Phạm Sỹ Sáu & Pháo dậy phố xuân – 5

815

21.02.2018-00:30

>> Pháo dậy phố xuân – 4

>> Pháo dậy phố xuân – 3

>> Pháo dậy phố xuân – 2

>> Pháo dậy phố xuân – 1

 

PHÁO DẬY PHỐ XUÂN

(Trường ca)

 

Chương V: NHỮNG ĐÊM TRẮNG ĐAU THƯƠNG

 

Khi Sài Gòn dậy lửa

Sài Gòn chìm trong tiếng đạn bom

Dân Sài Gòn thấp thỏm những bữa cơm

Tị nạn

 

Những xóm nghèo bỗng dưng nát vụn

Vì bom, vì pháo, vì ly tán

Gồng gánh dắt dìu nhau tìm chốn bình an

Dẫu dăm ngày nửa tháng

Còn dăm đồng tiền lành lặn

Chi tiêu dè sẻn, cầm chừng

Dắt nhau tìm đến người thân

Hay vào các trung tâm cứu trợ

Mong tìm dăm bữa cơm rơi

Từ tay những nhà từ thiện.

 

Một Sài Gòn thật nhiều chuyện

Mặc cho lửa cháy, bom rơi

Mặc cho khóm phố tơi bời

Ở đâu có dân chạy nạn

Ở đó có người từ tâm

Mở lòng ra rất ân cần

 

Thanh niên đi quyên cứu trợ

Chẳng kể thuộc tôn giáo nào

Thanh niên Phật tử, Hướng đạo

Hồng thập tự và Thanh sinh công

Tất cả đều quyết một lòng

Vì cuộc sống người tị nạn

 

Lòng thành chẳng bao giờ cạn

Cùng nhau chung sức sẻ chia

Chẳng cần bên nọ, bên kia

Đã ra tay là chung sức

 

Đã ra tay là cật lực

Giúp người như thể giúp ta

Giúp bà con dựng lại nhà

Giúp người qua cơn khốn đốn

 

Giúp mà không sợ tốn

Giúp mà chẳng hàm ân

Giúp vì là nhân dân

Cần chung tay qua nguy khốn

 

Một Sài Gòn thật sôi động

Với bao tấm lòng bao dung

Sẻ chia trong lúc khốn cùng

Vượt qua chiến tranh, hoạn nạn

 

Nhà nhà đều rất mạnh dạn

Sẻ chia với cả tấm lòng

Chỉ mong, chỉ mong, chỉ mong

Bà con nhanh qua khốn khó

 

Người giúp người qua từng việc nhỏ

Nhường cơm, sẻ áo, chở che

Giúp nhau tìm một cái nghề

Để nhanh thoát vòng cơ cực

 

Chiến tranh vẫn còn chờ chực

Quanh những xóm làng ven đô

Quanh những con lộ đắp mô

Ngày ngày chiến tranh hiện diện

 

Chiến đấu thương vong là chuyện

Phải chăm sóc để bảo toàn

Người ven đô phải đảm đương

Những đoàn dân công hoả tuyến

 

Chiến đấu nội thành thì chuyện

Tải gạo, tiếp lương không lo

Nhà nào cũng có một kho

Gạo cơm thức ăn nước uống

 

Cuộc sống vốn nhiều biến động

Nên ai cũng trữ gạo, đường

Trữ thịt hộp, cá khô và mắm

Để phòng những ngày gian nan

 

Chiến sĩ giải phóng hiên ngang

Nhập đô trên từng đường lạ

Cứ chiến đấu, chẳng mặc cả

Đường nào là đường thoát thân

 

Chẳng có gì phải ngại ngần

Giành nhau từng khu nhà đổ

Bám nhau trên từng hẻm phố

Cả ban ngày, ban đêm sáng châu

 

Đêm không còn điện – đêm thâu

Những chiến sĩ giữ đầu cầu

Phơi mình trong ánh vàng vọt

Của ngàn hoả châu trên cao

 

Đêm lung linh những vì sao

Đêm tìm nhau qua ám hiệu

Những người sống sót kỳ diệu

Tìm đưa bạn về phía sau

 

Những người trinh sát luồn sâu

Quen dần từng con phố nhỏ

Lần mò đến nơi súng nổ

Đưa đồng đội về phía sau

 

Cứu thương, tải tử thật mau

Trong đêm đưa về hậu cứ

Ban ngày chẳng thể nào giữ

Cho bạn được bình yên đâu

 

Vùng ven trở thành đầu cầu

Tập trung tải thương, tải tử

Gắng vượt qua vùng đất dữ

Để đưa các thương binh ra

Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu

 

Đường về hậu cứ còn xa

Tận ngoài Đức Huệ, Đức Hoà mênh mông

Vượt qua bưng, vượt qua đồng

Theo kênh dẫn nước loáng trong bóng tà

Chẳng có xuồng, chẳng có phà

Chân trần dấn bước băng qua dặm đường

 

Mặc cho lác dắt, dứa vương

Mặc cho buốt rát dân thường đôi vai

Mặc cho ướt lạnh kéo dài

Mặc tất cả – chỉ chung vai gánh gồng

 

Chị em thi đua dân công

Góp phần chung sức chung lòng tải thương

Góp phần giải quyết chiến trường

Phẫu tiền phương gánh đau thương ngút ngàn

 

Tạm xa mẹ, con lên đàng

Cùng anh, cùng chị vượt ngàn hiểm nguy

Kẻ địch soi từng đường đi

Đêm đêm soi đến từng li trên đồng

 

Kẻ địch thì từ trên không

Còn ta trên đất chẳng công sự gì

Chẳng hầm hố, chẳng lối đi

Vượt đồng bưng với thầm thì lời trao

 

Kẻ địch thì từ trên cao

Còn ta cố nấp nơi nào khó nghi

Trong đêm bao tiếng thầm thì

Đã đi phải đến khắc ghi trong lòng

 

Bao bụi dứa dại giữa đồng

Đâu che được hết một dòng dân công

Súng thù nã xuống giữa đồng

Súng thù nã giữa muôn trùng lác năn

 

Kẻ thù từ trên trực thăng

Cứ nhả đạn hòng quyết ngăn

Đoàn dân công đi về cứ

 

Khi ra đi ai có ngờ điều dữ

Cũng náo nức lên đường, náo nức lập công

Người vùng ven muốn góp sức, góp lòng

Đưa cách mạng đi đến ngày chiến thắng

 

Dùng đôi vai suốt ngày gồng gánh

Đi cáng thương tải đạn chiến trường

Tạm biệt mẹ cha, tạm biệt người thương

Góp công sức nhỏ trên đường vinh quang

 

Đi ta đi, nào ngại gian nan

Nào ngại bọn giặc trời đêm đêm bay phục

Ở giữa đồng rồi không còn chỗ núp

Cứ phơi mình cho bọn giặc bủa vây

 

Đèn pha trên trực thăng quét những luồng sáng như ban ngày

Bay cấp tập trên cánh đồng lưng nước

Những lùm dứa dại nhỏ nhoi chẳng thể nào che được

Những đòn cáng dài đang vận tải thương binh

 

Giặc cũng chẳng còn quân để mà đổ quân

Giặc dùng trực thăng đi soi, đi chặn

Mênh mông đồng bưng nhưng chẳng thể nào ngụp lặn

Nên đành lợi dụng địa hình tạm tránh đèn soi

 

Thật chẳng ngờ, giặc phát hiện rồi

Giặc vòng lại, chẳng thể nào núp kịp

Súng đại liên năm mươi rung lên từng nhịp

Súng rung lên còn hoả tiễn xịt… đùng

 

Giặc bất ngờ nã đạn tấn công

Những bóng áo đen phơi trên đồng cỏ xám

Men theo từng bờ mương, men theo từng bụi khóm

Tìm chốn an toàn giữa muôn trùng vây

 

Núp vào đâu khi không một bóng cây

Mấy đìa vũng chẳng thể nào che hết

Đưng lác không cao

Người thì đang mệt

Đành phó mặc thân mình cho số phận mà thôi

 

Đạn tìm đến ta chứ ta nào tránh được đạn rơi

Không lẽ mấy chục người cùng chung số phận

Đi dân công nghĩa là đi mặt trận

Không thoát được thì đành phải hy sinh

Không quyết hy sinh nhưng son sắc niềm tin

Ngày chiến thắng không ai quên mình là được

 

Nói là thế thôi chứ có ai mà biết trước

Những ngày phía tương lai còn bom đạn chất chồng

Những ngày mai còn những trận đánh như thế nầy không

Những trận đánh mà đau thương chất chồng cao vút

 

Làng xóm tan hoang, người còn người mất

Người sống sót trở về có còn như thật

Như người ngày ra đi với bao mộng ước ngập tràn

Rộn ràng trong tim bài hát Lên đàng

Rộn ràng trong tim hành khúc Giải phóng

Rộn ràng trong tim Bài ca Hy vọng

Rộn ràng trong tim Tiến về Sài Gòn

 

(Còn tiếp)

PHẠM SỸ SÁU

 

 

TIN THƠ: 

 

>> Nguyễn Hồng tự tưới mình xanh tươi

>> Nguyễn Vũ Quỳnh tản mạn chiều cuối năm

>> Phan Nam bài thơ tháng chạp

>> Trần Lê Khánh giấc mơ của lá

>> Đặng Huy Lập tình quê qua điệu ví

>> Nguyễn Thuý Quỳnh viết giữa đêm và ngày

>> Trần Hà Yên tia nắng mồ côi

>> Phạm Quang Tiễn cây nói thay người

 

 

>> ĐỌC THƠ TÁC GIẢ KHÁC…