Phụng “Lờ cá” – Truyện ngắn của Trọng Bình

1255

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một cái nhà lá to đùng, ba bộ vạt bố trí ba góc mà nhà vẫn thênh thang, diện tích còn lại có thể chứa được cả đội bóng. Đi từ cửa trước tuột ra cửa sau, qua bờ dừa cạnh ao cá tra là tới sân banh nằm chình ình trên đám ruộng ông Năm Bời. Nhà này cũng là nơi tụ tập của các đội bóng chân đất từ cấp 2 đến cấp 3, bởi các đội này có sự góp mặt của bốn anh em Phụng.

Tác giả Trọng Bình 

 

Cả năm anh em rời nhà ra thị trấn học cho gần trường, bé nhất lớp 5, lớn nhất lớp 11, chế Hai đã ra trường và theo học ngành y. Ngoài giờ học Phụng và anh Long đảm nhận việc sản xuất thủ công, hướng dẫn ba đứa em đương lờ kiếm thêm thu nhập trang trải học hành. Chẳng biết nghề này “tổ” nào dạy, nhưng anh em Phụng làm rất thuần phục, ngoài hạn chế đi chơi còn rèn luyện bản tính cần cù yêu lao động từ nhỏ, phụ giúp cha mẹ bớt đi gánh nặng nuôi sáu chị em cùng đi học.

Sinh ra trong một gia đình vốn dĩ nông dân, cha mẹ là những người yêu lao động, anh em Phụng cũng đã sớm nhận thức để thoát ly cảnh đồng ruộng nên phải nỗ lực học hành, bởi đất đai không có nhiều, gia cảnh còn nghèo khó. Vì vậy, ngay lúc còn ngồi ghế nhà trường anh em Phụng đã được mài dũa trong môi trường “vừa làm vừa học”.

*

Hết cấp hai lần lượt chế Nguyệt, anh Long, Phụng cùng thằng Dưỡng thằng Thiện, Út Nhiên dìu dắt nhau thoát ly gia đình đi học. Anh chị em Phụng bỏ ruộng vườn để cha mẹ nó sống cảnh như “vợ chồng son” lùi lũi làm ruộng, làm rẫy nuôi anh em nó đang tuổi ăn tuổi học.

Cha mẹ cất cho cái nhà lá cạnh trường cấp 3 Trần Văn Thời, tạo điều kiện để anh em Phụng đến trường được gần gũi, thuận tiện. Mỗi tuần cha mẹ nó lại chở chuối, dừa, gạo, bí… tiếp tế cho anh em ăn học, có tuần cha mẹ không ra thì anh em Phụng thay nhau về thăm nhà rồi lại tải hàng hóa lên “trận địa”.

Anh em Phụng thuộc diện chăm ngoan, có bản lĩnh riêng từ nhỏ, cùng hợp sức lại đứng ra tự kiếm tiền phụ thêm vào “rau cháo nuôi nhau” chăm lo học hành. Không biết là nghề “truyền thống” của cha mẹ hay ai chỉ bảo mà anh em Phụng chọn làm gia công đan lờ đặt cá.

Công việc cũng không khó khăn nhưng đòi hỏi phải tỉ mỉ tẩn mẩn từng việc. Phụng và anh Long chọn việc vót nan, thằng Dưỡng, thằng Thiện đương hom, Út Nhiên là nữ khéo tay hơn nên nó giao cho các hạng mục xở lưới. Dây chuyền sản xuất lờ của anh em Phụng được bố trí khá hợp lý, các sản phẩm thủ công ra đời cùng lúc, tổ hợp ráp lại thành cái lờ cá thương phẩm bán ra thị trường cũng khá được ưa chuộng.

Lần nào lại rủ Phụng đi đá banh nó cũng bắt chờ, bởi nó chưa xong việc được giao khoán. Tôi và Chinh xem từng sản phẩm từ bàn tay của anh em nó, nhìn khá bắt mắt và dễ thương, tụi tôi cũng muốn có nghề như nó, nhưng làm gì có cơ sở và lực lượng lao động, cũng như dây truyền sản xuất khép kín như anh em Phụng.

– Một ngày em làm được bao nhiêu cái? Tôi hỏi Út Nhiên.

– Dạ, cũng tùy anh ơi! Nhiên miệng trả lời tay cầm cái kim đương lưới thoăn thoắt.

– Em giỏi quá đó nghen, mới học lớp 5 mà đã sành sỏi đương lờ tiếp mấy anh rồi. Bị mấy anh ăn hiếp phải không?

– Dạ! Đâu có, mỗi người một việc anh ơi! Thôi em đi nấu cơm dây.

Nói xong Út Nhiên chạy vô lấy cái xoong đổ gạo đi vo. Là đứa em gái Út nên phải kiêm thêm việc nấu cơm quyét nhà, Chế Hai Nguyệt thì đang học Y sỹ ở Bạc Liêu, còn lại 5 chiến binh đang học mọi cấp ở Thị Trấn Trần Văn Thời này.

Nhiều bữa chờ thằng Phụng lấu quá, tôi rủ thằng Dưỡng em nó đi đá banh cho đủ bồ. Thằng Dưỡng mừng lắm bởi nhóm tụi nó cũng đang “ế độ” banh, rồi nó rủ thêm thằng Kiệm, thằng Phương học cùng đá với lớp đàn anh như Sol, Hạt và Chinh.

– Ừm, tụi mày ra đá đi, tao đi dỡ lờ kiếm cá ăn, dường như Phụng chỉ chờ bây nhiêu đó. Dứt lời nó xách cái xô, tay cầm cái lờ ra sau ruộng ông Năm Bời đặt cá. Nhà làm được lờ, sẵn ruộng, kênh mương phía sau có nhiều cá mắm, nên cũng đỡ rất nhiều tiền mua đồ ăn.

*

– Nhà đợt này nhiều lờ quá mày? Thủ môn Hạt miệng hỏi, tay chỉ vào một đống lờ sắp xếp ngay ngắn trong nhà.

– Tại ta mua mà chưa lấy. Phụng trả lời.

– Tính đâu không chịu bán? Chinh hỏi dí.

– Không bán cho anh em tao đói hả gì? Phụng cười tủm tỉm đáp.

– Ai biết, tính đâu thấy lờ đẹp dí lại, đợi bán giá cao.

– Cao con khỉ gì, được nhiêu phải ra hết nhiêu chứ, dí chi!

Ngoài giờ học chính khóa thì năm anh em Phụng ăn ngủ với những cái lờ, đặc biệt là vào mùa nước, nhu cầu dùng lờ đặt cá rất nhiều. Mưa xuống là cá chạy, đặt lờ thích lắm, dỡ lên nghe cá nhảy nhảy tung toé, trìu trịu tay là khoái à. Nông dân ai cũng mong như thế, trời càng mưa cá càng chạy, nên đặt lờ trời mưa là “bí quyết” săn cá ở vùng này.

Chuẩn bị mưa đem lờ ra đặt, chút xíu đi thăm là có một lờ cá… mưa đầu mùa, cá không to béo, nhưng rất nhiều, nhằm loài nhớt nhợt, tanh rình, nhưng vẫn bắt ăn, ăn không hết làm dí mắm để tới mùa hạn cực ăn lấy cá nhận mắm ra trưng. Mắm cá mà trưng với củ hành tía, bỏ miếng tiêu, miếng đường đem lên ăn cơm với chuối chát thì hết cả quầy, món này nhâm nhi với rượu đế thì càng êm. Đúng chất văn hóa ẩm thực Nam bộ.

Đặt lờ cũng đơn giản, tìm chỗ họng đìa, họng mương thì càng tốt, không thì chỗ luồng nước nho nhỏ có cá đi. Hai tay bươi bươi bên vệ cỏ đặt cái lờ xuống sao cho nước tràn qua hom, cũng đừng quá sâu và quá cạn, xong rồi bứt mớ cỏ ủ lên để đó đi vô nhà, chút xíu ra thăm thế nào cũng có cá ăn. Nhưng đặt lờ một chỗ hoài sẽ có tình trạng “hôi chỗ”, bị “lộ bài” cá không chạy nữa, chỉ đặt được một hai bữa rồi phải chuyển chỗ mới thì mới có cá.

Nắm bắt được nhu cầu sử dụng lờ của dân, ngay từ mùa hạn anh em Phụng đã chuẩn bị phương tiện, nguyên vật liệu để làm lờ, còn kịp có hàng bỏ cho mối lái. Năm nào cũng thế, cứ mỗi lần đến nhà rủ đi đá bóng là thấy các dây chuyền đang lom khom đan đan vuốt vuốt, may vá lưới, tập chung làm việc cao độ. Những sản phẩm lờ cá giúp anh em Phụng giải quyết các khoản như tiền mua quần áo, sách vở tiền trường tiền lớp… bớt được rất nhiều gánh nặng nhọc nhằn trên đôi vai của cha mẹ Phụng.

Lần lượt anh Long anh ra trường, Phụng ra trường, nghề đan lờ tiếp tục truyền lại cho thằng Dưỡng và thằng Thiện đảm nhiệm. Lúc này Chế Hai Nguyệt cũng ra trường về làm ở bệnh viện huyện sát bên nhà. Nhờ có tay nghề “gia truyền” đó mà anh em Phụng đã dìu dắt nhau qua những khó khăn, vươn lên trong học tập, đỡ đần cha mẹ trong cuộc sống. Quan trong nhất đó là những tấm gương dệt nên những giá trị trân quý và đầy ý nghĩa trên đường đời của anh chị em thằng Phụng.

*

Hai mười năm sau có dịp trở lại thăm “lò sản xuất lờ” của anh em Phụng, nơi đây còn lại là ký ức và hoài niệm. Cái nhà lá to đùng ngày ấy giờ khang trang bởi là phòng khám ngoài giờ của Bác sĩ Nguyệt, ngồi nhâm nhi ly trà biết được các thành viên trong gia đình đều phương trưởng và đang phục vụ các ban ngành đoàn thể của huyện nhà. Anh chị em Phụng trở về phục vụ lại chính cái nơi đã ươm mầm nuôi dưỡng đại gia đình nó. Chắc do lúc đương lờ nó ngồi lỳ một chỗ, cứ lại rủ đi đá banh nó lại bắt tụi tôi đợi, lỳ riết quen nên nó chọn vào bộ đội. Chị Nguyệt bác sĩ sản khoa vẫn công tác tại bệnh viện huyện từ ngày ra trường, anh Long chọn nghề dạy học ở trong rừng U Minh, Dưỡng phục vụ cho Viettel quân đội, Thiện làm ở phòng Thống kê huyện, Út nhiên cũng có công ăn việc làm ổn định. Chỉ có cha mẹ nó là vẫn vậy với “hai ông bà son”, chỉ khác là già đi theo nắm tháng.

Nhờ những cái hom lờ, những tấm lưới, những nan tre mà anh em Phụng mới cứng cỏi như hôm nay. Nhớ ngày ấy, bên ngọn đèn dầu le lói anh em Phụng vừa học bài vừa đan lưới kiềng nan, không gian ấm cúng đó đã thấm vào từng giá trị nhân văn gột lên được cuộc sống bây giờ. Ở cái tuổi chỉ ăn và chơi sau những buổi đến trường, nhưng cũng ở khung tuổi ấy, anh em Phụng đùm bọc chỉ bảo lẫn nhau khi không có cha mẹ bên cạnh, vừa học tập vừa lao động, tự tôi luyện và xây cho mình một thao trường rèn luyện để trở nên chính nghĩa.

Thành công hôm nay đến từ những cái lờ ngày xưa, cái lờ nhìn mong manh, gầy guộc, có thể bẹp dúm bất cứ lúc nào nhưng lại bắt dính rất nhiều cá. Dưới đôi bàn tay của anh em Phụng, mong manh đó trở nên cứng cáp, đặt và đón những ước mơ của anh em thằng Phụng thành hiện thực như hôm nay.

T.B