Chương 51
Người ta đồn rằng anh Lumumba đã bị giết. Tin ấy lan đi rất nhanh. Song, chẳng ai xác định anh bị sát hại như thế nào và ai đã ra tay.
Bầu trời Léopoldville vẫn phủ mây dày đặc. Trưa ngày 13 tháng Hai 1961, loáng thoáng trong tiếng mưa rơi buồn bã, người ta nghe mẩu tin do đài phát thanh chính thức phát đi: Thủ tướng Patrice Lumumba đã qua đời. Đài loan báo anh bị dân làng giết chết ba ngày sau khi tìm cách trốn khỏi trại giam Kolatey ở Bang Katanga.
Nghe tin đó, dân chúng thủ đô hết sức phẫn nộ. Họ không tin. Rất đông người ùa ra đường. Họ mang tơi đội mũ, biểu tình thành những đoàn dài đòi chính phủ phải giải thích rõ ràng về cái chết của thủ tướng Lumumba.
Họ hô vang:
– Chính phủ Công Gô phải chịu trách nhiệm về cái chết của thủ tướng!
– Chính quyền Bang Katanga là kẻ khát máu!
– Những kẻ sát hại thủ tướng Lumumba phải bị trừng trị!
Nhiều quốc gia ở châu Phi đã tổ chức tuần hành phản đối mạnh mẽ những hành vi dã man dẫn đến cái chết phi lý của thủ tướng Lumumba. Nhiều đảng cộng sản ở châu Âu phản đối kịch liệt vụ giết người hèn hạ và man rợ của bè lũ thực dân. Tại Belgrade, thủ đô Nam Tư, đoàn biểu tình hằng nghìn người đã tấn công Đại sứ quán Bỉ, sẵn sàng đối mặt với cảnh sát. Tại London, người dân tụ tập chật cứng Quảng trường Trafalgar, sau đó lũ lượt kéo đến Đại sứ quán Bỉ. Họ đọc bản tuyên cáo cực lực lên án hành vi đen tối của thực dân Bỉ tại Công Gô.
Tại Việt Nam, trên trang nhất báo Nhân dân số 2525 ra ngày 17 tháng Hai 1961, chính phủ ra tuyên bố vạch trần bản chất tàn ác của đế quốc Mỹ và Bỉ cùng bọn tay sai là Tshombé và Mobutu, những kẻ đã sát hại thủ tướng Lumumba.
Tại New York, hằng nghìn người biểu tình bao quanh Trụ sở Liên Hợp Quốc, rồi tràn ra các đường phố chính, hô vang các câu khẩu hiệu nói lên khát vọng hòa bình và phản đối chiến tranh. Họ cực lực lên án hành vi giết thủ tướng Patrice Lumumba và yêu cầu Liên Hợp Quốc phải chịu trách nhiệm. Họ cũng cực lực phản đối cuộc chiến phi nghĩa do Mỹ gây ra tại Việt Nam. Hiên ngang giữa đoàn biểu tình là câu biểu ngữ nền xanh chữ trắng MAKE LOVE, NOT WAR kêu gọi mọi người hãy yêu thương nhau, đừng gây chiến tranh. Khi quay về trước Trụ sở Liên Hợp Quốc, họ đòi gặp ông Dag Hammarskjöld. Họ lớn tiếng cho rằng ông ấy chẳng công tâm. Họ còn nêu rõ nguyện vọng nếu Liên Hợp Quốc không thúc đẩy một cách có hiệu quả tiến trình hòa bình cho Việt Nam và sự ổn định chính trị cho Công Gô thì ông tổng thư ký hãy từ chức.
Bầu trời New York giăng đầy mây xám, rồi bất ngờ đổ mưa. Vợ chồng Billy Smith và hai con đang tham gia trong đoàn biểu tình; nhưng vì mưa lớn, buộc phải lên xe về khách sạn. Trên đường trở về, chợt anh nảy ra ý định đưa vợ con vào khu mua sắm Fifth Avenue ở quận Manhattan.
Dạo bộ chừng ba trăm mét, bỗng họ khựng lại. Họ khá ngạc nhiên khi trông thấy nơi hành lang trước một quầy hàng có ba người da đen mà họ vừa mới gặp tức thì trong đoàn biểu tình. Billy mạnh dạn bước sang trò chuyện.
– Rất hân hạnh làm quen với anh chị. Tôi là Billy Smith. Hồi nãy tôi và cả nhà cũng đã ở trong đoàn biểu tình đấy ạ.
Người đàn ông da đen tóc xoăn đã nhuốm bạc nói:
– Rất vui được biết anh chị. Tôi là Po. Trông anh có vẻ là… ký giả nhỉ?
– Ủa, anh là Po…?
– Vâng, tôi là Po Martin.
Ánh mắt Billy Smith bừng lên. Anh bước tới ôm lấy người đàn ông một cách trìu mến, đầy xúc động.
Rồi khẽ buông nhẹ vòng tay, anh nhanh nhẩu nói:
– Lạy Chúa! Tôi rất kinh ngạc khi nghe tới họ tên anh! Anh là người của bộ tộc Blasensenla, đúng không?
Người vợ da đen của Billy Smith cũng tỏ vẻ mừng rỡ. Chị bước tới thưa:
– Tôi là vợ anh ấy. Vợ chồng tôi rất sung sướng được gặp anh. Anh là một sử gia lỗi lạc!
– Ồ, chị đừng nói thế. Tôi có là gì đâu.
– Tôi và anh Billy đã say mê đọc tập hồi ký cuả anh. Tư tưởng của anh ảnh hưởng tới vợ chồng tôi rất sâu đậm. Anh còn nhớ tập ấy chứ?
– Xin lỗi, lâu quá, để tôi nhớ lại xem – ông Po nheo mày ngẫm ngợi.
– Đó là xấp văn bản viết về cuộc phiêu du thú vị và những hoài niệm của anh. Văn bản ấy được đánh máy bằng tiếng Blasensenla năm 1947. Anh quên rồi sao?
– Tôi nhớ ra rồi! Hồi đó, tôi ngồi đánh máy chữ ghi lại thời trai trẻ của tôi trên tấm krakratta tại bộ tộc tôi. Bỗng cuồng phong ập đến. Cả tấm thừng ấy và mọi thứ đặt trên đó đều bay tuốt luốt. Cây ngã; người tôi nhào xuống đất. Đến khi tôi bừng tỉnh thì chỉ thấy còn lại chiếc máy đánh chữ nằm trơ trên bãi cỏ.
Anh Billy khẽ cười. Anh mời tất cả ra quán cà phê lộ thiên gần đó. Rồi anh nói vừa đủ cho vợ chồng Po Martin nghe:
– Dạo đó, tôi là sĩ quan tình báo. Hai mươi người trong đoàn chúng tôi cùng đến châu Phi trên chiếc trực thăng tàng hình được thử nghiệm lần đầu mang tên F002D. Đúng như anh nói, dù được thiết kế nhằm giảm tiếng động cơ, nhưng sức gió của nó ghê gớm lắm. Chúng tôi đã đáp xuống cạnh khu rừng già, nơi một bãi cỏ rộng mênh mông. Không ngờ đó là nơi trú ngụ của bộ tộc anh. Nhân viên của tôi đã cẩn thận nhặt từng tờ, sắp xếp lại và trao tập hồi ký ấy cho tôi, anh Po ạ.
Sau buổi trò chuyện, hai gia đình nhanh chóng trở nên thân thiết. Chị Emila rất vui khi làm quen với chị Imani – cả hai đều là người châu Phi. Imani chính là vợ anh Blaise Sanchez, vị cựu sĩ quan CIA phụ trách Công Gô mà giờ đây mọi người đều gọi tên thật là Billy Smith. Cậu bé Xho Martin cũng trở nên quấn quýt vui vẻ bên cạnh hai bạn mới là Michael và Matthew.
– Tôi thật sự phẫn uất về cái chết rất đáng tiếc của người anh hùng Patrice Lumumba – Billy tâm sự. Tôi vô cùng chán ghét chiến tranh.
– Tôi cũng vậy – Po Martin gật đầu, vẻ mặt u sầu. Tôi rất đau lòng. Đời người mong manh như giấc mơ; nhưng đối với cậu ấy, đời là ác mộng. Ngay cả từ ác mộng cũng không diễn tả cho kỳ được nỗi đau đớn tột cùng mà cậu ấy phải gánh chịu chỉ vì cậu ấy quá tha thiết với đồng bào mình, quá nhiệt tâm với tiền đồ dân tộc.
***
Hoàn tất bản tường trình dài mười lăm trang đánh máy chữ, với vẻ mặt trơ trơ lì lì không biểu lộ chút cảm xúc gì, Maxime Peeters nhanh chân cầm sang đưa ngay cho vợ.
Bà Kangelu Congo vẫn giữ thái độ trầm tư, chẳng nói năng gì; người gầy rạc đi; mắt trũng sâu. Bà gần như không thể nào xua tan khỏi trí não mình những hình ảnh rất thân thương, tại đó, bà cùng Disanka và đám đông thanh niên nam nữ tràn đầy lý tưởng gần như không muốn rời nhau; họ thân mật đứng bao lấy anh Lumumba trong các diễn đàn ở các câu lạc bộ. Bà nhớ rõ: ánh mắt anh ấy bao giờ cũng trong veo sau cặp kiếng dày cộm. Từ gương mặt, giọng nói đến mọi cử chỉ của anh đều chứng tỏ anh là một người rất mực công chính, luôn đứng về phía lẽ phải để bênh vực những người lương thiện.
Cố giữ bình tĩnh, bà chậm rãi lật mấy trang cuối của bản tường trình ra đọc:
Sáng ngày 17 tháng Một 1961, thấy mọi chuyện tiến triển chậm, chúng tôi đã tận dụng tình cảm cá nhân, khéo yêu cầu ngài Harold d’Aspremont Lynden, cựu Bộ trưởng Bộ thuộc địa Bỉ gọi điện thúc giục ông Joseph-Désiré Mobutu chuyển ngay ba tù nhân đến Bang Katanga. Ông Mobutu đáp ứng yêu cầu ngay.
Khi phi cơ vừa đáp tại Elizabethville, người của chúng ta đã bí mật có sẵn tại đấy để theo dõi mọi diễn biến. Một nhóm nhỏ áp sát vào là A12 và Z77. Đứng cách đó chừng 200 mét là A177 và B13. Ba tù nhân gồm Lumumba, Mpolo và Okito đều bị trói gô lại, bị bịt mắt, nhét kín miệng và dẫn đến nhà tù Brouwez.
21 giờ cùng ngày, các tù nhân bị giải đến một cánh đồng rộng bát ngát cách xa trung tâm thành phố. Tại đó ba đội bắn tỉa đã chuẩn bị sẵn mọi thứ. A177 báo về cho biết, Cảnh sát trưởng Frans Verscheure sẽ là tổng chỉ huy.
21 giờ 30 phút, trước sự chứng kiến của tổng thống Moïse Tshombé cùng hai bộ trưởng và bốn sĩ quan Bỉ, ba tử tù đã bị trói chặt vào ba thân cây nối tiếp nhau, cây nọ cách cây kia chừng ba mét, nơi một bãi cỏ vắng.
21 giờ 40 phút, sau tiếng hô gọn và đanh thép của tay tổng chỉ huy, Julien Gat, một tên lính đánh thuê Bỉ cùng đội bắn tỉa của hắn đã nã một loạt đạn vào người ông Patrice Lumumba.
Cùng thời điểm đó, cả Mpolo lẫn Okito đều gục xuống trước hai loạt đạn của hai đội bắn tỉa khác. Dưới ánh sáng chói lòa của hai ngọn đèn măng sông, người của chúng ta (lúc ấy chỉ còn A177 và B13) có thể trông thấy máu tươi òa ra nơi ngực áo họ.
Ba xác chết lập tức được chôn ngay trên cánh đồng ấy vào một cái hố chung.
Nhưng ngày hôm sau, hay tin việc chôn cất đã có người vô tình nhìn thấy (có lẽ là B13), các thành viên của đội hành quyết đã bí mật đào bới. Họ kéo tử thi lên, chuyển đến một địa điểm gần biên giới bắc Rhodesia. Cảnh sát Bỉ Gerard Soete cùng em trai hắn đã cầm đầu việc khai quật dưới sự chứng kiến của cảnh sát trưởng Verscheure.
Sang chiều tối ngày 21 tháng Một, bốn ngày sau khi hành quyết, cũng chính Soete và em trai hắn đã sang tận vùng gần biên giới ấy để bới xác Lumumba lên lần nữa. Thấy có thứ gì cộm lên trong túi áo của ông ta, Soete tò mò lôi ra cho kỳ được. Dưới ánh sáng của ngọn đèn pin, hắn xác định đó là một bức ảnh. Sau khi rửa sạch các vệt máu đã khô trên đó, hắn và em trai hắn trông thấy gương mặt của ông ta mỉm cười bên cạnh vợ và bốn đứa con còn bé tý. Cuối cùng, với vẻ mặt lầm lì, chẳng rõ theo lệnh ai, hắn tẩn mẩn tỉ mỉ cắt đầu, tay, chân ông ta ra bằng một lưỡi cưa, rồi cho phân hủy trong mấy chiếc lọ rất to và trong suốt, đựng dung dịch axít sulfuric đậm đặc. A177 đã bí mật lấy cắp được bức ảnh – chúng tôi đính kèm trong báo cáo này.
Cũng đúng 21 giờ 40 phút, sau khi bà Kangelu Congo đọc xong xấp tài liệu tới đúng trang ấy, Maxime Peeters trở lại phòng bà. Y định nói với vợ điều gì đó, nhưng ngập ngừng. Bỗng y thấy bà đột nhiên đứng phắt dậy; mắt đỏ rực. Hết sức bất ngờ, bà chĩa thẳng mũi súng Colt về phía y:
– Maxime Peeters! Đồ ác thú! Tao giết mi!
– Ủa? Em sao vậy! – Peeters kinh ngạc. Em không nhận ra cả anh sao?
– Hừ! Tao nhận ra bản chất lưu manh, quỷ quyệt của bọn bay! Bỉ hay Anh gì cũng thế thôi! Chúng bay đúng là đồ thực dân gian ác!
– Ồ, em đừng nghĩ thế. Anh đã bàn kỹ với em mà. Anh không nỡ giết anh ấy. Anh thề! – y nói rất bình tĩnh.
– Nhưng cuối cùng chính mi đã làm mọi cách để anh Patrice đi đến chỗ chết. Mi thật nhẫn tâm!
– Anh không hề giết anh ấy. Em không nên đổ mọi tội lỗi lên đầu anh. Anh hết lòng hết dạ thương yêu vợ con. Em không nghĩ tới chuyện đó sao? – gã người Bỉ thốt lên những điều này một cách thành tâm.
– Nghĩ gì mà nghĩ! Tất cả đều một giuộc như nhau! Chúng bay thật hiểm ác! Từ MI-6 đến CIA và bọn an ninh Bỉ, tất cả đều là dã thú! Tao lầm! Tao lầm! Tao đã không che chở được gì cho người anh hùng dân tộc tao! Tao đã bán linh hồn cho quỷ dữ! Lạy Chúa, xin trừng phạt con đi!
Ngay lập tức, tiếng súng hãm thanh vang lên tức tưởi trong phòng. Maxime Peeters trông thấy vợ y ngã nhào xuống đất; dòng máu đỏ ối phọt ra tại vùng thái dương bên phải. Run run quan sát, y thấy tay trái bà vẫn nắm chặt bức ảnh chụp chung với Lumumba và Disanka.
– Kangelu! Kangelu! Chúa ơi! – y gào lên.
Chương 52
Cuối tháng Ba 1961, trời quang mây tạnh. Nơi dãy quán xá tuềnh toàng trước mặt phủ thủ tướng, người ta thôi không còn nhốn nháo bàn tán bất cứ chuyện gì. Khu hành lang bên trong tòa nhà khang trang ấy cũng vô cùng vắng vẻ. Chốc chốc, một hai nhân viên lê đôi chân qua lại, phát ra những âm thanh buồn giữa không gian tĩnh mịch.
Một cậu thanh niên tóc xoăn, mắt to mày rậm bước đến, gõ cửa căn phòng tân thủ tướng Joseph Iléo.
– Dạ, thưa thủ tướng – sau khi được phép bước vào, cậu thưa. Cháu là nhân viên thư ký ngồi ở chỗ chị Disanka lúc trước. Chiều qua, sắp xếp đồ đạc trong hộc bàn, cháu tình cờ trông thấy mấy phong thư đây ạ.
– Được, cậu trình tôi coi.
Khi cậu thư ký ra khỏi phòng, thủ tướng lần lượt mở vài phong thư ra xem thử. Ông ngạc nhiên khi ở phong bì – với nét chữ phụ nữ – ghi là gửi cho Disanka Ilunga, người gửi là Emila Martin, nhưng bên trong là thư của ông Po Martin gửi cho thủ tướng Patrice Lumumba, lời lẽ khá thân mật.
Thư ngày 15 tháng Tám 1960 có đoạn:
Patrice ạ, tôi nghe nói thống chế Rommel phục vụ cho Đức Quốc Xã có người em trai nổi danh nghiên cứu kỹ các địa bàn quân sự. Khi Rommel được Hitler trọng dụng, người em liên tục được anh thúc giục ra đầu quân để sớm được nâng đỡ, hưởng lương cao và xã hội tôn trọng. Nhưng người em một mực chối từ. Đúng một năm sau, chính Rommel phải chết vì ly thuốc độc của Hitler.
Tôi cũng biết, ông Kasavubu là người có động cơ ít rõ ràng, hành động trước sau bất nhất, đồng thời có tư tưởng o bế thực dân. Ông thường hay trầm ngâm ít nói để cân nhắc lợi hại cho bản thân. Còn Mobutu đang bộc lộ những hành vi đen tối. Hắn vừa kết thân với bọn sĩ quan Bỉ, lại vừa ăn tiền và nhận sự ủng hộ bí mật của CIA. Trong khi đó, cậu quá hăng hái, cương trực, trong sáng và tràn đầy lý tưởng, chỉ mong muốn đạt được những gì tốt đẹp nhất cho nhân dân Công Gô. Vậy tôi hỏi cậu, một chú đại bàng cao quý như thế có nên lượn lờ nơi khu rừng tăm tối đầy chồn cáo chăng?
Bức thư ngày 4 tháng Chín 1960, ông ấy viết:
Patrice! Tình hình chính sự Công Gô chẳng mấy thuận lợi cho chủ trương trung lập mà cậu đang đeo đuổi. Giữa lúc hai con hổ Mỹ và Liên Xô đang gầm gừ, thiết nghĩ, chỉ cần bộc lộ lập trường, Công Gô sẽ lọt vào tầm ngắm của bên này hoặc bên kia. Tôi đoán, các thế lực ngầm kiểu tình báo đang nhắm tới cậu. Và thực tế, nếu những người cùng chí hướng của cậu không đủ can đảm và thực lực đứng ra bảo vệ cậu, mối nguy có thể đến bất cứ lúc nào.
Đoạn gần cuối thư:
Trong bức thư trước tôi giục cậu tìm cách đưa Pauline và mấy cháu nhỏ rời khỏi Công Gô ngay lập tức, ít ra là sang Bắc Phi, cậu thực hiện chưa? Nếu điều ấy chưa được quan tâm, tôi ngỏ lời nhắc cậu đấy. Cậu nên lưu ý, bọn lòng lang dạ sói ở ngay xung quanh cậu rất đông, cậu không thể không đề phòng.
Ở bức thư khác, Po Martin viết:
Theo tôi, quyết định thể chế chính trị cho đất nước không phải là việc riêng của vài cá nhân. Nếu cậu nhúng tay sâu vào việc đó, trong khi nhiều cộng sự của cậu và các tổ chức chính trị khác (chẳng hạn ABAKO của ông Kasavubu) không có cơ hội nói lên chính kiến của họ, thì hậu quả thật khó lường. Ở nhiều quốc gia, sự khác biệt ý thức hệ đã dẫn đến nội chiến. Tại một số quốc gia khác, sự bất đồng chính kiến của một bộ phận công chúng khiến nhiều nhà lãnh đạo buộc phải áp dụng các biện pháp độc đoán, thậm chí độc tài, mất dân chủ; điều đó thật bất lợi cho sự phát triển đất nước. Tôi nghe vài người thuật lại, trong ngày tuyên bố độc lập Công Gô, chính ông Mobutu, thư ký của cậu, mà nay đã trở thành một thế lực đáng gờm, cũng từng bất mãn ra mặt khi trông thấy cậu cầm trên tay bức điện chúc mừng của ông Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô. Nhiều người nói một đàng làm một nẻo, họ không đồng tâm hiệp lực với cậu, mặc dù họ không phủ nhận cậu là một nhà ái quốc, Patrice ạ.
– Ồ! Thì ra ông Lumumba có riêng một vị cố vấn rất thông tuệ! – tân thủ tướng buột miệng. Tiếc cho ông ấy là mấy lời khuyên tối quan trọng này lại nằm mãi trong ngăn kéo của cô nhân viên yểu mệnh.
Trong lúc thủ tướng Joseph Iléo nghĩ tới điều này thì tại Bắc Phi xa tít tắp, ông Nasser đang ra sức xây dựng một liên minh giữa Ai Cập và Syria được gọi là Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Nhiều người Ai Cập vô cùng bất bình khi thấy tên tổ quốc mình, vốn tồn tại hằng nghìn năm, giờ bỗng nhiên biến mất. Tuy nhiên, sự bất ổn chính trị này không ngăn cản cuộc tỵ nạn bí mật của phu nhân thủ tướng Lumumba cùng các con. Chị Pauline được gia đình Cựu tổng thống Naguib sắp xếp trú ngụ tại ngôi nhà thoáng rộng hướng mặt ra sông Nile.
Được tin chồng mất, chị giấu các con, đóng cửa nằm khóc.
– Anh Patrice! – chị mếu máo. Em không ngờ mọi chuyện ra nông nỗi này. Trên đời này, không có anh, em sống còn có ý nghĩa gì!
Suốt mấy tuần liền chị không thiết gì ăn uống. Người đã gầy, giờ chỉ còn da bọc xương, tinh thần bải hoải. Bốn đứa con còn nhỏ dại ngơ ngác như bầy cừu mất mẹ. Nếu không có sự giúp đỡ chu đáo và những lời khuyên lơn, an ủi của phu nhân nhà cách mạng Naguib, có lẽ chị đã bỏ mạng tại xứ sở xa xôi, khốn khổ và đầy bất ổn ấy rồi.
Chương 53
Hai gia đình Po Martin và Billy Smith đã gặp nhau là như dính keo. Billy không ngờ lại là một tay chơi harmonica trứ danh. Còn Po lúc cao hứng bỗng dưng trở thành một con người hoàn toàn khác. Ông hồn nhiên nhảy múa như vũ công thứ thiệt. Ông cất cao giọng hát thật hào sảng.
Họ tiếp tục lang thang hết con đường này đến góc phố nọ tại thành phố New York. Những tòa cao ốc như những vách ngăn khổng lồ, những con phố hẹp luôn đầy ắp người qua lại, thậm chí những lời dọa dẫm và vẻ mặt nhăn nhó của mấy ông cảnh sát đường phố không thể ngăn cản bước chân tự do và lối sống phóng khoáng của họ.
Po nói:
– Ta có cần chi nhà cao cửa rộng, mà ta vẫn cứ vui!
Billy nói:
– Ta đâu thiết chi lắm đô la, lắm bạc vàng, mà đời ta vẫn cứ tươi!
Theo đà ấy, hai gia đình vỏn vẹn bảy người đã biến thành một ban nhạc đường phố từ lúc nào không hay. Michael và Matthew sử dụng những chiếc đĩa kim loại làm nhạc cụ. Xho gõ nhịp bằng hai mảnh gỗ và nhảy tưng bừng bên cạnh bố. Còn Imani và Emila thỉnh thoảng hát nhại theo.
Tất nhiên họ chỉ chơi nhạc như một trò tiêu khiển. Ban ngày họ vui đùa nơi những góc phố dành riêng cho người đi bộ. Đêm đến, họ cùng trải tấm toan-đờ-tăng ngủ thoái mái dưới chân những tòa cao ốc. Po hay ngồi xếp bằng, cặm cụi viết bài gửi cho các cơ quan thông tấn. Gương mặt họ lúc nào cũng thoải mái, hồn nhiên.
Trong những ngày này, họ tình cờ gặp Robert Zimmerman, một gã thanh niên chơi nhạc folk tuyệt vời và Woody Guthrie, một tay soạn nhạc tiếng tăm lừng lẫy. Woody và Robert tặng ban nhạc Billy một cây ghi-ta và cùng tham gia chơi nhạc đường phố như những nghệ sĩ lang thang.
Sau vài ba tuần chung sống dưới vòm trời cao rộng, họ nhanh chóng trở thành bạn tri âm. Chịu ảnh hưởng rõ rệt bởi tư tưởng của Po Martin, Woody bắt đầu chuyển hướng. Anh sáng tác những ca khúc nói lên khát vọng yêu chuộng hòa bình, chán ghét chiến tranh, ngợi ca lòng nhân ái và lối sống chẳng đua chen. Robert tôn Woody làm thầy. Anh theo lối sáng tác ấy, nhanh chóng cho ra đời những giai điệu hùng tráng, phản ánh một cuộc sống chung hòa hợp, không phân biệt màu da, sống hết mình vì tình bạn, tình yêu và hòa hợp với thiên nhiên. Gã trai tráng ấy còn hăm hở ghi thành một dòng chữ khá to ngay trên ngực áo mình:
MAKE LOVE, NOT WAR.
Khi Robert rủ rê một bạn nữ chơi ghi-ta vào nhóm và Woody bùi ngùi tạm biệt mọi người để về quê, ban nhạc còn lại chín người. Billy vẽ một hình giản đơn gồm một nét thẳng đứng, hai nét sổ xuống 45 độ từ trung điểm của đoạn thẳng ấy và một vòng tròn bao quanh bên ngoài để làm biểu tượng cho ban nhạc. Lý thú một điều, chỉ vài tuần sau, nhiều người hâm mộ rất ưa chuộng biểu tượng ấy. Họ nhanh chóng lan truyền tin tức về ban nhạc của Billy Smith dưới cái tên khá ngộ nghĩnh là ban nhạc hippy.
Trên nhiều đường phố khác ở New York, người ta bắt đầu ngạc nhiên trước sự xuất hiện của rất nhiều ban nhạc trình diễn đường phố theo kiểu ấy.
Phong trào hippy chơi đùa thảnh thơi, vui nhộn trên đường phố với những nhạc cụ đơn sơ và sống tự do thoát ly khỏi bốn bức tường của nền văn minh vật chất chẳng mấy chốc đã lan nhanh ra nhiều thành phố khác. Dòng chữ mà Robert và Billy ngẫu hứng ghi trên ngực áo trở thành câu cửa miệng của giới trẻ ở khắp các thành phố lớn tại Mỹ.
– Các bạn ơi! – nhiều thanh niên vui vẻ nói. Lối sống do nhiều thế hệ trước sắp xếp sẵn cho chúng ta là lối sống không lành mạnh. Tại sao chúng ta phải giam hãm đời mình trong bốn bức tường, đồng thời phải sống và chết vì những đồng tiền, sự bận rộn và oán ghét lẫn nhau?
Chính phủ Mỹ bắt đầu tỏ ra lo ngại trước làn sóng thay đổi lối sống của thanh niên Mỹ. Nhiều nghị sĩ lên tiếng phản đối sự thay đổi ấy, nhưng chính con cái họ lại hết lòng ủng hộ. Đông đảo trai gái hăng hái tham gia phong trào hippy. Họ mặc những chiếc áo viết chằng chịt những câu nói nổi tiếng của các bậc đàn anh trong phong trào. Họ đội mũ rộng vành, mặc quần ống loe. Họ vui vẻ chuyện trò thân mật trên đường phố, say sưa múa hát ca ngợi cuộc sống tự do ngoài trời. Nhưng điều cốt lõi nhất là họ thay đổi hoàn toàn quan niệm sống. Họ ca ngợi lòng yêu thương và quay lưng với chiến tranh.
Khoảng giữa năm 1963, Robert liên tục ra mắt hàng loạt nhạc phẩm trữ tình với nội dung ngợi ca lối sống tự do, lòng bác ái và cực lực phản đối chiến tranh. Trong đó, nổi bật hơn cả là ca khúc Blowin’ in the Wind (Cuốn Đi Trong Gió) với nghệ danh mới là Bob Dylan:
How many roads must a man walk down
Before you call him a man?
How many seas must a white dove sail
Before she sleeps in the sand?
Yes, and how many times must the cannonballs fly
Before they’re forever banned?
The answer, my friend, is blowin’ in the wind
The answer is blowin’ in the wind…
Tháng Tám cùng năm, giữa tiết trời thu mát mẻ, Washington, D.C. bất ngờ chứng kiến cảnh hằng vạn cô cậu hippy và hằng nghìn công dân có tư tưởng phản chiến tuần hành qua các đường phố chính, công khai đòi TỰ DO, VIỆC LÀM và HOÀ BÌNH. Họ cầm chặt tay nhau, cùng hô vang các câu khẩu hiệu vạch rõ sai trái của chính quyền Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam. Họ ra sức kêu gọi thanh niên Mỹ đừng đi lính, đừng trở thành những kẻ giết người. Cuộc đi bộ tuần hành tới thủ đô đã nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình phản chiến quy mô lớn khiến chính quyền Mỹ bàng hoàng, khiếp sợ.
Như vết dầu loang, năm 1963 trở thành năm của những hoạt động rộng lớn nhằm phát triển phong trào ấy trên toàn thế giới. Bất cứ đâu người ta cũng thường chứng kiến hình ảnh các cô cậu thanh niên ưa sống không nhà, sống hết mình trong tình bạn, tình yêu và phản đối chiến tranh. Phong trào du ca phát triển cực mạnh.
Năm 1964, Bob Dylan cho ra mắt nhạc phẩm The Times They Are a-Changin’ gây tiếng vang lớn trong làng văn nghệ thế giới. Với tác phẩm này, anh khẳng định tài năng nghệ thuật của mình đồng thời nêu quan điểm bài xích chính quyền Mỹ xâm lược Việt Nam.
Cùng năm ấy, bài xã luận hùng hồn, nổi tiếng của Po Martin trên tờ People’s World được trích dẫn đăng tải sang nhiều trang báo khác đã vô tình khoác lên phong trào phản chiến một vầng hào quang sáng chói.
– Các cậu tiếp tục ở Mỹ nhé! – bất ngờ, Po Martin lên tiếng. Giờ đến lượt tớ và Emila phải rong chơi ở những nơi khác rồi!
Bob Dylan và Billy Smith tỏ vẻ không đồng tình; nhưng ông bạn da đen tóc bạc giải thích:
– Các cậu nên biết, cái gì nổi bật quá không tốt đâu!
Chương 54 (Chương cuối)
Tin đồn Lão Tử tái thế tại hạt Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam xuất phát từ đám ký giả. Thoạt đầu, ba ký giả trẻ trung – gồm hai vị cấp tỉnh và một vị trung ương – tìm tới tỉnh lỵ Trịnh Châu. Họ trịnh trọng đến xin phỏng vấn vị tỉnh trưởng đang làm việc tại đó:
– Thưa ngài, chúng tôi biết rằng Hà Nam ta là một tỉnh còn nhiều khó khăn. Dù năm 1954 Liên Xô xây giúp bảy cơ sở công nghiệp nặng tại thành phố Lạc Dương và nhiều năm qua chúng ta đề ra chủ trương tiếp tục phát triển nông nghiệp, song đồng bào ở khá nhiều nơi vẫn còn đói kém. Thế mà, điều lạ là người dân toàn tỉnh luôn đặt hết niềm tin nơi chính quyền. Họ rất lạc quan. Gần như chẳng ai kêu ca phàn nàn gì về cách trị dân trị nước của ngài cả. Điều đó là do đâu?
Vị tỉnh trưởng nở nụ cười chất phác:
– Ta trị dân mà như không trị.
– Dạ, xin hỏi, giả sử ngài điều dân đi đắp đập Bản Kiều, nhưng họ không chịu đi, thì làm sao? Đương nhiên ngài phải ra lệnh bắt giam hoặc phạt thật đích đáng chứ ạ?
– Không, ta chẳng trừng phạt gì cả. Ta cho thuộc hạ nêu rõ lợi ích; thế là dân tự nhiên làm. Ta không thay đất trời làm cái việc trừng trị thiên hạ. Đẽo gọt tứ tung, có ngày đứt tay.
– Thưa ngài, vậy thật ra dân tỉnh này dễ trị hơn các tỉnh khác, phải không?
– Không phải vậy. Nếu dân khó trị, là vì ở trên đề ra quá nhiều quy định khắt khe. Quy định cho lắm vào, thì dân không theo. Chỉ cần giải thích cho thấu đáo, thuận theo phép tự nhiên, thì dân theo.
– Thưa ngài, ổn định xã tắc và phát triển đời sống người dân là công đức rất lớn lao, ngài có nghĩ vậy không ạ?
– Ôi, công cán gì! Ta chỉ đơn giản làm công việc điều hòa xã tắc thôi. Chỗ cao thì nén xuống một chút. Chỗ thấp thì thong thả nâng lên. Đạo của đất trời, bớt chỗ dư, bù chỗ thiếu. Thực tình, ta có làm gì đâu!
Mấy tuần sau, họ tìm hiểu trong dân thì mới hay ngài tỉnh trưởng là bạn tri kỷ của vị sử gia nước ngoài đang sống ẩn dật tại hạt Lộc Ấp. Nghe nói vị ấy da đen tóc xoăn, người châu Phi, bạn thân của ông Gus Hall, chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ. Hằng tuần ngài tỉnh trưởng thường hay về tận miền quê thăm bạn, lặng lẽ ngồi chơi cờ tướng hoặc câu cá hằng giờ bên nhau.
Ký giả Trần Chương và hai đồng nghiệp tìm tới tận nơi. Họ băng qua nhiều đồng lúa ruộng nương, hỏi đường bao nhiêu lượt mới đặt chân tới túp lều tranh đơn sơ của vị ẩn sĩ.
Cả ba mạnh dạn bước vào, vì nhà để cửa trống hoác. Đang ung dung đưa mình nhè nhẹ trên chiếc võng là một vị râu tóc bạc phơ, dung mạo thư thái.
Trần Chương khẽ đằng hắng rồi mở lời:
– Thưa ngài, xin lỗi, ngài có phải là bằng hữu của ngài tỉnh trưởng không ạ?
Chậm rãi rời võng, bước sang chiếc chõng tre để mời khách cùng ngồi, vị ấy thong thả đáp:
– Ồ! Trăm họ xưa nay ai cũng là bằng hữu của ta cả mà.
– Cháu có tìm hiểu cách trị dân trị nước của ngài tỉnh trưởng – ký giả thưa. Nhưng dân chúng đồn rằng chính ngài đây mới là người đưa ra những quan niệm về phép trị dân. Có phải đúng như vậy không, xin ngài vui lòng cho biết ạ?
– Ôi! Dân mà ai dám trị.
– Thưa ngài, vì sao vậy ạ?
– Kẻ thật thà vui lòng đứng đằng sau dân thì dân mới đưa lên trước. Kẻ tranh đoạt quyền lợi của dân thì dân coi như giặc.
– Vậy thì, làm thế nào mới có thể khiến cho thiên hạ thái bình được ạ?
– Đệ ấy cần gì trị dân mà tự nhiên dân theo. Ấy là do cách ăn ở thuận theo trời đất. Đệ ấy thật ra có làm gì đâu.
Trần Chương nổi gai ốc. Hai người bạn già ở hai phương trời xa lạ, một người quê Hà Nam, một người quê tận châu Phi, mà sao họ suy nghĩ giống nhau đến thế nhỉ?
Một ký giả khác tò mò hỏi:
– Thưa tiên sinh, ngài chỉ sống vậy có một mình, hay có vợ con gì không?
– Ồ, nói ra thật xấu hổ. Ta và bà ấy lạc nhau ở phi trường New York. Còn con trai ta đang sống tại Mỹ. Ta thích ở một mình làm bạn với cỏ cây hoa lá và phong cảnh hữu tình nơi đây. Ta không thích đua chen nơi phồn hoa đô hội.
– Thưa ngài, tuổi trẻ của ngài thế nào ạ?
– Đời chẳng qua chỉ là giấc mộng, có gì đáng nói đâu.
Các ký giả bỗng dưng sững cả người. Họ thấy vị này sao giống hệt ngài Lão Tử thuở xa xưa được mô tả trong các pho sách vậy không biết nữa. Trần Chương hoàn toàn không tin vào chính mắt mình. Ẩn ẩn hiện hiện trước mặt anh là chân dung của ngài Lão Tử với ánh mắt vô cùng trong sáng và chòm râu dài.
Về tới nhà, anh tìm gặp cô vợ trẻ, thật thà tâm sự:
– Uyên Uyên! Anh vừa chứng kiến chuyện lạ. Ông lão ở hạt Lộc Ấp, khi anh nhìn thật kỹ thật lâu thì phát hiện ra ông ta chính là Lão Tử. Râu tóc ông bạc phơ và dài lắm; nó cứ chập chờn như mây như khói, như có như không. Mãi đến khi anh tự vuốt mặt ba lượt thì hình ảnh ấy mới hoàn toàn biến mất.
Một tuần sau, trên nhiều trang báo tỉnh Hà Nam và ở trung ương đồng loạt đưa tin Lão Tử tái thế. Rầm rầm rộ rộ, cánh ký giả bắt đầu làm rộn chuyện lên. Tờ nhật trình hoặc tạp chí nào có đăng tin bài về ngài Lão Tử thì bán chạy như tôm tươi. Khá đông ký giả còn nhốn nháo tìm tới hạt Lộc Ấp xin chụp ảnh để tung lên báo. Người dân nhiều nơi lục tục kéo đến với ước ao được diện kiến nhà hiền triết. Họ cứ chắc mẩm đó là Lão Tử. Họ lập luận, Lộc Ấp ít ra là quê hương của ngài, nếu ông ta không phải là ngài ấy thì hà cớ gì lại quay về ẩn cư tại đấy làm chi.
Hạt Lộc Ấp chưa bao giờ đón khách rộn ràng và huyên náo như thế.
Một buổi sáng mùa thu, họ lũ lượt kéo tới thật đông. Ông Hội trưởng Hội Lão giáo hăng hái đi trước. Ông hăm hở nói, giọng đầy nội lực:
– Từ lâu tôi thầm đoán ngài giáo chủ thế nào cũng đầu thai về lại tại chính quê hương mình. Song không ngờ hôm nay chính tôi sắp được hội kiến ngài ấy.
Nhưng ngõ trước vườn sau, nhà trên nhà dưới, cả đoàn loay hoay tìm khắp nơi mà chẳng thấy ngài đâu.
Có tin đồn từ vài gia đình lân cận cho hay ngài khăn gói ra đi từ tảng sáng, trên lưng con trâu đen bóng; dáng ngài như tiên ông; ngài đi dần về hướng tây; lúc ấy trời còn mù sương nên mọi người chưa thức dậy hẳn.
Nghe đâu, khi tới đồn canh gác nọ, người lính canh quen biết xin ngài dừng lại viết một đôi câu để đời; song, ngài lắc đầu, tiếp tục đi.
LỜI THƯA CUỐI SÁCH
Đây có thể được xem là tiểu thuyết lịch sử. Ngoài các nhân vật lừng danh hoặc khét tiếng được sử dụng tên thật, tất cả các nhân vật còn lại đều hư cấu. Nếu có sự trùng hợp về danh tính, hoặc tính cách nhân vật, hay diễn biến thế sự, đó chẳng qua là ngẫu nhiên, ngoài sự mong muốn của tác giả.
GƯƠNG MẶT LOÀI HOMO SAPIENS
Tiểu thuyết
TRẦN NHƯ LUẬN
NHÀ XUẤT BẢN HỘI NHÀ VĂN
CHI NHÁNH MIỀN NAM
Chịu trách nhiệm xuất bản:
Giám đốc – Tổng biên tập
Nguyễn Quang Thiều
Biên tập và sửa bản in :
Phạm Thị Bích Tuyết
Bìa: Hoạ sĩ Duy Khanh,
Trình bày : Sonpham Binhdinh
In lần thứ nhất 300 cuốn, khổ 13,5 x 20,5 cm tại Công ty CP In-Phát hành sách-Thiết bị trường học Quảng Nam, 260 Hùng Vương, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Số ĐKXB : 870-2022/CXBIPH/ 05-21/HNV.
Số quyết định xuất bản: 172/QĐ-NXB HNV ngày 23 tháng 3 năm 2022.
Mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) : 978-604-347-903-4
In xong và nộp lưu chiểu tháng 5.2022