Nguyễn Phan Chánh – Ông hoàng tranh lụa

2008

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nói đến những họa sĩ tiền phong nổi tiếng, tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương từ những thập niên đầu thế kỷ 20, công chúng mỹ thuật không thể quên một Nguyễn Gia Trí (1908-1993): sơn mài; Tô Ngọc Vân (1906-1954), Lê Văn Đệ (1906-1966), sơn dầu; Vũ Cao Đàm (1908-2000): kiến trúc; Géorges Khánh: điêu khắc; Nguyễn Phan Chánh: tranh lụa.Với gia tài nghệ thuật trên 170 bức tranh, Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh đã đem lại niềm tự hào về cho tranh lụa Việt Nam với những họa phẩm được giới thiệu ở Pháp và trưng bày ở Milan (Ý), San Francisco (Mỹ), Tokyo (Nhật Bản). Nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh được truy tặng: Huân chương Lao động, Huân chương Độc lập và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Nguyễn Phan Chánh.

Nhà danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) có bút danh là Hồng Nam, sinh ra tại tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên ở một miền quê văn hiến nhưng là một mảnh khô cằn sỏi đá chịu nhiều áp bức bóc lột của thực dân. Mồ côi cha từ 7 tuổi, cậu bé đã phải chịu một gánh nặng về sinh kế trong gia đình nhưng luôn nhớ lời cha dạy: “thà sống nghèo nhưng trong sạch”. Tính chăm chỉ, bình dị lại yêu hội họa, cậu bé Nguyễn Phan Chánh sớm nổi tiếng hay chữ, viết chữ thảo đẹp cả vùng và cũng bắt đầu mày mò tự học vẽ.

Năm 14 tuổi, Nguyễn Phan Chánh đã kiếm được những đồng tiền đầu tiên phụ giúp mẹ và các em nhờ việc viết chữ, vẽ tranh thờ đi bán tại các phiên chợ quê. Những năm tháng học chữ Quốc ngữ và chữ Hán ở quê nhà đã giúp ông làm quen với tinh thần hội họa qua thi pháp trực họa ước lệ trên chữ Hán.

Với lòng đam mê mỹ thuật cháy bỏng nên sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm tại Huế (1922), Nguyễn Phan Chánh không theo nghề “gõ đầu trẻ”. Ông xin thi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1925) do họa sĩ người Pháp Victor Tardieu (1870-1937) sáng lập và ông là người duy nhất thuộc dải đất miền Trung đỗ khóa đầu tiên (1925-1930). Nguyễn Phan Chánh ra Hà Nội (1925) học khóa 1 trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương cùng với Lê Văn Đệ, Lê Phổ (1907-2001), Mai Trung Thứ (1906-1980),… Năm 1928, Nguyễn Phan Chánh là người Việt Nam đầu tiên có tranh vẽ làm tem in ở Pháp, dùng cho sở Bưu điện Đông Dương sau kết quả giải Nhất cuộc thi vẽ tem được thưởng 9 đồng Đông Dương  (tương đương với 3 tấn gạo lúc bấy giờ) Tuy nhiên, khi vẽ những bức tranh sơn dầu thì kết quả được các giáo sư họa sĩ chưa hài lòng, đánh giá tất cả là không tốt. Dù vậy, họa sĩ giám đốc Victor Tardieu, vẫn hết lòng thương và tin tưởng ở những học trò người An Nam.

Khi vào học trường Mỹ thuật, Nguyễn Phan Chánh trội tuổi hơn các bạn, đã có vợ con và có thói quen mang theo ô khi đi học – quê mùa thường vẽ không đạt này, thầy Tardieu bình tĩnh suy nghĩ: biết đâu lại tàng ẩn một bên trong một tài năng chưa được khám phá. Trong một dịp sang Vân Nam, thầy Tardieu bắt gặp những bức tranh lụa vẽ phong cảnh đời Đường, Tống, thầy liên tưởng đến Nguyễn Phan Chánh và trong đầu óc thầy lóe lên ý nghĩ: biết đâu Nguyễn Phan Chánh hợp với chất liệu lụa. Thầy liền mua về một sấp lụa cùng với mấy bức tranh đời Đường mang về cho Nguyễn Phan Chánh vẽ thử… Không ngờ, Nguyễn Phan Chánh đã làm các thầy ngạc nhiên. Nguyễn Phan Chánh say sưa mày mò với chất liệu lụa và còn sáng tạo ra phương pháp rửa lụa mà hình thành một chủng loại tranh lụa đặc sản riêng của Việt Nam. Như vậy, sau 3 năm học ở trường Mỹ thuật (trong thời gian một khóa 5 năm), Nguyễn Phan Chánh lại học từ  đầu cách vẽ tranh lụa. Trong quá trình học vẽ lụa, họa sĩ giám đốc trường có cho sinh viên xem tranh lụa của Trung Quốc và Nhật Bản. Nhận thấy tranh lụa của Nhật thì sặc sỡ, lòe lẹt, Nguyễn Phan Chánh thích những màu đằm thắm, êm dịu mà không kém vẻ lung linh như màu lam đậm trong tranh Trung Quốc. Và như đã bắt được mạch nguồn cảm hứng dạt dào từ tranh lụa, Nguyễn Phan Chánh đã thành công và tốt nghiệp khả quan ngành tranh lụa vào năm 1930.

Một năm sau (1931), Nguyễn Phan Chánh vẽ bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan” và một số tác phẩm khác: Cô gái rửa rau, Em bé cho chim ăn, Lên đồng. Trong năm này – năm mà nghệ sĩ Nam bộ Năm Phỉ cũng đã đánh chuông vàng xứ người bằng cải lương – có triển lãm tại Paris (Pháp), bốn bức tranh lụa trên của Nguyễn Phan Chánh được họa sĩ giám đốc Victor Tardieu chọn mang về Pháp giới thiệu. Trong dịp đấu xảo (international fair) tại Paris lần này, bức tranh lụa “Chơi ô ăn quan”, đặc biệt được nhiều người chú ý. Sau này, tác giả kể lại là đã nhờ các em bé khoảng 13, 14 tuổi ở làng Kim Liên ngồi cho mình vẽ. Các em chít khăn mỏ quạ, quần áo nâu sồng chính là điểm đặc sắc của Việt Nam hồi bấy giờ. Khi đi vẽ xa, họa sĩ Nguyễn Phan Chánh hay thuê  thuyền từ xã, loanh quanh theo dòng sông, tìm cảnh đền làng, cầu ao, xóm chài, rồi thuyền đến chân núi, ra cửa bể vẽ các cảnh: Tựa vách núi, Hun thuyền, Thuyền đánh cá,… Đi theo họa sĩ thường có cô con gái lớn 15, 16 tuổi và đứa con gái người chủ thuyền 13, 14 để làm mẫu vẽ  cho các bức tranh: Thiếu nữ tựa núi trông ra bể đông, …Chị em nhặt vỏ ốc trên bãi cát,…

Tranh lụa Nguyễn Phan Chánh thường lấy đề tài về nông thôn,  từ cảnh vật đến con người, sinh hoạt với tông màu nâu trầm, không tả nhiều chi tiết mà tập trung khai thác các mảng phẳng với cách tạo hình mềm mại, nhẹ nhàng. Nhiều danh tác lên sàn đấu giá quốc tế từ trên 300 ngàn mỹ kim đến 800 ngàn mỹ kim. Một số bức tranh được liệt vào bảo vật quốc gia.

Ngắm tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh, khách thưởng ngoạn cảm thấy sự nhẹ nhàng, bay bổng, mà thanh thoát trầm ấm. Phong cách đó của họa sĩ chắc hẳn đã xuất phát từ tâm hồn dạt dào cảm hứng thi ca của nhà danh họa. Rất nhiều bức tranh của họa sĩ, người ta thấy là một hợp âm bằng màu sắc, giai điệu, tư tưởng giữa ba nốt nhạc: hội họa, thư pháp và thi ca. Qua các mùa triển lãm họa phẩm, các bức tranh tôi vẽ có đề thơ bằng Thư pháp thường cũng được khán giả chú ý và dễ bán hơn. Nguyễn Phan Chánh từng có thơ được đưa vào tuyển tập: “Thơ Hà Tĩnh thế kỷ 20”.

Sinh thời, ông từng kết bạn với nhiều nhà thơ và không ít lần được bè bạn khách thơ quý mến, làm thơ tặng. Trong một dịp mừng Sinh nhật lần thứ 80 của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, sau khi  xem mấy bức tranh vẽ phong cảnh quê nhà tại Hà Tĩnh, nhà thơ Huy Cận đã cảm tác tặng nhà danh họa những vần thơ lục bát: “Bác tám mươi tuổi rồi ư?/ Mà sao Trăng tỏ, Trăng lu vẫn tình/ Hồn xuân mình biết với mình/ Màu quê hương đậm dáng hình quê hương…”

Với trải nghiệm của danh họa Nguyễn Phan Chánh, để thăng hoa trong nghệ thuật cụ thể là sở hữu được những tác phẩm đích thực có giá trị để đời, là nghệ sĩ phải thể hiện cái riêng mới lạ, sáng tạo của chính mình. Có vậy, tài hoa ở nghệ sĩ mới có cơ hội tỏa sáng trong môi trường nghệ thuật.

Theo nhà văn Nguyệt Tú, con gái lớn của họa sĩ thì cha mình là người có tài nhưng tính tình khẳng khái, cương trực và bất cần đời. Vào lúc họa sĩ được mời làm giáo sư trường Mỹ thuật trường Bảo Hộ (trường Bưởi), với mức lương 100 đồng Đông Dương (Piastre) mỗi tháng – một số tiền rất lớn vào lúc đó –  Nguyễn Phan Chánh đưa vợ con và mẹ từ Hà Tĩnh ra Hà Nội. Gia đình họa sĩ sống trong một ngôi nhà rộng rãi, khang trang tại phố Phó Đức Chính, có 4 người giúp việc. Thế nhưng đã có lần, khi đang dạy trường Bưởi, Nguyễn Phan Chánh đã khảng khái cự tuyệt ông Tổng Giám thị (Surveillant Général) vốn là người Pháp khi ông này nằng nặc đòi họa sĩ phải bán lại bức tranh “Hai chị em” cho ông ta. Vì tranh đã có người đăng ký mua nên giữ chữ tín, họa sĩ gợi ý ông Tổng Giám thị mua bức tranh khác, song ông ta nhất mực không chịu và đòi họa sĩ phải vẽ… lại bức tranh! Do không làm theo ý ông Tổng Giám thị mà họa sĩ Nguyễn Phan Chánh được cho nghỉ dạy.

Đánh giá họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, từ lúc mới vào học, Giám đốc họa sĩ Victor Tardieu từng gửi thư nói lên sự giúp đỡ ân cần cho trò Chánh: “Những bức tranh của con, ta rất thích. Con nên tiếp tục vẽ. Việc đóng khung tranh thì họa sĩ Nam Sơn sẽ giúp con”.

Họa sĩ kháng chiến Tô Ngọc Vân, GS. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và là Hiệu trưởng trường Mỹ thuật Việt Bắc, trong bài báo “Bước đầu của Hội họa Việt Nam hiện đại” đăng trên tờ Thanh Nghị, cũng dành cho Nguyễn Phan Chánh những dòng dí dỏm, khẳng định thành tựu tốt đẹp mỹ thuật của Nguyễn Phan Chánh: “Đấu xảo Paris, công chúng Pháp rất ngạc nhiên trước những bức tranh được thực hiện bởi Phan Chánh. Anh chàng khư khư giữ ô ngày xưa đã làm nên một thành công rất lớn ở ngay giữa kinh đô của hội họa”.

Hôm nay, nhìn lại chân dung nghệ sĩ Nguyễn Phan Chánh, đa phần dư luận và các nhà phê bình mỹ thuật đã coi ông như một họa sĩ tranh lụa đỉnh cao, với những bức tranh lụa giá trị đã làm rạng danh nền mỹ thuật nước nhà và nổi tiếng rộng khắp năm châu. Những họa phẩm vẽ lụa kinh điển của nhà danh họa bậc thầy Nguyễn Phan Chánh còn đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trên thế giới. Đó là tài sản văn hóa nghệ thuật vô giá, là niềm tự hào cho nghệ thuật vẽ tranh lụa dân tộc, rất cần cho thế hệ mỹ thuật hậu duệ nghiên cứu học tập.

Nguyễn Thanh