Nhà thơ Giang Nam – tác giả bài thơ ‘Quê hương’ qua đời

179

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Giang Nam, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Quê hương” đã từ trần sáng 23/1 (sáng mùng 2 Tết) tại Khánh Hòa do tuổi cao sức yếu, hưởng thọ 94 tuổi.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết buồn khi nghe tin cây bút gạo cội qua đời vào mùng 2 Tết. Ông nói: “Nhà thơ Giang Nam đã chọn Tổ quốc và thơ ca là lẽ sống đời mình. Suốt đời, ông đã đi trên con đường ấy. Không có bất cứ điều gì, không có thách thức nào có thể thay đổi con đường của ông. Ông sống hiền như cây, kiên định như cây, mạnh mẽ như cây và nở hoa kết trái như cây trong gió bão”.


Nhà thơ Giang Nam. 

Hồi tháng 5 năm ngoái, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng bổ sung xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật cho nhà thơ Giang Nam. Đề xuất dựa trên nguyện vọng của giới văn nghệ sĩ, vì ông cao tuổi, sức yếu. Tuy nhiên, ông không có tên trong danh sách nhận giải cuối cùng, do công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2021 khi ấy đã hoàn tất.

Giang Nam tên thật Nguyễn Sung, sinh năm 1929 ở làng Bình Trị, xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ông tham gia cách mạng từ năm 1945, là nguyên phó tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam kiêm tổng biên tập báo Văn Nghệ Giải Phóng và ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn – Gia Định…

Quê hương là bài thơ nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của ông, nguyên mẫu của “cô gái nhà bên” là vợ ông, bà Phan Thị Triều, quê ở Nha Trang. Ông sáng tác bài thơ năm 1960, tại căn cứ của Tỉnh ủy Khánh Hòa dưới chân núi Hòn Dù khi nghe hung tin vợ con bị bắt và thủ tiêu. Cuối năm 1961, khi đang ở căn cứ tại Củ Chi (TP HCM), ông bất ngờ biết người thân vẫn còn sống, đã về quê tại Nha Trang an toàn. Giang Nam cảm xúc lại dâng trào mãnh liệt và làm tiếp hai bài thơ: Ngày mai đi đón em và Con còn sống.

Ngoài ra, ông còn có các tác phẩm nổi tiếng đóng góp rất xứng đáng cho nền văn học cách mạng Việt Nam như các bài thơ: Vầng sáng phía chân trời, Hạnh phúc từ nay, Nghe em vào đại học… và rất nhiều tác phẩm truyện ngắn, ký, trường ca. Nhà thơ Giang Nam còn là một nhà cách mạng lớn và là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Giang Nam từng đoạt Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; Giải thưởng VHNT Khánh Hòa giai đoạn 1975 – 2000; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Khánh Hòa giai đoạn 2001 – 2005; Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Từ năm 2001, khi nhà thơ Giang Nam được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật thì trước các kỳ xét giải thưởng sau đó (5 năm/lần), lãnh đạo Hội Văn học nghệ thuật và một số văn nghệ sĩ trong tỉnh đều động viên ông làm hồ sơ đăng ký để được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng vì một số lý do nên nhà thơ và gia đình vẫn chưa làm hồ sơ đăng ký.

BBT