Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã sống một cuộc đời kẻ sĩ

874

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp (1911-2006) trở thành nhân vật chính được miêu tả khá sắc nét trong tập truyện ký “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ”.


Cuốn sách “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ” do NXB Thanh Niên ấn hành.

Bác sĩ Trần Hữu Nghiệp sinh năm 1911, trong một gia đình nông dân ở Ba Tri – Bến Tre. Thế nhưng, sự ham học và chí cầu tiến đã đưa ông vượt khỏi kênh rạch xứ dừa, để trở thành một tên tuổi trong nền y học cách mạng Việt Nam.

Tốt nghiệp Trường Y khoa Đông Dương, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rời Hà Nội sang Pháp tu nghiệp rồi về Mỹ Tho năm 1937, và mở phòng mạch tư. Kết hôn với bà Lê Thị Nhi vào năm 1938, và có ba người con Trần Hữu Kim Dung, Trần Hữu Trí và Trần Hữu Dũng, cứ tưởng cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp ôm ấp trong chăn ấm nệm êm.

Vậy mà, khi kháng chiến Nam bộ bùng nổ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp lên đường theo tiếng gọi non sông. Tháng 3/1946, ông vượt biển ra Hà Nội để gặp các lãnh đạo trung ương và quay lại miền Năm đào tạo cán bộ y tế phục vụ chiến trường.

Năm 1948, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tái hôn với bác sĩ Nguyễn Ngọc Lê và có thêm ba người con Trần Kiều Dung, Trần Kiều Miên và Trần Kiều Lan.

Năm 1954, bác sĩ lại tập kết ra Bắc và làm Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế. Năm 1965, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp vào Căn cứ Trung ương Cục miền Nam đảm nhận vị trí Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Y tế trung – cao cấp. Sau ngày 30/4/1975, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp tham gia quản lý Sở Y tế TPHCM trước khi nghỉ hưu.

Năm 2006, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp qua đời ở tuổi 95, Viện sĩ Dương Quang Trung đánh giá: “Cuộc đời bác sĩ Trần Hữu Nghiệp rất trong sáng, được ví như kẻ sĩ Gia Định”.

Phác thảo chân dung bác sĩ Trần Hữu Nghiệp qua tập truyện ký “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ”, cũng xem như một sự can đảm của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm. Bởi lẽ, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp không chỉ là một Thầy thuốc Nhân dân mà còn là một người cầm bút chuyên nghiệp. Từ năm 1943, bác sĩ Trần Hữu Nghiệp đã có cuốn sách “Phép nuôi con”. Sau này, suốt quá trình hoạt động cách mạng, ông vẫn thường xuyên viết báo với bút danh Hằng Ngôn.

Ngoài các cuốn sách liên quan đến ngành y, như ”Chữa bệnh cho con khi xa thầy thuốc”, “Chủ động bảo vệ hạnh phúc gia đình”, ”Nói chuyện với người uống rượu”, ”Nói chuyện với người hút thuốc”… bác sĩ Trần Hữu Nghiệp còn có hồi ký “Thời gian trong mắt tôi” được đánh giá rất cao về phẩm chất tư liệu lẫn phẩm chất văn chương.

Ngày 13/3 vừa qua, một con đường mang tên Trần Hữu Nghiệp đã xuất hiện tại TPHCM. Và bây giờ, có tập truyện ký “Trần Hữu Nghiệp – Đời là kẻ sĩ” của nhà văn Đỗ Viết Nghiệm góp phần vinh danh một bác sĩ đáng kính trong lịch sử y học Việt Nam.

Theo Nông nghiệp Việt Nam