Và núi cũng buồn – Bút ký Trần Danh Thùy

628

Cách đây vài tháng, theo lời mời của một cô bạn của nhà tôi, chúng tôi đến thăm nhà của Duyên, tên cô ấy, ở một địa phương miền núi cách thành phố chúng tôi ở khoảng 120km.

Ảnh internet

Để đến nhà Duyên, chúng tôi phải đáp xe khách từ Saigon đi Long Khánh. Từ đây, chúng tôi phải đi tiếp bằng loại xe khách nhỏ hơn thêm gần 15km nữa. Xuống xe, chúng tôi phải đi xe ôm ‘chuyên dụng’ để lên núi. Con đường ‘thượng sơn’ dài khoảng 3km gồm 2 đoạn. Đoạn thứ nhất khoảng 2km là đường bằng, xuyên qua những vườn điều xanh lá. Đoạn thứ 2, phần còn lại, là đường núi, nhỏ hẹp, quanh co đầy những bụi cây hoang dại.

Khỏi phải nói, vì chúng tôi là dân thành thị, nên việc vượt qua đoạn đường ‘thượng sơn’ lần đầu như thế là một ‘trải nghiệm’ không mấy thú vị, thậm chí lòng đầy lo âu, sợ hãi. Tuy nhiên, dựa vào những lời nói đầy tính thuyết phục của Duyên trước đó và sự tin tưởng vào ‘tay nghề’ của anh lái xe ôm địa phương mà thực lòng vì mến thương Duyên, chúng tôi đã phó-mặc-số-phận-đẩy-đưa để ‘ngao du’ lên cao khoảng 250m so với chân ngọn núi.

Cuối cùng thì chúng tôi cũng đến được nhà Duyên. Trong trang phục nâu sòng và chiếc đầu cạo nhẵn thín, cô đón chúng tôi với nụ cười thật tươi, thật rạng rỡ như có hoa nở trong lòng.

Nhà của Duyên, hay nói đúng hơn, một thảo am, là ngôi nhà duy nhất trên ngọn núi. Từ cổng nhìn vào, ngôi nhà gồm 2 phần. Phần bên trái là một kết cấu bán kiên cố như nhà ở gồm 1 chánh điện thờ Phật Thích Ca Mâu Ni, một nhà bếp, 1 nhà vệ sinh và một nhà kho. Phần bên phải là một khu vườn, trong đó, nổi bật lên là những cây điều cao có, thấp có với những tán lá rộng, che mát một căn lều hình thủy tạ, một hòn non bộ đơn giản, một hồ nước nhỏ và khá nhiều cây hoa một số chủng loại có màu sắc tươi vui.

Đứng trên một vị trí mấp mô trong mé vườn, tôi trông thấy một vài xóm nhỏ rải rác chân núi. Hình ảnh này linh hoạt hơn khi màn đêm buông xuống, nơi đó là những ánh đèn điện của những ngôi nhà của dân cư vùng cao Xuân Lộc, nơi đã từng là một chiến trường ‘khét tiếng’ thời chiến tranh trước năm 1975.

*****

Sau khi dùng bữa trưa xong, tôi nằm nghỉ ở một bên chánh điện, chỗ dùng để làm lối đi trong nhà. Dù nhiệt độ ở đây khá cao nhưng do thời tiết ở vùng cao, hợp với bóng mát của cây lá cùng với sự tĩnh lặng gần như tuyệt đối, cộng với sự mỏi mệt sau khi vượt qua một quảng đường dài và trải qua một cuộc ‘thượng sơn’ đầy gai góc, tôi vô tư lự, đánh một giấc ngon lành, trong khi nhà tôi và Duyên chắc chắn đang ngồi tâm sự trong một góc vườn râm mát.

Khi tôi thức dậy sau một giấc ngủ ngon thì mặt trời đã ngã bóng. Tôi ra vườn, tìm bóng cây điều có tán rộng nhất, ngồi nhìn xuống triền núi, ngắm cảnh và suy nghĩ bâng quơ cho đến khi nắng tắt. Trong miên man suy nghĩ, tôi có lúc tự hỏi sao trong cuộc đời, mình lại có dịp đến nơi này, ngồi đây, giữa núi non hiểm trở, trong thinh lặng tuyệt đối không một bóng dáng con người trừ người bạn đời của mình và Duyên, một phụ nữ tuổi xấp xỉ bạn cô, mà khi chúng tôi rời đi, chỉ còn một mình Duyên ở lại với núi non, trời đất?

Sau bữa tối khá đạm bạc, chúng tôi qua đêm ở ‘nhà’ Duyên từ rất sớm. Nằm dưới bàn thờ Phật ở chánh điện, như tìm thấy sự an yên, không còn ý thức được cái không gian của núi rừng hiểm trở và sự vắng lặng của trần gian nơi đây, chúng tôi ngủ ngon cho đến lúc mặt trời mọc ở một phía núi xa xa.

Trong tâm thế nhẹ nhàng, bay bổng, tôi lễ Phật với trà, hoa, quả… là những thứ chúng tôi đã nhờ Duyên chuẩn bị từ hôm trước; dùng điểm tâm nhẹ nhàng và từ giã Duyên để về lại thành phố ồn ào, náo nhiệt của chúng tôi.

*****

Duyên tiễn chúng tôi ở cổng đầy lưu luyến. Duyên dặn chúng tôi: “Bất cứ lúc nào rảnh rỗi, anh chị nhớ lên chơi với em nhé!”. Tôi tiếp lời cô: “OK, nhưng bất cứ lúc nào cô có dịp về thành phố để thăm cháu hay bất kỳ vì lý do nào, nhớ báo cho tụi anh biết nhé!” Duyên gật đầu đồng ý.

Chúng tôi lên xe chuyên dụng để ‘hạ sơn’. Cũng chiếc xe gắn-máy-cải-tiến chúng tôi đi hôm trước. Có điều hôm qua, khi lên núi thì lái xe chở từng người vì chiếc xe chỉ đủ sức tải người lái xe và một khách phía sau. Còn hôm nay, khi xuống núi, xe không cần phải nổ máy và chúng tôi thì được ‘hạ sơn’ chung.

Trong khi chiếc xe như lao xuống núi như một mũi tên bắn chậm, giữa muôn vàn cảm xúc, tôi luôn nghĩ đến Duyên với hình ảnh một phụ nữ vẫn sống một thân một mình trên sườn một ngọn núi heo hút, cheo leo với lòng tin vào sự từ bi, độ lượng của Phật pháp nhiệm mầu…

T.D.T