Trương Văn Tuấn – Người chạy theo người

1700

16.10.2017-21:30

Nhà văn trẻ Trương Văn Tuấn

 

>> Người quên tên mình

>> Úp mặt

 

Người chạy theo người

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG VĂN TUẤN

 

1.

NVTPHCM- Đó là một buổi chiều hơi hơi giống bao buổi chiều khác. Phúc đi đến trước cổng nhà Thủy, đứng đợi cô quay mặt ra, đợi cô bắt gặp ánh mắt chất chứa yêu thương của anh.

 

Nhưng đã không thế. Thậm chí Thủy miễn nhiễm đối với mọi thứ xung quanh, cô chỉ cảm nhận được tiếng kinh cầu dìu dịu phát ra từ máy cát sét cũ đang dập dềnh ôm ấp vỗ về cô.

 

Phúc đứng trong vài phút thì nghĩ cách này vô dụng quá, anh quyết định nhặt một viên đá nhỏ ném vào cửa nhà. Viên đá đó, cửa đó, khi va nhau chắc là âm thanh sẽ rõ to lắm, Thủy sẽ quay lại. Nhưng không nhằm nhò gì.

 

Phúc ném thêm lần nữa. Tư thế ngồi của Thủy vẫn không đổi dời.

 

Phúc tuyệt đối không nghe thấy tiếng kinh cầu, nên chẳng hiểu vì sao Thủy không nhìn mình. Phúc cũng không thể cất tiếng gọi Thủy ơi. Phúc chỉ có viên đá để ném vào cửa và chuẩn bị sẵn một ánh nhìn nhớ thương.

 

Nhưng không ăn thua gì thì thôi. Đi về.

 

Hai năm trước Thủy rời quê, Phúc chẳng biết trước để tiễn đưa. Cô thẹn thò ra bờ sông, móc cục đất ném cái bủm xuống sông. Thấy nước bắn tung tóe lên trước mắt, Phúc ngước mặt lên nở cái cười đẹp đến mức nước sông cũng giật mình đứng chựng lại.

 

Phúc quẫy chèo ba cái là ghe đã vào đến bờ. Thủy cũng kịp ghi xong mấy chữ lên đống cát cạnh bên.

 

“Em đi may. Anh ở nhà mạnh khỏe”. Phúc làm động tác gì đó, bàn tay quơ quơ, đưa ra xa rồi đưa lại gần.

 

Chẳng rõ Phúc nói gì, Thủy lừng khừng rồi mạnh dạn nhép miệng từng tiếng: “Mai – em – đi. Đi – một – năm – thôi”.

 

Phúc im lặng, cười cười. Thủy vẫy vẫy tay rồi quay đi. Họ chỉ là những người dưng thi thoảng gặp nhau ngoài chợ, từng mỉm cười chào nhau, thành ra giờ đi xa nói với nhau thế đã là quá nhiều.

 

Phúc muốn nhặt thứ gì đó ném theo, nhưng khi Thủy quay lại thì sao nữa? Thủy sẽ nhìn vào mắt anh, nhưng anh không tin đôi mắt mình đủ khả năng sáng lên rõ ràng những lời cần bày tỏ. Đành thôi vậy.

 

Thủy có một năm trời tăng ca liên tục, không mua sắm, ăn uống kham khổ, tháng lẻ thì lãnh tiền, tháng chẵn ký gửi. Tết năm đó có lẽ Thủy là cô gái hạnh phúc nhất trần đời. Rời nhà trọ lúc 29 tết, chiếc ba lô trên vai Thủy chỉ có một bộ quần áo cùng ba mươi triệu đồng. Ba mươi triệu, có thể trồng răng cho mẹ, có thể sửa nhà trên. Và tha hồ sắm tết. Nếu thêm một năm chăm chỉ thế này, Thủy có thể sửa chỉn chu luôn cả nhà dưới. Rồi ở nhà lấy chồng. Mọi cô gái đều muốn xây cho ba mẹ một căn nhà khang trang trước khi cất bước theo chồng. Một tương lai tươi sáng lung linh như thế hiện ra trước mắt khi Thủy đứng chờ xe đò.

 

Một chiếc xe máy vụt ngang cùng cảm giác bị giật mạnh rồi mọi thứ nhẹ hửng trên vai Thủy. Đó là giật đồ – Thủy không quá ngu ngơ, cô kịp nhận định được tình huống. Cô lao người theo, cô hét, cô kêu cứu. Bên lề đường có mấy cái ghế cũ, mấy vật dụng đã hỏng được người dân mang ra vứt đó khi dọn nhà đón tết, Thủy nhặt lên vừa chạy vừa ném theo hai gã thanh niên đang ngồi trên xe máy. Cô biết trên tay hắn là công sức lao động của mình, là răng của má, là một nửa căn nhà tường… nên cô không từ bỏ. Cô nhảy ngang cái ghế nhựa của quán cóc, cô lách ngang hai chiếc xe máy đang dựng trên vỉa hè.

 

Chiếc xe máy ngoặt vào hẻm. Cô uốn người lượn theo. Một người phụ nữ ở đầu hẻm nhảy ra, nắm chặt hai vai cô lắc mạnh:

 

– Sao vậy con? Con bị mất cái gì? Con bị gì?

– Tiền… Tiền…

– Nhiều không?… Nhiều không con?…

 

Khi người phụ nữ buông vai cô ra cũng là lúc chiếc xe máy mất hút.

 

– Bà mẹ cái con mẹ đó… – Ông chủ nhà trọ nghe xong thì vừa chửi thề vừa nguyền rủa con mụ đồng bọn đã níu chân Thủy lại.

 

Cô hàng bún riêu đầu hẻm dù chưa lần nào bán được một tô bún cho Thủy nhưng nghe tin buồn cũng ân cần vào thăm, hỏi han tình hình. Chú chạy ba gác bên kia đường cũng ghé lại động viên. Rồi báo chí lần lượt kéo đến khu nhà trọ công nhân vắng tanh để đưa tin về cô gái đáng thương ngày 30 tết còn chưa được về nhà.

 

Ai đến cũng kêu Thủy kể lại chi tiết vụ việc, lúc đó mấy giờ, Thủy đứng đâu, hai gã đó ra sao, có ai giúp không, sao lại mang quá nhiều tiền mặt trong người, sao không làm thẻ ATM, cảm nghĩ của Thủy lúc này là gì… Thủy kể một lần, rồi hai lần, rồi ba lần…

 

Cô chuyển từ buồn sang vô cảm, rồi tự trách. Hóa ra là do mình không cẩn thận. Do mình không quyết liệt. Hóa ra là do mình ngốc nghếch không dùng thẻ ATM.

 

Rồi cô thấy nhục, cô không dám nhìn mặt ai hết. Cô cầm ít tiền vừa được tặng rồi lặng lẽ về quê. Thủy kể chuyện mình bị giật đồ bằng giọng thì thầm cho mẹ cùng những lời xin lỗi trong đau đớn, rồi cô trốn miết trong nhà. Nhưng người ta cũng đã biết hết rồi. Người ta có đọc báo. Người ta liên tục tới thăm, cô lại thấy nhục xuyên suốt, không thôi tự trách bản thân. Cô không dám nhìn vào hàm răng của mẹ, không dám đưa tay chạm vào vách nhà đã cũ sợ nghe tiếng vách thở dài thất vọng. Cô cố né tránh tất cả những lời hỏi thăm. Nhưng sống giữa tình làng nghĩa xóm, người ta thật khó có cơ hội quên đi những chuyện buồn.

 

Phúc hầu như không biết mọi diễn biến đó. Rằm tháng giêng, sau khi bày con vịt luộc cùng mấy thứ đồ cúng lên cái bè chuối, khấn vái rồi thả trôi sông, anh nằm ngửa mặt nhìn trăng. Con sóng lăn tăn vỗ lập bập vào mạn ghe, nhưng dĩ nhiên anh không nghe thấy âm thanh đó.

 

Cách anh chừng trăm mét là cây cầu sắt cong vút, như vẽ theo hướng bay của con cá háu ăn nào đó liều mạng nhảy lên đớp ánh trăng trên cao nhưng hụt mất và rơi ầm trở lại dòng nước. Trên đỉnh cầu Thủy đứng dang tay bất động đón gió. Chỉ khoảnh khắc này cô mới thấy lòng thanh thản, yên bình đến lạ. Cô muốn mọi thứ dừng lại ở đây, ở tuyệt đỉnh yên bình và thanh thản. Thủy nghiêng người và nhanh chóng đáp xuống mặt nước mát rười rượi. Tiếng tiếp nước của cô nghe lanh lảnh, nhưng vô hiệu với Phúc.

 

Chỉ có người dân bên cầu và các ghe thuyền khác chú ý. Và cũng bởi những nhiệt tâm của tình người, Thủy được mang trở lên bờ.

 

Phúc mải miết ngắm trăng, bỏ mặc cả thế giới ồn ào la hét, rộn ràng cấp cứu ở cách mình khá gần.

 

Mùa xuân là mùa chết của người già – chẳng hiểu sao, những ngày tết người già hay nắm tay nhau cùng đi xa. Tiếng kinh cầu siêu len lách trong những xóm vắng. Thủy bừng tỉnh: Hóa ra trên đời này có thứ âm thanh dễ chịu đến vậy, chẳng rõ nội dung, mục đích, thể loại gì, nhưng nó làm lòng Thủy thanh thản đến lạ thường.

 

Chuyện Thủy gieo mình xuống sông được thằng Mập dùng thủ ngữ kể lại cho Phúc nghe. Nhưng có lẽ hơi muộn, Phúc liều lĩnh sang nhà Thủy khi cô đã được tiếng kinh cầu bảo bọc, chở che. Anh lặng lẽ đến rồi lặng lẽ ra về.

 

2.

Từ ngày Thủy đi thành phố làm công nhân may, Phúc hay sang bên xã này ngồi đồng ở những quán cà phê. Người ở chợ được dịp nhìn thấy Phúc mỗi ngày. Và chị giật mình nhớ ra: Trời ạ, cách đây vài trăm mét còn có thằng con trai tên Phúc, chỉ nhỏ hơn mình có 3 tuổi thôi.

 

Chị, hồi 20 tuổi, chị chê gã này xấu, tên kia lười, thằng nọ côn đồ. Giờ 30 tuổi, chị thấy đàn ông đa phần là tốt, nhưng cả thiên hạ chê chị già.

 

Cái lần đầu tiên nhớ ra sự tồn tại của Phúc, lòng chị có thứ gì đó nở ra tràn trề, ép cả tim cả phổi, làm chị vừa run rẩy tay chân vừa hân hoan.

 

Từ đó chị bắt đầu nghiện cà phê. Mỗi ngày hai lần chị vào quán mua cà phê mang về. Có hôm chị thấy nóng bức trong người, bao tử xót xa nhưng vẫn cứ đi mua cà phê đúng 9 giờ sáng và 2 giờ chiều.

 

Thằng Mập mở tủ lạnh ra thì thấy bốn ly cà phê cũ, mới đứng xếp hàng trong đó.

 

– Tao quên – chị vừa nói vừa lấy từng ly bỏ vô thùng rác.

 

Thằng Mập đi được vài bước rồi quay lại cười cười:

 

– Biết rồi nghen!

 

Chị lườm thằng Mập rồi ra vẻ hững hờ, thậm chí có chút khinh khi:

 

– Lảm nhảm gì vậy!

 

Phúc luôn là người hiền nhất bàn nhậu, anh chỉ ngồi nhìn mọi người với ánh mắt sáng rực, hân hoan. Ai nói gì anh cũng cười. Ai đưa rượu anh cũng uống.

 

Chị nhìn Phúc ngửa mặt, nốc từng ngụm, mà thấy xót xa như thể rượu từ cổ anh đang chảy vào bụng chị.

 

Thằng Mập vẫn léo nhéo động viên:

 

– Để em nói giùm, nha – Thằng nhóc đã nói đi nói lại câu này cả trăm lần.

– Bậy bạ! – Chị vừa quát vừa cười tè le.

 

– Không thì nhắn tin. Đây, số điện thoại đây…

– Kỳ cục! – Chị vừa quát vừa ngồi yên để Mập lưu số của Phúc vào máy mình.

 

Nhưng cái tin nhắn mà chị gửi đi sẽ là bằng chứng để thiên hạ biết chị đi rủ rê người ta về cùng một nhà. Nếu ai cầm được điện thoại của Phúc sẽ đứng giữa chợ la làng lên: Tất cả mọi người trên thế giới ra mà xem…

 

Nhục lắm! Nhục chết! Không được.

 

Phải làm sao để không còn chứng cứ? Ghi giấy! Mình sẽ chìa tờ giấy ra cho hắn xem, nếu hắn lắc đầu mình sẽ nhai nuốt tờ giấy ấy, sẽ không ai biết chuyện này.

 

Chị phải mất nhiều ngày mới viết xong một mặt giấy – chị cân nhắc nhiều điều, viết sao cho rõ ràng, dễ hiểu, phải làm sao để đối phương xúc động, nhưng cũng viết sao để khi đối phương từ chối thì chị vẫn giữ được cái tự trọng của tuổi 30.

 

Chị đứng chờ Phúc ở trước cửa nhà.

 

Và hôm ấy Thủy về, đi ngang nhà chị. Ít phút sau, anh cũng đi ngang, miệng cười tủm tỉm.

 

Phúc vốn có ý với Thủy – nhóc Mập từng nói với chị về việc này.

Chị không nuốt mảnh giấy, nhưng vội vàng mang đi đốt.

 

Không ai đành lòng giật Phúc khỏi tay một cô gái vừa bị giật mất tiền mồ hôi nước mắt. Chị có sang thăm Thủy và bị lây cái nét rầu rầu lười nói của cô ấy.

 

Phúc vẫn ra quán cà phê ngồi, mắt hấp háy những niềm riêng. Chị thôi uống cà phê mỗi ngày, nhưng thi thoảng vẫn quen chân nên có ra quán một chút rồi về.

 

3.

Thủy sẽ đi tu, cùng mẹ vào sống hẳn trong chùa luôn.

 

Với Thủy, Phúc tự thấy mình chỉ là người quen, từng gặp từng chào nhau. Hai bên có hứa hẹn gì đâu. Với những ngày tồi tệ của Thủy, Phúc cũng chẳng biết để kịp thời an ủi nữa là. Nên Phúc không có quyền gì để chạy đến đập cửa nhà Thủy cản ngăn.

 

Thằng Mập cũng đi, hắn chuyển trường lên Sài Gòn học. Hắn giàu có, tài giỏi và đẹp – tên “Mập” chỉ là cách người ta gọi thế thôi, hắn có khuôn mặt thanh tú, dáng manh mảnh như sao Hàn. Cái ao làng này không đủ cho hắn vẫy vùng.

 

– Tạm biệt chị, mai em đi. Có buồn thì gọi cho em.

 

Thủy đi vào một ngày nắng như thể muốn làm nứt đầu người ta. Phúc ngồi nhậu dưới nắng đến tận 5 giờ chiều, khi con nước bắt đầu cuồn cuộn chảy vào sông thì đứng dậy lảo đảo ra về.

 

Trông Phúc tệ hại hơn bao giờ hết. Chị nóng lòng bước theo sau. Chị muốn bước lên chạm vai anh nhưng lại ngập ngừng.

 

Chị chạy ngược vào nhà tìm điện thoại để soạn ra những lời cần nói. Ôi, màn hình đã tắt ngúm. Hôm nay là chủ nhật, điện cúp từ sáng đến giờ.

 

Chị chạy trở ra lộ thì Phúc đã lây lất đến bến ghe.

– Xỉn như vậy làm sao mà thả lưới…

 

Chị kêu lên khe khẽ, nhưng dù có hét lên cho cả thế giới nghe thì Phúc cũng không nghe được.

 

Phúc đã mở được dây buộc và bung ghe ra giữa dòng nước chảy mạnh. Anh vừa chạm tay vào mái chèo thì người đã ngã đùng xuống ván lót, thở phì phò.

 

– Đừng đi, nguy hiểm lắm…

 

Chị nhặt viên gạch vừa ném theo vừa gọi lớn. Nước bắn tung tóe lên nhưng Phúc không nhìn thấy.

 

Chị ném thêm hai lượt nữa nhưng chiếc ghe đã trôi xa dần, Phúc lăn lộn vẻ như đang đau đầu và buồn ói lắm – vì nắng vì rượu.

 

Chị chạy ngược ra chợ. Phải tìm Mập. “Chuyến năm giờ”, nhưng biết đâu xe đò có thể trễ. Chỉ có Mập mới giúp chị gửi đến anh vô vàn những lời cần nói.

 

Ông trời giúp chị! Xe đò đúng là đã trễ thật. Bác tài xế vừa đạp chân ga đã nghe tiếng chị đập cửa hông. Chị vẫy thằng Mập bước xuống rồi nắm tay nó lôi đi thật nhanh.

 

– An tâm, anh Phúc mạnh đô lắm mà! – Thằng nhóc chần chừ không muốn đi.

– Nhưng hôm nay ổng buồn, ổng nhậu nhiều.

 

Thằng nhóc nghe vậy cũng bắt đầu lo, nhanh chân chạy theo chị.

 

Hai người chạy tắt ra bờ sông, hy vọng tốc độ trên đất liền của mình sẽ nhanh hơn tốc độ của dòng chảy, có thể đón đầu Phúc ở một khúc sông khác.

 

Chị mừng đến bật khóc khi thấy Phúc còn nằm ở giữa ghe đang chầm chậm trôi đến. Hú hồn, nếu nãy giờ anh đứng lên và ngã xuống nước thì sức đâu mà tự cứu lấy mình. Chị hổn hển đưa tạy quẹt nước mắt lẫn mồ hôi trên mặt.

 

Thằng nhóc nhặt đất đá ném đùng đùng xuống ghe và xuống dòng nước. Phúc nhận ra nên cố ngồi dậy, tròn mắt nhìn hai người rồi bắt đầu khua mái chèo để tấp ghe vào bờ.

 

Chị nắm ngang cánh tay thằng nhóc:

– Nói giúp chị nha… Nói thật nhiều cho Phúc hiểu lòng chị.

 

Thằng nhóc lắp bắp đôi môi.

– Em…

 

Phúc chuẩn bị bước lên bờ, chị gấp gáp:

– Nói đại đi, chị không ngại đâu.

 

Mặt thằng nhóc bắt đầu tái xanh như thể chuẩn bị tỏ tình cho chính mình.

– Em… Lúc sáng… em đã nói giúp chị rồi.

 

Chị run rẩy thêm:

– …Phúc nói sao?

 

Thằng bé cúi gằm mặt xuống, khe khẽ lắc đầu.

 

Chị chớp chớp đôi mắt mọng nước, rồi nghiêng đầu nhìn xuống đất. Chị thấy mình chới với.

 

Như thể chị là con cá háu ăn liều mình bay lên đớp ánh trăng rồi bị rơi xuống dập mặt trong nước.

 

Như thể chị là cô gái yếu ớt cố đuổi theo và bất chấp hốt bất cứ thứ gì bên đường ném vào hai tên cướp nhưng tốc độ chúng quá nhanh.

 

À, chính xác là chị vừa vo tròn lòng mình ném theo người đàn ông chị thương nhưng tất cả chìm nghỉm.

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Mùa thu vàng rực rỡ – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Má ơi! – Nguyễn Trí

>> Miêu linh – Sương Nguyệt Minh

>> Vé vớt – Nguyễn Quang Thân

>> Người viết bằng Tổ quốc ghi công – Trần Quốc Toàn

>> Những ngày mưa – Nguyễn Minh Ngọc

>> Bức tử hiện tại – Hoà Bình

>> Sương hồng – Lê Minh Khuê

>> Cuộc tìm nhau – Lê Quang Trạng

>> Táo cắn dở – Nguyễn Vũ Hồng Hà

>> Bóng đổ nơi chân sóng – Hoàng Việt Hằng

>> Lặng yên ngưng đọng – Vĩnh Thông

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…