Việt Trinh – Nữ hoàng điện ảnh

1057

(Vanchuongphuongnam) – Những mùa đầu nghệ thuật từ sau năm 1975, điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển với nhiều thuận lợi trên cơ sở một nền nghệ thuật màn ảnh thống nhất. Không thuộc thế hệ nghệ sĩ màn bạc đàn chị của hơn ba thập niên trước như Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương, Kiều Chinh…, những Việt Trinh, Diễm Hương, Phạm Thị  Hồng Ánh,… đa phần thuộc thành phần nghệ sĩ điện ảnh cách mạng được đào tạo bài bản trường lớp. Vượt trội hơn cả là nghệ sĩ Việt Trinh tài sắc lưỡng toàn, hoạt động đa diện với thành tích ấn tượng: Đóng phim: 50; Gameshow: 20; Đạo diễn: 7; Ca khúc biểu diễn: 7; Kịch: 5. Dù chuyện tình duyên có trải qua nhiều bão tố song cho đến hôm nay, nghệ sĩ Việt Trinh vẫn được coi là Nữ hoàng Điện ảnh trong hơn 4 thập niên sau ngày nước nhà thống nhất.

Việt Trinh (sinh 1972) tên thật là Trần Việt Trinh, sinh ra tại Bình Phước. Từ một tuổi thơ nhiều vất vả, Việt Trinh sớm mơ ước được đến với thế giới nghệ thuật sân khấu. May mắn được cha mẹ ban cho một nhan sắc mà bất cứ người phụ nữ nào cũng mong có được, Việt Trinh  sở hữu khuôn mặt đẹp với đôi mắt tròn to nhưng thoáng nét buồn phương Đông của cô gái xứ  “Nghìn lẻ một đêm” (theo cảm nhận chủ quan của người viết bài) –  nên có lẽ đây là dấu hiệu báo trước cho một kiếp tài hoa bạc phận. Với vẻ đẹp sáng sân khấu, khi còn là một sinh viên trường Sân khấu Điện ảnh, Việt Trinh bắt đầu xuất hiện (1988) với vai trò là người mẫu lịch ăn khách.

Nhan sắc ngọt ngào của Việt Trung ở tuổi đôi mươi.

Đóng phim từ những năm 1980, nhưng  chủ yếu Việt Trinh đảm nhận các vai phụ hay vai quần chúng. Mới bước vào làng nghệ thuật, thuở ban đầu, khi chưa nổi tiếng, Việt Trinh đã phải chịu ảnh đi nhờ xe của Diễm My và trong phim chỉ đóng các vai tì nữ cho Diễm Hương, những minh tinh điện ảnh chói sáng đã quen thuộc với làng nghệ thuật trình diễn lúc bấy giờ. Phải đợi đến năm 1991, trong phim Ngọc trong đá của đạo diễn Trần Cảnh Đôn, khi đóng vai chính  đầu tiên cùng các diễn viên  nổi tiếng Lý Hùng, Hoa hậu Lý Thu Thảo, Hồng Ánh…, Việt Trinh mới bắt đầu thăng hoa và được sự quan tâm rộng rãi của công chúng hâm mộ màn ảnh. Hình ảnh Việt Trinh bắt đầu xuất hiện liên tục trong vai chính trên màn ảnh qua các phim: Lệnh truy nã, Xương rồng đen, Sao em vội lấy chồng, Người đẹp Tây Đô,…

Trong số các phim đó, Việt Trinh nổi tiếng nhất trong vai Bạch Cúc ở phim  truyền hình Người đẹp Tây Đô (1996), cốt truyện lấy từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trầm Hương. Nhân vật chính là trong phim là Bạch Cúc (do Việt Trinh đóng) hóa thân từ một phụ nữ có tên thật ngoài đời là Lâm Thị  Élise mà ở nhà thường  gọi là Phấn – Lâm Thị Phấn, con của ông Lâm Văn Phận, hiệu trưởng trường Taberd Cần Thơ. Trong giai đoạn 1940-1954, thầy Phận là giáo viên tiến bộ, từng là thầy dạy của các nhà cách mạng Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Hưởng. Sau năm 1945, thầy Lâm Văn Phận tham gia hoạt động cách mạng, có các con là Phấn, Phết (gái) và Phát (trai). Sau khi thầy Phận tập kết ra Bắc, con gái ra khu hoạt động, ngôi nhà khang trang như một biệt thự nằm bên bờ sông Cái Khế gần hồ Xáng Thổi, bị Tây lấy làm căn cứ hải quân. Trong phim, Bạch Cúc là một nữ sinh học giỏi, đẹp sắc sảo như một hoa khôi, được nhiều người gọi là Người đẹp Tây Đô. Tưởng đâu được hưởng hạnh phúc, không ngờ Bạch Cúc bị gả về làm vợ cho một anh chàng thuộc mẫu công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Về với giang sơn nhà chồng, cô không thích nghi được với lối sống vật chất, quen hưởng thụ theo kiểu thực dân phong kiến trong một xã hội còn lệ thuộc ngoại bang.

Và Bạch Cúc đã giác ngộ, đứng về phía những người bị áp bức, bước theo chân đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng Tám năm 1945. Bạch Cúc trở thành nữ chiến sĩ quân báo hoạt động tại Cần Thơ. Nhờ khiếu ăn nói mềm mỏng, khéo léo và sắc đẹp hiếm có, Bạch Cúc đã thành ngôi sao sáng trong giới thượng lưu đất Tây Đô, có dịp giao du với giới cầm quyền thực dân Pháp tại đây. Trong suốt 8 năm liền (1949-1954), Bạch Cúc trở thành đối tượng săn đuổi của các chính quyền thực dân, trong quân đội và tình báo Pháp. Cô trở thành người tình đơn phương của họ. Những tình nhân, đối thủ của Bạch Cúc lần lượt bị đo ván trong cuộc đấu tranh sống mái của nhân dân với kẻ thù xâm lược. Với phương châm: “Việc gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm được”, Bạch Cúc đã vượt qua tất cả gian lao, nguy hiểm kể cả chấp nhận phải hy sinh mạng sống của mình, thể hiện được phẩm chất trong sáng cao đẹp của người phụ  nữ Việt Nam: trung kiên, anh hùng, trí tuệ và quyết tử cho tổ quốc sinh tồn.

Ở phim này, bên cạnh đội ngũ diễn viên thạo nghề: Hồng Ánh, Tú Trinh, và  Lê Công Tuấn Anh, Mạc Can,… Việt Trinh, vụt sáng lên như một ngôi sao điện ảnh trẻ đẹp bắt đầu gây ấn tượng trong lòng khán giả màn ảnh. Việt Trinh đã  thể hiện xuất thần tính cách, tâm trạng nhân vật chính qua từng động tác, thái độ, tâm trạng, từ ánh mắt, cái nhìn  đến cử chỉ lời nói bằng sự nhập vai của một ngôi sao hàng đầu nền điện ảnh nước nhà. Hình ảnh nữ nghệ sĩ Việt Trinh từ đó đã gây sức hút mạnh mẽ từ tỉnh thành đến thôn quê. Hình ảnh của Việt Trinh  đã xuất hiện khắp nơi, trong nhà sách mỗi gia đình, trong lòng tâm hồn công chúng mộ điệu và theo chân cả những em bé đến trường.

Sau Người đẹp Tây Đô, trong thời hoàng kim một nghệ sĩ điện ảnh của mình nghệ sĩ Việt Trinh, tiếp tục đạt nhiều thành tựu rực rỡ về diễn xuất trong nhiều phim khác để khẳng định tài năng thực sự của một ngôi sao màn bạc đỉnh cao của nước nhà. Mỗi khi nhắc tới nghệ sĩ Việt Trinh, khán giả điện ảnh không bao giờ quên những vai diễn lấy nước mắt, trong những cuộc tình oan trái hoặc đau khổ làm vợ xứ người với trái tim vỡ vụn bởi mối tình đầu chia lìa qua dấu ấn một dáng vẻ bên ngoài của phụ nữ hiền lành nhân hậu với đôi mắt tròn to u buồn như ẩn chứa một nỗi sầu muôn thuở.

Người xưa hay nói: sau cái phúc hãy coi chừng cái họa. Trong khi tài năng, danh vọng đang thăng hoa trên con đường nghệ thuật thì bao nhiêu nỗi thống khổ đau thương dồn dập đến liên tục, không buông tha cho người nghệ sĩ tài sắc có thừa trong thiên hạ. Sau cuộc hôn nhân thứ nhất có một con trai tên Thiện Nhân, phải chia tay vì bị chồng xúc phạm đến nghề nghiệp, Người đẹp Tây Đô đến với cuộc tình sóng gió lần thứ hai cùng tử tù Phạm Huy Phước vốn là một đại gia. Rồi “Họa vô đơn chí” (hoạ không đến một lần) khi đến với cuộc tình thứ ba Người đẹp Tây Đô cũng gặp một tử tù vốn là một vua lừa – Trần Văn Giao – nhưng sau tử tội được chuyển án thành chung thân. Nỗi đau lũy thừa về tình ái dồn dập đến đã khiến cho người nghệ sĩ tài sắc Việt Trinh coi như mất tất cả, từ cuộc đời người con gái tài sắc đến sự nghiệp công danh mà nghệ sĩ đã dày công hun đúc bằng tim óc trong hơn một thập niên. Trắng tay với nỗi thất vọng chán chường và tình cảm bảo hòa, Việt Trinh âm thầm tìm cách ẩn mình vào một góc khuất của chốn phồn hoa để được yên thân, và thực hiện chế độ ăn chay, thỉnh thoảng có phải đi đâu thì cũng chỉ “một mình lẻ bóng”.

Sau gần 10 năm tuyệt tích giang hồ, khi bão giông tình ái đã tạm lắng yên, Người đẹp Tây Đô lấy lại sự bình tĩnh, tự tin trở lại hoạt động nghệ thuật với nhiều trải nghiệm của bản thân và cõi lòng hướng về nẻo thiền môn. Nghệ sĩ Việt Trinh bắt đầu thủ diễn lại một vai trong phim Phật Giáo “Duyên trần thoát tục” (2008) và sau đó là các phim: Những đóa hoa tình yêu, Câu chuyện cuối mùa thu dù chưa lấy lại được phong độ chững chạc, tự nhiên của hơn một thập niên trước. Năm 2015, nghệ sĩ trở lại với bộ phim “Trót yêu” sau một thời kỳ vắng bóng điện ảnh.

Vốn là một con người năng nỗ, ngọn lửa đam mê nghệ thuật đã phừng phực bùng cháy trở lại, Người đẹp Tây Đô bước chân sang lĩnh vực làm đạo diễn, bắt đầu với bộ phim truyền hình nhiều tập tâm lý xã hội Trở về (2011), quay tại Việt Nam và Campuchia, nhận được nhiều lời khen ngợi của giới làm phim.  Sau đó, Việt Trinh tiếp nối hợp tác với nhà biên kịch Châu Thổ để thực hiện nhiều tập nói lên nét đẹp văn hóa truyền thống của Việt Nam và các nước làng giềng Đông Nam Á. Năm 2013, Việt Trinh làm xong phim truyền hình “Vợ của người ta”. Khi hoạt động nghệ thuật đã nóng máy trở lại, Người đẹp Tây Đô kiêm thêm vai trò Giám đốc sản xuất và thủ diễn luôn trong buổi casting phim Ba điều ước.

Từ thời điểm này cho đến hiện nay, nghệ sĩ hay xuất hiện trên sóng truyền hình các game shows mới lạ như: Người bí ẩn, Bạn có thực tài, Hội ngộ danh hài , Ơn giời cậu đây rồi. Cùng lúc, như không biết mệt mỏi, nghệ sĩ Việt Trinh như muốn bành trướng lấn sân sang các lĩnh vực khác như: Dẫn chương trình MC (Master of Ceremony), Giám khảo… Lúc thì cùng “Người tình màn ảnh Lý Hùng” chủ trì cho gameshow: Cặp đôi hài hước (2017), lúc thì với nữ minh tinh Trương Ngọc Ánh đứng ra làm giám khảo chính cho chương trình Gương mặt điện ảnh  hoặc hiện diện trong chương trình Kịch cùng Bolero. Cường độ hoạt động đặc biệt của Việt Trinh có thể  khiến cho người ta nghĩ đến lời chia sẻ chân tình của nghệ sĩ với khán giả và bạn bè, đồng nghiệp: “Từ khi đến với đạo Phật – và ăn chay – tôi cảm thấy mình trở nên mạnh mẽ hơn”.

Với một nhan sắc hiếm có và tài năng đa diện, suốt 40 năm gắn bó, nghệ sĩ Việt Trinh đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật nước nhà trong đó nổi trội là điện ảnh, dù có thời gian tạm ẩn mình vì chuyện yêu đương. “Người đẹp Tây Đô” Việt Trinh, một giai nhân của thế hệ nghệ sĩ sau năm 1975, đã ăn chay và đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, rất xứng đáng là một “nữ hoàng điện ảnh”.

Lan Đình