Phạm Sỹ Sáu & cảm thức nhân sinh

738

26.9.2017-10:00

Nhà văn Cao Chiến và nhà thơ Phạm Sỹ Sáu ở chiến khu Đ tháng 8.2017

 

Phạm Sỹ Sáu & Cảm thức nhân sinh

 

CAO CHIẾN

 

NVTPHCM- Giữa đám đông những người viết văn làm thơ, không khó để nhận ra một người đàn ông tóc hớt cao, bụng hơi phè ra dáng quan, nhưng đôi mắt nếu nhìn vào sâu một chút lại thấy có chút gì rụt rè.

 

Người đàn ông đó là nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh. Anh sinh năm 1956 tại huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Trước khi trở thành nhà thơ, Phạm Sỹ Sáu đã có một thời gian chừng mười năm tham gia quân ngũ, còn trước đó nữa là sinh viên Đại học Khoa học Sài Gòn.

 

Một ngày giữa tháng 8 năm 2017, anh tặng tôi tác phẩm mới nhất của mình, trường ca “Giữa ngày và đêm”, do Nxb Văn hóa – Dân tộc ấn hành. Trường ca này, như lời đề từ ở đầu trang của Phạm Sỹ Sáu, anh viết để “Thương yêu tặng những người thân yêu của đồng đội và tôi”.

 

Sau tác phẩm đầu tay “Hãy mở lòng ra mùa thu tới” (Thơ, Mây Biển, Đà Nẵng, 1973) viết ở tuổi học trò, những năm tháng sau đó những “Khúc ca vào chiến dịch” (Ký sự thơ, in chung, NXB Văn Nghệ & báo Tuổi Trẻ, TP.HCM, 1981); “Điểm danh đồng đội” (Thơ, NXB Văn Nghệ, TP.HCM, 1988); “Ra đi từ thành phố” (Trường ca, NXB Trẻ, TP.HCM, 1994); “Chia tay cửa rừng” (Thơ NXB Trẻ, TP.HCM, 2002); “Gởi bạn bè làm xong nghĩa vụ” (Thơ, NXB Trẻ, TP.HCM, 2004); “Thơ với tuổi thơ” (Thơ, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2005); “Khúc ca đồng đội” (Thơ, NXB Trẻ, TP.HCM, 2008); “Giữa ngày và đêm” (Trường ca, NXB Văn hóa Dân tộc) của Phạm Sỹ Sáu nối nhau ra đời. Và anh cũng giành được khá nhiều giải thưởng văn chương.

 

Trong bài viết này tôi chỉ xin giới hạn trong phạm vi tác phẩm “Giữa ngày và đêm”. Thực sự là tôi không mấy chú trọng tới cái gọi là lớp lang bởi với một người viết có nghề như Phạm Sỹ Sáu thì đó là đương nhiên, mà chỉ dành sự quan tâm một thứ duy nhất rằng gan ruột tác giả hòa điệu với đồng đội của mình và với chính mình thế nào qua thơ. Thơ Phạm Sỹ Sáu nói chung và trường ca “Giữa ngày và đêm” nói riêng, hầu như chỉ nói về người lính, kể cả đôi bài có tí gọi là thế sự thì ẩn bên trong vẫn là một nhiệt huyết của người lính.

 

Người chưa cầm súng có thể vẫn có những trang viết rất hay về người lính, nhưng đọc một cách kỹ lưỡng, vẫn phảng phất nhận ra họ không phải là lính. Chủ quan tôi cho rằng chỉ khi người ta thực thụ xông pha, đi qua sinh tử cận kề thì lúc ấy cái gọi là chất lính mới thành máu thịt. Giữa đám đông, từ lối đi đứng, khẩu khí, giọng điệu, không quá khó để nhận ra họ. Phạm Sỹ Sáu với bản trường ca “Giữa ngày và đêm” là một trường hợp có dáng dấp như vậy. Tình cảm anh dành cho đồng đội thật ấm áp.

 

“Ba lô hai mươi ký nặng vai/Thở hì hà hì hục/Mồ hôi đẫm áo như vá chằng vá đụp/Mồ hôi rơi nhòe tóc, ướt lông mày/Mồ hôi tràn ướt đẫm cả chân tay/Những chàng trai không quen lửa đạn/Những chàng trai chiến trường chưa có ngày dày dạn/Lại vào rừng, vào rừng/Về với đồng bưng, trảng nước”

 

“Sau những ngày đội nắng trên đầu như chảo lửa/Chúng tôi bước vào một mùa mưa ngập ngụa/Một mùa mưa như chưa gặp bao giờ/Không phải mùa mưa của ký ức tuổi thơ”

 

“Khắp nam bắc tây đông ở đâu cũng một màu vàng rực/Cái màu vàng làm những người lính tức ngực/Cái màu vàng làm người lính nôn nao”

 

“Nắng xua tan những sương mù/Liếm môi trên lá có thu được gì”

Trường ca “Giữa ngày và đêm” của Phạm Sỹ Sáu

 

Có thể nhận thấy ngôn ngữ ở đây rất mộc, chẳng ví von, cũng chẳng có gì gọi là ẩn ý cao siêu, ai đọc cũng hiểu. Thậm chí, nếu bỏ đi các dấu ngắt thì có thể biến thành một câu văn. Nhưng nói vậy mà không phải vậy. Không ở rừng, không có những ngày đội đầu đi dưới chảo lửa, và trong một khoảnh khắc không đắm hồn vào trong tứ bề một màu vàng rực thì chẳng thể nào cất lên nổi những câu thơ như thế. Cái chất tôi gọi là mộc của ngôn ngữ trong thơ Phạm Sỹ Sáu là thứ muối mặn gừng cay, ngỡ tưởng nhộn nhạo nhưng nuốt thì chất đằm thắm đọng lại mãi.

 

“Cơm nầy cơm của ơn trời/Cơm nầy cơm của ơn đất/Cơm nầy cơm của ơn Phật/Ăn vào phải nhảy múa thôi/Ăn vào phải ra đồng rồi/Ăn vào xuống sông bắt cá”

 

“Con gái giờ đã căng đầy/Sau những ngày cơm có cá”

 

“Đẩy đưa, ấm no, rậm rực/Nghe trong bầu ngực tức tức/Nghe trong lòng đang sục sôi/Lấy chồng thôi, cưới chồng thôi”

 

Sự hồi sinh vô cùng mãnh liệt của cuộc sống được Phạm Sỹ Sáu diễn tả rất tài tình. Cũng vẫn là thứ ngôn ngữ mộc xuyên suốt ấy nhưng giờ biến hóa, giàu nhạc điệu của trống của lửa, khiến cho người đọc cuốn vào rậm rực muốn nhảy dựng lên. Có thể nói đây là ngôn ngữ riêng của thơ Phạm Sỹ Sáu, không chỉ bởi hiện thực anh trải nghiệm, mà tôi cho rằng những điệu ru câu hát của miền ấu thơ đã thấm một cách vô thức, và như bản năng bởi ngữ cảnh bật ra trong tác phẩm của mình, tươi rói lên.

  

Nhưng đôi chỗ, chủ quan tôi cho rằng Phạm Sỹ Sáu đi trượt ra khỏi hệ ngôn ngữ mang sắc thái riêng của mình. Cùng nói về tâm trạng khát khao, nhưng hai câu tôi dẫn ra đây đích thị là của Phạm Sỹ Sáu: “Ôi ánh mắt nhìn chi mà tha thiết/Để lính con trai cứ ngỡ của riêng mình”; “Những thằng lính chưa được làm đàn ông cứ tiếc dài dài/Giá mà biết trước thì làm liều một cái/Để lỡ có hy sinh không còn thây thì cũng không thấy ngại/Khi biết chút mùi đời ở tuổi mười chín đôi mươi/Để biết ôm một vòng ôm ấm ngực với núi đồi/Với tóc mượt, với môi hồng con gái”. Còn câu này, thì có hơi hướm đi ghé: “Nhớ một làn môi, một mái tóc buông mềm/Một bóng dáng của người đâu xa lức/Một bóng dáng vẫn theo mình đánh giặc/Để đêm mơ thành… chiến sĩ… phòng không”. Tôi mạo muội nói là đi ghé bởi Phạm Sỹ Sáu có thể né ngọn núi “Tây tiến” sừng sững của Quang Dũng với “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

 

Nhưng, điều tôi muốn nói về thơ Phạm Sỹ Sáu, chính xác hơn là đôi cảm nhận về  trường ca “Giữa ngày và đêm” của anh không phải là những thứ ở trên, dù rằng với một nhà thơ thì bây nhiêu vốn liếng cũng có thể coi là khá ổn dưới bầu trời thi ca. Nhiều năm về trước, ở Nha Trang có một rạp chiếu phim, được dựng lên cho một cuộc liên hoan phim Việt Nam. Thời gian này tôi đang đi biệt phái, căn bản là tự mình quản lấy mình. Ở đấy, cứ rảnh là chui vô rạp. Có một phim, nếu tôi nhớ không lầm được chuyển thể từ một cuốn tiểu thuyết của ông nhà văn Trần Văn Tuấn, có hình ảnh dòng người di trú coi rất xúc động. Bất chợt tôi nhận ra sự sẻ chia về kiếp người trong cõi nhân sinh. Trường ca “Giữa ngày và đêm” của Phạm Sỹ Sáu có những dòng thơ đã chạm khẽ nơi chốn ấy. Thơ của anh, ở những dòng này như bị nhập đồng, là tôi thấy thế, hớn hở, náo nức, khóc cười.

  

“Quê xưa đã xa ngút ngàn/Quê xưa giờ đã tan hoang hết rồi/Chi bằng bèo giạt mây trôi/Cứ theo về hướng có người dừng chân/Phum ven đường, phum xa xăm/Khi chân đã mỏi thì thân nhân là/Người đồng hành quãng đường xa/Chia nhau miếng nước, miếng cà, miếng canh/Chia nhau miếng đường để dành/Chia nhau cả những tâm tình, chia nhau/Nhận thân nhân, nhận đồng hao/Nhận chung phận kiếp dãi dầu từng qua/Trở về, giờ trở về nhà/Không còn ai, miễn còn ta, còn mình/Còn người chung kiếp nhân sinh/Bắt tay xây dựng đời mình từ đây”

 

“Mai sau có dịp đi tìm/Về nơi chốn cũ thì xin nhớ rằng/Một thời chiến trận khó khăn/Một thời sống chết tim hằn nỗi đau”

 

Còn nhiều câu thơ hay, và cũng còn nhiều nỗi niềm Phạm Sỹ Sáu gửi gắm trong tác phẩm, thiết nghĩ tốt nhất là để bạn đọc tự khám phá. Để có thể đi tới cảm thức nhân sinh, để hồn vía kiếp người quyện vào trong hồn vía mình và đơm hoa, thì với một người cầm bút, tài năng và nghệ thuật dùng chữ chỉ là một yếu tố mang tính kỹ thuật. Khi đối diện với thân phận người, phải có một day dứt và sẻ chia đủ sâu sắc mới khiến cho câu thơ có hồn. Trong một chừng mực nào đó, với trường ca “Giữa ngày và đêm” Phạm Sỹ Sáu đã có được phẩm chất ấy.    

 

Thành phố Hồ Chí Minh 18.9.2017

 

 

>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…