(Vanchuongphuongnam.vn) – Lịch sử ở phía sau lưng, chính lịch sử chứ không phải ai khác đã tạo nên một dáng đứng Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Đà Lạt xưa – Nguồn: Dalatcity.vn
Mùa thu lặng lẽ về với những cơn mưa dầm lai rai rả rích, mưa cả ngày cả đêm gần trọn tháng khiến không khí lúc nào cũng ẩm ướt và lạnh lẽo. Mưa dầm hàng tháng trời, mưa đôi khi như một màn sương mù che phủ vạn vật bằng một màu sữa đục. Mưa nghe như tiếng thở dài của đất trời. Mưa tháng tám, tháng của mùa thu. Mỗi buổi sáng mây thu lãng đãng bàng bạc trên trời kéo dài đến tận chiều, tận tối. Và mưa. Mưa mùa thu Đà Lạt không lẫn vào đâu được, mùa thu không giống thu đất Bắc, cũng không giống miền Trung, miền Nam vì mưa, mà mưa dầm. Dường như phải là mưa dầm mới là mùa thu Đà Lạt, mưa như người ta thường nói mưa “thúi” đất! Quả thật, nước chưa kịp rút trời đã trút nước xuống tiếp rồi, tuy không nhiều, không cuồng nộ như mưa mùa hè nhưng cũng đủ để tạo nên dòng chảy. Rồi trời tạnh, mây tan, một chút nắng vàng hoe làm cho vạn vật trông tươi tắn trong nắng thu, nhưng một lát sau, những hạt mưa li ti tạo thành một màn sương như sữa đục đã bao trùm cảnh vật. Mưa dầm Đà Lạt như vậy đó!
Tôi tả cảnh mùa thu Đà Lạt trong đoạn văn trên chỉ để xác định một cột mốc thời gian: ngày 23 tháng 8 năm 1945, ngày người Đà Lạt nổi lên cướp chính quyền từ tay phát xít Nhật. Trước cột mốc này, người Đà Lạt là dân nô lệ, sau cột mốc này, người Đà Lạt đã là người tự do cho mãi đến hôm nay sau bao nhiêu hy sinh mất mát! Tôi không biết buổi sáng hàng chục ngàn người Đà Lạt “ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…” kéo lên Dinh tỉnh trưởng buộc ông tỉnh trưởng Ưng An trao ấn tín cho chính quyền cách mạng, trời có mưa không? Tôi sinh ra sau ngày này nhiều năm nên không thể biết được trong ngày ấy thời tiết Đà Lạt ra sao, nhưng tôi biết chắc rằng với khí thế không gì ngăn cản nỗi của hàng vạn người đứng lên giành lại cái quyền làm người của mình từ tay thực dân pháp xít Trời cũng động lòng. Người xưa thường nói “nộ khí xung thiên”. Lửa giận xông thấu trời xanh, bao uất ức vì bị đè đầu cưỡi cổ bởi bọn vua quan, bọn thực dân, phát xít đến ngày định mệnh đó như bùng vỡ ra, người Đà Lạt đã tự làm chủ cuộc đời của mình!
Tôi nghe những người lớn tuổi ở Đà Lạt kể lại cái thời làm tôi mọi cho những “ông tây, bà đầm”. Người Việt lúc đó lên vùng đất của mình – vùng đất bị bọn thực dân Pháp cứ xưng là khai hóa, là khám phá, là thành lập… những mỹ từ nghe thật kêu rồi dựa vào cái cơ chế sức mạnh thực dân sinh ra từ pháp luật của kẻ cai trị đè đầu cởi cổ dân ta – phải có license (giấy phép). Người Việt khi lên Đà Lạt thường làm cu li – một từ dường như mang hàm nghĩa khinh khi chớ không phải thuần túy mang ý nghĩa là người lao động, phải có nhân thân tốt và phải được bảo lãnh đàng hoàng! Tôi không phủ nhận công lao của những người Pháp có công xây dựng thành phố Đà Lạt, nhưng tôi cũng thấu hiểu rằng mỗi góc phố, mỗi con đường, mỗi tòa biệt thự nguy nga tráng lệ… thấm đẫm biết bao mồ hôi và xương máu của người Việt ta! Vậy mà người Đà Lạt lúc đó chỉ là “công dân hạng hai” ngay chính trên quê hương mình! Có nỗi đau nào như vậy không, khi mà ra đường người Đà Lạt phải nhường bước cho người Pháp dù chỉ là một thằng tây con mũi lõ? Khi mà người Việt gặp một ông tây là phải khép nép, cái dáng còm rom nhỏ thó của người Đà Lạt lúc đó chắc là thảm hại lắm? Không thảm hại sao được khi mà hai mươi triệu người Việt lúc đó chỉ là dân thuộc địa, còn một thiểu số người Pháp là dân mẫu quốc! Tôi được nghe nhiều người lớn tuổi đến Đà Lạt hồi còn là thanh niên kể lại rằng đa số người Pháp thuở ấy khi không hài lòng một việc làm nào đó của người bản địa thường tuôn ra những lời khó nghe mà mở đầu là mẹc xà lù, bọn An nam mít, bọn da vàng mũi tẹt! Cái tư tưởng thực dân kiểu cũ ăn sâu vào tâm trí của những người Pháp thực dân thể hiện khi họ chọn những vùng đất cao làm nơi ở, còn người An nam phải ở những vùng đất thấp, cách xa nơi ở của người Pháp là công dân loại một. Vì vậy những biệt thự Pháp thường tọa lạc trên những đỉnh đồi, những sườn đồi, mỗi biệt thự là một khoảnh đất riêng khác hẳn với những ngôi nhà tôn vách ván trống trước hở sau của người Đà Lạt! Đau hơn trong những tháng năm đen tối đó là một số người Việt, cũng da vàng mũi tẹt lại xin làm người Pháp, có quốc tịch Pháp, họ sống tha hương trên chính quê hương mình! Tuy số ấy là rất ít nhưng dẫu sao cũng là một nỗi nhục, nỗi nhục ấy tôi vẫn cảm nhận được vào năm 1966, tôi học lớp đệ lục trường Trần Hưng Đạo – ngôi trường công lập dạy nam sinh duy nhất của Đà Lạt, môn Pháp văn tôi học thầy Phồn, một người Việt trăm phần trăm nhưng mang quốc tịch Pháp. Thầy Phồn mấy năm sau về “cố quốc”, không biết hành trình thầy mang “về nước” có sự cô đơn trống vắng khi về đến “đất mẹ” thầy chỉ là công dân hạng hai?
Rồi người Nhật đến, đến phiên một dân tộc cũng da vàng mũi tẹt, cùng dân châu Á lập một chính phủ thân Nhật cai trị người Việt, trên đất nước Việt. Tôi nghe những người từng trải qua quãng thời gian này kể lại, người Nhật với thuyết Đại Đông Á đến với nước ta cũng chỉ là một thứ rượu cũ trong một cái bình mới mà thôi. Thời chiến tranh, cơm cao gạo kém, ở Đà Lạt có một số người phải làm công cho quân đội Thiên Hoàng đễ kiếm miếng ăn. Một người Việt nhận chăm sóc ngựa chiến cho một viên sĩ quan Nhật, con ngựa to lớn được hưởng suất ăn đâu như 10 cân lúa một ngày. Ông này nảy lòng tham, lấy bớt lúa và trộn mạt cưa vào lúa cho ngựa của viên sĩ quan Nhật ăn. Phát hiện ra điều đó, tên phát xít Nhật mổ bụng con ngựa bị chết vì ăn mạt cưa và giết luôn người chăm sóc ngựa cho vào bụng ngựa để thị uy với người bản xứ! Câu chuyện diễn ra tại chợ Cây Đà Lạt lúc ấy gọi là Khu Marché mà ngày nay là rạp Ba Tháng Tư, tên cũ là rạp hát Hòa Bình, vào năm 1945 trước khi ta cướp chính quyền vài tháng. Câu chuyện đau lòng này tôi ghi lại cũng để mô tả một khía cạnh rất nhỏ rằng cũng là người da vàng mũi tẹt, nhưng bản chất thực dân phát xít cũng giống như bọn da trắng mũi lõ mà thôi. Cái mạng người dân Việt thật là nhỏ xíu, bị khinh khi hành hạ ngay chính trên quê hương mình như vậy đó! Không riêng gì người Việt, người Pháp thời Nhật cũng cúi gằm mặt xuống khi ra đường! Còn đâu thời vinh quang coi bọn An nam mít là bọn da vàng mũi tẹt chỉ đáng là người đầy tớ? Còn đâu một thời những người Pháp khịt mũi tỏ vẻ không hài lòng khi thấy một người Việt đi ngang qua mà quên nhường đường?
Đến khi cách mạng mùa thu bùng nổ, hàng vạn người vùng lên cướp chính quyền, thời khắc lịch sử đó đánh một dấu son quan trọng: từ đây người An nam chính thức là người Việt Nam trên quê hương xứ sở của mình! (Vậy mà phải đến ba chục năm sau, khi đất nước thống nhất, nhạc sĩ Văn Cao mới thốt lên từ đây người biết yêu người, từ đây người biết thương người trong bài Mùa xuân đầu tiên. Cái giá của ba chục năm không hề nhỏ để cho người biết yêu người như Văn Cao cảm thán!). Tôi sinh ra sau cái ngày ấy nhiều năm nên không thể biết cái dáng của người Đà Lạt ra sao sau ngày ấy, nhưng tôi tin chắc rằng cái dáng còm rom nhỏ thó rụt rè trước một ông tây bà đầm chắc chắn không còn nữa. Thay vào đó là những con người ngẩng cao đầu nhìn về phía trước với một niềm tin chắc thắng, chắc chắn như vậy! Người Đà Lạt đã đứng lên cầm súng bắn lại bọn thực dân hăm he quay lại những hòng cai trị nước ta như trước chiến tranh thế giới thứ 2.
Lịch sử ở phía sau lưng, chính lịch sử chứ không phải ai khác đã tạo nên một dáng đứng Việt Nam cho đến tận ngày nay.
V.A.C