Trương Tri – Mùa tựu trường nhớ mẹ

508

15.11.2017-21:30

 Nhà văn Trương Tri

 

Mùa tựu trường nhớ mẹ

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG TRI

 

1.

NVTPHCM- Mỗi lần hồi tưởng về quê hương, về tuổi thơ, nhớ thời học sinh vô vàn khó khăn; nhưng thơ mộng như lời mở đầu trong bài Tôi đi học của nhà thơ Thanh Tịnh: “Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm mênh mang của buổi tựu trường”. Riêng chúng tôi có gần nửa tá mùa tựu trường trắc trở; mà tấc lòng đầy ắp những niềm tự hào, luôn nỗ lực vượt qua hoàn cảnh gian nan; vượt qua khó khăn vì thời tiết khắc nghiệt bốn mùa. Vượt qua bao trở ngại khách quan khác luôn chực chờ. Và thương nhớ mẹ khôn nguôi; người đồng hành với bác Thanh Tịnh, đồng hành với chúng ta qua những mùa tựu trường ấy.  

    

Ngày khai giảng đầu tiên vào lớp năm đầu cấp ở trường quê, chúng tôi vô cùng rạo rực; dù lớp học mái tranh vách nứa, nền đất gồ ghề. Tôi và một bạn đàn anh bị đuổi ra khỏi lớp, ngay buổi sáng nhập học, vì giấy khai sanh chúng tôi bị bão lũ cuốn trôi trước đó mấy ngày; khi cần nộp để đăng ký đầu cấp với nhà trường. Chỉ có đơn xin nhập học và giấy cớ mất khai sanh, chưa có chánh quyền đóng dấu xác nhận. Thực ra, mẹ anh bạn lớn tuổi ấy đã cậy người rành chữ nghĩa, viết đơn cớ mất giấy tờ từ hôm bão tan; mà ông viết hộ làm rề rề vì mặc cả chưa xong. Ông ta đòi mẹ anh ấy sanh hộ một thằng đực như chúng tôi vậy. Tôi còn nhỏ dại chưa rành, nói điêu:

  

– Dễ ợt như ăn ớt, vèo cái xong.

   

– Sanh đực chẳng đặng như mấy cô kia, ắt phải tự cõng; rồi gắng mà làm lại.

   

– Ta đực thì em ta cũng đực thôi.

   

– Nếu đực thì thương mẹ ta khốn khổ tự nuôi, ta nghĩ học phụ mẹ cõng cái em đó.

   

Tôi đực mặt ra, im hin mà chợt hiểu rằng mình chẳng biết đếch chi, chẳng thương mẹ gì cả. Có lẻ vấp khó khăn quá to tát, vì lo cho con được đến trường; ngoài cái áo quần sách bút mới rất hao tốn; mẹ các bạn và mẹ tôi hơi biết chữ, phải tự nguệch ngoạc lá đơn cớ mất to kềnh đó. Mang đơn nộp cho quan hộ lại, chỉ tiếp riêng từng bậc cha mẹ một. Hình như nhiều bậc phải xì hào ra thì chóng vánh lắm. Và mẹ chúng tôi lại vấp phải vụ “đực” to kềnh như trên, như cậy ông rành viết hộ vậy. Những bà mẹ tránh né bằng việc bấm bụng văng đồng hào ra chạy cho trơn. Nên chúng tôi không được nhập học từ đầu năm. Mất gần hai tuần mới hoàn thành thủ tục nhập hoc… tạm; chờ làm lại giấy thế vì khai sanh. Trong lúc học tạm, chúng tôi ngơ ngác như vịt nghe sấm, chưa theo kịp các bạn; vừa nhờ các bạn học khá ở gần nhà chỉ lại bài cũ. Như là cái huông, đường học vấn gian nan từ buổi ban đầu.

   

2.

Mùa tựu trường năm sau lên lớp tư, chúng tôi hí hửng hơn năm trước; vì không chạy hồ sơ, mẹ chúng tôi không sợ vấp vụ “đực”như năm ngoái. Lớp tôi là đàn anh sẽ lên học ở trường ngói, vách xây nền xi măng. Chúng tôi được xếp hàng trước cửa phòng ấy rồi; mà khi vào lớp, bạn lớp trưởng đi đầu dẫn cả lớp vào phòng học cũ, vách thưng mái lá đã xuống cấp, xơ xác hơn năm ngoái. Niềm vui tựu trường bời bời méo xệch đôi môi. Thôi thì gắng học giỏi được lên lớp. Trường ngói vách xây ơi, hẹn sang năm lớp ba nhé. Trước đây trường có năm phòng năm lớp, lớp đầu cấp học trường tranh thưng. Sau đó dựng thêm một phòng tranh thưng của hai lớp đầu cấp. Phòng tranh thưng mới dựng lớn hơn, dành cho lớp đầu cấp đàn em chúng tôi, đông hơn. Ba lớp cuối cấp học trường ngói vách xây. Phòng mái ngói vách xây xa nhất là phòng giám hiệu và sinh hoạt giáo viên. Phòng giám hiệu ấy bài trí sang trọng, hài hòa, bắt mắt; chúng tôi nghe tin hành lang như thế. Chánh quyền, cha mẹ và học sinh đến gần phòng nầy thường lễ phép cúi đầu, như gặp quý thầy cô ngoài đường vậy. Học trò không thuộc bài và phạm lỗi nhiều lần, được vào quỳ ở đây, lưng thẳng, vòng tay bắt ấn nhị muội chống ngủ gật, không cúi đầu, oách ra phết.

   

Bị phạt cũng cần tìm chỗ hay ho nhất để chịu phạt cho xứng, cho oai. Trừ phi rớt ấn nhị muội, ngủ gật no say. Ấn nhị muội là tên gọi trào lộng mà hợp lý nhằm chống ngủ gật; là móc hai đầu ngón tay trỏ và ngón tay giữa của một bàn tay với nhau, cong căng ngón tay tạo nên một khe giữa hai ngón tay ấy càng lớn càng tốt. Hai bàn tay đều bắt ấn nhị muội thế; rồi vòng tay như rất lễ phép, kẹp hai ấn nhị muội ấy vào nách; giữ ấn không buông thì không bị ngủ gật. Dù vẫn học lớp tranh thưng ruồng cũ hơn xưa; đưa đầu trần bé thơ đội mưa nắng đến trường gian nan dài ngày tháng. Lâu lâu bị thầy cô gí roi vào mặt, phết roi lên mông nõn muốn nứt làm đôi, chúng tôi vẫn đả lắm:

   

– Đi học sướng quá, mà thương mẹ vất vả; muốn đi chăn trâu cả năm kiếm lúa phụ mẹ. Chăn bò phiên mướn chẳng đặng bao nhiêu.

   

Nhưng anh bạn lớn tuổi lầm thầm vào tai tôi về việc khác, cũ rích mà rất hay, rất cảm động lăn dài đôi dòng lệ ứa, mặn chát đôi môi thơ dại:

   

– Thương mẹ cắn răng chịu đựng và hao mớ bạc trắng còm hiếm hoi lận lưng. Nếu không, ta phải nghỉ học, ở nhà phụ mẹ cõng em mới sanh, để mẹ rảnh tay buôn bưng bán mẹt, lặn lội thân cò hiu hắt quanh năm.

   

– Các cô các dì bảo cái vòng lẫn quẩn, tui chẳng hiểu.

   

– Mầy lớn bằng tao khắc biết.

  

Tôi hoang mang, thực sự hoang mang và hơi lêu lổng: “Bằng anh ấy, mình có khắc biết hay không”. Chiều về nhà, thấy mẹ tất bật trăm công ngàn việc không tên, chẳng ngơi tay mà không sai cậy gì; để tôi cứ ăn no chơi đổng, học hành như mọi ngày. Việc anh bạn nói, tôi chưa hiểu nhưng không hoang mang nữa; vì tôi thương mẹ quá, mẹ hy sinh tất thảy cho tôi. Tôi lóng ngóng vài phút, không biết mình đã thực lòng thương yêu mẹ chưa. Tự dưng như có phép mầu, như có sức mạnh siêu nhiên điều khiển tay chân tôi, làm những việc kỳ lạ lần đầu trong đời. Tôi cởi áo quần chỉ còn mặc cái tà lỏn úa, chân trần buông dép trên nền đất lèn chặt; không sang nhà bạn chơi hoặc ra hóng ngõ như lệ thường. Tôi xuống bếp dọn mâm bát, phụ mẹ, mời bà dùng cơm tối. Xong, thừa thắng xông lên, tôi tập dọn dẹp rửa bát đĩa. Khó thật, chén bát va nhau kêu loảng xoảng rất to; những cái va nhau phát tiếng kêu nhỏ thì… mẽ cạnh, sứt vành. May quá, đã tình cờ dọn cơm tối toàn đồ cũ, sứt mẽ mấy cái cũng không sao. Và năm học trôi qua chóng vánh, bắt nhịp ngày càng tốt hơn.

   

3.

Rồi mùa tựu trường vào lớp ba tới gần lắm, chỉ còn vài ngày thôi. Chúng tôi vẫn rạo rực như xưa, nhưng không còn hí hửng nữa. Kéo nhau vào trường ngắm nghía xem, còn bị học tiếp một năm trường tranh nữa không; lớp tôi chắc mẩm lên học trường ngói rồi. Về nhà chạy rông ngày cuối hè tuyệt cú mèo; không quên phụ mẹ ngày càng được nhiều công việc hơn. Và chuẩn bị sách bút, rồi theo mẹ về quê ngoại thăm chơi. Đêm ấy nằm trong nhà ngoại mà không ngủ đặng bao nhiêu; mấy mẹ con trùm áo bạt chống dột; ngoài trời ầm ào mưa to gió lớn. Chiều hôm sau quay lại nhà, tối ngủ bù thẳng cẳng một giấc thật no đôi mắt láu liếng; mai dậy sớm tựu trường mùa thứ ba. Sáng banh mắt đã dậy vác bị lác sách vở đến trường dự lễ khai giảng.

   

Để thể hiện tình thương yêu mẹ, ra cửa còn dặn mẹ cố gắng ngơi tay một buổi, diện áo dài quần trắng thật đẹp; đến trường dự lễ và tự hào ngắm chúng con được vào học trường ngói; nhường hai phòng tranh thưng cho các lớp đàn em. Tôi đi nửa đường mà nao nức trong lòng, hình như mình đến trường sớm nhất; dù trời bắt đầu chuyển mây mù đôi ba hạt. Chạy nhanh như gió vào trường ngói trú mưa, rồi ăn củ khoai nướng tro rơm, vừa chờ các bạn tới. Nhưng ôi thôi, tôi đứng trong phòng học vách xây, bị ướt như đi bên ngoài mưa to gió giạt vậy. Nhìn trước, cửa kính không còn; nhìn sau, cửa sổ bung mất. Nhìn xuống sàn ướt nhẻm; nhìn lên mái ngói còn trơ xương.

   

Tôi đành quay lại phòng học tranh thưng trú mưa, ngắm nhìn quanh sân lác đác ngói vụn. Sát vách sau trường, từng chồng ngói vỡ xếp ngăn nắp mà hơi ngổn ngang, xiêu vẹo. Sáng nao nức đến trường khai giảng, sau kỳ nghỉ hè dài; quên ngắm mây ngắm trời, phóng vèo đến trường không mang áo mưa. Giờ trú mưa ở đây, mẹ không biết trường hư cứ tới dự khai giảng; thì thương bộ áo quần đẹp của mẹ nhiều lắm. Nếu chạy về nhà báo mẹ, sẽ ướt hết áo quần và sách vở mới. Tôi bùi ngùi đôi dòng lệ ngọc trẻ thơ, nhìn màn mưa nhìn mái trường trơ xương, thương xót xa mùa tựu trường thứ ba đỗ sầm bên chân tường xây, đỗ sầm trong cõi lòng thơ dại. Và thương yêu mẹ tôi vô bờ, mẹ đã đồng hành, đã rạo rực cùng con chờ đợi ngày tựu trường:

 

        “Vài ba ngày xa   

        Sớm mơi trở lại

        Mẹ yêu thương ơi

        Trường xưa hoang phế tự bao giờ

        Im lắng nghe tấc lòng tê tái   

        Bên những phiến ngói buồn   

        lặng lẽ bơ vơ”!

   

Năm đó nhập học chậm nhằm sớm mai trời mưa to, không tổ chức lễ khai giảng; chỉ chào cờ theo từng lớp. Sau một tuần lợp lại mái; mái trước lợp tôn khá đẹp, mái sau lợp tranh vì thiếu tôn. Thế đó, giấc mơ hoa về ngôi trường ngói chỉ có vách xây là có vẻ trường học; và ngày tựu trường coi như… Phòng học này rất nóng, nhưng trời mưa thì ồn, thầy giảng bài thét khan tiếng, các học trò vẫn không nghe, không biết thầy nói gì. Có lẻ các bạn ngồi bàn đầu giả đò không nghe cũng nên, và thầy viết lên bảng cho tự học. Bạn nào quen học với người thầy thứ hai – sách – thì học tốt, đa số các bạn khác quen nghe thầy giảng giải, hiểu bài mới học được thì rất khó khăn. Thế là chê trường tranh thưng, mơ trường xây; bi giờ trường xây thua trường tranh. Ngồi trong lớp mơ về trường tranh thưng thân yêu năm ngoái năm xưa đâu rồi. Trong vô vàn khó khăn như vậy, chúng tôi cố gắng học tốt nhất, không phụ lòng thầy cô gào giảng khan cả giọng. Không phụ lòng yêu thương vô bờ và sự vất vả của cha mẹ dành cho chúng tôi. Ngoài giờ học, chúng tôi kiếm củi hái rau, nhặt lúa nhặt khoai sót, cắt rạ phơi thóc, bắt cá bẫy chim kiếm cái ăn phụ mẹ. Một số chúng tôi đi chăn bò phiên kiếm thêm ít gạo. Niềm say mê bao công việc có ích không tên; sự chuyên cần học tập làm cho ngày tháng trôi mau ngoài hiên mái rạ.

   

4.

Mùa tựu trường thứ tư vào lớp nhì của chúng tôi, còn buồn và bi đát hơn. Sau vài ba cơn bão lũ lớn liên tiếp cuối mùa hè, “tháng bảy nước nhảy lên bờ”, tháng âm lịch. Không bão lũ thì mới đáng lo ngại bội phần các bạn ạ; nhưng bão lũ năm nay khủng khiếp quá, nhiều sổ sách giấy má ở trường và ở nhà trôi mất sạch, theo đồ đạc gia dụng và gia cầm. Một số ngôi nhà cũng bị ngài Thủy Tinh cuốn trôi về phá Tam Giang. Lòng tràn ngập bao niềm hân hoan chờ mùa tựu trường, nhưng ngày khai giảng nước nổi mênh mông, nhấn chìm tất cả.

   

Năm ngoái khai giảng trễ một tuần. Năm nay thầy cô về sớm để làm chủ tình hình. Nhưng sân trường và phòng học ngập nước hơn hai tuần mới rút. Học trò và một số cha mẹ làm vệ sinh, dọn bùn rác, xác chết gia cầm, lau rữa sàn và bàn ghế gần ba ngày. Mẹ anh bạn lớn và mẹ tôi tích cực nhất, làm đủ ba ngày, không khéo còn dư vì đi sớm về muộn hơn. Nhiều cô ế chồng, goá bụa, vài anh trẻ trung vào trường đứng chống nạnh chẳng làm việc chi. Mãi ngắm no say các thầy giáo đẹp trai, các cô giáo xinh tươi như mộng; áo quần tinh tươm, không nhếch nhác như dân quê mình. Khai giảng trễ gần ba tuần, thầy trò cùng cắm đầu chạy đua với thời gian, cho kịp chương trình học kỳ một hoàn tất trước tết. Thôi thì nghỉ tết sẽ tự học bù, khắc phục những chỗ học lướt, vì đề thi vào trung học nhất cấp thường liên quan kiến thức các năm cuối tiểu học. Thầy cô và các anh chị lớp trên nói như thế.

   

Nghỉ tết xong, chúng tôi trở lại trường lớp. Nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt của quê hương, hơn một năm trời, thuận tiện lúc nào thầy cô về dạy lúc đó; không tính đến tuần thứ mấy, học kỳ nào theo chương trình. Không lưu ý đến sự hào hứng về mùa tựu trường; không có ngày khai giảng để rạo rực nữa. Chỉ có cha mẹ chúng tôi là vẫn tất bật như xưa, vẫn lam lủ với mưa nắng gió bão bốn mùa có dư, để lo cho con ăn mặc học hành: “Học sinh là phần rất quan trọng của tương lai đất nước”. Nhưng chúng tôi thì học bữa đực bữa cái, chữ được chữ mất…, mà gần như vẫn bình chân như vại. Một số học sinh có điều kiện, rời quê đi học trường quận, trường phố, trường tỉnh khác, có thể đi xa hơn ngàn dặm. Một số ở lại trường quê, thêm chữ nào hay chữ ấy. Lớp chúng tôi và các lớp trước, cơ bản xong tiểu học. Các lớp sau ở lại quê nhà , đành dở dang sự nghiệp đèn sách mấy năm trời.    

   

Quý Sơ, quý Sư tập trung các bạn vào nhà Lễ, ngày hai buổi dạy học như ở trường, để khỏi đi rông phá phách xuyên quê, xuyên ngày tháng. Các lớp ngồi chung một phòng, học để phát triển trí tuệ, không cấp học bạ. Nhiều bạn cần học bạ thôi, không khoái kiến thức lý thuyết; tự nghỉ học tiếp tục đi rông… Khi khôn lớn trưởng thành, một số anh chị và các bạn đỗ đạt thành tài. Đa số còn lại, may mắn trở thành người lao động chân chính, người dân lương thiện; chung tay xây dựng quê hương. Làm hài lòng những người cha, đặc biệt là những bà mẹ, một phần hài lòng ba phần lo lắng; cả đời gian lao và tận tụy lo toan cho các con yêu thương. Luôn đồng hành với các con, những năm dài ấu thơ qua thời niên thiếu; học hành pha ngày tháng rong chơi.

   

Giờ chúng tôi không còn trẻ nữa, hoài niệm về những mùa tựu trường; về thời thơ ấu gian nan mà tuyệt đẹp. Nhớ ngôi trường xưa giờ không còn nơi ấy nữa; nhớ những người bạn nhỏ chân quê; nhớ mênh mang ơn thầy cô tận tâm giáo dục chúng tôi nên người. Nhớ lắm những người mẹ lưng còng, mấy mươi năm gồng gánh chốn trần gian; nhớ thương day diết các bà mẹ lam lũ siêu nhiên mãi cõi vĩnh hằng bất diệt!

 

CÙNG MỘT TÁC GIẢ:

 

>> Phép mầu từ chiếc nhẫn

>> Người mẹ đơn thân

>> Vu lan bồn dâng mẹ

>> Biển – cô gái phương Đông

>> Ánh trăng nghiêng bờ vai

>> Buông câu tuổi thơ 

>> Về bước mẹ long đong

>> Tung mẻ lưới từng đêm

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…