Từ chiều sâu của sự chân thật trong thơ

696

29.11.2017-14:15

 Nhà thơ Trần Thế Tuyển

 

Từ chiều sâu của sự chân thật trong thơ

 

NGUYỄN HIẾU

 

NVTPHCM- Là một người trong nghề viết nên tôi được đồng nghiệp tặng nhiều tác phẩm. Và bất kì cuốn sách nào được tặng tôi đều đọc với nguyên tắc. Sau mười trang cuốn sách không tạo ra sự hấp dẫn cả trong nội dung và phương pháp biểu hiện thì tôi dừng đọc cuốn sách đó. Nhất là thơ. Với trường ca “Phía sau mặt trời” của Trần Thế Tuyển tôi đã đọc một mạch trọn vẹn bảy chương nằm trong 75 trang thơ.

 

Điều gì tạo ra sự cuốn hút ở trường ca này khi nó không được viết bằng  bút pháp cách tân hình thức, hay theo các trường phái thi ca thời thượng đang ồn ào trên văn đàn. Hơn nữa trường ca là thể loại thơ vừa kén người viết và kén cả người đọc. Tố chất đầu tiên của thi sĩ viết trường ca là nội lực trong cảm hứng, và trong bút pháp. Người đọc sẽ rất nhàm chán, thậm chí cảm thấy bị tra tấn bởi những dòng chữ miên man trong sự tùy hứng của cảm xúc chưa đến độ và cả cảm xúc cố tạo. Bởi sự lê thê của những câu thơ nhạt nhòa, gượng gạo và cố kéo khối lượng… May sao “phía sau mặt trời“không hàm chứa những nhược điểm này. 

 

Sự hấp dẫn của tác phẩm của Trần Thế Tuyến chính là sự chân thật của sự mô tả, thể hiện, sự dung dị của những câu thơ khả dĩ đủ mang tải hiện thực,vấn đề nhà thơ cần mô tả, biểu đạt. Nói chính xác. Sự hấp dẫn của “Phía sau mặt trời” là trường ca của một người trong cuộc viết về những gì xẩy ra một cách máu thịt, gần gũi và thường trực với chính tác giả. Trần Thế Tuyển thực sự đau, thực sự buồn thực sự mất mát và cả thực sự vui, mừng, buồn tủi với những sự kiện ông mô tả trong trường ca 7 chương này. Viết đến đây tôi nhớ đến câu hỏi của nhà báo Trần Việt Văn qua bài phỏng vấn tôi đăng trên báo Lao động trung tuần tháng 11/2017 ”trong đời viết văn ông ngại nhất điều gì?”. Tôi trả lời ”tôi sợ nhất việc phải mô tả thể hiện những gì mình không biết tường tận, chưa từng sống”. Đọc trường ca ”Phía sau mặt trời” tôi nhận sự chân thật trong bức tranh, những suy tư mà tác giả đã từng trải nghiệm và gắn bó với nó. 

 

Toàn bộ trường ca “Phía sau mặt trời”có thể nói khái quát là tâm trạng, suy tưởng của một người con giã biệt quê nhà lên đường đánh giặc, rồi những phút giây trong chiến trường ác liệt giữa những mất mát, đau thương, nhớ nhung và cả căm thù. Cuối cùng là giai đoạn trở về, những hồi tưởng in rõ vết tích của mất mát sau cuộc chiến. Vì là người trong cuộc nên những gì Trần Thế Tuyến thể hiện đều hút được người đọc bởi những chi tiết, suy tư thật.

 

Khi nghĩ về những người thân :

 

Cùng thửa ruộng cha tôi cầy cuốc

Những cánh đồng mọng nước

Tiếng chuông chùa rung cả hoàng hôn…

…Nấm mộ dì tôi như dấu chấm gửi bao xa lắc  

 

Hay:

 

Lên giường lúc hoàng hôn gõ cửa

Chùi chân vào chiếc chổi rơm cùn

Chăn đụp nhiều tầng…

Hay những câu thơ quặn lòng:

 

Quê hương, nơi chị tôi lang thang

Thân cò cuổi rãnh

Nghe tiếng nhái kêu như sợ ai đến đánh…

Đàn bà,con gái giữ nhà

Làm tất cả và đêm đêm hóa đá.

       

Với hàng vài trăm câu thơ trải dài trong một dòng chảy tiềm thức của một người lính ra trận mà tôi dường như không gặp những câu thơ làm duyên,”làm thơ” thuần túy dễ thường gặp – có thể xem là những câu thơ đệm-  ở không it trường ca, hay thơ dài, mà giữa điệp trùng của những câu thơ tả thật, tả đúng lại có những câu thơ dường như được chắt, được vắt từ hiện thực quá thân thương, quen thuộc, nằm lòng kiểu như:

 

Thương cha mồ hôi nhuộm áo

Đôi chân vàng xỉn ruộng phèn

 

Hoặc:

 

Trước khi nhắm mắt rưng rưng

Môi đỏ như son gọi mẹ…

… Tắc kè nấc cụt

Cứ”sắp về “

Gọi mãi canh thâu.

Trường ca Phía sau mặt trời của Trần Thế Tuyển

 

Mô tả dòng ý thức của tâm trạng người lính qua nhiều giai đoạn từ lúc ra trận, vào chiến trường nhớ cha mẹ, nhớ người yêu giữa giờ tạm im tiếng súng, rồi trở về quê hương mang đầy ẩn ức chiến trường mà điều đáng ghi nhận ở “Phía sau mặt trời” là không bị rơi vào sự đơn điệu, lẵng nhẵng chính bởi vì sự chân thật trong mô tả và cả những điểm nhấn chắt lọc như vậy. Đó chính là phẩm chất đáng quý của người viết trường ca. 

 

Phẩm chất của người viết trường ca của Trần Thế Tuyển không chỉ dừng ở nội lực thơ của tác giả, sự đắm mình đến tận cùng của hoàn cảnh mô tả mà còn ở bút pháp thể hiện.

 

Nói đến bút pháp thể hiện trong “Phía sau mặt trời” đầu tiên ngoài sự mô tả chắt lọc được những chi tiết cần và đủ để phản ánh phải nói đến sự chủ động trong ngữ điệu của câu thơ… Dường như ở trường ca này,Trần Thế Tuyển đa phần để tự thân đối tượng mô tả lên tiếng. Những đoạn cắt nhịp trong thơ đã nói rõ điều này. 

 

Chín tầng mây

Mười tầng địa ngục

Tôi đi tìm Thiềng, Vô, Khơi, Nùng, Học…

Hay tìm chính mình

Dấu chân tôi…

Hay:

 

Các chị, các anh

Bát cơm ăn dở

Lá thư tình

Chưa trọn vẹn lời hoa 


Ngay trong thể thơ lục bát cổ điển sự cắt nhịp này vẫn phản ảnh rõ cung bậc của thực tế mô tả:

 

Bạn ơi- Nằm lại- Đừng buồn

Đằng kia thác vẫn chảy

tuôn tháng ngày 

(NH cắt nhịp minh họa)

 

Trong một bài phê bình về thơ Phạm Tiến Duật tôi viết”dường như cuộc chiến này đã mượn nhà thơ để lên tiếng về những nỗi đau,sự mất mát và cả sự lạc quan, bình tĩnh trước súng đạn”. Có thể chọn một cách viết tương tự để nói “dường như sự thật trong chiến tranh ở lĩnh vực Trần Thế Tuyển thể hiện đã tự cất lên lời và ông chỉ việc ghi lại bằng thơ ”. 

 

Các tác giả viết trường ca thường phải huy động nhiều thể thơ để thể hiện sự đa chiều, đa thanh của cảm xúc và cảm hứng. Ở “Phía sau mặt trời” Trần Thế Tuyển chủ yếu huy động hai thể thơ. Đó là thơ tự do được xem là chủ đạo trong cả bảy chương của trường ca. Thể lục bát được điểm xuyết ở khổ thư 7 của chương ba dưới dạng của diễn ca và khổ thứ 4 dưới hình thức của một bài hát ru và ít nhiều khổ 6 của cùng chương bốn… Xét về tổng thể cũng như đối tượng phản ảnh của trường ca này như vậy là cân đối và tạo ra sự đối tỉ cần thiết trong nhạc điệu trường ca. Chỉ hơi tiếc nếu khổ 7 của chương ba có nhiều câu lục bát đủ sức đứng độc lập để tạo dư âm trong lòng người đọc câu thơ đã trích và thêm câu thơ đẹp như ca dao:

 

Con duyên thì nói lời thương 

Hết duyên, lầm lũi con đường đơn côi

 

Hoặc:

 

Ngoái nhìn quê mẹ xa xăm

Mịt mù mây phủ, trăng rằm ở đâu

 

Thì ở khổ 4 chương sáu lại có đôi ba câu lục bát dễ dãi, kiểu như:

 

Ầu ơ, những giọt máu đào 

Dòng sông Long Khốt 

biết bao nhiêu tình

Lời ru theo gió ngọt lành

Ngàn năm yên giấc , sử xanh mãi còn.

 

Và ở vài câu lục bát ở khổ 6 cũng có những câu thơ hơi cũ trong diễn đạt như: 

 

Ầu ơ… con ngủ cho ngoan

Bố đi đánh giặc, giặc tan bố về…

… Bắc Nam dẫu có hai miền

Cây chung một cội,  Rồng tiên giống nòi

 

Hoặc ở những khổ thơ tự do đôi khi mê mải thể hiện thực tế nóng bỏng, nghiệt ngã quen thân của mình Trần Thế Tuyển cũng có những câu thơ viết vội mang nặng thông tin khiến như những dòng văn xuôi lọt vào thơ làm giảm đi ít nhiều mạch hấp thụ của độc giả . Xin trích:

 

Trung đoàn họp nửa đêm

Những con thú xe tăng quái ác

 

Hoặc:

Đêm nay bên dòng Long Khốt

Những hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ… 


Dù có một vài viên sạn như vậy nhưng vẫn khẳng định ”Phía sau mặt trời”vẫn là một trường ca viết về chiến tranh và người lính đáng đọc và cần được ghi nhận trong gia tài trường ca của thi ca Việt Nam đương đại.

 

Chèm – Hà Nội, chủ nhật 19.11.2017

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Về một số chức năng của văn chương – Umberto Eco

>> Tiếp cận một nét thơ thiền hiện đại – Nguyễn Vũ Tiềm

>> Linh hồn mỏi trên những vết son – Lê Thiếu Nhơn

>> Mỹ nhân nơi đồng cỏ, nhìn từ đặc trưng thể loại – Cao Thị Hồng

>> Chất truyện trong thơ – Nguyễn Đức Mậu

>> Chép lên khoảng trời: Thao thức một miền quê – Đỗ Xuân Thu

>> “Ngũ hổ” thơ Hàn Quốc – Đặng Huy Giang

>> Tây Nguyên trong thơ Đặng Bá Tiến- Nguyễn Minh Khiêm

>> Niềm yêu hiển lộ từ những lớp ví dụ – Trần Quang Quý

>> Về bộ phim tài liệu Mỹ The Vietnam War – Tô Hoàng

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…