NVTPHCM- Ngày 12.9.2017, Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM đã họp và ra nghị quyết về việc Đại hội thành lập 4 Chi hội: Gia Định, Sài Gòn, Bến Nghé, Chợ Lớn cùng quy chế hoạt động và kế hoạch tổ chức thành lập các Chi hội.
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CHI HỘI CỦA HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH
I/ NGUYÊN TẮC:
1/ Chi hội là tổ chức cơ sở của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Mỗi Chi hội có từ 50 hội viên trở lên cư trú trên địa bàn liền kề nhau của thành phố.
2/ Tập hợp trên tinh thần tự nguyện, tự quản và được sự chấp thuận của Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh.
3/ Mọi hoạt động của Chi hội đều tuân theo tôn chỉ mục đích Điều lệ của Hội Nhà văn TP khóa VII đã được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt.
4/ Mỗi Chi hội có Ban điều hành gồm từ 5 đến 7 thành viên gồm: 1 Chi hội trưởng, 1 Chi hội phó và các ủy viên. Ban điều hành được bầu cử thông qua Đại hội Chi hội và có nhiệm kỳ trùng với nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Hội.
5/ Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh thành lập 4 Chi hội theo địa bàn có tên như sau: Chi hội Gia Định; Chi hội Sài Gòn; Chi hội Bến Nghé; Chi hội Chợ Lớn.
II/ NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG:
1/ Hoạt động của Chi hội tập trung vào công việc sáng tác, hỗ trợ sáng tác của hội viên. Chi hội được phối hợp với các Hội đồng nghệ thuật, Ban công tác chuyên môn và Chi Hội khác để tổ chức các hoạt động văn học trên địa bàn của mình. Mọi hoạt động xã hội không liên quan đến văn học của Chi hội phải được Ban Thường vụ Hội chấp thuận bằng văn bản.
2/ Số lượng thành viên trong Ban điều hành Chi hội do Chi hội quyết định thông qua Đại hội Chi hội.
3/ Chi hội có trách nhiệm tổ chức động viên các hội viên tham gia các hoạt động chung của Hội. Mọi hoạt động giao lưu văn học ngoài địa bàn TP. Hồ Chí Minh đều phải được sự đồng ý của Ban Thường vụ Hội bằng văn bản.
4/ Ban điều hành Chi hội có trách nhiệm thu hội phí (200.000đ/ người/ năm) của các hội viên và nộp lại cho Văn phòng Hội 30% Hội phí theo hằng năm. Hội phí dung để chi cho hoạt động thăm bệnh, mừng tuổi, tang chế… như quy định của Điều lệ Hội.
5/ Kinh phí và địa điểm làm việc của Chi hội do Chi hội tự thu tự quản trên tinh thần xã hội hóa với sự đồng thuận của hội viên, đúng Điều lệ Hội và pháp luật nhà nước.
KẾ HOẠCH TỔ CHỨC ĐẠI HỘI THÀNH LẬP 04 CHI HỘI TRỰC THUỘC HỘI NHÀ VĂN TP. HỒ CHÍ MINH
1. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA:
Do số lượng hội viên đông (gần 440 người) nên việc thành lập các Chi hội nhằm mục đích giúp các hội viên có điều kiện gần gũi, hỗ trợ nhau trong sáng tác, trong đời sống. Ý nghĩa tương thân tương ái của hoạt động Hội được thể hiện rõ hơn nữa, các Chi hội giúp Hội quản lý sáng tác của hội viên có hiệu quả hơn, giúp hoạt động có tính phong trào và tập hợp lực lượng tốt hơn.
2. THÀNH LẬP 4 CHI HỘI:
Được sự chấp thuận của Thành ủy, theo chỉ đạo của Ban Tuyên giáo, Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh thành lập 04 Chi hội trực thuộc theo phương thức các hội viên sinh sống trên địa bàn dân cư.
1/Chi hội Gia Định: Gồm các hội viên sinh sống ở các quận (huyện) Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức và quận 12. (quận Gò Vấp làm trung tâm) gồm có 122 hội viên.
2/Chi hội Bến Nghé: Gồm các quận (huyện) Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và huyện Hóc Môn, Củ Chi (Tân Bình làm trung tâm) gồm 99 hội viên.
3/Chi hội Sài Gòn: Gồm các quận (huyện) 1, 2, 4, 7,9 và huyện Nhà Bè, Cần Giờ (Quận 4 làm trung tâm) gồm 109 hội viên.
4/Chi hội Chợ Lớn: Gồm các quận (huyện) 3, 5, 6, 8, 10, 11 và huyện Bình Chánh (Lấy quận 5 làm trung tâm) gồm 102 hội viên.
III: PHƯƠNG THỨC TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI CHI HỘI:
1/BCH quyết định phân công các thành viên trực tiếp tham gia việc tổ chức đại hội Chi hội, cụ thể như sau:
– Nhà văn Trần Văn Tuấn: Phụ trách chung – Trưởng ban chỉ đạo.
– Nhà thơ Phạm Sỹ Sáu và nhà thơ Trương Nam Hương trực tiếp phụ trách Chi hội Gia Định.
– Nhà văn Bích Ngân và nhà thơ Lê Thị Kim phụ trách Chi hội Sài Gòn.
– Nhà văn Trầm Hương và nhà thơ Phan Trung Thành phụ trách Chị hội Bến Nghé.
– Nhà thơ Phan Hoàng và nhà văn Trần Nhã Thụy phụ trách Chi hội Chợ Lớn.
2/Trước khi đại hội, BCH quyết định thành lập Ban điều hành lâm thời để điều hành tổ chức đại hội các Chi hội. Nội dung đại hội gồm các nội dung sau:
– Thông qua quy chế hoạt động các Chi hội.
– Thảo luận phương hướng hoạt động Chi hội.
– Bầu Ban điều hành (dự kiến 1 Trưởng ban, 2 Phó ban và 4 ủy viên)
– Bế mạc, ăn trưa.
KẾ HOẠCH THỜI GIAN TỔ CHỨC:
– Tháng 3 và 4 năm 2018: Đại hội Chi hội Gia Định và Chi hội Bến Nghé.
– Tháng 8 và 9 năm 2018: Đại hội Chi hội Sài Gòn và Chợ Lớn.
KINH PHÍ TỔ CHỨC:
– Chánh văn phòng và Kế toán Hội thực hiện dự trù kinh phí tổng thể và phân bổ kinh phí cụ thể cho từng đại hội sau khi đã được Sở Tài chính thẩm định thông qua.