một mình cầu nguyện trong cấm phòng tòa giám. Ông tha thiết xin được gặp Mẹ, ông cầu lạy lái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ đồng trinh, xin đền tạ lái tim đau đớn Mẹ, bù lại những tội lỗi con đã nghĩ đã làm xúc phạm đến Lái tim Mẹ, cùng Lái Tim Chúa Giê Su Con Mẹ. Ông đau đớn cảm thấy Chúa đã giận dữ mình trong buổi chiều mưa hôm ấy nên mọi lời cầu nguyện của ông hình như không thấu đến tai Người. Và ông đành nguyện xin Mẹ “cho con được ẩn náu trong Lái Tim Mẹ và nhờ Lái Tim Mẹ mà đến cùng Lái Tim cực Thánh của Chúa Giêsu Con Mị?”. Ông thì thầm cầu xin một mình trong phòng nguyện tòa giám và khi mệt mỏi đứng dậy, ông biết ngay mình đã được Mẹ tha thứ. Mẹ đã bao dung cho ông ẩn náu trong trái tim Người và đó là con đường ngắn nhất để ông tiếp thông với Đấng tối cao và xin lòng tha thứ.

 

Ông quên hẳn chị Cu Sang cho đến hôm có cơn heo may đầu mùa ấy. Lúc đó xơ Gian vẫn cầm hộp bí tích trên tay vì bà đang lấy tràng hạt và cây thánh giá ra lau chùi thì cha gọi. Hai người đi dạo trong vườn nhà thờ. Cha xứ bảo muốn đảo một vòng để xem mấy đám đất gieo hạt giống xu hào Ý mọc mầm ra sao. Đó là món quà của Đức Giám mục nhân người vừa sang La Mã thụ ơn Đức Thánh Cha trở về. Bỗng ngọn gió thổi đến. Cha xứ đứng lại.

 

– Này xơ!

 

Xơ Gian lúng túng nhặt cái hộp bí tích lên. Bà đã kịp cho miếng gỗ sứt vào túi và giấu cái hộp dưới vạt áo. Nhưng cha nhìn thấy rồi, ông không nói gì. Ông đọc được thoáng bồi hồi trong mắt xơ cũng như nó vừa chợt tới trong lòng ông lúc cơn gió thổi qua.

 

– Thưa cha…

– Xơ còn nhớ nhà chị Cu Sang, người đàn bà góa đến nhà thờ mua rau cải về làm giỗ chồng năm ngoái?

 

– Dạ, có nhớ. – Xơ cung kính – Dạo chồng chị ấy chết con có đến giúp đám nhà chị ta.

– Nhưng rồi xơ không bao giờ trở lại nữa phải không?

 

– Dạ.

– Như vậy là xơ đã yêu người ta bằng mình chưa?

 

– Dạ thưa cha, chưa. Con chưa trọn điều ấy. Vả chị ta cũng chưa làm phép rửa tội bao giờ.

– Mọi người ở thế gian này đều từ cõi không, do Cha chúng ta ở trên trời làm nên mà có, phải thế chăng?

 

– Dạ, thưa cha.

– Vậy thì chúng ta là tôi tớ của Người sao xơ không nghĩ ta phải làm cho không thành có?

 

– Dạ con hiểu.

– Cha biết xơ đã đem tình thương của mình mở rộng nước Trời lâu nay mà quên sự vất vả. Nay cha nhắc xơ điều nên làm ấy.

 

Xơ Gian đến nhà chị Cu Sang vào lúc nắng đã gay gắt, thứ nắng hanh trong tiết trời trở lạnh làm da dẻ người ta mốc trắng vì gió heo không làm ra mồ hôi. Chị Sang, sau khi đánh vỡ cái ấm pha trà, không biết làm gì với chiếc răng sâu của chồng, cứ cầm nó trong tay mãi. Đáng lẽ chị còn phải phơi chăn bông và đổ lạc củ ra nia cho uống nắng, nhưng vì vướng chiếc răng trên tay nên chị cứ trân trối ngồi trên bậu cửa nhìn ra sân, nhìn đám lá chuối lật qua lật lại trong gió như chính cõi lòng bất yên của chị. Chiếc răng vừa tìm thấy sau cơn gió không gợi lại cho chị hình bóng người chồng hung bạo, say nhè mà trái lại, là những kỷ niệm êm ái. Chính đêm trước hôm anh chồng súc miệng làm văng chiếc răng sâu, chị đã dùng lưỡi mình lung lay cái răng vốn đã như cóc gặm và thường làm anh chồng mất ăn mất ngủ hàng tuần trăng liền. Anh bỗng trở nên dịu dàng hơn trong cơn ân ái, cái lưỡi chị làm anh đã ngứa và hết nhức răng, anh thừ ra như con trâu được kỳ cọ bằng thứ con cúi rơm lúc tắm dưới suối.

 

– Chào xơ! – Chị Sang đứng dậy, bước xuống sân, bỏ chiếc răng của anh chồng quá cố vào túi rồi nắm lấy ống tay áo lụng thụng may bằng vải đen của xơ Gian. Trong bộ đồ tu sĩ, nước da xơ càng trắng còn đôi môi thì hồng như tô son. – Lâu nay con không được gặp xơ!

 

– Xơ bận quá!

 

– Con vừa đánh vỡ mất cái ấm pha trà. Mời xơ uống nước vối với con vậy.

 

– Cám ơn em. Nhà thờ cũng có một cây vối. Xơ thường uống nước vối với bõ già. Xứ Huế của xơ người ta cũng ham nước vối lắm. Mà này, hôm ni là ngày chi mà xơ cũng lập cập đánh rơi cái hộp của Cha xuống đất.

 

– Vậy ư xơ? Tại trời trở gió ấy mà. Con cứ thấy chộn rộn trong người làm sao ấy. Xơ ơi, nghe nói cây vối ở vườn nhà thờ đã sống hơn trăm rưỡi năm, trước cả ngày cha Bảy dựng nhà thờ nữa, phải không ạ?

 

Xơ Gian làm dấu Thánh.

 

– Cầu cho cha Phedro Bảy an nghỉ trên nước Thiên Đàng. Con hỏi những thứ từ ngày chưa có bà cố của xơ, làm răng xơ biết được?

 

Xơ Gian hỏi chuyện mùa màng chuyện khoai sắn lúa bắp nhà chị Sang. Rồi xơ phàn nàn năm nay vườn nhà thờ thu hoạch kém, người ta chỉ cho các bà già đến trồng trọt, chăm sóc. Chẳng cây nào mọc ra hồn, thu hoạch bắp và mấy cây ăn quả lưu niệm không đủ trả tiền phân. Lễ lạt của dân cho nhà thờ cũng teo dần, năm sau không bằng năm trước. Chị Sang nói:

 

– Có thế thật! Người có sức thì phải cào cấu nuôi con. Họ đưa bà già đến giúp nhà thờ cũng là có lòng với cha và xơ lắm rồi. Bên ấy, ngoài các khoản đóng góp như bọn con, người ta còn phải thêm khoản cho nhà thờ.

 

– Nhưng chẳng lẽ lại để người chăn chiên chết đói hay sao? Xơ thì không nói, ăn mặc chi cũng xong, nhưng cha bề trên thì không thế được.

 

– Tại xứ đạo mình nghèo. – Chị Sang chép miệng. – Người nào cũng phải lăn lưng ra mà không đủ sống. Bà góa lại nhiều hơn nơi khác. Thiếu đàn ông thì ai cũng khổ, phải không xơ?

 

Mắt Chắt Sang long lanh, dồn nén những điều chưa được giải tỏa từ sáng đến giờ. Hôm nay là ngày chi chi? Gió heo may về, chiếc răng sâu hiện ra, mặt ao tù nổi sóng. Chị mạnh dạn đưa đôi cánh tay rộng và chắc ôm chầm một vòng cái eo nhỏ bé của xơ Gian như ôm một cô bạn gái cùng làng.

 

– Xơ cũng khổ, phải không xơ? Xơ mới bốn mươi tuổi thôi mà!

 

Xơ Gian đỏ mặt vùng vẫy thoát khỏi bàn tay cám dỗ, lại đưa ngón tay làm dấu và thì thầm đọc kinh dâng mình cho Đức Mẹ, “tôi đã dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, lái tim cùng cả mình tôi cho Đức Mẹ thì ngày hôm nay lạy Đức Bà Maria, lạy Mẹ khoan thay, xin Mẹ gìn giữ tôi như của riêng Người vậy. Amen”. Chị chắt Sang không nghe rõ xơ thì thầm điều gì nhưng chị sững lại vì nhìn thấy xơ run rẩy và sợ hãi như đạp phải một con rắn.

 

– Không, em ạ. Xơ đã dâng mình cho Đức Chúa và Hội Thánh, con người xơ lạnh như băng rồi, xơ không thấy khổ là chi nữa.

 

– Nhưng con thì không được thế, xơ.

 

– Chừ con muốn thì chẳng ai ngăn cấm con được thế. Vòng tay Đức Mẹ và con của Mẹ rộng vô biên, Người không từ chối một ai đến bên Người.

 

– Xơ bảo con cũng đi tu như xơ à?

 

– Xơ không bảo thế. Nhưng nếu con chịu phép rửa tội như những người đi đạo trong làng thì Chúa sẽ tha thứ cho cái tội tổ tông truyền của con. Con sẽ thấy không khổ sở, dằn vặt mỗi khi gió heo may về nữa.

 

– Chẳng lẽ con không còn cách gì khác nữa hay sao? Hay là con lấy chồng?

 

Xơ Gian ái ngại nhìn góa phụ trước mắt mình. Cha bề trên bảo xơ phải cứu vớt chị ta để mở rộng nước Trời. Cha bảo rằng, con chiên lạc đàn thì trước hết phải cho nó nhìn thấy một bó cỏ. Vườn nhà thờ rộng mênh mông mà chỉ trông mong vào những bà già công quả như bên mấy cái chùa thì chẳng ăn thua. Phải thuê mướn người có lực, có kinh nghiệm trồng trọt với giống mới, phương pháp mới. “Nếu thuận, xơ hãy bảo chị ta đến làm công cho nhà thờ. Ta sẽ trả công xá rộng rãi, còn xơ thì cũng tiện tiếp xúc.” – Cha bảo thế.

 

Chị Chắt Sang không từ chối. Chị bảo làm công cho nhà thờ thì cũng còn hơn vào mấy cánh rừng cạn kiệt trên Ngàn Éo mà nhặt nhạnh củi khô kiếm ăn. Nhưng bảo còn phải để chị thu xếp đã. Xơ Gian ra về. Xơ biết là mình còn phải trở lại đây nhiều lần nữa. Trong thâm tâm xơ thương người đàn bà góa có cuộc đời khổ nạn không lối ra và chỉ được giải thoát khỏi cái án chung thân khi trở thành góa bụa. Nhưng góa bụa cũng là một cái án chung thân khác nếu chị va không biết dâng trọn mình cho Đức Chúa lòng lành.

 

Chị Chắt Sang mất hẳn một ngày không động tay động chân được vào công việc gì trong nhà, trong vườn. Chị cảm thấy hôm nay là một ngày hệ trọng, có lẽ nhờ cơn gió mà chị tìm lại được chiếc răng sâu của chồng, người chồng bây giờ đây chỉ để lại trong chị những kỷ niệm êm ấm, yêu thương. Bao nhiêu đòn vọt, nhục nhã, hận thù với anh ta chị đã quên hết. Chị lấy lại chiếc răng trong túi ra ngắm nghía tự hỏi xem nên làm gì với nó bây giờ? Nó là một phần hài cốt của anh, không thể khinh suất được. Mãi suy nghĩ những chuyện đó mà chị quên cả nhóm lửa nấu cơm tối. Nhưng chị không thấy đói. Một ngày như thế này thì ăn uống vào cũng như không. Chị lâng lâng trong cảnh hư và thực, nửa đói nửa no, không nghe bước chân mình đi, không cảm thấy cảm giác gì khi cầm lên một thứ đồ vật trong nhà. Phải rồi, hồi mới cưới chị cũng có vài ngày như thế. Lại nữa, một lần khác, khi cuộc chung sống với anh chồng đã nhàu như giẻ trong mớ tã địa ngục, cái đêm vì thương người và nhẹ dạ, chị cho anh Cu Ca đè lên mình rồi lăn đi lăn lại chị như một khúc chuối trên tấm phản ọp ẹp chị cũng thấy nhẹ nhõm, lâng lâng như thế. Nhưng cơn sung sướng kia là thật, còn cái lâng lâng hôm nay chỉ là một tiếng vọng, một ảo giác mơ hồ, như có như không. Chính vì thế mà tâm hồn chị căng thẳng, đau đớn, lòng chị tan nát khi biết ra là tất cả đã qua rồi, đã chìm nghỉm trong cơn tuyệt vọng.

 

Chính lúc đó trong đầu chị bật ra một ý nghĩ: “Hay là… đi tu như xơ Gian cho xong!”. Cái ý nghĩ bất chợt ấy làm chị sợ hãi. Bởi vì, tuy trong làng ai cũng mến và kính trọng xơ Gian vì bà thương người và hay giúp kẻ khó. Nhưng hễ mỗi lần bà gọi người ta làm lễ rửa tội thì mọi người đều tự nhìn mình như một tên phản bội và bà xơ tốt bụng kia nhanh chóng biến thành ma đưa lối quỷ đưa đường. Làm sao lại bỏ mặc bàn thờ ông bà ông vải, làm sao không đi lễ Phật ngày rằm, ngày mồng một được cơ chứ? Chị Sang đang sống trong cơn sợ như thế và chị bất giác thở dài, tâm thần bấn loạn. Tất cả tội vạ là do cơn gió hết! Mới ngày hôm qua đây chị còn thanh thản, yên một bề như con mèo ngủ trên đống rơm mà nay thành con nai sổ chuồng tung tăng trên đồng nội.

 

Tối hôm đó chị Sang ngủ đói. Lâu lắm rồi, từ ngày ở góa, không có đàn ông đỡ đần việc đồng áng, chị không còn phải đi ngủ đói nữa. Chị đã dự trữ được một cót thóc, năm nào cũng đổi hạt cho nó mới. Sáng dậy chị tưởng không cất nổi mình vì những mộng mị tai quái làm chị đỏ mặt lúc nhớ lại. Chị phải cho hai tay vào giữa đùi rồi nghiến răng khép chặt lại một lúc lâu mới tỉnh táo hẳn.

 

Lại một ngày lâng lâng và khổ sở trôi qua. Gió heo may càng thổi mạnh hơn như nó vừa được sổ chuồng đang tìm cách vượt qua những con truông trên núi Thiên Nhẫn đến từng nhà, từng người để rủ rê, khuyên bảo người ta nhớ lại, người ta hãy phá phách hay gào thét. Thứ gió lạ lùng làm trời trở lạnh mà hanh khô không để ai yên. Tối hôm đó, đang vật vã trên cái giường rẽ quạt mua từ hồi lấy chồng, chị Chắt Sang thấy sợi giây lạt cột cửa trở mình rồi rơi xuống đất. Cánh cửa mở ra và Cu Ca bước vào.

 

Y ta bảo rằng, không ngờ cơn gió heo may đầu mùa lại có thể làm tốc mất cái chái hồi của nhà y, có lẽ vì nhà y ở ngoài lũy tre nên không có gì che chắn, cái chái bị bứng khỏi mái nhà rơi xuống đất lại còn gây thêm tai vạ làm nát tinh tươm một luống su hào mới gieo, đè chết một con mèo tam thể cùng hai con chó con mới tách mẹ. Toàn bộ vốn liếng y đã đổ vào luống rau giống đó với hy vọng dựng lại cái nhà quá ọp ẹp trước Tết. Y buồn, y khổ, y không thể nào ngủ được trước một tai bay vạ gió như thế. Và y chỉ còn nước đến với chị. Y đã nhịn thèm hai năm nay, y muốn chờ chị hết tang chồng cho phải đạo nhưng làm sao y lại phải chờ, phải đợi kia chứ?

 

– Cô tắt đèn đi! – Y nói.

 

Chị Chắt đang ngần ngừ thì y đã nhanh chân bước tới bàn, không thổi mà cầm chiếc đèn Hoa Kỳ dốc ngược lên cho nó tắt thật nhanh rồi kéo chị lên giường.

 

Cu Ca ngủ li bì đến tận chiều hôm sau. Chị Chắt Sang luộc cả một ổ trứng gà mới ấp được hơn mười bảy ngày thả vào chậu nước lạnh cho dễ bóc, chờ y thức dậy.

 

Xơ Gian đang tưới rau thì ông bõ già ra vườn bảo lên gặp cha xứ. Hai hôm nay xơ thấy cha để đèn rất khuya, cửa sổ phòng cha hướng Tây Bắc và đương nhiên gió heo may thổi đến từ phía ấy. Nhưng cha không đóng cửa. Ánh đèn phòng cha làm sáng lên một nửa khu vườn và do phòng ngủ của xơ nằm trong dãy nhà ngang nên ánh sáng khác thường ấy và những tiếng rít của trận gió đầu mùa cũng làm xơ Gian mất ngủ lây. Xứ Huế của xơ cũng đôi khi hứng gió heo may nhưng nó không tai ác, không độc địa như ngọn gió này.

 

– Thưa cha, người không được khỏe?

– Không, cha vẫn bình thường. Cha chỉ muốn nhắc xơ về chuyện Chắt Sang. Xơ đã trở lại với chị ta chưa?

 

– Dạ, con định chiều ni mới lại.

 

Bảo chị ấy thu xếp nhanh nhanh. Gió heo may về rồi, mùa rau đã vào vụ. Mấy luống xu hào Đức Giám cho nhà thờ chắc được tiền nhưng phải có người chăm sóc. Ta không được phụ lòng cha bề trên.

 

– Con xin vâng, thưa cha.

 

Xơ Gian nói, cảm thấy trào lên trong lòng một tình thương vô bờ đối với người đàn ông đứng trước mặt mình. Lạy Chúa tôi, xin Người hãy cứu vớt những tâm hồn nhạy cảm và yếu đuối. Xơ đến nhà chị Chắt Sang thì cửa nhà đang đóng. Xơ nghĩ có thể vì gió thổi quá mạnh hay chị ta khó ở, đau mình. Xơ nhẹ nhàng hé tấm liếp cửa nhìn vào. Xơ thấy Cu Ca đang nằm, ngực để trần, hai tay buông thõng và nét mặt mệt mỏi, nhàu úa nhưng đầy hoan hỉ đang nhai chem chép những miếng trứng gà lộn do Chắt Sang cầm cái thìa nhỏ bón cho. Chị ta quỳ, phô tấm lưng trần ra phía cửa nên xơ không nhìn thấy mặt. Chỉ thấy lọn tóc chị xõa xuống vai xuống lưng và dập dờn như nhảy nhót trên da thịt.

 

– Này, răng trên thì vứt xuống giường hay lên mái nhà nhỉ? – Chắt Sang vừa bón trứng, hỏi.

 

– Nỡm! Vứt đâu mà chẳng được! – Cu Ca nhồm nhoàm trả lời.

 

Xơ nhẹ nhàng lui ra. Nhờ gió thổi và cũng nhờ chị Chắt bận bịu bón trứng và đưa tay liệng vật gì vào gầm giường nên hai người trong nhà không hề biết là xơ đã đến và đã đi lặng lẽ.

 

Sau đó không ai ở xứ Kẻ Đồng gặp xơ Gian nữa.

 

 

CÙNG MỘT TÁC GIẢ:

 

>> Vé vớt

>> Chàng thi nhân đầu bạc

>> Người yêu dấu của Dạ Ngân

>> Nguyễn Quang Thân người khát sống

>> Vẫn cồn cào những trang văn tâm huyết

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…