Trần Quang Châu
(Vanchuongphuongnam.vn) – Lần lượt qua từng trang sách, những cuộc tình, những mảnh đời rất thật, rất ấn tượng xuất hiện bằng những con chữ cực kỳ đơn giản mà thi vị, đậm chất bình dân mà phong phú.
“Em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em hái mẹ già thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa…”
(Nguyễn Bính)
Trong giai đoạn lịch sử văn hóa còn nặng mùi phong kiến. Có người cho rằng: Lỡ bước sang ngang của thi sĩ Nguyễn Bính như một bản tuyên ngôn về nữ quyền. Khi mà quyền lợi của người phụ nữ còn nhiều hạn chế. Nhà thơ với phong cách của “hương đồng gió nội “ đã trăn trở, thảng thốt cất lên tiếng lòng thê thiết, gióng một hồi chuông báo thức, hy vọng nói lên được ít nhiều thân phận người phụ nữ. Cũng như sẻ chia những thiệt thòi, thiếu vắng, mà hoàn cảnh xã hội đã đẩy đưa người đàn bà đến bến bờ mông muội.
Truyền thống người phụ nữ Việt Nam, qua bao thời kỳ, đã oanh liệt đi vào lịch sử. Có lẽ sẽ không nhầm, khi vai trò của người đàn bà được hình tượng hóa qua biểu tượng Đôi bàn tay mẹ. Như là bệ phóng để đưa những đứa con thân yêu của mình tồn tại trong thế giới sinh học tự nhiên của loài người.
Tôi xin phép, ngày xuân mượn những dòng thơ:“Hai ta lưu lạc phương Nam ấy – Đã mấy mùa qua én nhạn bay”– của thi sĩ Nguyễn Bính, nhà thơ nổi tiếng cực kỳ chân quê này. Để nói lên sự gần gũi chân chất của phần đông những con người bình dân, xuất hiện thường trực trong đời sống hàng ngày của người mẹ phương Nam, trong tác phẩm Đôi bàn tay mẹ của nhà văn trẻ Hồ Xuân Đà, vừa được Nhà xuất bản Văn hóa – văn nghệ ấn hành tháng 01- 2020.
Dĩ nhiên giữa thơ ca và văn xuôi có một khoảng cách nhất định. Nhưng ngôn ngữ, âm phong dùng để diễn đạt, chuyển tải và truyền thông. Thì vẫn là những tiếng nói, từ suy nghĩ nơi cõi lòng, từ tư duy tri kiến, được thanh lọc qua một hệ thống nôm na gọi là trí tuệ. Cũng bằng, với chất giọng văn chương bình dị dễ hiểu, dễ cảm thông, tương tác, hòa đồng, xuyên suốt qua 24 tiểu truyện, viết về người Phụ nữ Việt Nam, được tác giả hình tượng công phu kết nối tạo thành một tập truyên ngắn giá trị, để cống hiến đến bạn đọc. Và, đây cũng là đứa con thứ 5 của Hồ Xuân Đà. Sau các tác phẩm: Khao khát bình yên (NXB HNV-2016), Trăng 16 (NXB TN-2017), Mùa xuân phía trước (NXB HNV-2018), Món quà của yêu thương (NXB, VHVN-2019).
Ảnh bìa tập truyện ngắn Đôi bàn tay mẹ của nhà văn Hồ Xuân Đà
Đôi bàn tay mẹ là tựa một tập truyện ngắn gồm 24 thân phận của những người phụ nữ. Được tác giả Hồ Xuân Đà nâng niu, chắt lọc tinh tế các tình tiết của nhiều câu chuyện thường xảy ra trong xã hội hiện đại, chị đã sáng tạo – hư cấu, linh động trình bày, diễn đạt dẫn dắt người đọc lần lượt đi qua từng hoàn cảnh rất gần gũi với đời thường. Giữa cuộc sống cực kỳ nhiễu nhương và bon chen của thời đại công nghệ 4.0 này! Khi mà, quyền lợi của người phụ nữ còn luôn luôn bị đe dọa.
Phải chăng thiên chức của mọi người đàn bà trên hành tinh này là phải cố gắng nhẫn nại và chịu đựng!
Phải chăng đó là một nguyên lý hữu cơ để sinh tồn và duy trì chủng loại!
Tôi thật sự ray rức và cảm phục. Khi biết rằng tác giả có chủ ý lấy chủ đề của một truyện ngắn, trong 24 câu chuyện kể của mình làm tựa sách: Đôi bàn tay mẹ. Suy cho cùng, trong đó có những truyện: Ước mơ của Nguyệt – Ngày biển động – Cơn mưa giờ tan trường – Cơn đau bất chợt hay Những mảnh ghép cuộc đời, hoặc Nghe ra thác đổ. Qua những truyện ngắn này, cũng dễ dàng thuyết phục và lay động đến sâu thẳm lòng người, đủ xúc cảm để lấy đi đôi giọt nước mắt, khi cùng với tác giả ngồi im lặng, lắng nghe từng cơn đau đang bào mòn dần dần thân xác.
Tôi tin chắc rằng, khi chúng ta có được cơ duyên đến với Đôi bàn tay mẹ, đều có chung suy nghĩ và liên tưởng tác giả là một người phụ nữ đầy tâm trạng, đã trải nghiệm qua rất nhiều hoàn cảnh khổ đau và như một chứng nhân tâm huyết trong từng giai đoạn của thời cuộc. Hồ Xuân Đà đã làm một cuộc đại phẫu, phân khúc những hoàn cảnh, những cám dỗ, chia thành từng lát cắt tinh vi, dọn sẵn cho người đọc những món ăn ngon, thi vị và dễ dàng tiêu hóa.
Cùng đồng hành với tác giả Đôi bàn tay mẹ, để lẫn lộn trong từng cơn cuộc thú vị mà ray rức, triền miên bất hạnh mà vẫn yêu đời. Một nỗi bi quan chân thực về kiếp con người, vậy mà vẫn cứ khao khát, muốn sống, muốn tồn tại, muốn cố gắng chiến đấu, nỗ lực vươn lên với cuộc đời. Sự chịu đựng, đến mãnh liệt và lạc quan để xây dựng tương lai cho trẻ thơ. Tinh thần chấp nhận, để mong được bao dung tha thứ. Tình yêu bao la của người phụ nữ Á Đông nói chung và người phụ nữ Việt Nam nói riêng, lần lượt xuất hiện qua từng chi tiết của mỗi hoàn cảnh, trong mọi gia đình, xã hội mà chúng ta đã và đang sống. Được nhà văn Hồ Xuân Đà, diễn đạt qua từng câu chuyện kể nhẹ nhàng tự nhiên mà sâu sắc vừa đủ để làm xao động lòng người. Tác giả đã miệt mài trên từng trang viết, như đang chuyện trò, tâm sự với người đọc, vẽ lên chân dung từng cuộc sống, minh họa cho những khổ đau bất hạnh của một kiếp con người, bằng những thước phim quay rất chậm của từng hoạt cảnh mà chúng ta luôn đối diện trong đời sống hôm nay.
Arthur Schopenhauer đã nói về “Tình yêu và Sự chết”. Những yêu tố duy lý về siêu hình ấy, cũng chỉ duy nhất, với mong muốn thu hút sự quan tâm chú ý của xã hội con người qua bao thời đại, để được nuôi dưỡng và sinh tồn.
Ngược lại ở Hồ Xuân Đà, chị đã tận dụng sự hiểu biết sẵn có, qua chứng nghiệm và truyền cảm hứng đến người đọc, bằng những thông tin thuyết phục, bằng ngữ điệu gần gũi bình dân, giản dị, không cầu kỳ, hoàn toàn không mang màu sắc triết lý siêu hình sâu xa. Nhưng vẫn có thể tác động đến độc giả, phản chiếu sự hiện thực và truyền đi những ý niệm về cuộc sống, luôn luôn biến dịch theo thời gian. Bằng sự đối diện với thực thể hiện hữu, của duy ý chí, của tinh thần nhân bản, để bảo vệ và duy trì sự tồn lưu của một chủng loại con người. Đó là: Sự vĩ đại của người m ẹ. Sự mênh mông biển cả của tình mẫu tử.
Lần lượt qua từng trang sách, những cuộc tình, những mảnh đời rất thật, rất ấn tượng xuất hiện bằng những con chữ cực kỳ đơn giản mà thi vị, đậm chất bình dân mà phong phú. Có những mảnh đời suốt ngày lam lũ vì mưu sinh, quên đi những nhu cầu tất yếu của bản thân. Để rồi, khi giật mình nhìn lại thì đau xót trước một hệ quả phũ phàng. Đó là tâm trạng của người phụ nữ trong “Quán hủ tiếu đêm”. Hay chúng ta, tình cờ bắt gặp một tinh yêu cao quý, thánh thiện của Ngọc trong “Cơn đau bất chợt”. Hoặc đôi khi, sự kiên nhẫn của con người vượt qua giới hạn kiềm chế, không còn chịu đựng nổi sự ghen tuông vô lý như trong “Vì đó là em”. Tôi buông lỏng bản thân, thả trôi theo nguồn cơn cảm xúc, qua từng câu chuyện kể trong Đôi bàn tay mẹ. Người phụ nữ có những góc khuất tâm lý, bản ngã cần lắm sự trân trọng và thấu cảm.
Chân dung nhà văn Hồ Xuân Đà
Điều làm cho tôi đau đáu suy nghĩ và ý thức rằng tác giả Hồ Xuân Đà chắc phải áp sát lồng ngực của mình vào từng trạng thái của mỗi hoàn cảnh để cho nhịp đập của trái tim đủ ấm và được thuần hóa theo những cảm xúc mà chỉ có người trong cuộc mới rung động, thấm thấu đến sự vô cùng.
Vâng! Chỉ có người trong cuộc, mới rưng rức cõi lòng trước nỗi đau buồn tưởng rằng không lối thoát của Nguyệt, khi hay tin chồng mình nhập viện vì căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối! Và Nguyệt đã phải gắn gượng sống, như vô thức suốt một thời gian dài, sau cái chết của người chồng bất hạnh. Sự thay đổi đôt ngột đến tàn nhẫn ấy, đã cướp đi hạnh phúc vừa đầy ắp trên tay… Trong một câu chuyện đắng lòng (Đồi cát).
Hình như, nhà văn Hồ Xuân Đà, đã trải và chứng nghiệm một cuộc sống vốn dĩ luôn luôn bất toàn. Nên chị sẵn sàng chia sẻ với chúng ta từng nỗi đau, từng cơn cuộc vui buồn, mà người phụ nữ thường thường là nạn nhân trong những cuộc ly hôn. Nơi đó trách nhiệm của người mẹ, chỉ duy nhất là vì con. Vì tình yêu thương các con, mà các nh ân vật trong tác phẩm không ngần ngại hy sinh cả hạnh phúc của bản thân mình, chấp nhận búa rìu của dư luận, hay những đêm dài không ngủ vì trăn trở. Để quên đi những phân vân mặc cảm, những cám dỗ vật chất của chốn phù hoa. Để mong cầu được bình yên trọn vẹn với niềm tin hy vọng nơi hai con ở chiều dài tương lai phía trước. Đó là những suy tư đáng nhớ trong “Khi nhà vắng cha”. Tác giả đã phơi bày tất cả mặt trái của nội tâm và chấp nhận thất bại, để lac quan vươn lên và hy vọng. Một người phụ nữ với nỗi niềm gồng gánh trách nhiệm trong cả hai thân phận để làm mẹ làm cha, cũng chỉ vì hạnh phúc của các con. Ở truyện này, cũng như phần nhiều các chuyện kể trong Đôi bàn tay mẹ. Người đọc như cảm giác đó là hoàn cảnh, là tâm trạng của nhân vật tôi, mà người viết cố tình sử dụng.
“Tôi rất thích được đi ra phố, ngồi nơi một góc quán quen, chọn một vị trí có thể quan sát hết tất cả sự náo nhiệt của một thành phố luôn thay đổi… “ (Gọi giấc mơ về). Phải chăng? Tác giả thường giấu mình trong một chu vi giới hạn, ngăn cách giữa những bức tường thành kiến, giáo điều. Nên đôi khi Hồ Xuân Đà muốn được thoát ra, muốn được giải phóng cái nội tâm u uẩn ấy. Vâng! Cũng như tác giả, chúng ta có thể chấm dứt sự khốn cùng này lập tức hay không? Chúng ta có thể thoát ra ngoài cơn sóng đang dâng tràn của sự hỗn mang và đau khổ này không? Hay là sự hỗn loạn tiếp tục xảy ra, sự thống khổ vẫn cứ tiếp tục xảy ra trên cõi đời này và chúng ta tìm mọi cách nương náu vào một mái ấm gia đình, ẩn mình trong những giáo điều thánh thiện.
Từ trong ngôi nhà định kiến đó. Tác giả lại giật mình thảng thốt kêu lên “Chẳng có gì hay ho, tài giỏi, khi không thể giữ nổi và vun vén một mái ấm gia đình. Cô lặng lẽ khóc trong màn đêm, khi ấy cô thường mơ đến bàn tay một người đàn ông nào đó, vuốt mái tóc cô, lau những giọt nước mắt đang âm thầm lăn dài trên má” (Dấu chấm than).
Đúng vậy! Ở đó, chính là sự mâu thuẫn vẫn thường xuất hiện khi mà chúng ta so đo lòng trắc ẩn, dù tri thức về triết lý vi diệu có sâu xa đến đâu. Những ý tưởng và kinh nghiệm thần bí có cao siêu đến đâu, nó cũng giống như những sợi tóc trong không gian vô cùng và khái niệm nổi loạn liên tục va chạm vào nhau, như những giọt nước đang rơi vào mênh mông vực thẳm. “Nỗi mâu thuẫn nội tại này là một sự kiện, chứ không phải một nhị thuyết siêu hình học. Vì siêu hình học, chẳng có nghĩa gì cả trong việc tìm hiểu cái đang là” – J. Krishnamurti, đã hơn một nhắn nhủ với chúng ta như vậy.
Hóa ra, tâm trạng của người nghệ sĩ, luôn luôn trăn trở, những xung đột nội tâm ấy, vô tình tạo ra một nguồn năng lượng dồi dào cho Hồ Xuân Đà. Và chị đã không ngần ngại sử dụng quy luật đó, như là những cơ hội thuận tiện để sáng tạo và hoà đồng cái bản ngã như nhiên của mình trong thế giới tồn sinh của nhân loại. Cảm giác này hình như Bác sĩ Suzuki đã xác nhận: “Thế giới nghệ sĩ là thế giới của sáng tạo tự do. Điều này có thể đến từ những trực giác trực tiếp và tức thời khởi lên, từ hiện thực tính vạn vật, không bị ngăn cản bởi giác quan hay trí năng”.
Qua đó, chúng ta có thời gian cảm nhận và lắng nghe sự thao thức của những cơn đau, để biết rằng mình đang âm thầm xê dịch những bước chân cùng đồng hành với nhà văn Hồ Xuân Đà, để được hâm nóng thêm lòng yêu thương vô bờ bến và hiếu rằng thế giới của những người Phụ nữ luôn luôn kỳ diệu, sâu xa và bí ẩn đến vô cùng trong “Đôi bàn tay mẹ”.
Thật không sai, khi có người nói rằng: “Hãy thử làm mẹ một ngày, đàn ông sẽ thấy được nỗi khổ của phụ nữ như thế nào. Hãy tự nuôi con một năm để thấm thấu những gian nan mà người đàn bà đã phải gánh chịu”. Biểu tượng Đôi bàn tay mẹ – hình như là một bệ phóng, tạo điều kiện để tác giả Hồ Xuân Đà có không gian và phương tiện, sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật và truyền đi những đứa con tinh thần của mình đến với bạn đọc xa gần trên mọi miền đất nước, góp lên tiếng nói về bìnhđẳng giới trong thời đại chúng ta hôm nay.
T.Q.C
Hội viên Hội nhà văn Tp Hồ Chí Minh