Phó giáo sư Nguyễn Thanh Tú
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tiểu thuyết lịch sử Nam đế Vạn Xuân – Bộ Vương triều Tiền Lý, tập 1, dày 490 trang của nhà văn Phùng Văn Khai vừa được NXB Văn Học cấp phép ấn hành.
Trong bối cảnh đối thoại văn hóa toàn cầu hôm nay, nhiều tiểu thuyết gia trên thế giới cho rằng tiểu thuyết lịch sử là một cách đối thoại với lịch sử, có thể là đồng tình, có thể là tranh luận, phản biện, thậm chí giễu nhại lịch sử. Thế nên tiểu thuyết lịch sử không chỉ kể lại lịch sử mà còn là sự cật vấn, tranh biện, phủ định, khẳng định, làm mới, làm rõ, khôi phục… Quan niệm này mang tính bản chất hơn, đẩy vấn đề gần hơn với khái niệm, vì “tiểu thuyết” gắn liền với sự hư cấu, “lịch sử” luôn là sự thật. Xét đến cùng viết tiểu thuyết lịch sử là sự hư cấu trên nền sự thật.
Trước đây tiểu thuyết lịch sử cổ điển có hai khuynh hướng chính, một là kể lại, tái hiện các biến cố lịch sử, dựng lại các nhân vật lịch sử, như Đại Việt sử ký toàn thư (Ngô Sĩ Liên), Đại Nam quốc sử diễn ca (Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái), Sử ký (Tư Mã Thiên). Hai là văn chương hoá lịch sử như Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Sử ký (Tư Mã Thiên)… Đặc biệt Sử ký của Tư Mã Thiên là bộ sử đặc sắc, đậm cả chất sử, đậm cả chất văn. Nên Lỗ Tấn gọi đó là “thiên Ly Tao không vần”… Ở ta hiện nay sự phân chia khuynh hướng cũng rõ rệt, như văn hoá hoá lịch sử (trường hợp Nguyễn Xuân Khánh); văn chương hoá lịch sử (trường hợp Hoàng Quốc Hải); tiểu sử hoá lịch sử (Hoàng Minh Tường với Thời của thánh thần, Dương Hướng với Dưới chín tầng trời…); mô hình hoá lịch sử (Nguyễn Quang Thân với Hội thề. Thực ra tiểu thuyết nào cũng tạo ra một mô hình mới nhưng Hội thề là một mô hình khác so với chính sử)… Nhìn vào các khuynh hướng này cũng thấy sự đa dạng của các diễn ngôn lịch sử, có cả ngợi ca, thành kính, lại có cả giễu nhại, châm biếm (Thời của thánh thần, Dưới chín tầng trời, Cuồng phong…). Sự phân rã thể loại là hợp quy luật với tinh thần dân chủ ngày càng mở rộng và đi sâu vào đời sống, rõ hơn cả là tinh thần đối thoại, không chỉ thần thánh hoá mà còn suồng sã cả lịch sử, nếu nó đáng như thế.
Tôi gọi trường hợp tiểu thuyết của Phùng Văn Khai là sự sinh động hoá lịch sử vì xu hướng tổng hợp thể loại khá rõ, có cả văn hoá, văn chương (rõ nhất là huyền thoại hoá), cả tiểu sử, cả giễu nhại…
Nam đế Vạn Xuân trước hết là một tiểu thuyết đời tư của nhân vật Lý Bí từ nhỏ đến khi xung “Đế”. Chất đời tư là một đặc trưng của tiểu thuyết nói chung nên xu hướng “tiểu sử hoá” này, tự thân nó tạo ra tính chất “phức tạp” cần có của tác phẩm. Nếu không tiểu thuyết sẽ nhạt vì sa vào tình trạng “ai cũng biết cả rồi”. Một tính “dị biệt” của nhân vật chính được cài đặt khá kỹ lưỡng, cha mẹ mất sớm, đi ở chùa và một tính khí quyết đoán mà sớm chín chắn. Song hành với nhân vật Lý Bí là nhân vật Tinh Thiều như là một sự bổ sung hoàn chỉnh để tạo nên một chân dung đặc biệt với những tính cách nổi trội của một người có tầm thủ lĩnh rất sớm. Tác giả khôn ngoan sớm để cho Tinh Thiều đi sang Trung Hoa tu tập, xét kỹ cũng nằm trong dự đồ xây dựng tiểu sử Lý Bí thêm đặc sắc hơn, vì hai nhân vật tuy hai mà một, về sau Tinh Thiều làm quân sư cho Giám quân Lý Bí như “hổ mọc thêm cánh”. Ta thấy nhân vật Lý Bí như là một sự kết tinh, tổng hoà từ các nét “tiếp biến văn hoá” và đời tư: văn hoá bản địa là phong tục, tập quán, tinh thần không chịu khuất phục kẻ xâm lăng của dân cư vùng Cổ Pháp. Đây là lời nhận xét khách quan: “Lão tăng từng đi tu tập nhiều nơi song chưa thấy đâu như hương Cổ Pháp ta, con người lại ghi sâu đạo lý đặt lễ nghĩa làm đầu cao hơn cả danh dự mạng sống như ở đây”. Còn là một huyền thoại về hình tượng con hổ vàng khổng lồ quỳ phủ phục trước ngôi mộ như canh giữ cho giấc ngủ đứa trẻ bảy tuổi vượt suối băng rừng đến bên người mẹ vừa qua đời. Rồi huyền thoại về ngôi mộ kết… Và văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo có chức năng làm nền để tính cách Lý Bí phát triển. Bi kịch cá nhân của Lý Bí cũng là một điểm nhấn. Việc cha mẹ mất sớm không phải là tai họa mà là một động lực để cậu bé Lý Bí (và những người mạnh mẽ, bản lĩnh nói chung) sớm rèn giũa ý chí trưởng thành.
Xây dựng tiểu sử Lý Bí là một cách cắt nghĩa Lý Nam Đế. Tái hiện những chân dung kẻ xâm lược chính là một cách cắt nghĩa nguyên nhân xâm lược và sự thất bại đương nhiên của chúng.
Chúng tôi hiểu tiểu thuyết lịch sử phải là một sự cắt nghĩa lịch sử (cũng là một kiểu đối thoại). Nam Đế Vạn Xuân đưa ta ngược trở về thời triều đại Lương Vũ Đế năm thứ 13, nơi kinh đô Kiến Khang. Lương Vũ Đế nghi ngờ Lý Tắc đang cai quản xứ Giao Châu “có bụng làm phản” nên sai Vũ Lâm hầu Tiêu Tư sang “thảo phạt” rồi làm Thứ sử mảnh đất nhiều biến cố này. Thế là cuộc nổi dậy sau này của Lý Bí lại có nguyên nhân bắt đầu từ bụng dạ nhỏ nhen nghi ngờ của một người tận kinh đô Kiến Thang xứ Trung Hoa. Nhưng người đó là vua. Đây cũng là một chân lý phổ quát cho mọi thời, mọi đời: kẻ làm vua là mà có tâm địa xấu thì sẽ làm hại cả một thời đại, một thể chế, làm tha hoá nhân tính nhiều thế hệ. Vũ Lâm hầu sang mảnh đất hiền lành Giao Châu nhưng lại giết kẻ tâm phúc, lời kết tội của một tướng tay chân (Cổ Đạo Lâu) mà bị giết oan đã phơi bày bản chất kẻ “yên dân”: “Ngươi quả là người thối tha hiểm độc không bằng cầm thú. Hôm trước ở cổ trấn Luy Lâu đã dung túng cho thuộc hạ vô cớ giết người. Hôm nay trong quân doanh lại mượn oai Lương triều giết hại bản tướng khiến lòng người oán giận rồi cũng sẽ chẳng bền lâu được”. Chưa hết, kẻ “đa nghi hiếu sát” ấy đã giết một lúc “bảy mươi ba vị hương trưởng cả đời cúc cung phục dịch Lương triều”. Thế là không chỉ đa nghi hiểu sát, còn là bội nghĩa, vô lương. Kẻ giết người, hại người thì trước sau đều bị trả giá, ít nhất là lương tâm dằn vặt. Chiến tranh xảy ra như một điều tất yếu! Ai gây ra chiến tranh? Đó là kẻ xâm lược bóc lột bằng thuế má, phu phen tàn bạo còn tàn ác, hiểm độc. Người dân xứ Giao Châu yêu nước buộc phải nổi dậy đánh đuổi kẻ đô hộ!
Hầu hết tiểu thuyết lịch sử ở ta nói về chiến tranh, dễ hiểu vì lịch sử người Việt là lịch sử dựng nước và giữ nước. Nam Đế Vạn Xuân là tiểu thuyết lịch sử thời Lý Nam Đế đuổi giặc Lương nên tất có những mưu mô, những ý đồ, những trận đánh, những khoảng lặng… Tiểu thuyết này quan tâm đến vấn đề gì nhất để khỏi lặp, khỏi giống những tiểu thuyết trước đó, ít ra là tránh sự mô phỏng thực tế? Đó là yếu tố bất ngờ. Không ngẫu nhiên bạn đọc bắt gặp nhiều các chữ “bỗng”, “bất chợt”, “đột ngột”, “bất thình lình”, “bất ngờ”… Đây là cách tạo tình huống mang dấu ấn kỹ thuật khá rõ. Cũng là một cách khẳng định: trong chiến tranh, bất ngờ mang tính chất quyết định thắng lợi. Thế nên không chỉ “quân ta” bất ngờ mà “quân địch” cũng dùng. Địch dùng mưu dụ Lý Giám quân không phòng bị rồi “bất ngờ”…
Tiểu thuyết là một lý giải về chiến thắng của Lý Nam Đế là sự đoàn kết của quân, dân Vạn Xuân thống nhất, tập trung dưới sự lãnh đạo của người anh hùng Lý Bí cùng sự tham mưu sáng suốt của Tinh Thiều. Là sự tổng hợp sức mạnh các đội quân xứ Giáo Châu của Phạm Tu, Triệu Túc, Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hoà… cùng một mục đích chung một lý tưởng. Là sự kế thừa và tiếp nối của các thế hệ tướng soái từ già (Triệu Túc, Phạm Tu…) đến trẻ (Triệu Quang Phục, Phùng Thanh Hoà, Trịnh Đô…)
Một điểm khó của tiểu thuyết lịch sử là làm sống lại không khí lịch sử cụ thể, dựng lại cái mô hình đời sống mang cái hồn vía, thần thái của một thời đã xa. Nhà văn như cái cầu nối giữa hai miền không gian quá khứ và hiện tại, chuyển tải cái quan niệm, suy nghĩ, tính cách của người hôm qua đến với bạn đọc hôm nay. Không có vốn hiểu biết kỹ càng về cả một thời đại quá khứ, cả thời đương đại (tiếp nhận của bạn đọc) chưa nên đi vào đề tài này. Phùng Văn Khai đã vượt qua được những thử thách ấy. Bạn đọc có thể rõ hơn khi đọc những trang văn cổ kính khi tái hiện triều đình nhà Lương tận Trung Hoa xa xôi hay đậm chất thơ khi miêu tả không gian vùng Cổ Pháp huyền thoại… Mười lăm hồi tiểu thuyết nhưng có rất nhiều cảnh được xây dựng theo thủ pháp điện ảnh khá linh hoạt. Biết đâu đây là tiền đề cho một kịch bản điện ảnh sử thi về một thời quật khởi.
Tiểu thuyết Nam đế Vạn Xuân hiện đang có mặt trên hệ thống Tiki.
N.T.T