Tuyền Nguyễn & Miền quê ngoại – Kỳ 2

942

04.01.2018-10:30

Nhà văn trẻ Tuyền Nguyễn

 

Miền quê ngoại

(tiếp theo)

 

TRUYỆN DÀI CỦA TUYỀN NGUYỄN

 

NVTPHCM- Tôi trở mình, he hé mắt nhìn thật kỹ khuôn mặt của má. Má bới tóc củ tỏi phía sau, hai gò má hóp lại, hốc mắt hụp vào trong làm cho đôi mắt như sâu hơn. Những quầng thâm quanh mắt càng làm cho mặt má tối sầm lại. Hết nhìn má tôi lại nghiêng tai nghe tiếng ếch nhái rỉ rả ngoài đồng. Thi thoảng ngoài bờ mương vang lên tiếng dế gáy gọi bạn tình ngân thành bản nhạc dài rồi đột nhiên im bặt. Được một lúc tôi lại ngọ nguậy trở mình, xoay qua trở lại không biết bao nhiêu lần.

 

“Sao không ngủ mà quờ quậy miết vậy con?” Má ân cần hỏi.

 

“Bữa nay chân má hổng còn êm nữa, xương không hà.”

 

Má nở nụ cười hiền lành thay câu trả lời, dù nụ cười ấy dường như nặng trĩu suy tư. Tôi được dịp mở mắt ra nhìn má không cần phải lén lút nữa. Má vẫn mặc chiếc áo ngày ra đi, giờ trở lại nó đã bạc màu, cũ rơ cũ rích. So với những cái áo hồi trước má bỏ làm khăn lau nhà có khi còn mới hơn. Tôi buột miệng hỏi:

 

“Má! Sao má không mặc áo mới?”

 

“Tạimá quên.” Má ậm ờ đáp.

 

Tôi vân vê tà áo của má, thủ thỉ:

 

“Mai mốt má nhớ mặc áo mới nha! Áo này không đẹp!”

 

Ngoại lăn đều cục thuốc rê trên miệng, nước trầu nhuộm bờ môi ngoại đỏ lựng. Trầu càng nhai càng đỏ, mùi hăng hắc. Đoạn, ngoại lấy tay quệt ngang mắt rồi nhìn má thỏ thẻ:

 

“Bây lấy mấy cái áo mới của má mà mặc. Lâu lâu má mới đi ăn giỗ, có mấy khi mặc đâu.”

 

Nghe vậy, tôi lấy làm khó hiểu nhưng không dám hỏi. Sau này tôi nghe má kể lại, lúc mới vào Sông Ray vô cùng khó khăn. Những bộ quần áo của cả nhà lần lượt được đem ra chợ bán cho những người bán đồ “giũ” (tức đồ “si-đa”). Một cái áo hay bộ đồ bán được mười lăm, hai chục nghìn, quần áo đẹp có thể bán bốn, năm chục nghìn. Thời ấy, gạo chỉ hai nghìn một ký, bán một bộ đồ có thể đủ cho cả nhà ăn gạo trong hai, ba ngày. Cuối cùng, má tiếc rẻ gom những bộ quần áo vừa may xong, chưa mặc lần nào, bán lấy tiền mua xoong, đôi gánh bán bánh canh kiếm tiền ăn gạo qua ngày. Mỗi lần nghĩ về câu chuyện bắt đầu chuỗi ngày khốn khó của gia đình, mũi tôi lại cay cay, nước mắt tự nhiên ùa ra. Tôi đâu ngờ tháng ngày mình sống vô tư bên cô, bên ngoại là những tháng ngày cả gia đình tôi cơm không đủ no, áo không đủ ấm, căn chòi tạm bợ chẳng đủ kín để che nắng che mưa.

 

Ông ngoại từ bàn trà trước nhà hỏi vọng lại:

 

“Thằng Hai ra sao ở trỏng?”

 

“Ảnh dọn rẫy trồng bắp cậu à. Hết việc thì lại vào rừng chặt củi bán.” Má thường gọi ông ngoại bằng “cậu” chứ không gọi “dượng” như người ta vẫn gọi chồng sau của má mình.

 

“Còn sắp nhỏ?”

“Tụi nó phụ tỉa bắp với làm cỏ cậu à!”

“Sắp nhỏ chút éc, biết làm gì mà bây để nó phụ?”

 

“Con cũng xót lắm! Thằng Tư dạo này lên cơn hen suốt. Mới tháng trước, nửa đêm nó lên cơn hen, không thở được, làm vợ chồng con điếng đẩy. Cũng may qua khỏi, nhưng dạo này yếu lắm cậu.”

 

Tôi nhớ đến chứng hen suyễn của anh Tư. Dạo trước ở nhà ảnh bị bắt phải uống nước thằn lằn, cào cào nướng giã nhuyễn. Có đêm ảnh nằm thở khò khè, gần như tắt thở. Nhớ tới điều ấy, đột nhiên nước mắt tôi trào ra thấm ướt đùi má. Má tưởng tôi khóc mớ, xoa lưng vỗ về. Tôi cứ nằm im, cảm nhận từng ngón tay của má đang mân mê trên lưng mình. Cảm giác nhồn nhột, rân rân chạy dọc theo từng ngón tay của má. Thói quen này tôi thèm khát biết bao trong mỗi đêm trở mình trên chiếc giường trống không ở nhà cô Ba.

 

Từ ngày chị Hai theo má lên chỗ ở mới, đêm đến, chỉ mình tôi ngủ trên lầu nhà cô. Mỗi lần gió thổi phần phật ngoài cửa kính, bóng lá lắc lư, tâm trí tôi lại bấn loạn. Dù nhắm tịt mắt lại nhưng vẫn cảm nhận được bóng đêm và những âm thanh ma quái đang ập về phía mình. Gió ngừng thổi, cả không gian bỗng chốc yên lặng đến rùng mình. Tôi tưởng tượng ra đủ thứ quái dị. Một bộ xương khô, trắng hếu xuyên qua cánh cửa, tiến nhanh về phía tôi. Rồi đột nhiên những thớ thịt từ đâu bay lại, ráp vào tạo thành một người đàn ông, mũi dài chấm đất, tay chân lêu khêu như cây cà kheo, hai mắt xanh lè. Miệng ông ta càng lúc càng to, cho đến lúc đủ để nuốt chửng tôi. “Đừng, đừng ăn thịt Bành!” Tôi úp mặt xuống gối, khóc thét lên, run rẩy. Nhưng tiếng khóc của tôi bị nén lại chỉ như tiếng gió rít “vù vù” ngoài cửa, chẳng ai nghe thấy. Suốt nhiều đêm dài, tôi ôm nỗi sợ hãi đi ngủ, chẳng có má, cũng chẳng có gối ôm. Chỉ có mình tôi nằm chèo queo trên chiếc giường rộng thiếu vắng hơi người. Giờ đây được nằm bên má thế này, tôi chỉ muốn đêm kéo dài mãi mà thôi.

 

“Sao ra nông nỗi này hở bây?” Giọng bà ngoại lạc đi, bao nỗi xót xa trào ra theo câu nói.

 

Ở gian trước, bên bàn trà, tiếng nước rót vào tách đứt đoạn. Ông ngoại uống một ngụm rồi thở dài, môi ngậm đầu thuốc rê. Mùi thuốc bay khắp nhà, luồn cả vào giường, vương cả lên tóc của ngoại và má.

 

Giọt nước mắt của má rơi xuống nóng hổi trên mặt tôi. Tôi những tưởng anh Nhí ngủ rồi, không ngờ cũng thút thít thật khẽ. Bên ngoài cửa sổ, bóng trăng loang loáng trên tán lá ướt đẫm sương đêm. Câu chuyện còn kéo dài, nhưng tôi thiếp đi lúc nào không hay. Khi trở dậy, gà vừa gáy sang canh.

 

“Bành, dậy cho má đi, trễ rồi!” Má lay người tôi.

 

Anh Nhí đang lục đục chuẩn bị gì đó cạnh giường, trong khi ông ngoại cột thật chắc bao gạo lên yên xe cho má. Phía trước tay lái treo hai chai nước mắm, một bịch đường và vài bịch muối. Chiếc xe đạp là má mượn người quen ở gần bến xe, giờ phải đi sớm để kịp trả cho người ta rồi đi chuyến xe đầu tiên vào Sông Ray.

 

“Thôi đi cho sớm, kẻo trễ giờ xe chạy.” Bà ngoại giục.

“Con đi nha má! Con đi nha cậu!” Má nói.

 

“Ừ, bây đi mạnh giỏi. Khi nào xong việc, tao vô trong đó xem bây làm ăn thế nào.” Ông ngoại thở dài.

 

“Có gì… cứ về đây với má!” Giọng ngoại rưng rưng.

 

“Con đi với má!” Anh Nhí chạy ào từ trong nhà ra, hai tay anh ôm chặt túi quần áo, quả quyết nói khi đã trèo tót lên xe làm má chới với tay cầm.

 

Mọi người chưng hửng nhìn anh. Cả đêm qua anh chỉ chợp mắt một lát, gà vừa gáy đã dậy mở tủ quần áo loay hoay cả buổi trong ấy. Bà ngoại cứ ngỡ anh chuẩn bị quà cho anh chị.

 

Nhí! Lớn rồi, không được nhõng nhẽo! Khi nào trong đó ổn định, má bây khắc cho bây đi.” Ông ngoại nghiêm giọng.

 

“Không! Con đi với má!” Anh nhìn má bằng ánh mắt van lơn.

“Má chở con đi với.” Tôi cũng chạy tới ôm rịt lấy chân má.

“Khi nào lớn má cho theo, nghe không?” Má quay sang anh Nhí, nói.

 

Anh Nhí phớt lờ mọi lời khuyên can, để túi quần áo trước ngực, nằm rạp xuống, tay chân bấu chặt vào bao gạo.

 

Má hết nhìn anh, nhìn tôi rồi lại nhìn ông bà cầu cứu. Ông ngoại bế anh Nhí xuống nhưng anh ôm yên xe cứng ngắc, bà ngoại phải phụ gỡ tay anh ra. Khó khăn lắm mới đỡ được anh xuống đất.

 

“Lần sau má cho đi, nghe không!” Má dỗ dành.

 

Biết chẳng thể đi cùng má, anh Nhí ôm chặt túi quần áo trên tay, cúi mặt nhìn mũi chân, nước mắt rơi lã chã.

 

“Nhớ nghe lời ngoại, Tết má về.” Má xoa đầu anh.

 

“Tết má về, má cho con đi nghen!” Anh Nhí chạy đến bên cạnh, kéo vạt áo của má.

 

“Con nữa.” Tôi cũng mếu máo.

 

Gà lại gáy thêm một hồi nữa. Má ôm chặt anh Nhí, giọng nghèn nghẹn nói:

 

“Ráng học nghen con!”

“Dạ!” Giọng anh Nhí lạc đi trong tiếng khóc nấc.

 

Má bế thốc tôi ngồi lên bao gạo rồi gồng mình đạp tới. Chiếc xe chầm chậm lăn bánh, tôi ôm chặt má mà cảm giác như đang ngồi giữa lưng chừng trời, vô cùng chênh vênh. Nhưng lúc ấy, tôi không thấy sợ hãi chút nào cả. Má vừa đạp đi không xa, ngoại nói với theo:

 

“Cực khổ quá thì về với má nghen con.”

 

Tôi quay đầu nhìn lại, ông bà ngoại và anh Nhí đang đứng ngoài đường dõi theo. Anh Nhí chạy theo mấy bước rồi dừng lại, đứng trân trân giữa đường, túi quần áo rơi phịch dưới chân. Vòng xe đưa hai má con xa dần, cho đến khi con đường chỉ còn tiếng đạp xe cót két.

 

Cô Ba đợi sẵn trước cổng tự lúc nào, ẵm tôi xuống xe, vừa dúi bịch ni lông đen vào giỏ treo trước tay lái vừa nói:

 

“Cho em gửi ít cá khô cho anh Hai và mấy cháu.”

 

Má nhìn bịch cá khô trong giỏ, khẽ nói:

 

“Cô làm chị ngại quá!”

 

“Chút quà vặt, có gì đâu mà chị ngại.” Rồi cô Ba chép miệng thở dài. “Tội tụi nhỏ, hồi giờ ăn toàn cá tươi ngon, giờ thì…”

 

“Nhờ cô chăm nom con bé. Vợ chồng chị cảm ơn cô lắm!”

 

“Chị yên tâm. Để cháu ở với em bao lâu cũng được. Thôi anh chị và sấp nhỏ ráng nghen. Em tin trời không phụ người có lòng.” Sau đó cô quay sang tôi, nói. “Bành! Để má đi, con.”

 

Trong làn sương mai lành lạnh, cái áo của má mỏng tang, dính vào người. Cô Ba cởi nhanh chiếc áo khoác đang mặc khoác lên người má.

 

“Chị đi sớm, kẻo trễ!”

 

Tôi bịn rịn rời tay cô, chạy theo đẩy giúp má mấy vòng xe rồi đứng lặng nhìn. Vòng xe hối hả trên đường, xa dần rồi mất hút giữa màn đêm đang loang dần sang ngày mới.

 

 

TÁC PHẨM TUYỀN NGUYỄN:

 

>> Miền quê ngoại – Kỳ 1

>> Chú vịt Mồ Côi – Kỳ 2

>> Chú vịt Mồ Côi – Kỳ 1

>> Bao giờ cho đến ngày xưa – Kỳ 2

>> Bao giờ cho đến ngày xưa – Kỳ 1

 

 

>> XEM TIỂU THUYẾT – HỒI KÝ CỦA TÁC GIẢ KHÁC