“Giàn thiên lý” – Tản văn của Phạm Văn Hoanh

892


Nhà văn Phạm Văn Hoanh.

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chiều nay, nơi đất khách quê người, chợt nhìn thấy giàn hoa thiên lý nhà ai đang nở rộ lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả. Đứng dưới giàn hoa tôi hít một hơi thật dài căng lồng ngực cho khuây khỏa nỗi nhớ về cố hương. Chao ôi, mùi hương hoa thiên lý dịu ngọt, thanh khiết làm cho đầu óc tôi sảng khoái hẳn ra! Kỷ niệm về giàn thiên lý lại ùa về trước mắt tôi như một thước phim quay chậm.

Quê tôi ngày xưa người ta trồng hoa thiên lý chủ yếu để bán, còn cha mẹ  tôi trồng hoa thiên lý để thơm nhà, thơm cửa và để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Ngày nay hình như quê tôi không còn mấy ai trồng hoa thiên lý nữa, ngoài cha mẹ tôi.

Dây thiên lý thuộc loài dây leo, thân hóa gỗ, không tua cuốn, leo bằng ngọn, thân mềm, nhiều nhánh, sống lâu năm. Dây thiên thiên lý là loại dây dễ trồng, không kén đất. Cuối đông chỉ cần cắt cành khoảng hai gang tay giâm vào đất, một tuần lễ là nảy mầm. Sau đó tưới nước, bón phân, cắm vè, làm giàn cho cây con leo. Những người kinh tế khá giả thì làm giàn bằng dây kẽm, dây cước. Những người kinh tế khó khăn thì làm giàn bằng tre, trúc. Sau những làn mưa xuân lất phất, những mầm non nhú ra đan chặt vào nhau bò tua tủa trên giàn tre, giàn trúc… Những chiếc lá hình trái tim xòe ra xanh mơn mởn, rồi đổi màu xanh lục. Từ tháng tư trở đi, hoa thiên lý ẩn mình trong lá, màu vàng xanh nhạt, thoang thoảng hương thơm khi chiều buông xuống. Ngày hè hoa quyến rũ đàn ong. Ong rất thích mật hoa thiên lý, cứ vo ve tranh giành nhau từng bông hoa suốt ngày.

Tuổi thơ tôi gắn bó với hoa thiên lý. Những đêm hè cha con tôi thường đem chõng tre ra ngồi ngắm trăng, sao dưới giàn hoa thiên lý. Đêm nào cha cũng kể cho tôi nghe những câu chuyện liên quan đến nó. Đặc biệt câu chuyện “Dưới giàn thiên lý” của nhà văn Thạch Lam, cha tôi kể không sót một chữ. Và những trưa hè bọn trẻ con chúng tôi cả trai lẫn gái mải mê hái hoa thiên lý chơi trò bán hàng, trò cô dâu chú rễ… Lớn lên một chút, tôi thường hái hoa thiên lý để giúp mẹ nấu canh. Hoa thiên lý nấu canh ăn vừa ngon, vừa bổ. Cha tôi nói: “Theo sách Đông y hoa thiên lý có vị ngọt, tính bình, giải nhiệt, chống rôm sẩy, có tác dụng an thần giúp ngủ ngon. Còn theo khoa học thì hoa thiên lý chứa nhiều chất đạm, bột, đường, nhiều vi ta min C, B1, B2, PP… cùng nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể như can xi, phốt pho, sắt, kẽm… Vì vậy hoa thiên lý rất bổ dưỡng, giúp trẻ em nhanh lớn, người già giảm chứng phì đại tuyến tiền liệt, chữa bệnh trĩ, tăng sức đề kháng cho cơ thể và chữa được một số bệnh khác”. Thật vậy hoa thiên lý nấu canh với thịt bò hoặc thịt heo nạc ăn vào tối ngủ rất ngon giấc. Nhưng ngày xưa nhà tôi ít khi nấu canh hoa thiên lý với hai thứ ấy.

Mùa hè trời oi bức, bữa cơm trưa có bát canh hoa thiên lý sẽ cởi bỏ hết cái nắng hạ và cái hiền hoà của cuộc sống mới giản dị làm sao!

Tôi thích sự giản dị của hoa thiên lý và hương thơm dìu dịu thanh khiết của nó, một loài hoa không phô trương mà quyến rũ, một loài hoa mỗi khi ăn vào, hay nghe mùi hương thoang thoảng, hoặc nghe một khúc nhạc mang tên “giàn thiên lý” ta lại nhớ về quê hương, nhớ về kỉ niệm một thời thơ ấu.

P.V.H