Phan Minh Thông mua và chơi tranh – Kỳ 1

1339

24.12.2017-22:00

 Doanh nhân Phan Minh Thông trong phòng làm việc trang trí tranh nghệ thuật do mình sưu tập

 

>> Người đi tìm gia vị cuộc sống

>> Tâm tình qua trang sách

 

Mua và chơi tranh

(Kỳ 1)

 

PHAN MINH THÔNG

 

NVTPHCM- Khi tôi bắt đầu chơi tranh, tôi không tin rằng rất ít người Việt quan tâm đến hội họa. Nhưng sau một thời gian, tôi nghiệm ra rằng hình như tỷ lệ cứ 1.000 người thì chỉ có 5 người Việt bỏ tiền chơi tranh, có vẻ vẫn còn… cao.

 

Chọn tranh thay Louis Vuitton

 

Nhà tôi sửa lại. Thay vì tủ gỗ, nền tường gỗ, thấy nặng nề tôi dỡ hết ra và sơn các mảng tường trắng cho dễ chịu. Tuy nhiên sau một tuần thấy nhà rộng và trống vắng, tôi quyết định là mình sẽ treo cái gì vào đó. Tôi hỏi bạn bè các cửa hàng tranh ở Sài Gòn và họ chỉ ra đường Nguyễn Thiệp, thế là bắt đầu một thời kỳ mua, chơi, trả rất nhiều tiền cho tranh.

 

Tôi ra Nguyễn Thiệp ngó nghiêng, run rủi thế nào tôi chọn Bến Thành Art & Frame và vào đó. Hôm đó lại có mặt bà chủ và ông chủ phòng tranh. Sau khi được dẫn đi giới thiệu một vòng, tôi mua hai bức. Một của họa sĩ Mai Xuân Oanh và một của họa sĩ Hoài Thương.

 

Khỏi phải nói, phòng khách và phòng liền kề trở nên đẹp và ấm cúng thế nào khi tranh được treo lên. Mọi thứ đều trở nên thẩm mỹ và sang trọng. Tôi thích mê ly và thường ra phòng tranh ngắm, nói chuyện hàng tiếng đồng hồ không chán. Tuy nhiên, những bức tranh đầu tiên của họa sĩ trẻ mà tôi mua khi đó không đắt lắm, cỡ 30 triệu đến 40 triệu một bức mà thôi. Sau đó tôi mua thêm một vài bức cũng của Hoài Thương và có thêm họa sĩ Lê Anh Cẩn. Bà chủ phòng tranh bắt đầu chú ý, tìm cách giới thiệu những tác phẩm có giá cao hơn cho tôi.

 

Nhưng vào lúc đó tôi chưa sẵn sàng cho việc mua các tác phẩm đắt tiền. Tôi chỉ mới bắt đầu phá một “chân lý” đơn giản rằng chơi tranh cần có nhiều điều kiện. Ngoài không gian treo, người chơi còn phải có tiền để mua và cuối cùng nhưng rất quan trọng là phải cảm được tranh, hay nói cách khác là thực sự thích tranh.

Hoa – tranh Trần Lưu Hậu, acrylic trên vải, sưu tập của Phan Minh Thông

 

Một hôm vợ chồng tôi qua phòng tranh nói chuyện và xem tranh. Bà chủ tên S mang vài ba bức của họa sĩ Trần Lưu Hậu ra cho chúng tôi xem. Ngay từ đầu xem, chúng tôi đã thích tranh của ông. Tranh của Trần Lưu Hậu chủ yếu là tranh trừu tượng. Chúng tôi chọn bức Hoa. Chỉ có điều khi nói đến giá tranh, con số gấp cả chục lần tranh các họa sĩ trẻ! Trong đầu tôi lúc đó phản đối lại việc mua tranh – sao mà đắt thế! Vậy là không mua.

 

Trên đường về, vợ tôi nói sao mình không mua? Tôi bảo để tôi tính, từ từ mua cũng kịp. Hai tháng sau, khi tôi quyết định mua bức Hoa của Trần Lưu Hậu, rất tiếc, gallery đã bán bức đó rồi!

 

Cô chủ hàng dù rất khéo, nhưng vẫn không làm giảm sự thất vọng nơi tôi. Cô đưa ra vài bức Hoa khác và nói: Bức này đẹp nếu anh không quyết định mua thì lần sau anh ra cũng sẽ hết (có lẽ đấy là nghệ thuật bán hàng?!). Có vài bức đẹp và tôi chọn một bức trong số đó, nhưng khi biết giá đã tăng 10% so với mấy tháng trước, tôi lại vừa thất vọng vừa tức giận. Tuy nhiên tôi bình tĩnh lại và nghĩ, nếu không mua thì không bao giờ mua được nữa. Thế là vẫn quyết định mua. Phải nói khi treo tác phẩm Hoa của họa sĩ Trần Lưu Hậu lên phòng khách, tất cả càng trở nên càng lộng lẫy và ấm cúng hơn. Chúng tôi đều vui sướng vì được sở hữu một tác phẩm như vậy.

Tĩnh vật – tranh Trần Lưu Hậu, acrylic trên giấy 55x79cm, sưu tập của Phan Minh Thông

 

Một việc xảy ra làm thay đổi suy nghĩ của chúng tôi: Mọi năm Phúc Sinh in thiếp Chúc mừng năm mới và lễ Giáng sinh để gửi tặng khách hàng, nhưng năm đó loay hoay mãi không tìm ra hình ảnh đẹp. Một ý nghĩ thoáng qua và tôi dùng hình ảnh bức tranh của mình đang có để in thiệp. Thiệp chúc mừng năm mới của Phúc Sinh năm đó tuyệt đẹp, khác biệt so với mọi năm, nên tôi nghĩ từ nay về sau trong các dịp in thiệp hay lịch Tết, Phúc Sinh sẽ chỉ in tranh trong bộ sưu tập của mình. Chúng tôi gửi thiệp tặng cho khách hàng mà không biết rằng, bằng cách này, tôi đã bắt đầu một nghề khác: Nghề bán tranh!

 

Khi đã mua một bức đắt tiền thì mua thêm vài bức đắt tiền khác không quá khó. Gần Tết, chủ phòng tranh có lô tranh cả cũ và mới của Trần Lưu Hậu cho tôi xem. Những tác phẩm rất đẹp và tôi đã quyết định mua 15 bức của Trần Lưu Hậu với các kích cỡ lớn nhỏ khác nhau. Quyết định đó gây sững sờ cho mọi người chơi tranh và cả chủ phòng tranh. Cô ấy không tin vào tin nhắn lần đầu và cô ấy phải gửi lại cho tôi rất nhiều tin nhắn để xác định. Tôi đến nhận tranh và khi có khung, mang về nhà, tôi treo khắp mọi nơi. Nhà tôi như một gallery!

 

Người Việt có chơi tranh?

 

Sau khi tôi chơi tranh và đi tham quan một vài phòng tranh, tôi muốn mua thêm của nhiều họa sĩ khác. Một cô bạn tôi cho số điện thoại và địa chỉ của họa sĩ Đào Hải Phong. Có không ít bức họa sĩ “giấu” tại tư gia của mình rất đẹp và tôi quyết định mua 7 bức. Tôi liên hệ đại lý để làm giá cả với ông. Khi việc mua bán xong, họa sĩ Đào Hải Phong thú thật: Thực sự ông không kỳ vọng một người Việt Nam với dáng vẻ quê mùa có thể mua tranh đến 7 bức một lần. Sau đó tôi mua của nhiều họa sĩ khác như Đỗ Xuân Doãn, Hoàng Đăng Nhuận, Phạm Luận, hay các họa sĩ trẻ như Liêu Nguyễn Hướng Dương, Đinh Thúy Hạnh, Trần Đình Khương,…

Nude 1 – tranh Nguyễn Trung, sơn dầu, sưu tập Phan Minh Thông

 

Khi tôi bắt đầu thân thiết với chủ phòng tranh và giao lưu nhiều hơn với các bạn chơi tranh, tôi cũng nghe rất nhiều câu chuyện. Đầu tiên họ nói, người Việt rất ít người mua và chơi tranh, 1.000 người mua may ra có 5 người Việt. Ban đầu tôi cũng không để ý, tuy nhiên sau khi đi xem nhiều lần ở nhiều phòng tranh, tôi tin. Tôi tìm hiểu sao lại như vậy để cuối cùng rút ra rằng, có lẽ vấn đề nằm ở giáo dục.

 

Ở ta, việc học nhạc và hội họa trong các trường học của trẻ từ khi còn bé cho đến khi học nghề đi làm dường như đều chưa được coi trọng. Chúng ta chỉ coi trọng các môn tự nhiên và gần đây là tiếng Anh. Khi còn bé, chúng ta đã không được giáo dục thẩm mỹ về các bộ môn nghệ thuật, thì rất khó hy vọng lớn lên ta cũng sẽ coi trọng hay say mê nghệ thuật. Không coi trọng, không hiểu lắm thì người ta không bỏ tiền ra mua, thế thôi. Có lẽ đó cũng là nguyên do khiến có một giai đoạn mỹ thuật Việt Nam rất phát triển, ở góc độ “bán được”, nhưng chủ yếu vẫn là bán cho người nước ngoài sống và làm việc ở Việt Nam, hoặc là khách Tây du lịch, phượt ba lô. Sau này dần dần cũng có nhiều người nước ngoài nói chung như Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines cũng mua tranh Việt Nam. Số lượng vẫn không nhiều và giá tranh vẫn không cao so với mỹ thuật ở các quốc gia khác.

Nude 2 – tranh Nguyễn Trung, sơn dầu, sưu tập Phan Minh Thông

 

Các họa sĩ và chủ phòng tranh cũng luôn nói rằng “hội họa là tầng lớp”. Tôi không tin. Về đại trà tuy không được giáo dục coi trọng mỹ thuật nhưng ta cũng không thiếu người cảm nhận được cái đẹp, dù ở tầng lớp nào. Chỉ có điều rất ngạc nhiên là cho dù thấy đẹp, người Việt ta cũng ít chịu bỏ tiền. Các chủ phòng tranh cũng hay nói tranh của họa sĩ Việt Nam vẽ không thua tranh các họa sĩ trong khu vực, nhưng tranh của họa sĩ Trung Quốc và các nước khác trong Đông Nam Á lại được đấu giá rất cao! Được giá cao là do dân kinh doanh, giới doanh nhân, “mạnh thường quân” các nước đã bỏ tiền mua tranh của họa sĩ nước họ, vì vậy mà giá tranh Trung Quốc mới được đẩy đến mức có bức lên tới hàng triệu đô-la. Trong khi đó chúng ta vẫn cứ trông chờ vào nguồn khách nước ngoài.

 

Tôi nghĩ rằng chỉ khi nào người Việt mua tranh của họa sĩ Việt, một cách “mạnh tay” như họ mua hàng hiệu, có lẽ lúc đó tranh của chúng ta mới có giá và hiếm được. Cũng chỉ lúc đó, tranh của chúng ta mới được các nhà bán đấu giá coi trọng và đặt giá cao! Hội họa của người Việt mà người Việt không nâng niu, thì ai sẽ làm thay người Việt điều đó?

 

(Còn tiếp)

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…