Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương – vài ví dụ xoàng

423

Phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đa dạng mà nhất quán. Kể từ buổi dấn nhập “vào cõi” văn bút cho đến nay, ông luôn “ngồi” riêng một cõi. Xuyên suốt cả chục cuốn tiểu thuyết của ông là một cái tôi chủ thể tài hoa, kiêu bạc, khinh khoái, tinh tế đến tinh quái; là không gian nghệ thuật định vị nơi khởi sinh và trì bồi văn hứng Nguyễn Bình Phương.


Nhà văn Nguyễn Bình Phương.

1. Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương rõ thấy nhất trước hết là ở chiến thuật tự sự phi tuyến tính. Đi vào tiểu thuyết của nhà văn này là đi vào những mê lộ/ ma trận trần thuật.

Đọc Nguyễn Bình Phương, tôi cứ liên hệ đến chia sẻ của nhà văn người Anh gốc Ấn Salman Rushdie, tác giả của tiểu thuyết trứ danh Những đứa trẻ lúc nửa đêm. Theo đó, ngày trước, những người kể chuyện miệng cho công chúng ở Ấn Độ, đặc biệt ở Nam Ấn, rất được ưa thích. Họ không kể chuyện theo trình tự tuyến tính: không có đầu, giữa, cuối. Họ nhảy múa loạn xạ, liên tục thêm thắt, kể chuyện tiếu lâm, hát, pha những chuyện vui chính trị… trong khi kể chuyện.

Nguyễn Bình Phương kể chuyện bằng tiểu thuyết cũng gần như thế. Ngay tác phẩm được cho là dễ đọc nhất của ông – Một ví dụ xoàng – thì chí ít về mặt cốt truyện, buộc người đọc phải tự lần gỡ chắp nối những manh mối chi tiết sự việc mới có thể xâu chuỗi được thành một câu chuyện mạch lạc sáng rõ theo cách của mình.


Tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương.

Tính chất phi truyền thống nơi tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn thể hiện ở khả năng gây lung lay bất an cho cái gọi là chức năng của văn học (đang được giảng dạy ở nhà trường chẳng hạn). Tiểu thuyết của ông là những tiểu tự sự, những vi mạch khuất ẩn, là bức tranh ngược sáng về thế giới, cho nên chức năng nhận thức ở đây nếu có thì đó là dẫn dụ người đọc cùng tham dự vào cuộc dò tìm hiện sinh, để rồi khơi vẫy những đối thoại tư tưởng cùng họ. Rằng bản chất của đời là vô nghĩa phù du, bản chất của người là vô minh phù phiếm. Rằng thế giới này là thế giới của “bả giời”, của “những đứa trẻ chết già”, của “trí nhớ suy tàn”, của “người đi vắng”, nơi chỉ tồn hiện những cái bóng vật vờ lay lắt, man dại như tiền sử, như “thoạt kỳ thủy”.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương một khi kiến dệt mỹ học của tính dục, mỹ học của bạo lực, mỹ học của cái ác… thì cái gọi là chức năng thẩm mỹ cũng bị chất vấn, và theo đó cái gọi là chức năng giáo dục cũng bị giễu nhại hoài nghi. Người kể chuyện trong đây cứ “kể xong rồi đi”, anh ta chẳng đủ thẩm quyền và cũng chẳng đủ khôn ngoan thông thái sở đắc chân lý để có thể giáo dục ai cả. Thiết nghĩ, việc của văn chương, văn chương đích thực, là cứ bày ra những khảo tra về khoảng mờ điểm tối của cuộc đời. “Nhà văn thì chỉ giỏi thắc mắc thôi, ngoài ra không biết gì nữa đâu” – một nhân vật trong Một ví dụ xoàng đã nói như thế. Mà, những câu hỏi do nhà văn đặt ra luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời cặn kẽ nào – nhà văn người Ý Claudio Magris đã nói như thế. Và, sự không biết trở thành sự hiền minh – nhà văn người Pháp gốc Tiệp Milan Kundera đã nói như thế.

Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, như đã đề cập, là những văn bản khó đọc/ kén người đọc, do vậy cũng không thực hành cái gọi là chức năng giải trí mua vui phục vụ số đông.

2. Nguyễn Bình Phương là nhà văn dày công suy tư trăn trở thiết tạo và phát huy công hiệu ma thuật của truyện kể. Và ông rất chịu khó thay đổi chiến lược/ chiến thuật tự sự. Thay đổi về ngôi kể, về vai kể, về cự ly kể. Thay đổi về giọng kể. Chối từ làm tù nhân cho một thi pháp duy nhất, mỗi cuốn tiểu thuyết của ông là một cách kiểu văn chương mới mẻ độc đáo không lặp lại. Việc Nguyễn Bình Phương ra sách mới luôn là sự hồi hộp tò mò phấp phỏng của cộng đồng những người yêu thích tiểu thuyết nhà văn này.

Phong cách tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đa dạng mà nhất quán. Kể từ buổi dấn nhập “vào cõi” văn bút cho đến nay, ông luôn “ngồi” riêng một cõi. Xuyên suốt cả chục cuốn tiểu thuyết của ông là một cái tôi chủ thể tài hoa, kiêu bạc, khinh khoái, tinh tế đến tinh quái; là không gian nghệ thuật định vị nơi khởi sinh và trì bồi văn hứng Nguyễn Bình Phương: ngôi làng Linh Sơn; là màn sương liêu trai ma quái kỳ dị kỳ ảo vô thức chiêm mộng bàng bạc trong từng trang văn…

Văn Nguyễn Bình Phương phi truyền thống nhưng không đứt lìa khỏi văn mạch dân tộc. Chất liêu quái dị ảo trong văn ông được gợi hứng tiếp sức từ kho tàng thần thoại truyền thuyết, từ Lĩnh Nam trích quái, Việt Điện u linh, Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục… Nghĩa là, ông đến hiện đại/ hậu hiện đại từ truyền thống.

3. Công bằng mà nói thì tiểu thuyết của bất cứ nhà văn Việt nào cũng đều ít nhiều có chất điện ảnh và chất thơ, vì ngôn từ nghệ thuật tiếng Việt vốn rất giàu tính hình tượng, và mỗi âm tiết tiếng Việt lại sở hữu một thanh điệu riêng trong hệ thống sáu thanh điệu chung. Tuy nhiên và tất nhiên, chất điện ảnh và chất thơ hiển lộ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương với sắc âm riêng khác.

Đi vào Thoạt kỳ thủy, người đọc như mục sở thị một thế giới hoang sơ man dã ma quái trống trơ tình người, với tiếng đập đá, tiếng nổ mìn phá đá gầm rung núi Hột, bãi Nghiền Sàng: “Không khí mù mịt, cuồn cuộn. Tiếng đập tràn lan khắp nơi. Khô khốc, lanh lảnh, triền miên bất tận”; “Quả núi bị khoét vẹt một nửa, trông như cơ thể mất thịt, lộ ra màu trắng pha chút đỏ của máu”; “Mỗi hòn đá bị vỡ là máu túa ra”; “Gió thổi. Tảng đá nâu nổi gân hồng. Máu lênh láng tràn từ núi xuống dìm ngập đất”… Rồi như chứng kiến cảnh đốt trại tù binh “lửa cao như cái lưỡi, liếm từ bẹn đổ lên” qua lời kể của Hưng, hay cảnh Tây thu từng đống người chúng tàn sát “đem ra rừng lấp hờ, tối hổ xuống bới lên ăn bằng hết, chừa độc cái đầu” qua lời kể của ông Thụy… Sang Mình và họ, gặp những đại cảnh xe lên xe xuống trập trùng theo những cung đường rừng man dại. Đến Một ví dụ xoàng, gặp cảnh Sang bị tổ công tác lưu động liên ngành truy đuổi vì mang theo người những bốn cân chè; và anh ta đã rút khẩu súng thể thao bắn về phía sau để tẩu thoát; phát súng vẩy bừa ấy, khốn thay, lại trúng thùy trán một kiểm soát viên quân sự. Rồi về sau là cảnh xử bắn tử tù Sang.

Những trang văn của Nguyễn Bình Phương vừa kịch tính như những thước phim hành động, vừa đẹp như những bài thơ buồn, mặc dù đó là những trang văn gắn sâu trong tính văn xuôi của cái tầm thường thường nhật cuộc thế cuộc người. Nhà phê bình Thụy Khuê gọi Thoạt kỳ thủy là một bài thơ dài đẫm máu và nước mắt, đẫm tang thương và huyễn mộng. Và hẳn nhiều người bị ám bởi những câu văn tựa hồ câu thơ kiểu như “Mắt chó vàng như trăng”.

Chất thơ trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương còn được gia bồi thêm bởi những văn bản thơ xen chêm vào giữa văn bản tiểu thuyết. Cách làm này không phải là mới, không phải là cách làm riêng của Nguyễn Bình Phương, nhưng phải nói là những tệp thơ được đính kèm vào các tiểu thuyết của nhà văn đã tạo được hiệu ứng thẩm mỹ đặc biệt. Những lời thơ không báo trước, cứ đột vang lên, như vọng ra từ vô thức, từ ẩn ức, từ giấc mơ, như vọng về từ tiền kiếp, từ hồng hoang, cứ u u minh minh…, tạo nên độ dư dôi dư ba đa bội ám gợi cho tác phẩm.

4. Một ví dụ xoàng không vượt được tác phẩm đỉnh cao của Nguyễn Bình Phương là Mình và h, cũng không vượt được những tác phẩm đầy đặn dày dặn tinh nhuyễn của ông như là Người đi vắng. Tuy nhiên, đây vẫn là tác phẩm rất đáng đọc, thể hiện phẩm chất chuyên nghiệp của tác giả, ở sự nỗ lực kích gọi và duy trì văn hứng, và đặc biệt là ở sự công phu tu từ. Đáng nói là, tất thảy những nỗ lực dụng công của một “phu chữ” đã được phi tang; hiển thị sinh động nơi hơn hai trăm trang sách là những đường bút điềm tĩnh tự nhiên như không của một nghệ sĩ ngôn từ.

Hấp lực của Một ví dụ xoàng nằm ở giọng kể bạo liệt mà tinh tế, ở bầu không khí quấn quyện mê dụ của truyện kể, ở khả năng liên thông xuyên thấm giữa ngôn ngữ và đời sống, ở những chi tiết, những nhận xét, những quan sát ngắn gọn bất ngờ, ở những hình ảnh so sánh đắt, ở những triết lý vụn nhưng độc, ở năng lực vén màn phơi lộ bản diện khác/ cuộc đời khác của các nhân vật để từ đó phơi lộ những lát cắt khác của cuộc sống… Và ở cốt truyện. Nhà văn duy trì sự lôi cuốn hấp dẫn và giữ chặt người đọc vào câu chuyện. Gần đây, nhiều người cho rằng với tiểu thuyết thì nội dung kể không quan trọng bằng cách kể. Nhưng với Một ví dụ xoàng, Nguyễn Bình Phương thêm lần nữa củng cố xác tín, rằng nhất thiết cần một câu chuyện hấp dẫn xuyên suốt cuốn tiểu thuyết. Đến đây tôi lại nhớ tác giả của Những đứa trẻ lúc nửa đêm có lần nói, rằng nếu muốn viết một cuốn sách dài thì phải có một cốt truyện làm động cơ. Cũng như muốn có một ô tô khỏe thì cần có một chiếc động cơ lớn. Nếu chiếc xe to mà động cơ nhỏ, thì anh chẳng đi được bao xa. Hay nói cách khác là, muốn kể chuyện hay thì trước hết tiểu thuyết gia phải có câu chuyện hay để kể.

Theo Hoàng Đăng Khoa/Văn Nghệ Thái Nguyên