Nguyễn Quang Thiều với Dòng sông không vội

943

24.12.2017-19:45

NVTPHCM- Tại buổi giới thiệu tập thơ Dòng sông không vội của tác giả Trần Lê Khánh tổ chức tại Hội Nhà văn TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ La Tinh, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã đến tham dự và phát biểu. Xin giới thiệu tóm lược lại cuộc trò chuyện của ông…

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tặng hoa chúc mừng nhà thơ Trần Lê Khánh 

tại buổi ra mắt tập thơ Dòng sông không vội

 

Tôi nghĩ rằng anh Trần Lê Khánh hình như không có ý định làm thơ từ trước, không hề mặc định mình “biết” làm thơ. Anh Khánh chỉ là một số phận đi qua cuộc đời này, chạm vào thi ca và thi ca vang lên. Thơ anh tự nhiên, đơn giản như vậy nhưng lại rất gần gũi, đặc biệt.

 

Tôi đã làm ở báo Văn Nghệ một thời gian dài. Vào mỗi buổi sáng, tôi thường nhận được những bài thơ trong những phong bì gửi về. Thường những phong bì tôi mở đầu tiên với sự hồi hộp là của những người tôi không quen biết. Còn những người tôi đã biết mặt rồi thì tôi mở thư sau, vì tôi có thể hình dung ra con đường họ đi. Những người mới luôn luôn làm cho tôi bất ngờ. Nói thẳng ra là tôi luôn đợi chờ, mong có một ngày nào đó, mở phong bì ra, đọc được những bài thơ của người mới, rồi ngồi mãi trong căn phòng đó và cảm nhận được niềm hạnh phúc. Những người mới, những người đến sau luôn mang lại một chút tò mò, một chút tin tưởng và một sự đợi chờ nào đó.

 

Ở Mỹ, cứ hàng năm họ chọn tờ báo uy tín nhất để bàn luận rằng thơ ca đương đại của Mỹ đang chết hay đang sống. Có những năm họ dùng những phương pháp rất đơn giản là chọn lựa những bài thơ đã in trên các tạp chí. Hiện ở Mỹ có 40 tạp chí nghiên cứu về văn chương, nghệ thuật và thi ca. Họ thường chọn ra một loạt các bài thơ và in trong một tập, lấy một tên chung, viết tắt nào đó. Các nhà phê bình, bạn đọc đã bị đánh lừa, họ tưởng đó là của một nhà thơ mà thôi. Điều này mang lại sự tiến bộ, hay ho hay mang lại bất hạnh cho thi ca Mỹ? Và họ khẳng định đó là điều bất hạnh cho thi ca Mỹ. Bởi vì tất cả những giọng thơ đó không khác biệt nhau. Khi thi ca có cùng chung một giọng, cùng chung một gương mặt, cùng chung một cách nhìn thì đó là dấu hiệu đầu tiên cho thấy thi ca của quốc gia đó, của cộng đồng đó đang bị chết dần đi.

 

Thi ca như là nhà văn Mỹ Robert Frost viết: “Trong rừng có rất nhiều lối đi, và tôi chọn lối đi không có dấu chân người”. Thi ca là phải dấn thân, khai quật. Chúng ta có hơn 7 tỉ người trên thế giới, nhưng theo nhân chủng học thì có rất ít người trùng nhau dấu vân tay, giống nhau khuôn mặt, giọng nói, tính tình. Nếu có giống, trùng nhau thì chỉ ở một vài điểm, bộ phận, phần nhỏ nào đó thôi. Như vậy, tự nhiên đã tạo ra hơn 7 tỉ con người, hơn 7 tỉ sự khác biệt, thì tại sao thi ca trong một dân tộc chỉ có vài ngàn người làm thơ lại có thể giống nhau như đúc? Điều đó thật tệ hại đối với những người làm thơ. Chính vì điều đó mà tôi đã đọc tập thơ của anh Trần Lê Khánh một cách thú vị. Ở đó (thơ anh Khánh) đúng hay sai, hay hay dở, chưa biết, nhưng anh ấy đã tự chọn con đường của anh và thơ anh vang lên trên những cái mà anh có. Và tôi cho rằng đó là điều thi ca cần, là điều quan trọng. Tôi mới đọc tập thơ “Dòng sông không vội” chưa được nhiều, mới một lượt thôi. Thơ ca cần được đọc lâu, đọc kỹ cũng giống như khi ta quen một người phải dần dần. Và trước các văn bản khác biệt, ta phải hiểu rằng mình cần phải là một phần trong văn bản khác biệt đó. Thì khi người đọc trở thành một phần trong văn bản khác biệt đó, người đọc mới có thể đồng hành cùng văn bản đó.

Bìa tập thơ Dòng sông không vội của  Trần Lê Khánh

 

Lâu nay, chúng ta hay bình thơ một cách cảm tính. Người làm thơ lục bát phê phán thơ văn xuôi. Người làm thơ văn xuôi phủ nhận thơ lục bát. Đấy luôn là sự sai lầm, ngốc nghếch, trẻ con, vì thơ ca không phải là vậy. Trên mặt đất có bao nhiêu cây cỏ sinh ra, có bao nhiêu côn trùng sinh ra, thì thi ca cũng được sáng tạo ra theo cách đó, cũng đa dạng, cũng khác biệt và vô tận. Một thiền sư nói: “Bạn hãy nhìn vào không gian, mở lối vào không gian bạn sẽ thấy một cánh cửa, mở tiếp một cánh cửa khác, mở tiếp và mở tiếp, mở đến hết đời những cánh cửa… và mở đến vô tận…”. Thơ ca của mỗi người cũng thế, tôi tôn trọng sự khác biệt đó, và tất nhiên trong sự khác biệt có những yếu tố chung. Và ở đây, thơ của Trần Lê Khánh mang lại sự khác biệt.

 

Đêm qua, tôi có đọc 2 bài thơ và sáng nay tôi có đọc lại. “Màu linh hồn” và “Về”. Khi đọc một bài thơ, tôi thường khảo nghiệm trên một bài thơ về ngôn ngữ, ý tứ, cấu trúc, về tư tưởng. Bài thơ “Về” nói một con chim đến đậu trên một chiếc lá vàng. Rồi cả con chim và chiếc lá đó lại mong kiếp sau hóa thành người, để cả hai cùng trở về dưới gốc cây cũ đó, ngồi xuống và đợi chờ nhau. Cách thức này giống một bài thơ Tứ tuyệt, Đường luật nhưng nó tự do đến vô cùng. Và chính sự tự do này, ngôn ngữ này đã mang đến một vẻ đẹp hoàn toàn khác cho một thể loại thơ ngắn như vậy. Ở đó, trong sự tự do này lại chứa đựng niêm luật kiên định và chắc chắn, nhưng không phải thể thơ Đường luật hay các thể thơ khác, mà là đảm bảo tình bền vững bởi cấu trúc thơ hiện đại trong ngôn từ.

 

Nhà thơ Nga Puskin nói: “Thơ gần với tiếng nói đời thường nhất”. 35 năm trước khi tôi đọc lời bình này của ông bằng tiếng Anh, tôi đã ngờ vực và không tin điều đó. Tại sao một nhà thơ vĩ đại có thể nói như vậy? Thơ ca phải là cái gì khác đi, phải bay bổng, phải mượt mà, phải điệu đàng, phải đầy tính từ và hoa mỹ. Thế nhưng khi tôi lớn lên, già đi, nhiều phiền muộn hơn, cũng như nhiều đau khổ, nhiều hạnh phúc hơn, đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi mới thấy rằng Puskin là một nhà thơ vĩ đại và lời ông nói thật chính xác. Nếu các anh chị có thể đọc nhiều thơ đương đại trên thế giới thì các anh chị sẽ thấy càng ngày thơ càng giản dị vô cùng. Nhưng sự giản dị đó là sự chắc chắn, bền vững và mới mẻ.

 

Theo cá nhân tôi, khi tiếp xúc với thơ của anh Trần Lê Khánh thì tôi muốn được đọc tiếp, đọc lại để xem cái gì tiếp theo, để giải mã con đường nào đó… Nhưng trong hôm nay thì tôi chỉ xin bày tỏ một vài điều như vậy. Cá nhân tôi xin chúc mừng anh Khánh. Tôi chỉ thay mặt tôi – một nhà thơ làm thơ đã quá mệt mỏi, vất vả trong mấy chục năm nay rồi (chứ không thay mặt cho nhà xuất bản hay một đại diện nào khác), chúc mừng Khánh.

 

Tôi luôn mong người khác đi qua mình, tự do hơn, mạnh mẽ hơn, khác biệt hơn và những người đi sau vượt qua tôi. Đó không phải là điều gì mỹ miều và quá khiêm tốn. Có lần nhà thơ Nguyễn Tấn Việt, thầy tôi đã dẫn con ông, nhà thơ Nguyễn Quyến 17 tuổi, đến nhà tôi, nhờ tôi nghe hộ thơ của Nguyễn Quyến. Nguyễn Quyến đọc cho tôi nghe 10 bài thơ, rồi căng thẳng, hồi hộp ngồi chờ nghe ý kiến của tôi “Chú thấy thơ cháu thế nào?”. Tôi đã trả lời nhà thơ Nguyễn Tấn Việt rằng: “Em vừa vui vừa quá buồn. Vui vì cháu nó viết thơ quá mới, quá hay, khác biệt chúng ta. Buồn vì cháu nó đã bay qua đầu anh em mình rồi…”. Tôi nghĩ rằng đó là sự thật. Việc một thế hệ mang giọng nói của riêng họ, mà thế hệ trước không mang. Nhưng thế hệ sau nên hiểu rằng chúng tôi mang giọng nói chính xác và đầy trắc ẩn của thế hệ chúng tôi, chứ không phải chúng tôi đã cũ. Mỗi người một con đường. Con đường của chúng tôi là con đường vẫn mới trong đời sống chúng tôi, trong thế hệ chúng tôi. Và nhiệm vụ của các bạn trẻ là phải đi con đường khác. Nếu chúng tôi ngoảnh lại mà vẫn thấy người trẻ vẫn đi theo chúng tôi thì đó là sự thất bại của các nhà thơ, của một nền ngôn ngữ, thi ca, thất bại cả trong tư duy ở mọi lĩnh vực của một dân tộc, chứ không riêng gì trong thi ca.

 

Một lần nữa xin chúc mừng anh Trần Lê Khánh đã đem đến tập thơ “Dòng sông không vội” với những sự mới lạ, vẻ đẹp của sự đắm say. Đáng lẽ cuộc đời của anh Khánh đã đầy đủ, khi có một công việc kinh doanh, căn nhà xinh bên sông Sài Gòn, nhưng có vẻ thi ca mới thể hiện chính con người của anh Khánh, cho dù anh không xem nó là sự nghiệp lớn lao.

 

NGUYỄN QUANG THIỀU

 

 

>> XEM TIẾP DỌC ĐƯỜNG VĂN HỌC…