Phạm Vân Anh – Cho mùa xuân dài lâu

819

23.01.2018-15:45

  Nhà thơ Phạm Vân Anh

 

Cho mùa xuân dài lâu

 

BÚT KÝ CỦA PHẠM VÂN ANH

 

NVTPHCM- Xin mượn ý nghĩa tên gọi của người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam – liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng (bí danh Xuân Trường) làm tựa để cho bài viết này bởi máu các anh đã thấm đất âm thầm, làm nên mùa xuân trường tồn cho toàn dân tộc.

 

Biên cương anh nằm lại

 

Không dễ dàng để có thể lên đến vùng đất cực Bắc của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Vực sâu, đèo cao đã đành, song con đường đang thi công chạy đua cho kịp thời gian kỉ niệm 70 năm thành lập QĐND Việt Nam bị cày nát bởi xe chuyên dụng chiếm mất của chúng tôi hơn nửa ngày di chuyển. Thượng tá Lương Văn Thiểm – Trưởng công an huyện Bảo Lạc kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện mà anh nghe được từ các cụ già nơi đây về trận đánh đồn Đồng Mu cách đây 2/3 thế kỷ.

 

Hồi ấy, sau chiến thắng giòn giã cướp đồn Phai Khắt, đồn Nà Ngần, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã thừa thắng xông lên tiến công đồn Đồng Mu – một địa bàn hiểm yếu trấn giữ một vùng rộng lớn phía Tây Cao Bằng. Tuy nằm ở nơi hẻo lánh nhưng đồn Đồng Mu được thực dân Pháp chọn địa điểm chiến lược và được xây dựng đạt nhiều ưu thế cả về phòng thủ lẫn phản công. Lý do này cùng với việc quân ta phải luồn rừng vất vả nhiều ngày đã khiến trận đánh đồn Đông Mu trở nên khó khăn và bất lợi cho các chiến sĩ đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

 

Trở lại với người liệt sĩ đầu tiên của quân đội ta, liệt sĩ Hoàng Văn Nhủng sinh ra và lớn lên ở bản Nà Nghiềng, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng. Năm 1936, khi mới 18 tuổi, ông cùng em trai là Hoàng Văn Vân tình nguyện tham gia cách mạng và được cử đi học quân sự tại Trung Quốc. Năm 1944, trở về nước, Hoàng Văn Nhủng lúc này có bí danh là Xuân Trường được chọn vào Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân và tham gia vào các trận đánh đầu tiên của Đội.

 

Vào thăm UBND xã Xuân Trường, chúng tôi bất ngờ khi được xem cuốn “địa chí xã Xuân Trường” được in trên giấy A4, ngoài bìa có ghi do ông Tô Đức Năng – nguyên thiếu tá quân đội và ông Mông Văn Đinh – nguyên phó chủ tịch huyện Bảo Lạc thực hiện. Cuốn sách ghi lại rất chi tiết về trận đánh tại nơi đây và sự hi sinh của liệt sĩ Xuân Trường theo lời kể của trung tướng Đàm Quang Trung: “ Đêm 4-2-1945 quân ta tổ chức đánh bằng ba mũi, trong đó có một mũi do đồng chí Đàm Quang Trung chỉ huy bí mật luồn sâu áp sát, kết hợp với một số lính đồn đã được ta giác ngộ từ trước, thọc sâu ngay vào đồn. Trước sự tấn công bất ngờ, bọn lính đồn mở đường máu tháo chạy, một toán lính chui ra theo đường hào, gặp ngay mũi của Đàm Quang Trung, hung hăng chống cự, bị đánh bật trở lại. Xuân Trường lúc này là tiểu đội trưởng, lao lên phục kích ở chân tường của ngôi nhà địch vừa tháo lui ẩn nấp. Không ngờ từ trong nhà, nhóm lính này leo lên phía tường cao và phát hiện chỗ phục kích của Xuân Trường liền từ trên cao bắn xuống, đồng chí Xuân Trường hi sinh”.

 

Sau một đêm chiến đấu ác liệt, ta chiếm được đồn Đồng Mu. Vì nhiều nguyên nhân, các thành viên trong đội đã chôn cất liệt sĩ Xuân Trường tại cánh đồng ngay dưới chân đồn. Đồng Mu trở thành vùng đất do Việt Minh quản lý và được đổi tên thành Xuân Trường từ đấy. Nhiều năm sau, khi nghĩa trang huyện được xây dựng, di hài của liệt sĩ được đưa về đây chôn cất, xong nhân dân nhớ thương vẫn giữ nguyên phần mộ bia cũ của anh trên đất biên cương. Sau chiến tranh biên giới phía Bắc, khu vực này được qui tập thêm hài cốt của các chiến sĩ hi sinh trong chiến đấu bảo vệ biên giới và được nhân dân các dân tộc xã Xuân Trường hương khói hàng năm.

 

Năm 2014, để kỷ niệm 70 năm ra đời đội quân cách mạng – tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, nghĩa trang trên điểm cao này được Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng lại giữa một vùng mát xanh bóng núi cây rừng. Thiếu tá Hoàng Văn Bạc, Chính trị viên Đồn BP Xuân Trường chia sẻ với chúng tôi điều anh trăn trở bấy lâu: “Chúng tôi mong muốn khu vực này được xây dựng lại khang trang, được nhiều người biết đến, trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân cả nước. Trận đánh công đồn Đồng Mu sau chiến thắng Phai Khắt – Nà Ngần của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là trận đánh thể hiện sự dũng cảm và tinh thần quyết chiến quyết thắng của những chiến sĩ QĐND Việt Nam đầu tiên, đồng thời cũng là những người con của đồng bào các dân tộc Cao Bằng. Dòng máu cách mạng từ dân mà ra, vì dân phục vụ là cái gốc vững bền của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ”.

 

Bok Wừu – chàng Đam San chống Pháp

 

Sau 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vùng Đăk Đoa, Gia Lai giờ đây đang mỗi ngày một đi lên theo nhịp phát triển chung của cả cao nguyên rộng lớn. Hỏi bất cứ một người già Bana nào ở Đăk Đoa về Bok Wừu hay Anh hùng Wừu, bạn sẽ được kể cho nghe câu chuyện về ông – một liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, một trong những biểu tượng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên tham gia Kháng chiến chống Pháp.

 

Sau một hồi lòng vòng, chúng tôi mới tìm được nhà của ông Hnhăk – con trai liệt sĩ Bok Wừu dù nhà thơ Tạ Văn Sỹ vốn là “thổ địa” Tây Nguyên đã xung phong dẫn đường. Khác với sự sầm uất của thị trấn trung tâm cùng những căn nhà khang trang nằm thấp thoáng sau bóng cây cà phê, căn nhà của Hnhăk ở làng Tul Đoa, xã Đak Sơ Mei, huyện Đak Đoa như được phủ bóng thời gian.  Mà cũng lạ, bước vào không gian ấy, cả chủ và khách đều cảm thấy mọi thứ như ngưng đọng lại, ông Hnhăk và nhà thơ Tạ Văn Sỹ như chìm vào dòng suy tưởng về người anh hùng của vùng đất bazan. Mỗi người một câu, kẻ tiếng Kinh, người tiếng Bana cứ thế dắt tôi trở lại những tháng ngày Tây Nguyên cháy rực lửa căm thù giặc Pháp.

 

Năm 1939, Bok Wừu là một trong những người đầu tiên tham gia phong trào “Đất nước đứng lên” chống bắt phu bắt lính ở địa phương và trở thành cán bộ tuyên truyền vận động quần chúng ủng hộ cho cách mạng. Khi Pháp nắm được quyền kiểm soát Tây Nguyên,  gia đình Bok Wứu là cơ sở cách mạng tin cậy lúc của cán bộ. Cả làng Tul Đoa làm thật nhiều hầm chông để bẫy con heo rừng và cả “con heo Tây”. Bok Wưu khỏe như cái cây rừng, lại thoắt ẩn thoắt hiện như con sóc phục kích tiêu diệt các toán quân nhỏ của người Pháp nên bọn Tây đồn trú gần làng rất sợ. Chúng treo giải nhiều đồng bạc trắng, nhiều tạ muối ngon cho ai bắt được Bok Wứu nhưng chẳng ai theo lời chúng. Vậy là chúng cho người vào làng đốt phá, bắt đàn bà, trẻ em để ép Bok Wứu phải ra hàng.

 

Ông Hnhăk giơ ngón tay nhẩm tính: “Cha tôi bị bắt ba lần, nhưng lần bào cũng chỉ nói: “Tao không biết ai là cán bộ cả. Tao chỉ biết tao là Wừu!”. Hai lần đầu ông thoát được, nhưng lần thứ 3 thì về với Atâu (Trời)”.

 

“Lần bị bắt thứ 3 đó nhằm mùa hè năm 1952. – nhà thơ Tạ Văn Sỹ thay lời – Lần này, bọn Tây nham hiểm muốn thị uy trấn áp tinh thần của người dân nên đã đưa Bok Wừu về làng sau khi tra tấn dã man.  Về đến làng Tul Đoa, chúng trói ông vào thân cây rồi cắt mũi, xẻo tai và chặt 10 đầu ngón tay khiến ai nấy đều hãi hùng. Vậy mà Bok Wừu không khai lấy một lời. Đã thế còn lớn tiếng kêu gọi: “Đừng sợ, hãy căm thù và đoàn kết đấu tranh diệt cho hết lũ Ayat” (bọn giặc cướp nước). Trước khi chết, ông còn lừa mấy tên giặc sa xuống hầm chông. Chúng lồng lộn trả thù ông bằng cách lôi ông xuống suối, chọc lưỡi lê vào mắt và xả đạn. Đêm đó, cả làng đốt đuốc đi tìm, tiếng khóc tiếc thương, sự cảm phục và nỗi căm hờn càng dâng cao khi mọi người tìm thấy người anh hùng của làng mình ở khe suối nhỏ…”.

 

Bốn năm sau khi mất, Bok Wừu đượctruy tặng Huân chươmh quân công hạng Nhì và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đinh Lan – cô sinh viên người Bana đang theo học ngành quản lý văn hóa tại Đại học Văn hóa – Nghệ thuật Quân đội đi cùng chúng tôi đã rơi nước mắt khi nghe chuyện. Bởi dẫu tên ông đã được đặt cho một ngôi trường, một con đường tại tỉnh Gia Lai nhưng những người trẻ không mấy ai biết cặn kẽ về người anh hùng của dân tộc mình. Cô bảo: “ Giá như làng Đak Sơ Mei mình có một nhà tưởng niệm anh hùng Wừu, giống như ở làng Stơr của anh hùng Nup thì hay biết mấy.”

 

Vĩ thanh:

 

Trong 2 cuộc chiến tranh vĩ đại của toàn dân tộc, đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những đóng góp vô cùng to lớn. Đã có hàng trăm anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, hàng ngàn thương binh liệt sĩ là người con của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái, Ba Na, Ê Đê, M’nông… Những con người như liệt sĩ Xuân Trường, anh hùng liệt sĩ Bok Wứu đã cống hiến và hi sinh xứng đáng với truyền thống của dân tộc mình và đại gia đình các dân tộc Việt Nam, một lần nữa khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”.

 

 

>> XEM TIẾP BÚT KÝ – TẠP VĂN TÁC GIẢ KHÁC…