Sương khói quê nhà (3) – Truyện ngắn Võ Anh Cương

958

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi sáng mặt trời chưa lên Trần Hành đã thức dậy, anh rón rén mở cửa buồng để vợ anh đang ngủ trong giường không bị ảnh hưởng. Trần Hành đẩy cửa phòng khách bước ra sân đưa mắt nhìn cảnh vật nhưng sương mù giống như một tấm màn khổng lồ ngăn cản tầm mắt của anh.

Trần Hành quay lại khi nghe tiếng mở cửa, ông Hai Phong xuất hiện trong cái áo bành tô màu cứt ngựa dầy cộm. Ông hỏi:

– Con dậy sớm như vậy bộ không ngủ được sao, có lạnh lắm không?

Trần Hành nhìn chú:

– Dạ, con dậy giấc này quen rồi, định bụng đi một bài quyền cho ấm người.

Ông Hai Phong ra vẻ chú ý đến chuyện này:

– Đâu, con thử đi một vài bài thảo cho chú coi ra sao?

Trần Hành cười cười:

– Dạ, con chỉ biết chút ít chỉ sợ chú cười!

Ông Hai Phong nhìn cháu:

– Hồi thanh niên, cha con được một ông già họ Trương từ Bình Định ra nhận làm đệ tử môn Ngọc Trản quyền, có phải cha con chỉ dạy cho con môn quyền pháp này không?

Trần Hành thưa:

– Con tối dạ chỉ học được nơi cha con chút ít thôi, chú đừng cười!

– Ừ, con múa quyền đi?

Trần Hành xuống tấn, đôi tay anh thu vào trước ngực làm động tác khởi thức bắt đầu cho bộ quyền Ngọc Trản.

Nhìn chàng thanh niên múa quyền, ông Hai Phong như nhớ lại ký ức quê nhà. Ngày đó ông cũng mon men tới sân tập võ trong làng nhưng sau một hồi xem xét cẩn thận, vị sư phụ họ Trương từ chối dạy môn quyền Ngọc Trản cho ôngmà không nói ra lý do. Nay thấy đứa cháu múa quyền đôi tay dẽo dai, uyển chuyển đầy sức mạnh, đôi chân lướt êm trên mặt đất ông bỗng nhớ lại nỗi thất vọng ngày nào….

Tiếng bà Hai cắt đứt dòng tư tưởng của ông:

– Mình ơi vô ăn cơm, mình kêu thằng Hành giùm tui!

Bữa cơm sáng được bà Hai chuẩn bị cho bốn người, sau khi ăn xong ông Hai nhận từ tay bà Hai hai cái lon guigoz đựng cơm trưa dành cho hai chú cháu. Ông Hai còn mang thêm một bình bi đông của lính Pháp đựng nước chè tươi, thứ nước uống ông dùng hàng ngày.

Sáu giờ sáng hai chiếc xe đạp nối đuôi nhau chạy trên con đường đất sau nhà, lên đến đỉnh đồi hai chú cháu thả cho xe chạy xuống con dốc nhỏ cho đến khi xe chạm mặt con đường được trải một lớp dầu hắc ở ngã ba mà không phải đạp một vòng nào.

Ngã ba đang hồi đông đúc nhất. Nơi này gọi là ngã ba cũng do thói quen từ trước, lúc con đường chạy từ thị xã lên đập thuỷ điện Ankroet, đến đây gặp con đường từ cây số bốn chạy tới hình thành nên một ngã ba, từ đó dân cư tụ tập sống quanh cái ngã ba này. Hồi ông Hai Phong xin Sở điền địa khai hoang đất trồng la ghim (rau – tiếng Pháp là léghumes, là âm đọc trại của người làm vườn ở Đà Lạt) ông đã thấy một con đường đất nối từ ngã ba đến con đường trên đỉnh đồi nhà ông mà người ta gọi bằng đường Vòng Lâm Viên. Bây giờ ở đây đích thị là một ngã tư và đang hình thành một ngã năm với sự góp mặt của con đường đất mới mở sáng hôm qua dẫn vô xóm đạo.

Bên một góc đường một cây nước viện trợ Mỹ đang được các cô các bà thay phiên nhau lấy nước bằng cách kéo một cái cần bằng gang theo chiều từ trên xuống dưới. Dòng nước từ vỉa nước ngầm bên dưới mặt đất hào phóng cho cư dân một thứ nước trong vắt chảy ra từ cái vòi xuống đôi thùng thiếc mà người ta đang hứng.

Cạnh bến xe lam, thứ xe của hãng Lambretta nước Ý được mấy người mua về dùng làm xe chở khách chạy từ ngã ba đến chợ mới và ngược lại phục vụ việc đi lại cho người dân vùng ngoại ô này, là một quán phở của một ông già người Bắc. Đây là quán phở duy nhất trong vùng, phở là món ăn chơi đang chinh phục khẩu vị của người tứ xứ đang quần tụ ngày một đông chung quanh ngã ba có con đường nhựa dẫn lên đến đập thuỷ điện Ankroet Suối Vàng.

Khi hai chú cháu vừa mới đến bến xe lam, một người đàn ông từ trong quán phở bước ra, ông ta thấy ông Hai Phong bèn gọi lớn:

– Chú Hai… ghé lại tôi có chút chuyện.

Ông Hai bóp thắng, chiếc xe chạy thêm một đoạn ngắn rồi dừng hẳn, ông cười tươi chào người vừa gọi mình:

– Chào ông thầu khoán, có việc gì mà ông kêu tui dừng lại?

Ông thầu khoán Giám là một người tầm thước, ông ăn mặc giống như một viên chức làm việc cho chính phủ. Chiếc áo sơ mi trắng được bỏ trong quần cẩn thận, bên ngoài là chiếc áo veste màu cà phê sữa, ông mang đôi giầy cure da sầnmũi gồ hợp thời trang. Ông tươi cười giơ tay ra bắt tay ông Hai Phong:

– Bonjour (chào) ông Hai, ông khoẻ chứ?

– Tui khoẻ, có việc gì không ông thầu khoán?

Ông Giám cười khoe chiếc răng nanh bọc vàng như những người thành đạt thời nay, ông nói:

– Tôi mới nhận một contrat (hợp đồng) xây dựng cần lượng đá hộc và đá 4×6 khá gấp, chú Hai lo được không?

Ông Hai Phong hỏi số lượng và thời gian ông thầu khoán cần rồi chào ông Giám và tiếp tục lên đường.

Con đường trải nhựa đưa chú cháu ông Hai Phong về phố thị rất thuận tiện cho các loại xe cộ chạy, vừa ít bụi lại bằng phẳng nên ông đạp xe không tốn sức là mấy. Hai bên đường thỉnh thoảng có những ngôi nhà ván nằm lọt thỏm trong một khu vườn vừa mang dáng dấp của một vùng quê vừa lại ra vẻ một vùng nông thôn sắp lên thành phố. Ông Hai nhớ lại hồi mới lên đây, ông nhìn thấy cái gì cũng lạ, từ thứ không khí trong lành đến cây thông vươn lên trời chìa ra những nhánh trông tựa đuôi con công… đều khiến ông ngẩn người ra!

Đạp xe chạy theo người chú, trong đầu Trần Hành cũng mang cảm xúc tươi mới như vậy. Hôm qua anh chạy xe tới nhiều nơi để tìm ra nhà chú Hai nên không có tâm trí đâu để mà ngắm cảnh. Sáng nay là buổi đi làm đầu tiên, nhìn thấy cái gì cũng lạ bỗng dưng trong lòng anh dâng lên một cảm giác bình an. Trong đầu anh nỗi lo lắng đeo đẳng mấy lâu nay dường như biến mất, càng ngắm cảnh anh càng nhận ra nắng lung linh hơn, bầu trời trong xanh hơn miền quê anh vừa từ giã.

Vùng đất cao nguyên này là một vùng đồi núi, những ngọn đồi thoai thoải mới được khai phá một phần để làm vườn, dân cư còn thưa thớt. Trần Hành đạp xe theo chú đi làm ngày đầu tiên không biết anh nghĩ gì mà gương mặt anh coi bộ tươi tắn lắm.

Đến mỏ đá Cam Ly Hai Phong ngừng xe lại rồi dựng vào vách một cái lán trại mái lợp tôn, vách làm bằng ván. Ông nói với cháu:

– Kể ra chú cũng may mắn, hôm qua thằng Sau Ri lại xin nghỉ việc về quê, nó là đứa làm từ hồi ông thầu khoán Giám giao lại cho chú. Trước nó thì hai đứa anh của nó nghỉ từ tháng trước, chú định hôm nay bỏ thời gian đi tìm người làm thời may cháu lại vô tìm chú, thôi thì hai chú cháu mình cố gắng làm, ít người có cực một chút nhưng tiền bạc lại rủng rẻng, Hành à!

Trần Hành cười tươi nhìn chú:

– Con chịu cực được mà chú!

– Vậy là tốt rồi, thôi để chú chỉ cho con cách đục đá.

Ông Hai Phong lấy từ trong lán trại ra hai cây búa, hai cây xì rô bằng sắt đã toe đầu, ông nói với Trần Hành:

– Đây là cái búa năm ký, cái kia mười ký, con làm theo chú để chẻ chỗ đá này thành đá hộc xây nhà.

Nói xong ông làm mẫu cho Trần Hành làm theo, tiếng búa đập xuống xì rô tạo thành những tiếng động phá tan sự yên tỉnh của núi rừng. Công việc nặng nhọc này cũng không khó lắm, chỉ hơn nửa tiếng đồng hồ là Trần Hành có thể chẻ được những viên đá có mỗi cạnh chừng hai mươi xăng ti mét.

Vừa làm ông Hai Phong gợi chuyện:

– Hành à, tối qua con ngủ có được không?

Không đợi đứa cháu trả lời, ông tiếp:

– Chẳng là hồi hôm lúc đi giải, chú nghe hai đứa bay rì rầm nói chuyện. Con nhỏ người đâu ta?

– Dạ, cổ người Đức Phổ, con nghe cổ kể cha mẹ đều còn hiện đang sống với người anh đầu, cổ còn hai đứa em trai họ đều đang ở quê.

Ông Hai Phong lấy làm ngạc nhiên, ông hỏi lại:

– Con nói “nghe kể” là sao, bộ bay chưa về quê vợ hay sao?

Gương mặt Trần Hành bỗng dưng đỏ lên trong ánh nắng đã bắt đầu gay gắt. Anh ngần ngừ một hồi rồi mới nói:

– Chẳng giấu gì chú, quả thiệt là con chưa về nhà cô Hai bao giờ nên cha mẹ, anh em cô Hai con đều không biết mặt!

Ông Hai Phong đưa mắt nhìn Trần Hành, ông không hỏi nữa nhưng trong ánh mắt của ông loé lên một nét vừa nghiêm khắc lại vừa dò hỏi khiến Trần Hành bối rối, anh ngần ngừ một chút rồi mới nói:

– Thưa thiệt với chú con mới biết cô Hai gần hai tháng….

Trong đầu Trần Hành những hình ảnh của quá khứ chưa xa như hiện trở lại… Bữa đó như thường lệ, anh đạp xe đi làm công ở xã Sơn Đông thuộc quận Sơn Tịnh. Xã Sơn Đông trước kia gọi là Tịnh Đông đang mùa làm đường muỗng, nhà nào cũng trồng mía Đài Loan là loại mía có thân màu tím, đến khi mía chínnhà nhà làm “che” ép mía nấu đường nên rất cần người làm. Trần Hành từ hồi còn nhỏ đã theo cha là ông Bốn Tỏi phụ việc nấu đường muỗng, những công đoạn ra nước chè một, chè hai phải sử dụng vôi và dầu phộng ra sao anh đều rành rẽ. Mùi phân bò cộng với mùi mật mía thành một mùi khó tả, nhiều năm sau dù xa quê Trần Hành vẫn nhớ như in cái mùi này. Những muỗng đường làm bằng đất sét, bên dưới đáy lót rơm rạ để mật rút nhanh khỏi muỗng đường là những hình ảnh không thể nào quên…..

Chiều hôm đó Trần Hành xin nghỉ sớm về nhà có chút việc, anh đạp xe dọc con sông Trà Khúc, ngang qua một bụi rậm anh dừng xe đi giải. Bất ngờ Trần Hành thấy một người con gái dợm nhảy xuống sông, không kịp cài nút quần anh chạy lại chụp tay cô gái, miệng hét to:

– Cô kia… cô làm gì vậy, cô có biết chỗ này nước chảy xiết lắm không?

Cô gái mặt vô thần cố vùng khỏi tay anh nhưng không được, cô khóc:

– Anh kệ tui… tui muốn chết phứt cho rồi… hu hu….

Trong đầu Trần Hành loé lên một ý, cô gái này định trầm mình dưới sông Trà Khúc, chuyện này nhất định không thể được. Bất thình lình Trần Hành buông tay cô gái ra và tát một cái khá mạnh vào má cô gái. Trên gương mặt xám xanh xuất hiện liền mấy dấu ngón tay thô bạo của Trần Hành. Cô gái vừa đau vừa giận dữ nhìn anh:

– Sao anh lại tát tui?

– Để cho cô tỉnh ra, cha mẹ cô cho cô một tấm thân sao cô lại muốn tự huỷ như vậy chớ?

Trần Hành giận dữ nói, bất ngờ cô gái nhìn anh rồi vừa khóc vừa nói:

– Sao anh biết tui có một tấm thân, lỡ tui có… hai thì sao?

Trần Hành ngơ ngác một lúc rồi chợt hiểu gương mặt anh anh dịu lại. Trần Hành dịu giọng:

– Thôi được… nếu cô không chê tui thì theo tui về nhà, ai hỏi thì nói tui là chồng cô!

Cô gái đứng ngẩn nhìn Trần Hành, gương mặt cô lúc này thay đổi liên tục, dường như cô phân vân khó xử trong lòng. Trần Hành nói tiếp:

– Bắt cô trả lời liền thì là ép cô quá, về tới nhà tui một thời gian cô trả lời cũng được!

Sau một lúc do dự, cô gái leo lên cái bóc ba ga hai tay vịn vô yên xe để Trần Hành đèo về nhà….

– Con ở riêng từ lúc cha mẹ con mất, cái nhà là con cất trên đất của cậu Bốn chonên con chở cô Hai về nhà hàng xóm hỏi con đều nói đó là vợ con. Ban đầu người ta cũng dị nghị ghê lắm nhưng con để ngoài tai, được hai tháng như vậy rồi con chở cổ ra Châu Ổ quá giang xe hàng vô đến xứ này!

Trần Hành kết thúc câu chuyện với ông Hai Phong như vậy, dường như anh không muốn nói đến một điều nào khác nữa. Tối qua anh đã đưa ra cái lý do rằng ở quê làm ăn khó quá, anh đánh liều vô xứ này thử kiếm việc làm…, ai ngờ ông Hai Phong lại nghĩ khác:

– Con chưa vợ, con nhỏ đó lại đang mang bầu lại không phải con của con, vậy sao con lại dang tay cưu mang nó chớ?

Trần Hành nhìn chú:

– Dạ… tại vì con thấy cổ tội nghiệp quá chú à!

Ông Hai Phong nhìn cháu nói như răn dạy:

– Cứu một mạng người còn hơn xây mấy cảnh chùa, con đã có duyên với con nhỏ đó mà đã dang tay giúp người ta thì phải sống với người ta cho trọn nghĩa tình, con phải nhớ nằm lòng chuyện đó, nghe chưa?

Trần Hành cảm động nhìn chú:

– Dạ… con xin nghe lời chú!

V.A.C

– Sương khói quê nhà (1) https://vanchuongphuongnam.vn/suong-khoi-que-nha-truyen-ngan-vo-anh-cuong.html

– Sương khói quê nhà (2) https://vanchuongphuongnam.vn/suong-khoi-que-nha-2-truyen-ngan-vo-anh-cuong.html