Tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” của Nguyễn Quốc Trung: Hình tượng “Chí Phèo” của xóm nước đen.

1074

Tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (265 trang – NXB Văn học 2019), của đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tái hiện “một góc Sài Gòn” khá sinh động với những nhân vật rất đặc trưng, rất “thời cuộc”. Nhân vật Đống được xây dựng khá thành công như một dạng “Chí Phèo” của “xóm nước đen” – một kẻ côn đồ, lầy lội, hung hãn nhưng đôi khi tử tế đến bất ngờ.

Chuyện bắt đầu từ sau ngày 30-4-1975, Tùng – một anh bộ đội từ miền Bắc vào được biệt phái làm cán bộ quân quản “xóm nước đen” – một khu tập trung dân nghèo sống chen chúc ven kênh Nhiêu Lộc bốc mùi ô nhiễm của Sài Gòn. Ở đó có đủ thành phần phức tạp: Phan – đại úy lính dù đang thất cơ lỡ vận nghe ngóng thời cuộc. Đống – lính biệt động quân bị thương, giải ngũ thành phế binh – một kẻ sống “lầy lội” chuyên bảo kê, cưỡng đoạt để kiếm sống. Út Lầm là con gái của Đống từng làm sở Mỹ giờ bán thân độ nhật. Sáu Nam – một người lao động chăm chỉ với nghề bán cơm tấm đêm. Sư cô Hạnh Hòa trụ trì chùa Thiện Lợi và Ni Hương – một tiểu thư khuê các xuất gia… Các nhân vật chính, phụ này xoay quanh một đứa bé bị bỏ rơi trước cổng chùa và thầy trò sư trụ trì phải nhờ đến “chú bộ đội” Tùng giúp đỡ. Tùng đã kêu gọi mọi người trong “xóm nước đen” thể hiện từ tâm với sinh linh bị bỏ rơi này. Thế rồi mỗi người có một cách thể hiện khác nhau, câu chuyện được mở rộng, kéo dài theo từng tính cách, số phận nhân vật.

Phan học tập cải tạo về đi sang Mỹ theo diện H.O. Trải qua trăm cay nghìn đắng ở xứ người, cuối cùng cũng “áo gấm về làng” sau mấy chục năm ly hương.

Đống tiếp tục nghiệp dĩ giang hồ cho đến khi “xóm nước đen” được giải tỏa làm đường Hoàng Sa – Trường Sa và gia đình anh ta bỏ túp lều xập xệ bên dòng kênh hôi hám để vào một căn hộ chung cư khang trang.

Sáu Nam không còn chỗ bán cơm tấm đêm nên về Tiền Giang mua đất lập vườn, lấy vợ, tận hưởng hạnh phúc.

Đống được ở nhà đẹp trên chung cư nhưng không có nghề nghiệp nên được sư Hạnh Hòa thương tình cho vào chùa làm công quả. Đống tính nào tật nấy cứ trộm cắp vặt nên bị đuổi, lại trôi dạt về Tiền Giang tìm Sáu Nam. Nhờ Sáu Nam, Đống được cai quản một ngôi chùa hoang, ngày làm sư giả, tối ăn nhậu lu bù. Còn Ni Hương sau thời gian “dị ứng” với chú bộ đội tên Tùng đã nảy sinh tình cảm và được cả “xóm nước đen” ủng hộ cho đám cưới của họ. Ni Hương được sư phụ Hạnh Hòa cho hoàn tục để lấy chồng. Vợ chồng Tùng nuôi đứa trẻ bị bỏ ở cửa chùa ngày nào như con, đặt tên Được Thiện. Câu chuyện kết thúc khi Út Lầm – mẹ một cậu bé vào nhà Tùng trộm lại đứa con, để lại mảnh giấy ghi “con tao phải về với tao”.

“Xóm nước đen” kênh Nhiêu Lộc là một góc Sài Gòn, là xã hội thu nhỏ, từng đi vào nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh. Qua tiểu thuyết “Dòng sông bên chùa” (265 trang – NXB Văn học 2019), đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã tái hiện “một góc Sài Gòn” khá sinh động với những nhân vật rất đặc trưng, rất “thời cuộc”. Nhân vật Đống được xây dựng khá thành công như một dạng “Chí Phèo” của “xóm nước đen” – một kẻ côn đồ, lầy lội, hung hãn nhưng đôi khi tử tế đến bất ngờ. Trong khi đó nhân vật chính là Tùng lại “tròn trịa” quá, thiếu sức hấp dẫn như nhân vật Đống. Tiểu thuyết này như một hồi ức miên man về những ngày Sài Gòn “cũ” thành thành phố Hồ Chí Minh mới.

Box:

Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung (SN 1956, quê Hương Sơn, Hà Tĩnh) từng đoạt giải nhất cuộc thi truyện ngắn báo Sài Gòn giải phóng vào năm 1982, giải thưởng văn học sông Mê Kông lần thứ nhất, giải thưởng Bộ Quốc phòng về văn học nghệ thuật.

HỌA MY

Nguồn Báo CATPHCM